Header Ads

Ấn Độ - Thái Bình Dương: Sân Chơi Của Vũ Lực


Trong tuần lễ vừa qua, chiến hạm USS Hopper của Hoa Kỳ đã thực hiện một hải vụ theo nguyên tắc Tự Do Hàng Hải (Freedom of Navigation Operation - FONOP) đi ngang qua đảo Scarborough Shoal (Hoàng Nham Đảo) trong vòng 12 hải lý.  Đảo này là nơi hiện đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Cộng (TC) và Phi Luật Tân (Philippines) ở Biển Đông. Trong khi báo chí TC lên tiếng chỉ trích cũng như hăm dọa thì một nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ gọi đây là một cuộc hải hành không cố ý (innocent passage). Trên tờ National Interest, nhà bình luận Gordon Chang đã phê bình lời tuyên bố của Hoa Kỳ và xem đây là lời “tự đánh bại (self-defeating)” vì vô tình đã hàm ý công nhận chủ quyền của TC ở hòn đảo này, mặc dù tòa án quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận điều đó.

Với sự bành trướng về phương diện quân sự của TC và những hành động xâm lấn của họ trong vùng Biển Đông, lan qua vùng Ấn Độ Dương đã khiến tình hình trong vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành nơi phô trương vũ khí hay sân chơi của vũ lực. Trong sân chơi này, chỉ cần một bên, vô tình hay cố ý, nổ một phát súng hoặc một va chạm trên không hay dưới biển thì cuộc chiến rất có thể sẽ xảy ra giữa các quốc gia đang có mặt trong khu vực.

Trung Cộng

Hàng ngày, báo chí TC, do chính phủ kiểm soát và điều hành, đều lên tiếng quảng bá về sức mạnh của quân đội TC cũng như hoan nghênh việc TC đưa các phản lực cơ chiến đấu tối tân như Su-35 và J-20 đến các đảo đang chiếm đóng ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của TC trên các hòn đảo này. Đây là một trò chơi tâm lý nhắm vào quần chúng Hoa Kỳ, với hy vọng rằng dân chúng Mỹ vì thế sẽ không muốn có chiến tranh với TC, vì lo ngại sẽ xảy ra thiệt hại lớn lao về nhân mạng. Trong lịch sử thì ván bài tâm lý này có hiệu quả, điển hình là trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Song song với việc tuyên truyền về vũ lực, TC vẫn âm thầm kiến tạo các đảo hiện đang chiếm đóng để biến chúng trở thành tiền đồn quân sự. Theo thông tin được loan đi từ báo chí cũng như giới chức cao cấp của Hoa Kỳ thì TC hiện đã quân sự hóa bẩy (7) hòn đảo, thiên nhiên và nhân tạo, ở vùng Biển Đông. Đồng thời chiến hạm và tàu ngầm của TC cũng được phát hiện ở vùng biển giữa Nhật Bản và TC cũng như ở Ấn Độ Dương.

Một nhân viên cao cấp mang "Quả Banh"
Mấy ngày qua có tin về sự "va chạm" vì hiểu lầm giữa nhân viên an ninh TC và Hoa Kỳ trong cuộc công du Á Châu vừa qua của tổng thống Donald Trump. Sự việc xảy ra khi một nhân viên an ninh của TC ngăn chặn một nhân viên cao cấp tháp tùng tổng thống và có nhiệm vụ giữ chiếc cặp có đựng bộ phận phát tín hiệu phóng hỏa tiễn nguyên tử, thường được gọi "Football - Quả Banh". "Quả Banh" này luôn luôn được mang theo bên cạnh Tổng Thống Hoa Kỳ mỗi khi di chuyển ra khỏi phòng làm việc ở tòa Bạch Ốc (White House).  Việc ngăn chặn một người có nhiệm vụ mang "Quả Banh" này là một hành động phản ngoại giao, hay đúng ra là một hành động ngu xuẩn vì hàm ý gây chiến. Đây là lần thứ hai TC có ý "thử" xem phía Hoa Kỳ hành động như thế nào khi họ giở trò "du côn" như vậy. Lần trước, thời Tổng Thống Obama, họ đã buộc Obama phải ra khỏi chiếc máy bay Air Force One bằng cửa sau, nhưng phía Hoa Kỳ chịu lép vế. Đây là một hành động sỉ nhục quốc gia Hoa Kỳ, vì chiếc máy bay Air Force One tượng trưng cho quốc gia. Lần này thì nhân viên bảo vệ Tổng Thống Donald Trump đã nhảy vào can thiệp và cả hai bên, hiện nay, đều cố giải thích là "không có việc nhân viên bảo vệ tổng thống Hoa Kỳ (Secret Service) đã vật nhào (tackled to the ground) nhân viên an ninh TC xuống đất trong vụ đụng chạm này." Phía bên TC cũng giải thích và lên tiếng xin lỗi cho là đây là một sự hiểu lầm (apologized to the Americans afterwards for the misunderstanding) và nhân viên an ninh của TC chưa hề chạm tay vào "Quả Banh" - never touch the Football.

