Header Ads

Săn Heo Rừng


Duy Thanh

Tuần trước Trung nhận được email của Quang ở Texas rủ đi săn heo rừng ở một trang trại cách nơi nó ở khoảng hai giờ lái xe. Nó cũng rủ thêm thằng Hải và Đức ở Arizona cùng đi chung. Trung, Quang và Hải là ba người bạn thời còn trong quân ngũ, và Đức là em của Hải. Tháng Năm ở Texas chưa nóng lắm nên đi săn thuận lợi hơn. Heo rừng ở Texas được cho săn tự do quanh năm, vì heo rừng là một “vấn nạn" của các trang trại, nhất là các trang trại ở xa, cạnh rừng. Quang ở Texas đã lâu và săn heo rừng vài lần mỗi năm. Ăn thịt thì không bao nhiêu, nhưng nó học được cách làm thịt khô hun khói rất ngon, để dành ăn dần, và thỉnh thoảng cũng gửi tặng bạn bè mỗi khi có dịp vui mừng hay lễ, tết.

Không hiểu hai anh em thằng Đức như thế nào, chứ từ ngày cởi bỏ áo lính, Trung không sờ đến khẩu súng, cho đến khi có người bạn trong sở rủ đi săn gà tây cho ngày lễ Tạ Ơn. Lần đầu tiên tham dự hội chợ bán súng khiến Trung ngạc nhiên với số súng được bày bán. Súng cá nhân thì có thể nói là thượng vàng, hạ cám, đủ loại, đủ kiểu, đủ cỡ; từ súng trường - tương tự như của quân đội - cho đến khẩu súng nhỏ xíu, vừa cái ví cầm tay đi dạ hội của đàn bà. Việc mua súng thì lại quá dễ dàng. Với một người không có “thành tích" gì với luật pháp thì chỉ trong vòng nửa tiếng là có thể đem về vài ba khẩu súng lớn, nhỏ. Kể từ đó, Trung có cái ám ảnh rằng những người chung quanh đều có mang súng! Người bạn cùng sở, đi chung, khuyên Trung nên mua một khẩu shotgun, loại súng này rất công hiệu cho việc săn chim, vịt trời và gà tây. Tuy tầm bắn không xa, không chính xác như súng trường, nhưng vì bắn ra từng chùm viên bi nhỏ nên dễ trúng hơn. Vả lại, với loại vịt hay gà tây thì chỉ cần trúng một viên trong chùm đạn bi đó là đủ để “tiêu tùng". Hôm đó, Trung mua thêm một khẩu súng trường có ống ngắm, có lẽ là ảnh hưởng còn sót lại của thời chinh chiến, với nỗi lo âu về bắn sẻ. Mỗi lần nghe một tiếng súng trường đơn lẻ vang lên từ đằng xa, là chắc chắn có một người trúng đạn!

Quang cho biết là đã đặt phòng trước ở một khách sạn nhỏ gần khu săn bắn, khi đến, chỉ cần cho họ biết tên và số xác nhận là xong. Trung sửa soạn hành trang cho ba ngày đi săn và cẩn thận xếp khẩu súng săn có ống ngắm vào chiếc hộp sắt có khóa, riêng biệt với hộp đựng đạn và điền sẵn giấy tờ khai báo với nhân viên kiểm soát ở phi trường. Kể từ sau khi các nạn khủng bố gia tăng trên thế giới, tất cả các phi trường, nhất là ở Mỹ, việc kiểm soát hành lý trở nên kỹ càng và khó khăn hơn, ngay cả con dao bỏ túi chỉ dài bằng hai đốt ngón tay cũng không được đem lên máy bay.

