Header Ads

Hàng Không Mẫu Hạm Của Hải Quân Mỹ

Với tiến bộ về kỹ thuật và sự tăng trưởng của chiến tranh đã thúc đẩy sự phát triển của Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH). Trước Thế Chiến II thì kích thước của HKMH đã được giới hạn bởi các hiệp ước quốc tế. Trong Thế chiến II thì kích thước của sân bay đã tăng trưởng thêm nhiều, đồng thời các hầm chứa cũng chật ních với máy bay chiến đấu, ném bom, và phóng ngư lôi (thuỷ lôi).

Trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, các HKMH đã ngày càng một lớn để chứa các máy bay phản lực lớn hơn, nặng hơn. Những "siêu" Mẫu Hạm có chiều dài hơn 1,000 feet, sân bay lớn, nằm tréo góc và có bọc sắt để máy bay phản lực có thể phóng lên và hạ cánh với tốc độ cao hơn.

Sự ra đời của động cơ hạt nhân (nguyên tử) trong những năm 1960 mở rộng hành trình hoạt động của HKMH. Ngoài ra, các kỹ thuật kiến tạo từng phần (modular construction techniques), kỹ nghệ hạt nhân tiên tiến, và các hệ thống phóng và thu hồi đã mở rộng vai trò của HKMH trong chiến tranh, kể cả những nhiệm vụ liên quan đến ngoại giao và nhân đạo.



Langley Class
Năm 1920 Hải Quân Hoa Kỳ (HQ HK) cải biến một tàu chuyên chở than đá thành một chiếc Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên có tên là USS Langley (số hiệu CV-1). Chiếc HKMH này là chiếc duy nhất trong kiểu này được kiến tạo và trở thành một bộ phận thử nghiệm đầu tiên về không lực của Hải Quân. Có tên hiệu là "tàu chở hàng", chiếc USS Langley đã phục vụ HQ HK trong nhiều nhiệm vụ khác nhau cho đến khi bị HQ Nhật đánh chìm vào năm 1942.

Thời gian hoạt động: 1922 – 1942
Số tàu: 1


Lexington Class
Hàng Không Mẫu Hạm USS Lexington (CV-2) và Saratoga (CV-3), mỗi chiếc có trọng tải 36,000 tấn và chỉ khác nhau ở phần đuôi tàu. Trong Thế Chiên II, cả hai HKMH đều dũng cảm phục vụ trong các trận chiến ở Thái Bình Dương, tuy nhiên chỉ có một chiếc sống sót sau chiến tranh.

Thời gian hoạt động: 1927 – 1946
Số tàu: 2


Ranger Class
Là chiếc HKMH duy nhất được kiến tạo trong kiểu này vào năm 1934, USS Ranger (CV-4) trở thành một HKMH đầu tiên của HK được kiến tạo với mục đích chuyên chở máy bay. Do việc kiến tạo bởi một dự án thiếu kinh nghiệm (không hoàn hảo) nên kết quả là một HKMH nhỏ và không mấy giá trị cho HQ. Bởi vì có vận tốc chậm nên nó chỉ tham chiến với nhiệm vụ thứ yếu ở Đại Tây Dương trong Thế Chiến II và bị phế bỏ ngay sau đó.  

Thời gian hoạt động: 1934 – 1946
Số tàu: 1



Yorktown Class
Trong thập niên 1930, HQ HK đã đặt mua 3 HKMH kiểu Yorktown, sau đó là 1 chiếc nhỏ hơn (gọn hơn) là USS Wasp (CV-7). Chiếc Yorktown có trọng tải 20,000 tấn có mức chuyên chở đáng kể là 96 chiếc máy bay. HKMH nổi tiếng nhất trong 4 chiếc là USS Enterprise (CV-6), chiếc duy nhất sống sót Thế Chiến II và đã tham dự hải chiến với HQ Nhật nhiều hơn tất cả các chiến hạm khác của HQ HK.

Thời gian hoạt động (Yorktown): 1937 – 1947; (Wasp): 1940 - 1942
Số tàu (Yorktown): 3 - (Wasp): 1



Essex Class
Trong Thế Chiến II, Hoa Kỳ đã rất hăng hái với việc chế tạo HKMH và những HKMH kiểu Essex đã trở thành một hạm đội chính trong thời gian này. Là thành quả của hai thập niên nghiên cứu và sử dụng, kiểu Essex có trọng tải khoảng 30, 000 tấn và chuyên chở được 100 máy bay. Tong thời chiến, 24 chiếc đã được kiến tạo và nhiều chiếc vẫn còn được sử dụng vài chục năm sau nữa, sau khi đã được tu bổ và tối tân hoá.

Thời gian hoạt động: 1942 – 1991
Số tàu: 24


Independence Class
Khởi đầu Thế Chiến II, HQ HK cần thêm nhiều HKMH, thế cho nên kiểu Independence đã được kiến tạo dựa trên kiến trúc của tuần dương hạm kiểu Cleveland có vận tốc tương đương với hạm đội sẵn có. HQ HK đặt mua 9 chiếc HKMH kiểu này trong năm 1943. Tất cả những chiếc này đều tham chiến ở Thái Bình Dương. Sau chiến tranh, một vài chiếc còn được sử dụng, như hầu hết đã bị phế bỏ.

