Header Ads

Gió Đầu Mùa và Gió Lạnh Đầu Mùa (!)


Vương Trùng Dương
 
Tôi vừa nhận được email của người bạn văn ở Los Angeles cho biết sẽ ấn hành tuyển tập về nhà văn Thạch Lam, nhưng đề cập đến bài viết “Gió Lạnh Đầu Mùa - Nhớ Thạch Lam, Giỗ 82 Năm” (2024-1942), cùng tác phẩm Gió Lạnh Đầu Mùa in ở trong nước làm tôi chưng hửng!

Hầu hết các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) đã do hai nhà xuất bản Đời Nay & Phượng Giang từ thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam VN.

Với NXB Đời Nay, tôi đã ghi trong bài viết Khái Quát Tuần Báo Phong Hóa, Ngày Nay & Tự Lực Văn Đoàn, trong đó đề cập ở mục: Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay.

“Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, số 1 ra đời ngày 5/5/1945, với 20 trang, Giám Đốc là Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách (em út trong gia đình Nguyễn Tường). Tuy là bác sĩ nhưng theo các người anh trên lãnh vực chính trị và văn chương. Năm 1942. Thạch Lam qua đời, ông trông coi nhà xuất bản Đời Nay”. (NXB Đời Nay thành lập năm 1934)

Với NXB Phượng Giang, trong bài của nhà văn Nguyễn Tường Thiết "Nhất Linh, Cha Tôi" đã ghi rõ:

Sau khi vào Nam (1954) “Nhà xuất bản Phượng Giang – ghép tên Phượng Vũ và Cẩm Giàng là quê quán và sinh quán của mẹ và cha tôi , ngoài việc in lại những sách truyện của Tự Lực Văn Đoàn, ông còn xuất bản truyện của những cây viết trẻ...”

Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (đàn em của nhà văn Nhất Linh & Khái Hưng) đã viết một bài về NXB Phương Giang.

Hai NXB nầy đã ấn hành tác phẩm Gió Đầu Mùa của nhà văn Thạch Lam. Và, chương trình Việt Văn lớp Đệ Lục thời VNCH trích và dạy ở tác phẩm nầy.

Ngay cả tựa đề tác phẩm Gió Đầu Mùa của nhà văn Thạch Lam, nổi tiếng trong Văn Học Việt Nam, khi in lại mà cũng tự ý thay tên Gió Lạnh Đầu Mùa thì không biết nội dung của tác phẩm sẽ như thế nào? Hết ý.

Tác phẩm Gió Đầu Mùa của nhà văn Thạch Lam ấn hành năm 1937, được xem là một trong những tác phẩm đầu tiên của TLVĐ vào thập niên 30.

Thạch Lam có ba người con, một gái, hai trai: Trưởng nữ Nguyễn Tường Dung, Nguyễn Tường Đằng, Nguyễn Tường Giang.

Bà Nguyễn Tường Dung là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Trong bài viết của bà Bố Tôi: Thạch Lam “Ngày bố tôi mất, tôi lên 6 tuổi, em kế tôi 3 tuổi và em út mới sanh được 3 ngày. Cả hai em tôi đều là trai. Bố tôi bị lao phổi, vì thời gian đó làm việc quá sức. Một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết bài, viết truyện”… Và theo bà trong câu cuối cùng về người bố “nhà văn đã được khen là người viết truyện ngắn hay nhất của đầu thế kỷ thứ 20”.

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con út của nhà văn Nhất Linh) trong bài viết Rải Tro Theo Gió có đoạn ghi:

“Vào mùa hạ năm 2008, một năm sau khi anh chết, ý nguyện đó đã được gia đình thực hiện. Theo lời Nhung kể cho tôi trong một lần điện đàm thì anh Ngô Quang Trưởng có một người tài xế sống ở Việt Nam mà Nhung vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ từ nhiều năm nay. Chính chú tài xế ấy đã đón Nhung và các con Nhung tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Nhung mang bình tro anh Trưởng về Việt Nam.

Từ phi trường chú tài xế chở mọi người về nhà chú tại ngoại ô thành phố Sài Gòn. Thật là một điều lạ lùng là nhà chú tài xế đó lại ở trên đường Thạch Lam, một con đường mới mở sau này khá lớn và dài ở sâu trong Chợ Lớn. Tôi có hỏi Nhung là chú ấy có biết Nhung là con của Thạch Lam hay không Nhung trả lời là chú ấy không biết và Nhung cũng không nói. Rồi sau đó tất cả bay ra Huế thuê xe lên đèo Hải Vân. Đến gần đỉnh đèo nơi một khúc ngoặt nguy hiểm có một cái miếu nhỏ thờ những người bị tai nạn chết ở đó Nhung quyết định chọn chỗ này để rải tro…

… Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn”

(Trung Tướng Ngô Quang Trưởng qua đới và sáng ngày 22-01-2007 tại Virginia, Hoa Kỳ)

Và cũng thời điểm đó, bà Nguyễn Tường Nhung ra Bắc thăm mộ ông nội Nguyễn Tường Nhu, tại nghĩa trang làng La A, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng; mộ Thạch Lam đặt ở nghĩa địa Hợp Thiện, gần ô Đống Mác

Năm 2021 tác phẩm “Tháng Ngày Qua” – Hồi ức của Nguyễn Tường Nhung được phát hành qua nhà xuất bản Barnes and Noble.

Nguyễn Tường Giang bắt đầu làm thơ vào giữa thập niên 1960 lúc sinh viên Ðại Học Y Khoa Sài Gòn. Sau đó cộng tác với vài tờ báo. Thành lập nhà xuất bản Thạch Ngữ năm 1974

Sau 1975, hành nghề y khoa tại Mỹ. Tác phẩm Khói Hồ Bay phần văn xuôi gồm 7 đoản văn: ba hồi ký, ba tùy bút và một truyện ngắn. Trong đó bài viết: Thạch Lam, Cha Tôi Trong Trí Tưởng với những điều chia sẻ đứa con ra đời mà không biết mặt cha.

Ở trong nước khi ấn hành các tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn là điều hay nhưng không biết nhà xuất bản có xin phép thân nhân của tác giả trước khi in?

Tựa đề của nhà văn Thạch Lam là Gió Đầu Mùa “nhà văn đã được khen là người viết truyện ngắn hay nhất của đầu thế kỷ thứ 20” mà tự ý đổi thành Gió Lạnh Đầu Mùa, không thể nào chấp nhận được.

Từ trước đến nay, có nhiều các tác phẩm dịch thuật (Trong bài viết Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam của tôi vào tháng 8/2022), có vài bạn văn cho biết vài “dịch giả” chỉ thay đổi tựa đề tác phẩm và thêm/bớt đôi chút để ấn hành.

Little Saigon, Feb 08, 2023
Vương Trùng Dương


No comments

Powered by Blogger.