Xuống phi trường Houston thì mới khoảng xế trưa. Hành lý của Trung thì ngoài chiếc va-li xách tay và chiếc ba-lô thì cái hộp đựng súng là cồng kềnh nhất. Nếu như ở những nơi khác thì chắc đã có nhiều người để ý, nhưng ở cái xứ Cao-bồi này thì súng ống là chuyện thường, nên chẳng ai thèm liếc mắt đến cái hộp đựng súng của Trung cả. Đang lúng túng thì Trung chợt thấy một chiếc taxi đậu bên kia đường trong đám xe đang nhộn nhịp qua lại, và người tài xế đang lúi cúi làm gì đó ở “cốp” đựng đồ phía sau xe. Trung nhanh nhẹn kéo hành lý qua bên đường, vừa lúc người tài xế đóng cái cốp xe lại.

- Chào anh, anh có đang chờ ai không vậy?

Người tài xế ngập ngừng một vài giây, liếc nhìn Trung và hành lý, rồi nói:

- Không. Ông muốn đi đến đâu?

Trung đưa tờ giấy có ghi địa chỉ của khách sạn gần nơi săn bắn cho người tài xế xem. Người tài xế liếc qua cái địa chỉ thì mỉm cười:

- Ồ, tôi biết rõ nơi này, tôi là dân ở vùng gần đó... mời ông lên xe.

Trung giữ lại chiếc ba-lô nhỏ vì có vài thứ cần thiết, để người tài xế xếp cái hộp đựng súng và chiếc va-li nhỏ vào sau xe. Trung thấy người tài xế có vẻ lạ hơn những người tài xế taxi khác mà Trung đã thấy. Người tài xế này tuổi khoảng chừng ba mươi, mái tóc hớt cao, mũi hơi hếch và đôi mắt sáng với dáng người khỏe mạnh, cân đối như người có luyện tập thể thao thường xuyên, và nước da rám nắng như người làm việc ngoài trời nhiều hơn là lái xe. Người tài xế lên tiếng gợi chuyện:

- Ông đi săn?

- Vâng, sao anh biết?

- Dễ thôi... Cái hộp đựng súng của ông và cái khách sạn mà ông sẽ đến…

Trung chợt nhớ là người tài xế nói là anh ta rất quen thuộc với vùng săn bắn, Trung hỏi:

- À, anh là người ở gần vùng đó thì chắc anh cũng quen thuộc với việc săn bắn lắm phải không?

- Vâng đúng vậy… Tôi đã gặp rất nhiều người đến đây săn bắn đủ loại, đủ mùa… Ông định săn loại gì ở đây?

- Tôi có người bạn rủ đến đây săn heo rừng…

- Ông đã săn heo rừng lần nào chưa?

- Chưa. Đây là lần đầu. Anh có kinh nghiệm gì thì cho tôi biết một chút được không?

- Kinh nghiệm của tôi…”khịt khịt"... Thưa ông tôi chỉ có kinh nghiệm săn heo nái mà thôi…

Người tài xế có tiếng cười “khịt khịt" qua đường mũi nghe rất lạ tai. Trung chợt nhận ra câu nói diễu cợt của anh ta và cũng cười theo:

- Hà hà... Như vậy chắc anh còn độc thân...

Đột nhiên người tài xế đổi đề tài, với giọng nghiêm trang:

- Săn như tôi chẳng hại ai... Tại sao người ta lại săn thú rừng?

Một thoáng ngạc nhiên, Trung nhún vai:

- Săn bắn là một bộ môn thể thao…

Người tài xế ngắt lời:

- Chỉ có con người mới xem chuyện giết chóc là thể thao mà thôi. Ông có thấy giống thú nào làm như vậy không?

Ngay trong lúc đó, Trung không tìm được câu trả lời nên nói một câu vô thưởng vô phạt:

- Tôi không phải là thú rừng thì làm sao biết được...

Người tài xế lên giọng:

- Con người cũng chỉ là một giống thú. Thế nhưng, những giống thú khác chỉ kiếm ăn khi đói, chỉ có con người người xem chuyện giết chóc là trò vui, thú thể thao mà thôi. Khi ông bắn một con heo rừng ông có nghĩ rằng gia đình của nó vừa bị mất một thành viên hay không? Nếu con thú đó là cha hay mẹ, thì mấy đứa con sẽ ra sao?

Trung ngập ngừng, đánh trống lảng:

- Anh là người ăn chay phải không?