Các Quốc Gia Vùng Đông Nam Á Châu


Trong khi Singapore đang cố gắng kêu gọi các thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia ở Đông Nam Á Châu (ASEAN) cùng nhau bàn thảo về bản Quy Tắc Ứng Xử ở biển Đông thì TC lại phô trương lực lượng trên không bằng các cuộc tập trận bằng máy bay phản lực chiến đấu tối tân như Su-35 và J-20, và Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố rằng các cuộc tập trận trên đất liền, biển và trên không sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Lời răn đe này của họ Tập hiển nhiên cho thấy rằng nếu các quốc gia của ASEAN có bàn luận gì về một Bản Quy Tắc Ứng Xử trên biển Đông thì cũng không được đụng chạm tới quyền lợi của TC ở vùng này. Điều khó khăn cho khối ASEAN là Bắc Kinh đã khẳng định họ có chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông gây tranh chấp với các quốc gia thành viên của ASEAN như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại là không một quốc gia nào trong khối ASEAN có lực lượng Hải Quân và Không Quân có thể đối đầu với TC. Thế cho nên các quốc gia này phải liên kết chặt chẽ với nhau đồng thời tìm đồng minh ở các quốc gia hùng mạnh và tăng cường vũ trang quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Điều này đưa đến cuộc chạy đua vũ trang trong vùng Biển Đông khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.

Tứ Cường (The Quad)


Trước hiểm họa TC, bốn quốc gia hùng mạnh có quyền lợi trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương là Úc, Ấn Độ, Nhật và Hoa Kỳ tái phối hợi khối Đối Thoại An Ninh Bốn Bên (The Quadrilateral Security Dialogue - gọi tắt là The Quad - Tứ Cường). Sự tái phối hợp của khối Tứ Cường với chủ trương giữ vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương được mở rộng và di chuyển tự do trên biển cũng như trên không. Ngoài việc tập trận chung, khối Tứ Cường còn đưa ra dự án "Xa Lộ Tự Do" để đối trọng với "Một Vòng Đai Một Con Đường" của TC. Tờ Japan Times cho biết chính phủ Nhật sẵn sàng dùng quỹ ODA (viện trợ phát triển hải ngoại) để hỗ trợ cho chương trình "Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự Do và Cởi Mở" (Free and Open Indo-Pacific Strategy).

Đô Đốc Harry Harris
Để thắt chặt mối liên hệ và trấn an chính phủ Úc, tổng thống Trump đã đề cử cựu Đô Đốc Harry Harris làm đại sứ Hoa Kỳ tại Úc. Cựu Đô Đốc Harris là cựu chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở vùng Thái Bình Dương và là người đã lên tiếng cảnh cáo mạnh mẽ về sự bành trướng của TC cũng như sự nguy hiểm về vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Trong một bài tường trình trước quốc hội, cựu Đô Đốc Harris đã nói về những hành động "xâm lược" và "đàn áp" của TC đối với các quốc gia nhỏ trong khu vực, và đưa ra lời khuyên là Hoa Kỳ phải chuẩn bị chiến tranh với TC. Điều này đã khiến báo chí TC, một công cụ tuyên truyền của nhà cầm quyền, đồng loạt lên tiếng chỉ trích và gọi ông là "kẻ hiếu chiến."

Đồng Minh Mới

Với phản ứng mạnh mẽ của khối Tứ Cường (The Quad), các quốc gia không thực sự có quyền lợi gì ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng có vẻ muốn "dự phần" hoặc "chọn đồng minh" trong cuộc tranh chấp về cả hai phương diện quân sự và kinh tế.

Gần đây, Canada đã cho biết tàu ngầm của quốc gia họ đã có mặt trong vùng biển Thái Bình Dương, nhưng tránh những lời nói liên hệ đến những tranh chấp chủ quyền trong vùng.

