Header Ads

Thanh Bình Điệu của Lý Bạch, Nhàn Luận về Dịch Thơ


Vương Thanh

Tương truyền khúc Thanh Bình Điệu của đại thi hào Lý Bạch, trong khi đang uống rượu say sưa, được vua cho gọi tới vườn hoa, bắt làm mấy bài thơ để ca ngợi nhan sắc nàng Dương Quý Phi. Trong ba bài Thanh Bình Điệu, nổi tiếng nhất là bài tứ tuyệt đầu tiên với câu thơ bất hủ “Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung”. 

Thanh Bình Điệu Kỳ 1:

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, 
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng. 
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng. 

Dịch nghĩa:
1. Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan
2. Gió xuân thổi nhẹ qua hiên, hơi sương nồng đậm. 
3. Nếu không phải người (tiên) trên núi Quần Ngọc,
4. Hẳn là đã gặp gỡ, ở Dao Đài (đài ngọc) dưới ánh trăng. 

Bản dịch của Vương Thanh:

Ngắm hoa tưởng nhớ dung nhan
Ngắm mây lại nhớ áo nàng thướt tha
Hiên sương, thoảng gió xuân qua
Hơi sương còn đọng gót hoa ảo huyền
Không là Quần Ngọc núi tiên
Dưới trăng, ắt đã gặp trên Dao Đài.

Hai bản dịch ở cuối bài của bài viết này của hai vị cố thi sĩ, dịch giả Bùi Khánh Đản, bạn thơ với Vũ Hoàng Chương và cố học giả, nhà văn, tiểu thuyết gia, biên khảo gia Ngô Tất Tố đều dịch theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Hai bài tứ tuyệt nghe rất hay, từ ngữ thanh nhã, vần điệu du dương, tiếc là vì hai vị tiền bối này vì gò bó bản dịch theo đúng thể thơ của nguyên tác, nên chỉ có thể dịch được một nửa ý của câu thơ "vân tưởng y thường, hoa tưởng dung" (Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan). Còn bản dịch của cố học giả, dịch giả Trần Trọng San cũng để ở cuối bài viết, lại đảo ngược ý nghĩa của câu đầu, nghe cũng là lạ. 

Có lẽ văn đàn thuở ấy cho là dịch theo đúng thể thơ của nguyên tác mới là dịch giả tài giỏi và bản dịch mới là hay. Nên rất nhiều người dịch bài thơ này đều dịch theo thể thất ngôn tứ tuyệt, cho nên hầu hết cũng chỉ dịch được có một nửa ý nghĩa của câu thơ đầu bất hủ “vân tưởng y thường, hoa tưởng dung” của Trích Tiên Lý Bạch.

Theo tôi nghĩ, dịch thơ mà đòi phải theo đúng thể thơ của nguyên tác thì là sự gò bó, giới hạn ngôn từ, không cần thiết và không hợp lý cho lắm. Tiếng Tàu cô đọng, thơ Tàu lại càng cô đọng hơn nhất là thơ đường.  Mà thơ tiếng Việt thì cần nghe xuôi rót, êm ái, phải cho vào những trợ từ, những từ mà bài thơ tiếng Tàu  không có, thí dụ như từ “ngắm” trong “ngắm hoa" trong đoạn “hoa tưởng dung”.  Nên khi dịch qua tiếng Việt, thường hay nhiều chữ hơn nguyên tác là vậy. 

Thể thơ là phụ, ý nghĩa bài thơ mới là chính yếu. Thể thơ tứ tuyệt không khó khăn gì, không cần thiết phải dịch qua tứ tuyệt mới là bản dịch hay, người dịch có bản lĩnh. Những thi sĩ làm thơ tuyệt vời như Bùi Khánh Đản, học giả uyên bác như Ngô Tất Tố, có phần đáng tiếc, là lại có vẻ chú trọng dịch theo đúng thể thơ của nguyên tác mà xem nhẹ phần ý nghĩa của những áng thơ thiên cổ. 

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Thi Sĩ Tản Đà dịch qua thể lục bát, thể thơ tình tự, đậm đà hồn dân tộc, quê hương, chẳng những rất sát ý nghĩa và rất hay, còn được nhiều người cho là kiệt tác. Cá nhân tôi, có khi dịch bát cú qua bát cú, tứ tuyệt qua tứ tuyệt, hay qua lục bát, hoặc tự do, tùy theo nội dung bài thơ “có duyên” với thể thơ nào.

Thể thơ lục bát Việt Nam rất độc đáo, mới có truyện Kiều và ca dao truyền nhiều thế hệ.  Hầu như bất cứ loại thơ nào, ngay như văn xuôi, của thơ Tàu, thơ truyện ngắn tiếng Anh,  cũng đều chuyển dịch  qua lục bát được và dịch nghe cũng rất hay, dễ đọc, có khi đọc còn thích thú hơn đọc nguyên tác tiếng Anh.   

Bản dịch của Bùi Khánh Đản:

Áo như mây nổi, mặt hoa cười
Gió nhẹ qua hiên hạt móc tươi
Ví chẳng phải người trên núi Ngọc
Dưới trăng âu hẳn khách Dao Đài.

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong.
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy,
Dưới nguyệt Dao Đài thử ngóng trông.

Bản dịch của Trần Trọng San:

Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây,
Hiên sương phơ phất gió xuân bay.
Nếu không gặp gỡ trên Quần Ngọc,
Dưới nguyệt Dao Đài sẽ gặp ai.

Vương Thanh
ngày 30 tháng 5 năm 2023


No comments

Powered by Blogger.