Người tài xế không trả lời, dừng xe lại bên đường, chỉ tay về phía trước mặt:

- Đằng kia là khách sạn, nơi ông sẽ đến ở…

Trung nhoài người về phía trước để nhìn theo ngón tay chỉ:

- Còn xa thế mà sao anh lại dừng xe ở đây?

- Tôi đã nói với ông là tôi ở gần khách sạn. Đây là chỗ tôi ở. Chào ông…

Nói dứt câu, người tài xế mở cửa xe, bước ra ngoài, đóng cửa, rồi ngồi xuống như để ẩn trốn. Trung ngẩn người không hiểu người tài xế làm cái trò gì vậy, nhìn ra ngoài không thấy anh ta đâu nữa thì lấy làm lạ và lẩm bẩm “Thiệt hay chơi vậy cha nội...", rồi mở cửa xe bước ra xem người tài xế đang làm gì. Trước mặt Trung bây giờ không phải là người tài xế nữa mà là một con heo rừng to lớn có hai cái nanh trắng, cong, chìa ra ngoài và đang nhìn Trung chằm chằm. Trung giật mình, hoảng vía, chui vào trong xe, đóng cửa lại. Con heo rừng nghển mũi “khịt khịt" vài tiếng rồi quay lưng chạy vào khu rừng trước mặt.

Phải mất mấy phút sau Trung mới lấy lại được bình tĩnh và nhớ ra khẩu súng săn ở đằng sau xe. Trung với lên phía trước, chỗ tài xế để bấm nút mở cốp xe lên, rồi cẩn thận ngó trước, ngó sau biết chắc là không có gì nguy hiểm, mở cửa xe để đi ra phía sau lấy khẩu súng. Vừa nhìn vào thùng xe thì Trung lại giật mình lùi bước, vì trong thùng xe có một bao vải lớn đang nhúc nhích như có con gì trong đó. Khi thấy bao vải có vẻ được cột chặt, Trung lấy hết can đảm để lấy chiếc hộp để súng ra khỏi thùng xe. Sau khi có khẩu súng trên tay, Trung dùng mũi súng khều vào sợi dây buộc cái túi vải. Loay hoay một lúc thì cũng cởi được cái nút, khi miệng túi vải mở ra thì đầu của một người đàn ông nhú ra với tiếng kêu ú ớ vì miệng đã bị một miếng băng keo lớn dán chặt. Nhận ra không có vẻ nguy hiểm, Trung giúp người đàn ông đó chui ra khỏi bao, cởi dây trói và gỡ cái băng keo dán trên miệng ra. Người đàn ông chui ra khỏi thùng xe, liếc nhìn khẩu súng trên tay Trung rồi nói qua hơi thở dồn dập, bực tức:

- Cám ơn ông. Cám ơn ông nhiều lắm. Cái thằng khốn nạn đó gạt tôi. Tưởng phen này mất mạng, may nhờ ông cứu giúp…

Trung hỏi lại:

- “Thằng” nào gạt ông?

- Thì cái thằng giả làm tài xế đó. Hồi nãy tôi nằm trong thùng xe nghe ông nói chuyện gì với nó, nhưng nghe không rõ. Tôi nghĩ là nó cũng hại ông để cướp tiền, tôi muốn nhúc nhích hay kêu cứu thì cũng không được, nó cột chặt quá... À mà thằng khốn nạn đó đâu rồi?

Trung đưa tay chỉ vào khu rừng:

- “Nó" chạy vào trong khu rừng kia mất rồi…

- Ông có bị nó cướp không?

- Không. Còn ông thì sao?

- Cũng không. Nó chỉ lấy xe chạy đâu đó cả buổi. Nhốt tôi trong cái bao của người săn heo rừng, hôi muốn chết được... À ông đi săn hả? Để tôi chở ông đến khách sạn, rồi còn chạy về trạm cảnh sát gần phi trường để báo cáo nữa chứ. Không hiểu họ có tin hay không nữa?

- Ông có muốn tôi làm nhân chứng không?