Thời gian hoạt động: 1943 – 1970 
Số tàu: 9


Escort Class
Trong Thế Chiến II, kỹ nghệ đóng tàu của Hoa Kỳ đã sản xuất một số lượng khổng lồ là 122 chiếc HKMH kiểu Escort với 6 loại khác nhau. Trong khi những chiếc "em bé đầu phẳng" (baby flattops) được kiến tạo dựa trên thân tàu buôn (dân sự), những chiếc khác được kiến tạo theo kiểu xà lan (chuyên chở xe qua sông , biển). Nhiều nhất là kiểu Casablanca được kiến tạo bởi nhà kiến tạo Henry Kaiser. Mặc dù HQ HK xem đó là tàu có vân tốc chậm, nhưng nó đã chống lại được những chiếc U-boat của Đức Quốc Xã và giúp chuyên chở nhiều máy bay đến tham chiến ở Thái Bình Dương. 

Thời gian hoạt động: 1943-1970
Số tàu: 122


Midway Class
Sau khi chấm dứt Thế Chiến II, HQ HK cho ra HKMH hạng nặng kiểu Midway. Chiếc lớn nhất có trọng tải 45,000 tấn, đây là loại cuối cùng trong hạm đội HQ HK có kiểu sân bay thẳng. Kích thước to lớn của nó là công cụ cho việc chứa các máy bay lớn sẽ được sử dụng trong thời chiến tranh lạnh. Với nhiều tu sửa, cả ba loại thuộc kiểu tàu Midway đã phục vụ trong cả chiến tranh và hòa bình cho đến đầu năm 1990.

Thời gian hoạt động: 1945 – 1992
Số tàu: 3



Forrestal Class
Sự xuất hiện của HKMH USS Forrestal (CV-59) năm 1955 khởi đầu cho loại "siêu" HKMH của HK. Tám chiếc được kiến tạo trong hai thập niên 1950 và 1960 thuộc kiểu Forrestal hoặc được cải tiến. Mặc dù chỉ dài hơn kiểu Midway 100 feet, chúng có trọng tải 25% nhiều hơn và có sân bay tréo góc (không thẳng như các kiểu trước đó). Chiếc Forrestal cho thấy rằng việc kiến tạo HKMH dưới 50,000 tấn là không thực tế. Kiểu này cũng là kiểu HKMH sau cùng của HQ HK dùng máy cánh quạt thông thường để di chuyển.

Thời gian hoạt động: Forrestal: 1955 – 1998 ; Kitty Hawk: 1961 – 2009
Số tàu: Forrestal: 4 ; Kitty Hawk: 3


Enterprise Class
Chiếc USS Enterprise (CVAN-65) được bắt đầu sử dụng năm 1962 và là chiếc HKMH đầu tiên dùng sức đẩy bằng máy phản ứng hạt nhân (nguyên tử). Tám máy nguyên tử lực được dùng để tạo lực đẩy cho chiếc HKMH này. Về hình dạng thì gần giống như chiếc Forrestal. Đây là chiếc HKMH duy nhất được kiến tạo theo kiểu Enterprise. Tuy thế nó cũng được sử dụng với một tính cách rất đặc biệt cho đến năm 2013, với 51 năm hoạt động liên tục.

Thời gian hoạt động: 1961-2012
Số tàu: 1


Nimitz Class
Là loại "siêu" HKMH, tất cả HKMH của hạm đội HQ HK đều là tàu được kiến tạo theo kiểu Nitmitz. Mười chiếc bắt đầu được sử dụng từ thập niên 1970. Sự sáng chế ra máy phản ứng hạt nhân A4W đã cho phép HQ HK chỉ dùng 2 máy phản ứng hạt nhân thay vì phải dùng 8 máy như kiểu Enterprise. Ngoài ra với nhiều cải tiến qua nhiều thập niên, kiểu Nimitz trở thành những HKMH thành công vượt bực và còn được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của HK ở hải ngoại trong nhiều thập niên nữa. 

Thời gian hoạt động: 1975 - Hiện tại
Số tàu: 10


Ford Class
Lễ đặt tên cho chiếc USS Gerald R. Ford (CVN 78) mới đây đã mở màn cho một thế hệ mới của những chiếc siêu HKMH. Đây là chiếc đầu tiên được kiến trúc theo kiểu Ford. Đây là một kiến trúc hoàn toàn mới áp dụng lò phản ứng hạt nhân kiểu mới A1B, có năng lực gấp 3 lần kiểu A4W dùng trên các chiếc kiểu Nimitz. Lò phản ứng này cung cấp năng lượng cho hệ thống phóng máy bay Electromagnetic Aircraft Launch System (EMALS) thay cho hệ thống cũ dùng năng lực thuỷ điện và điện từ, giảm thiểu được số nhân viên (thuỷ thủ) trên tàu. Những HKMH kiểu Ford này có thể chuyên chở được 90 máy bay và là chiếc đầu tiên của HQ HK áp dụng kỹ thuật tàng hình (stealth technology), máy ra-đa không thể nhận diện được.

Thời gian hoạt động: 2015 (dự trù)
Số tàu: 10 (dự trù)


Bùi Phạm Thành
Lược dịch theo Gerald Ford Museum
Images Courtesy of Stanley Stokes and the Navy Art Collection, Washington Navy Yards
Powered by Blogger.