Header Ads

Lang Thang Hà Nội ... Đê


Mấy hôm nay trời mát, già Tuấn hứng chí xách xe máy chạy lang thang lên hệ thống đê chằng chịt bên bờ sông Đáy ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Dọc theo những con đê này là cảnh làng mạc, vườn ruộng. Đất vàng, nhà tranh vách liếp bây giờ không còn nữa, chỉ thấy liền liền những nhà ngói, trung bình cao từ 3 đến 5 tầng, mọc lên san sát ở khắp các làng quê. Cảnh xưa còn lại là những ngôi đình, hầu hết cổ kính, rộng rãi, khang trang, gắn liền với các làng quê Việt Nam từ Nam ra Bắc. Lâu lâu lại gặp một chợ quê, người ta bày rau củ, gà vịt, thịt lợn, thịt chó; lại có cả hàng bún riêu, bún ốc, ăn uống xì xụp, bán buôn í ới.

Đường đê tỏa nhánh đi khắp các làng xã, ít khi có bảng chỉ dẫn, đi bao nhiêu lần cũng không thể nhớ hết, nên phải hỏi thăm: “Chị ơi cho tôi hỏi thăm lối này đi đâu?” “Bác muốn đi đâu?” “Tôi cũng …chưa rõ!” “Thế bác hỏi thăm làm gì?” “Tôi đi chơi cho biết thôi, đến đâu cũng được.” “Lối này đi Đan Phượng.”  “Thế còn lối này?” “Lối này đi Vân Côn, Hòai Đức” “Về Hà Đông đi lối nào?” “Quành lại, đi lối này.” Già Tuấn cám ơn chị nông dân, phóng xe đi. Có lẽ tội nghiệp ông già điếc, chị nông dân gọi theo khoát tay “Bác ơi đi lối này mới về Hà Đông…”  

Hôm qua thứ Bảy 29/11/2014 già Tuấn lang thang phát hiện đình làng Quán Thá (tên mới là làng Đồng Mít), xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Giữ đền là bà Trần Thị Mạn. Đình cổ đã bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp, đình hiện nay mới xây lại gần đây, có hồ bán nguyệt và đài  Quan Âm. Hôm khánh thành đài Quan Âm, ngày 6 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012), Thần Thành Hoàng-Thượng Thánh-Quế Hoa Công Chúa đã hiện lên chứng giám lòng thành của dân làng Đồng Mít, và bà Trần Thị Mạn đã nhờ một người dân có máy điện thoại di động chụp được tấm hình hiện thân của Ngài. Tấm hình này, hơi mờ, được in lên một viên gạch men, thờ tại ban thờ trên sân đình.

Hàng năm ngoài dịp Tết, ngày 6 tháng 6 âm lịch là ngày lễ Thần Thành Hoàng làng Đồng Mít, người dân kéo đến đây đông nghịt vì giếng Thủy Tiên ở đây rất thiêng, người ta xin nước về cầu nguyện gì đều được như ý. Già Tuấn đến ban thờ xem thì thấy đó là tấm hình chụp một con rắn, bà Trần Thị Mạn nói Ngài hiện thân rắn to bằng cỡ bắp tay người lớn, dài hơn một mét.

Hôm nay Chủ nhật, già Tuấn lại đi lang thang đến đình làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai. Đình rất đẹp, cổ kính, nằm sau một cái hồ to. Vào đền thấy có 6 bác đang ngồi uống nước nói chuyện, già Tuấn bèn xin phép nhập bọn. Té ra đây là các bác bên làng Tiền Lệ, huyện Hoài Đức bên kia đê, trong đó có bác Nguyễn Xuân Long, thủ từ, sang thăm đình làng So. Thủ từ làng So, tức chủ nhà tiếp khách, là bác Nguyễn Danh Hữu.

Già Tuấn nghĩ bụng chắc mấy cụ này cỡ ngang tuổi mình, nhưng cũng giả bộ lễ phép nói năng cung kính. Một hồi bác Nguyễn Xuân Long nói “Tôi xuất ngũ bộ đội về là vào đình hầu hạ các bậc Tiên Hiền Liệt Thánh ngay, đến nay đã gần 40 năm”, bác râu tóc trắng xóa rất đẹp trai ngồi kế bên hỏi “Thế anh sinh năm nào?” “Tôi năm nay là 82 tuổi” “Nhâm Thân à?” “Nhâm Thân thế nào được, Quý Dậu” Già Tuấn giật mình “Trời! Bác 82 tuổi cơ à? Tôi trông nãy giờ cứ nghĩ bác chắc cùng lắm hơn tôi vài tuổi, tôi năm nay là 64” “64 thì ông chỉ hơn mỗi chú này 48 tuổi, còn ở đây ai cũng trên 70. Thế ông ở đâu? Hôm nay đi đâu mà đến đây?” “Tôi ở Dương Nội Hà Đông, Chủ nhật rảnh đi lang thang tình cờ đến đây, như vậy là anh em mình hôm nay có duyên được gặp nhau”. 

Nói chuyện vui vẻ một hồi thành quý mến, già Tuấn xin phép chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Chụp xong các bác xem hình thích chí “Này, nhớ gửi ảnh cho chúng tôi đấy nhá.” “Có bác nào dùng điện thư không? Tôi sẽ gửi ngay chiều nay.” “Không, anh em chúng tôi không dùng điện thư. Ông cứ in ra bỏ phong bì đề tên Nguyễn Xuân Long làng Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, là tôi nhận ngay, chả thế nào mà lạc được.” “Hôm nao ông có thì giờ chúng tôi mời ông về thăm làng Tiền Lệ nhá, ngay bên cạnh đây thôi, mời cả bác gái nữa” “Không có bác gái, có bạn gái thôi có được không?” Các cụ cười hì hì “Được quá đi chứ lị!”

Trần Đình Tuấn
Powered by Blogger.