Sau vài giây suy nghĩ, người tài xế lắc đầu:

- Cám ơn ông, như thế thì quá phiền... Vậy thì thôi, coi như là bị xui một bữa, may mà không mất mạng…

oOo

Khách sạn là dãy nhà hai từng kiến trúc theo kiểu nhà miền núi, dùng nhiều gỗ và trông có vẻ đã khá cũ. Ở giữa là phòng tiếp tân và sinh hoạt chung, hai bên là hai dãy phòng, ở đầu hai dãy phòng là cầu thang để lên từng trên. Bên trong phòng tiếp tân khá rộng có một lò sưởi lớn, phía trên có một chiếc TV khá lớn đang chiếu tin tức buổi chiều, có nhiều bàn ghế loại lớn để khách ngồi nghỉ và một cái quầy làm việc. Căn phòng vắng hoe, Trung vừa chực lên tiếng thì thấy phía sau quầy làm việc nhú lên một người:

- A, chào ông! Ông có giữ phòng trước không vậy?

Trung quay lại phía tiếng nói thì thấy đó là một người đàn ông trạc tuổi trung niên, chắc là nhân viên của khách sạn, có lẽ ông ta đang ngồi trên một chiếc ghế thấp phía sau quầy làm việc nên chỉ thấy mỗi cái đầu hói với khuôn mặt tròn vo. Trung bước lại gần và đưa cho ông ta tờ giấy ghi số giữ phòng. Bây giờ thì Trung mới nhận ra rằng ông ta là một người lùn và phải đứng trên một chiếc ghế thấp mới có thể mở quyển sổ ghi tên để dò số phòng. Ông ta vừa lùn vừa mập ú, cái đầu hói nhẵn thín, khuôn mặt hồng hào tròn vo với cái mũi to quá khổ và hai cánh mũi dường như phập phồng theo hơi thở. Ông ta mặc một chiếc áo ngắn tay như loại của người đi du lịch với hình cây cối và màu sắc lòe loẹt, hàng cúc trước ngực như sắp sửa bật tung vì chiếc áo dường như quá chật so thân hình như quả bóng bị thổi phồng của ông ta, để lộ ra một phần ngực đầy lông lá. Dáng người xem ra có vẻ là du khách hơn người quản lý khách sạn.

- À, đây rồi, Mr. ... Trung... Phòng 13... hai người.

- Vâng, thằng bạn tôi có lẽ mai mới tới được.

Thò tay vào ngăn kéo lấy ra chiếc chìa khóa:

- Đây là chìa khóa phòng. Ông cần một hay hai chìa khóa?

- Một chìa thôi. Cám ơn ông. Khi nào thằng bạn tôi đến thì ông đưa chìa kia cho nó.

- Ông ra khỏi cửa thì quẹo trái là phòng số lẻ, phòng của ông là phòng cuối cùng, gần cầu thang. Xin lỗi không phụ ông để kéo hành lý được, giờ này chỉ có mình tôi…

- Không sao, tôi chẳng có bao nhiêu hành lý, cám ơn ông...

Bỏ chiếc chìa khóa vào túi, khoác ba-lô lên vai, một tay kéo chiếc va-li nhỏ, tay kia sách khẩu súng đi về phòng. Khách sạn trông có vẻ cũ, nhưng căn phòng cũng không đến nỗi nào, vừa đủ chỗ cho hai chiếc giường đơn, ở giữa là một cái bàn nhỏ kê sát tường với hai chiếc ghế, phía bên trong là một chỗ treo quần áo tương đối nhỏ, bên cạnh là phòng vệ sinh. Chiếc cửa sổ nhìn ra ngoài đường được che bằng màn vải màu nâu đậm, có lẽ để ngăn ánh sáng. Một cái đèn ở trên trần, một cái nữa nhỏ hơn ở ngay phía trên của chiếc bàn nhỏ. Nói chung, căn phòng có vẻ đơn giản, không quá chật chội.

Sau khi rửa mặt cho mát, Trung cảm thấy hơi đói nên quay trở lại phòng tiếp tân.

