Header Ads

Biển Đông: Chiến Tranh Kinh Tế Và Chạy Đua Vũ Trang


Bùi Phạm Thành

Trong thời gian tranh cử chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã mạnh mẽ đả kích Trung Cộng (TC) về việc khuynh đảo kinh tế Hoa Kỳ và thế giới khiến nhiều nhà bình luận lo ngại rằng sẽ có một cuộc "chiến tranh kinh tế Mỹ-TC". Tuy nhiên sau khi đắc cử chức vụ Tổng thống Mỹ, những lời đả kích TC đã trở nên thưa thớt, thay vào đó là những quan ngại về sự bành trướng thế lực của TC bằng việc quân sự hoá các đảo nhân tạo đã xâm chiếm trên Biển Đông và xây dựng những căn cứ quân sự ở châu Phi, Afghanistan, Pakistan, cùng với việc cổ võ cho một "con đường tơ lụa mới" hầu khôi phục lại thời đại vàng son của Hán tộc từ mấy ngàn năm trước.

Thế nhưng khi tranh đua về kinh tế có bao gồm vũ lực để xâm lăng chiếm đoạt tài nguyên thì tất nhiên sẽ có chiến tranh. Vì nguy cơ chiến tranh nên các quốc gia nằm trong địa bàn bành trướng ảnh hưởng của TC phải tăng cường quốc phòng, tối tân hoá quân đội và vũ khí. Việc này dẫn đến cuộc chạy đua sản xuất vũ trang giữa các quốc gia có khả năng tân tiến trong việc chế tạo và cung cấp vũ khí có khả năng huỷ diệt chưa từng thấy trong lịch sử cận đại.

Việc chạy đua trang bị quốc phòng (chạy đua vũ trang) này thể hiện rõ ràng trong những tin tức được loan truyền từ khi TC khởi sự việc quân sự hoá các đảo nhân tạo mà họ đang chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa. Nhất là vào trung tuần tháng 6 vừa qua (12-14 tháng 6, 2017) ở Tokyo, Nhật Bản có cuộc trưng bày và hội nghị về sản phẩm quân sự cho hai ngành Hải và Không Quân có tên là MAST Asia - Maritime/Air Systems & Technologies for Defense, Security and Safety (Hệ thống và Kỹ thuật Hải/Không để Tự vệ, bảo vệ an ninh và giữ an toàn). Đây là cuộc trưng bày đầu tiên về sản phẩm vũ khí chiến tranh được tổ chức tại Nhật Bản, tiếp theo đó sẽ được tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ vào tháng 11 năm 2018. MAST được xem là một "hội chợ triển lãm và buôn bán vũ khí chiến lược chống Trung cộng (anti-China) và Bắc Hàn."

Có hơn 40 quốc gia tham dự Hội nghị MAST Asia 2017 này,  trong số đó có Nhật, Ấn Độ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Ý, Na Uy, Canada, Mỹ, và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt được chú ý và nhắc đến nhiều nhất là có sự tham dự của Lockheed Martin, hãng chế tạo sản phẩm chiến tranh tối tân của Mỹ và lớn nhất trên thế giới, với những sản phẩm như máy bay phản lực, vệ tinh, phi đạn, ... Việc trưng bày hệ thống vũ khí AWS (AEGIS Weapon System) của Lockheed Martin đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên và không ngớt bàn luận về sự nới rộng việc bán vũ khí tối tân ra ngoài nước Mỹ.

Gần đây các trang mạng của Quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là Hải và Không quân, phổ biến những tin tức về các các kỹ thật chiến tranh mới hoặc thực tập sử dụng vũ khí tân tiến. Đáng chú ý là "Hệ thống phóng phi đạn lưu động - high mobility artillery rocket system (HIMARS)" của Không quân Hoa Kỳ bằng cách dùng máy bay vận tải C-17 chở dàn phóng phi đạn/hoả tiễn đến trận địa, bắn vào mục tiêu và rời khỏi chiến trường trong khoảng thời gian 20 phút. C-17 là một loại máy bay vận tải có thể đáp xuống bãi đất trống, không cần phi đạo. Kỹ thuật này đang được nghiên cứu và cải tiến để trở thành "hệ thống vũ khí có cánh bay đến nhanh và bắn lẹ (scoot and shoot weapon system with wings)" Hiện nay hệ thống này đang được nghiên cứu và phát triển đặc biệt cho vùng Biển Đông và sẽ được trang bị cho Bộ binh, Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ .

Phản lực cơ F-35B cũng được nhắc đến rất nhiều với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng không cần phi đạo. Sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản bị giới hạn về việc kiến tạo Hàng không Mẫu hạm (aircraft carrier) chỉ chuyên chở trực thăng (helicopter) mà thôi. Thế cho nên F-35B (phản lực cơ ném bom siêu thanh tối tân nhất của Không quân Hoa Kỳ), nếu cần, có thể cất cánh và đáp xuống các mẫu hạm của Nhật Bản đang tuần tra ở Biển Đông một cách dễ dàng và an toàn.