Pháp lúc nào cũng muốn trở lại vùng thuộc địa cũ, nên đã lên tiếng hợp tác chiến lược cũng như bán vũ khí quốc phòng cho Việt Nam, tương tự như Mỹ, Úc và Ấn Độ đã đưa ra những chương trình hoặc cổ động cho việc cung cấp vũ khí quốc phòng cho các quốc gia nhỏ trong vùng. Hôm giữa tháng Hai, chính phủ Pháp tuyên bố thủ tướng Macron sẽ viếng thăm Ấn Độ trong tháng Ba tới đây, và trong dịp này sẽ ký kết thỏa ước về việc sử dụng hải cảng giữa hai quốc gia cho phép tàu của Pháp có thể đậu ở các hải cảng của Ấn Độ để sửa chữa và nhận thêm tiếp liệu. Đối lại, tàu của Ấn Độ sẽ được dùng các hải cảng quân sự của Pháp trong vùng Ấn Độ Dương.

HMS Sutherland
Gần đây nhất là Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh, Gavin Williamson, tuyên bố sẽ đưa một chiến hạm của Hải Quân Hoàng Gia Anh, HMS Sutherland (tương đương với loại khu trục hạm của Mỹ), đến Thái Bình Dương để ủng hộ Hải Quân Hoa Kỳ trong việc thi hành Tự Do Hàng Hải (FONOP) ở khu vực này. Bộ trưởng Williamson tuyên bố HQ Hoàng Gia Anh "có quyền tự do hải hành trên tất cả các vùng biển quốc tế." Sự kiện này rất quan trọng vì HQ Anh là một trong những HQ hàng đầu trên thế giới. TC đã lên tiếng phản đối và cho rằng "Anh chỉ muốn gây tiếng vang để được chú ý đến mà thôi."

Nếu có Hải Chiến

Hầu hết những tin tức được loan truyền trên Internet gần đây đều dựa theo những bài tuyên truyền trên báo chí TC do chính quyền TC điều khiển. Thế nhưng nếu có một chút hiểu biết về lực lượng HQ thì sẽ biết rằng tất cả lực lượng HQ trên toàn thế giới, kể cả Nga, gộp chung lại cũng chưa thể sánh ngang với HQ Hoa Kỳ. Đó là chưa kể đến những chiến hạm và vũ khí tối tân được trang bị trên những chiến hạm đó. Quan trọng nhất là Hàng Không Mẫu Hạm, khu trục hạm và tàu ngầm. Tất cả tàu ngầm và Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ đều vận chuyển bằng năng lượng nguyên tử, có nghĩa là di chuyển vài năm trên biển không cần tiếp tế nhiên liệu. Tất cả tàu bè của TC chỉ chạy được tối đa là vài chục ngàn hải lý là hết nhiên liệu.

Khu trục hạm USS Zumwalt

Trang bị trên khu trục hạm Zumwalt
Có hai bài báo bàn luận về việc "Quốc gia nào sẽ thắng trận trên biển" cho thấy rằng nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ là cảnh "địa ngục trần gian - hell on earth", và kết quả các chiếc khu trục hạm của Mỹ, như chiếc Zumwalt, sẽ phải về đậu ở Hải Quân Công Xưởng để sửa chữa, và tất cả các chiến hạm và thủy thủ đoàn của Hải Quân Trung Cộng đều nằm yên dưới lòng biển.

Lâm Viên

Đọc thêm:

Admiral Who Pushed Hard Against Chinese Regime’s Aggression Chosen by Trump to Be Ambassador to Australia
https://www.theepochtimes.com/admiral-who-pushed-hard-against-chinese-regimes-aggression-chosen-by-trump-to-be-ambassador-to-australia_2437960.html

Exposed: Why China Would Lose a War against America
https://www.yahoo.com/news/exposed-why-china-lose-war-150700409.html

Who would win a fight between American and Chinese destroyers
http://www.wearethemighty.com/gear-tech/who-would-win-a-fight-between-american-and-chinese-destroyers

Quadrilateral Security Dialogue
https://en.wikipedia.org/wiki/Quadrilateral_Security_Dialogue

Experts: US, India, Japan, Australia to Plan Actions on South China Sea
https://learningenglish.voanews.com/a/us-india-japan-australia-to-plan-actions-on-south-china-sea/4241884.html

Sự Lên, Xuống và Tái Sinh của "Tứ Cường" Trong Khu Vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
http://www.dslamvien.com/2017/12/su-len-xuong-va-tai-sinh-cua-tu-cuong.html

'Xa lộTự do' đối trọng 'Một Vành đai' của TQ?
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43116986

Hàng Không Mẫu Hạm Của Hải Quân Mỹ
http://www.dslamvien.com/2016/09/hang-khong-mau-ham-cua-hai-quan-my.html


Powered by Blogger.