- À này ông cho tôi hỏi, ở gần đây có chỗ nào để ăn hay không, thưa ông? Từ sáng đến giờ tôi chỉ ăn hai gói đậu phọng nhỏ trên máy bay mà thôi... hà... hà… đói gần chết...

Người đàn ông mập lùn cũng cười rung cả hai cái má phính, đưa tay xoa cái đầu hói:

- Thật là không may cho ông, cái tiệm ăn kế bên vừa bị sở kiểm soát vệ sinh thành phố bắt đóng cửa đã hai ngày qua rồi vì họ nói nhà bếp của nó bẩn như cái chuồng heo... hà... hà... Không biết hôm nào mới mở cửa lại. Còn một cái chợ nhỏ bán đủ thứ lặt vặt, đi bộ cũng phải mất năm mười phút, mà bây giờ thì hơi trễ, ngoài trời sắp sửa tối vì gần rừng mà đèn đóm thì lù mù...

Đưa tay chỉ:

- Ở đây chúng tôi chỉ có mấy cái máy bán thức ăn gói sẵn và các loại nước ngọt mà thôi. Nếu ông muốn uống bia thì chúng tôi cũng có bán, còn nước lạnh và cà phê thì miễn phí.

Trung bước lại gần mấy chiếc máy bán thức ăn làm sẵn, liếc qua một lượt, bỏ tiền vào máy mua một cặp bánh mì thịt và cái bánh ngọt, chép miệng:

- Cũng chỉ hơn mấy gói đậu phọng trên máy bay mà thôi…

Quay lại quầy làm việc:

- Bia có lạnh không ông?

- Bia lạnh, thưa ông, chúng tôi chỉ có hai loại, nhẹ và thường, ông muốn loại nào, chai hay lon? Hai đồng rưỡi một lon, chai thì đắt hơn hai mươi lăm xu...

Trung nhíu mày nghĩ thầm “Bố khỉ, lại lợi dụng để bán với giá cắt cổ…”

- Ông cho tôi hai lon.

Người đàn ông mập lùn cúi xuống gầm của quầy làm việc lôi ra hai lon bia ướt sũng vì ngâm trong đá lạnh, nhe răng cười cầu tài:

- Tôi làm công, chủ bảo bán giá bao nhiêu thì tôi bán bấy nhiêu, xin ông đừng phiền…

Nhìn khuôn mặt như ông địa của người quản lý, Trung cũng mỉm cười:

- Giờ này, ở đây, có bia uống là quý rồi, cám ơn ông…

Để người quản lý khỏi áy náy, Trung gợi chuyện:

- Ở đây có gì lạ không thưa ông?

Người đàn ông mập lùn nhíu mày như cố gắng để hiểu ý của câu hỏi, rồi vẫn với nụ cười rung rinh đôi má phính, chỉ tay về phía bộ sa-lông:

- Chỗ này buổi tối chẳng có gì, ông muốn uống bia coi TV thì đến đây…

Ông ta nheo một bên mắt nhìn Trung, giọng hơi thấp xuống:

- Mùa này thì có mấy con heo nái ngứa nghề... hà... hà… phòng nào chúng cũng gõ cửa để chào hàng... Có lẽ ông nên cẩn thận một chút với chúng nó... Đây là xứ của Cao Bồi, của súng đạn, mà lại xa thành phố…

Trung bật cười thành tiếng:

- Ha... Ha... Tôi không có ý hỏi như vậy, nhưng cũng cám ơn ông đã cho biết... “tình hình” ở đây. Thôi chào ông…

Người đàn ông mặt đỏ bừng vì ngượng:

- Xin lỗi ông, tôi hiểu lầm… hà... hà... khịt... khịt... Vâng, chào ông.