Chiến tranh lúc nào cũng có bởi bất đồng về ý thức hệ hoặc tôn giáo. Ngọn lửa chiến tranh tôn giáo ở Trung Đông sẽ không bao giờ tắt. Thế nhưng ngọn lửa chiến tranh ấy không lan rộng ra khỏi vùng xa mạc mênh mông với đa số dân nghèo khó. Bởi vì chiến tranh tôn giáo chỉ tồn tại với nghèo khó và kém tri thức với mộng ước Thiên đàng. Ở quốc gia mở mang thì Thiên đàng là nơi họ đang sống, và hiển nhiên là họ không muốn huỷ diệt cái đang có trước mắt để mong đến một nơi viễn vông, không thực.

Chiến tranh ý thức hệ với chủ nghĩa cộng sản dựa trên căn bản xoá bỏ nghèo khó, san bằng giai cấp. Thế nhưng lý thuyết là một chuyện và thực tế lại là một điều rất khác. Kết quả là đã giết hại trên 94 triệu người, trong đó có 65 triệu người là dân Trung hoa và 20 triệu người của Liên bang Sô viết! Riêng chiến tranh Việt Nam cũng đã khiến trên 1 triệu người tử vong!

Với tham vọng khôi phục thời đại vàng son, bành trướng uy quyền của Hán tộc và mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế qua "con đường tơ lụa mới", Tập Cận Bình lại đang mở đường cho một nguy cơ thế chiến thứ 3, có thể là trận chiến toàn cầu cuối cùng của hành tinh xanh có tên là Quả Đất này với một trong hai kết quả:

  1. Chủ nghĩa cộng sản, độc tài sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và Trung Hoa sẽ bị phân tán thành nhiều nước riêng rẽ như thời nguyên thuỷ hoặc như Liên Bang Sô Viết sau cuộc chiến tranh lạnh 1991.
  2. Loài người sẽ trở lại thời tiền sử, ăn lông ở lỗ, sau tai hoạ của vũ khí huỷ diệt hàng loạt cùng với ảnh hưởng phóng xạ của bom nguyên tử.

Cuộc chạy đua vũ trang của thời kỳ chiến tranh lạnh vừa qua (1985-1991) đã bao gồm cả mặt đất, trên biển, trên không và cả bên ngoài tầng khí quyển. Với sự phát triển vượt bực của khoa học và kỹ thuật, nước Mỹ đã trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới và đưa đến sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và cộng sản Âu châu. Thế nhưng cuộc chiến mới do TC khởi đầu lại là một cuộc chiến Kinh tế kèm theo việc chạy đua vũ trang. Trên thực tế thì đây mới là một cuộc "chiến tranh lạnh toàn diện" vì ngoài mặt đất, trên biển, trên không và ngoài tầng khí quyển còn có thêm cuộc chiến trên mạng lưới máy tính toàn cầu (Cyberspace). Thế cho nên kết quả khó có thể đoán trước được.

Thái bình chỉ có khi con người nhìn ra sự nguy hiểm và dừng tay chiếm đoạt. Thế nhưng trí tuệ và đời sống của con người có giới hạn mà lòng tham thì lại không đáy, vô cùng. Đã bao nhiên lời tiên tri về sự tận diệt của loài người đã lặng lẽ đi qua. Chúng ta cũng chỉ mong rằng sự tiên đoán về một cuộc chiến tranh sau cùng của nhân loại cũng sẽ phai dần và trôi đi theo thời gian.

Bùi Phạm Thành
(viết để kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH,19 tháng 6)


Tham khảo:

MAST Asia 2017 - Tokyo
Maritime/Air Systems & Technologies (MAST)
https://mastconfex.com/asia2017/

The US military is developing new tactics to dominate the South China Sea
http://www.pulse.ng/bi/politics/politics-the-us-military-is-developing-new-tactics-to-dominate-the-south-china-sea-id6831105.html

Nhật Bản Tìm Cách Mở Rộng Hợp Đồng Vũ Khí Ở Đông Nam Á
http://www.dslamvien.com/2017/06/nhat-ban-tim-cach-mo-rong-hop-dong-vu.html

Japan Boosting Arms Sales to Southeast Asian Nations as Part of Anti-China Strategy
http://www.chinatopix.com/articles/114483/20170613/japan-boosting-arms-sales-southeast-asian-nations-part-anti-china.htm

Trung Cộng Sẽ Xây Căn Cứ Quân Sự Ở Nhiều Hải Cảng Ngoại Quốc
http://www.dslamvien.com/2017/06/trung-cong-se-xay-can-cu-quan-su-o.html

Con Đường Tơ Lụa của Thế Kỷ 21: Một Trật Tự Mới Của Trung Hoa
http://www.dslamvien.com/2017/06/con-duong-to-lua-cua-ky-21-mot-trat-tu.html

Cộng sản tệ hại cỡ nào?
http://www.dslamvien.com/2017/06/cong-san-te-hai-co-nao.html
Powered by Blogger.