Vì ở gần rừng nên buổi tối xuống thật nhanh. Ánh đèn từ các phòng có người ở hắt ra lờ mờ chẳng đủ để nhìn thấy cảnh vật cách xa ngoài vài ba sải tay. Trung ngả lưng xuống giường, chiếc nệm có vẻ hơi cứng, bật điện thoại, mới hơn 7 giờ chiều. Email và Facebook không có gì lạ. Tin tức cũng không có tin gì có vẻ “bắt mắt" để đọc. Trung ngủ thiếp đi lúc nào cũng chẳng biết.

oOo

“Cộp, cộp, cộp, ..." tiếng gõ cửa dồn dập làm Trung giật mình, lên tiếng:

- Ai đó?

Tiếng người con gái xem lẫn với tiếng cười khúc khích:

- Còn thức hả anh? Mở cửa cho tụi em vào nhậu chơi cho vui... tụi em có bia lạnh nè…

Sực nhớ ra lời của người nhân viên khách sạn mập lùn “mấy con heo nái ngứa nghề đi chào hàng,” Trung ghé mắt nhìn qua lỗ ngắm trên cửa thì thấy một ả son phấn đang đứng trước cửa, đằng sau, không xa lắm còn có một vài người dường như cả trai lẫn gái. Trung lớn tiếng:

- Đi chỗ khác chơi!

Tiếng vài ba đứa con gái cười ròn và xa dần. Một vài tiếng lạch cạch mở cửa, đóng cửa, cũng như vài câu cằn nhằn, chửi thề vọng lại từ các phòng khác. Trung bật điện thoại xem giờ, chưa tới 10 giờ đêm. Một lát sau thì không khí trở lại yên tĩnh, và Trung chợt thấy thèm một lon bia. Trung mở chiếc va-li nhỏ lấy con dao đi rừng dắt vào trước bụng, rồi mở cửa bước ra. Ngoài trời đã tối mịt, đèn hành lang vàng úa nhưng cũng đủ soi đường đi, tiếng dế kêu vang chứng tỏ rằng không còn ai đang lảng vảng bên ngoài.

Vì là khách sạn nên phòng tiếp tân vẫn để đèn tương đối sáng. Vừa bước vào trong phòng thì Trung nghe tiếng lục đục ở phía sau quầy làm việc. Trung nhón gót nhìn thì trước mắt Trung là con heo đực đang chồm trên lưng con heo cái để ... “làm trò con heo!" và phát ra những tiếng kêu ú ớ như đang bị bóp cổ... Con heo đực nghe động ngửng đầu lên nhìn, thấy Trung nó có vẻ hoảng hốt kêu lên một tiếng “éc" thật to, rồi cả hai con vùng chạy vào phía cửa sau, vừa chạy vừa kêu “éc... éc..." thật chói tai. Trung thì cũng hoảng hốt không kém, rút con dao đi rừng để phòng hờ, rồi lùi ra cửa, quay lưng đi như chạy về phòng.

Sau khi khóa chặt cửa, đầu óc Trung vẫn còn quay cuồng với những chuyện kỳ quái xảy ra từ lúc bước xuống phi trường. Trung vỗ tay lên trán để biết rằng mình đang thức, và như thế lại càng hoang mang. Là người đã từng trải qua những ngày tháng của chiến tranh và đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc vài lần, thế nhưng lần này thì khác hẳn. Sợ chăng? Chưa hẳn là như thế. Có vài tiếng động lạ vọng vào từ bên ngoài... Trung dắt con dao vào bụng, mở hộp đựng khẩu súng săn, nạp đạn. Tiếng súng lên đạn khiến Trung cảm thấy vững tâm hơn và ngoài kia dường như những tiếng động cũng ngưng hẳn chỉ còn tiếng dế kêu sương nỉ non, chán nản. Trung cẩn thận khóa chốt an toàn, nằm xuống giường ôm khẩu súng vào lòng, khép mắp tìm giấc ngủ.

oOo

Giật mình dậy, vài tia sáng yếu ớt lọt qua tấm màn cửa cho biết trời đã sáng. Gần 7 giờ sáng. Một ý nghĩ thoáng qua đầu, Trung gọi thử hãng máy bay xem có chuyến bay nào về Los Angeles sáng nay không. May quá, có một chuyến 10 giờ rưỡi còn 2 chỗ. Không một chút đắn đo, Trung mua ngay một vé. Vẫn giữ con dao đeo trước bụng để phòng thân, Trung bước vào phòng tiếp tân của khách sạn, giờ này đã sáng trưng. Đằng sau quầy tiếp tân là một người khác, khoảng chừng trên ba mươi tuổi, nước da hơi xậm và dáng người cứng cỏi, trông có vẻ quen, dường như đã gặp ở đâu rồi. Người đàn ông lên tiếng hỏi:

- Chào ông, mời ông dùng chút cà phê buổi sáng.

- Cám ơn ông. Tôi muốn hỏi là ông có thể gọi cho tôi một chiếc taxi ra phi trường được không? Tôi ở phòng 13, có chuyện phải về lại sở làm. Thằng bạn ở cùng phòng chắc cũng sẽ đến khoảng trưa nay, ông có thể cho nó biết rằng tôi phải về lại sở vì có chuyện cần gấp.

- Vậy hả ông? Việc làm là trên hết... May quá, thằng em tôi vừa đón người ở phi trường đến sáng sớm nay. Nó có thể chở ông ra phi trường ngay. Ông sửa soạn hành lý đi. Tôi sẽ bảo nó chờ ông ngay trước cửa phòng 13. Chúng tôi xin 25 đô-la và sẽ tính chung vào tiền phòng. Ông đồng ý chứ?

- Ô-Kê...

Trung gật đầu, thở phào nhẹ nhõm, bước vội về phòng để thu xếp hành lý. Thực ra hành lý của Trung vẫn còn nguyên trong va-li và ba-lô, chỉ phải tháo đạn ở khẩu súng săn rồi bỏ vào hộp đựng và bỏ con dao vào va-li là xong. Vừa mở cửa phòng thì Trung đã thấy người tài xế và chiếc xe của anh ta đậu chờ sẵn. Họ là anh em với nhau nên người tài xế có vẻ giống như người đứng sau quầy làm việc tuy có vẻ trẻ hơn. Người tài xế lên tiếng:

- Chào ông, ông đi hãng máy bay nào? Mấy giờ?

- American Airline, chuyến 10 giờ 30… À anh có thể chờ tôi trả chìa khóa phòng được không?

- Ông đừng lo, cứ đưa cho tôi cũng được. Khách sạn này là của gia đình chúng tôi. Anh Hai tôi là quản lý ban ngày, chú tôi làm ban đêm, tôi vừa lái xe vừa làm các việc linh tinh khác… Anh em chúng tôi có bốn người, tôi là út.

Trung ngập ngừng:

- À thì ra người quản lý ban đêm là ... chú của anh?

- Vâng, chắc ông đã gặp chú Bảy của tôi rồi đấy chứ? Ông là người rất vui tính và lại tình nguyện làm “ca" đêm nên anh em chúng tôi mừng lắm... (chặc lưỡi) ngồi xuốt đêm nghe dế gáy thì buồn chết được, ông có nghĩ thế không?

- Ờ... ờ... tôi cũng nghĩ là... chán lắm...

Đến phi trường thì vẫn còn hơi sớm, trong lúc ngồi đợi để lên máy máy bay, tự dưng Trung cảm thấy hơi bực mình với cảm tưởng rằng mình đã bỏ chạy vì sợ hãi. Những ý nghĩ quay cuồng trong đầu “Tại sao phải sợ? Đã có ai đụng chạm gì đến mình đâu? Mình đã từng vào sinh ra tử, bây giờ trong tay có cả dao lẫn súng thì tại sao lại sợ? Hay là mình ... đã già? Dù sao đi nữa thì cũng phải tìm ra một lý do chính đáng để nói với tụi thằng Quang chứ..." Một ý nghĩ thoáng qua thật nhanh, Trung lấy điện thoại ra để “text" cho Quang “Quang, tao phải về lại sở vì có chuyện khẩn cấp. Săn được heo rừng thì gửi cho tao vài miếng. Hẹn khi khác." Sau khi bấm nút “send" Trung có cảm giác như vừa trút bỏ được một gánh nặng, lòng chợt vui và mỉm miệng cười.

oOo

Bước qua cửa máy bay, Trung lần tìm ghế ngồi của mình đến tận gần hàng cuối. Khi nhìn ra số ghế thì Trung có cảm giác như vừa bị ai dội lên người một thùng nước đá lạnh. Ngồi trên chiếc ghế của Trung là một người đàn bà to béo đang cầm trên tay một cặp hamburger với phô-mai vàng chảy dính đầy bao giấy, và mồm thì đang nhồm nhoàm nhai. Trung cố lấy bình tĩnh:

- Xin lỗi bà, ghế này có lẽ là của tôi…

Người đàn bà ngừng nhai, ngẩng mặt nhìn Trung, nhe miệng cười để lộ hàm răng dính đầy màu vàng cam của phô-mai:

- Ông có thể đổi chỗ cho tôi được không? Tôi hay đi vệ sinh, nếu ngồi ghế trong sẽ làm phiền ông nhiều lắm…

Biết nói sao bây giờ, vả lại ngồi ghế trong thì cũng tốt vì có thể nhìn qua cửa sổ, tuy rằng giống như bị nhốt sau một bức tường thịt. Trung nhún vai:

- Cũng được, thưa bà. Xin phép bà cho tôi vào ghế trong…

Người đàn bà uể oải nhấc tấm thân bồ tượng khỏi ghế để Trung có thể lách vào ghế bên trong. Khi bà ta ngồi phịch xuống thì Trung mới nhận ra rằng không phải chỉ có cái bắp tay mà cả cái mạng mỡ bên hông của bà ta cũng lấn qua ghế của Trung. Người đàn bà béo phì lẩm bẩm “Nóng quá..." rồi nhỏm người để cởi chiếc áo khoác bên ngoài. Một mùi hôi chợt ùa đến, khiến Trung nghiêng đầu qua nhìn thì đúng ngay vào lúc bà béo giơ tay để cởi chiếc áo ngoài để lộ ra một cái nách to tướng với chùm lông đen ngòm, ướt đẫm mồ hôi. Ông bà ta có nói “Phúc đem đến một, họa kéo đến mười" hiển nhiên là không sai chút nào cả. Trung quay mặt nhìn qua cửa sổ, cố tìm một hình ảnh nào đó đẹp đẽ hơn, nhưng chỉ thấy sàn xi măng của sân bay đang chạy lùi lại phía sau. Chiếc máy bay đang di chuyển ra phi đạo để chuẩn bị cất cánh. Trung lẩm bẩm “Cố lên Trung ơi, chỉ ba tiếng nữa là về đến nhà..."

- Ông nói chi?

Tiếng của bà béo khiến Trung phải quay lại để trả lời:

- Ồ, không có chi thưa bà. Tôi nói rằng chuyến bay chỉ dài có ba giờ mà thôi…

Người đàn bà đưa ngón tay trỏ dụi dụi dưới mũi:

- Thế hả. Vậy thì tôi có thể chợp mắt một chút rồi đấy... hì… hì... khịt… khịt…

Cái âm thanh “khịt khịt" khiến Trung nổi da gà. Trung lại quay qua cửa sổ để cố xua đuổi hình ảnh bộ lông ngực của “chú Bảy lùn", người làm đêm ở khách sạn và chùm lông nách cộng với mùi hôi của “bà ba béo" đang ngồi bên cạnh.

Khi chiếc máy bay đã bắt đầu bay êm trên bầu trời thì tiếng ngáy của “bà ba béo” lại vang lên như tiếng kèn của đứa trẻ con mới bắt đầu học nhạc, xoáy vào tai. Phải cố gắng lắm Trung mới có thể thay câu chửi thề bằng tiếng thở dài “Bố khỉ, hai hôm nay bị sao gì chiếu mà gặp toàn heo nọc với lợn xề..."

Duy Thanh


Powered by Blogger.