Header Ads

Lời Thề Trên Sông Hoá


Bùi Quý Chiến

Tháng giêng năm Mậu tí (1288) Trần Khánh Dư thắng trận Vân đồn khiến quân Nguyên mất hết lương thực.
 
Theo lời bàn của các tướng tham mưu, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước. Thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy rút trước theo sông Bạch đằng (hạ lưu của sông Kinh thầy từ huyện Thủy nguyên chảy ra biển). Đại quân rút sau do A Bát Xích và Trương Ngọc mở đường; chặn hậu do Trình Bằng Phi và Trương Quân đảm trách.

Biết kế hoạch rút quân của Thoát Hoan, Hưng Đạo Vương một mặt lệnh cho Nguyễn Khoái theo đường tắt tới sông Bạch đằng đóng cọc nhọn khắp lòng sông, một mặt lệnh cho Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa đem quân lên ải Nội bàng (Lạng sơn) mai phục. Về phần Vương đem đại quân về đóng dinh tại xã A sào huyện Phụng dực (nay thuộc huyện Quỳnh phụ tỉnh Thái bình).

Nguyễn Khoái cho quân chặt cây đẽo nhọn, đợi thủy triều xuống đóng cọc khắp lòng sông ở vùng Đá bạc thuộc huyện Thủy nguyên tỉnh Kiến an (nay là huyện ngoại thành của Hải phòng), sau đó lấy cỏ phủ lên để che đậy.

Khi tiền quân của Ô Mã Nhi tới sông Bạch đằng, Nguyễn Khoái cho người phi báo với Hưng Đạo Vương đang đóng dinh tại làng A sào. Làng này ở bên sông Hóa. Vương khẩn cấp đưa quân qua sông để tiến lên Bạch đằng.

Nhằm tạo khí thế xuất quân, Vương chỉ tay xuống sông Hóa thề rằng: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không trở về sông này nữa". 

Quân sĩ hưởng ứng dạ ran.

Sông Hóa là sông nhánh của sông Luộc, chia nước sông Luộc ra biển và ngày nay là địa giới thiên nhiên của thành phố Hải phòng và Thái bình.

Khi đại quân qua sông, thủy triều xuống rất thấp, dân làng A sào phải đem rơm rạ và ván gỗ ra lót bờ sông cho voi của Hưng Đạo Vương vượt sông. Tới lòng sông, nước cạn không đủ cho voi nổi lên, voi bị sa lầy . Quân và dân không có cách nào đưa voi lên bờ bên kia, trở lui cũng không được.

Vì cuộc hành quân cấp bách, Vương đành bỏ voi đi bộ cùng quân sĩ. Voi biết mình bị bỏ lại, rống lên mấy tiếng đau đớn và hai hàng nước mắt chảy ra. Động lòng, Vương cũng không cầm được nước mắt. Quân sĩ chứng kiến cảnh đó lộ vẻ nao núng vì cho là điềm xấu lúc xuất quân.

Nhằm trấn áp quân sĩ, Vương tuốt kiếm ra và nghiêm giọng: "Ta thương voi trung với nước và có nghĩa với ta chứ không phải sợ điềm bất thường. Kẻ nào nản lòng coi chừng lưỡi kiếm của ta".

Quân sĩ lại nức lòng lên đường.


Hưng Đạo Vương và đại quân tới Đá bạc vừa lúc thủy triều xuống và Nguyễn Khoái đang phản công khiến chiến thuyền của giặc lọt vào bãi cọc bị lật nhào. Vương liền phối hợp thủy và bộ binh đánh tan đoàn chiến thuyền của giặc. Quân Nguyên lớp chết đuối, lớp bị giết, lớp bị bắt. Trong số bị bắt có Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ Ngọc. Ta tịch thu hơn 400 chiến thuyền.

Cùng lúc ấy Thượng hoàng và Nhân Tông chỉ huy một cánh quân khác kéo tới. Thượng hoàng sai dẫn các tướng Nguyên bị bắt tới thuyền ngự cùng ngồi uống rượu để tỏ lượng khoan hồng.

Thắng trận trở về, Hưng Đạo Vương qua sông Hóa được biết con voi đã chết chìm giữa lòng sông. Để tỏ lòng thương tiếc, Vương cho xây một tượng đài hình con voi tại bờ sông với một bàn thờ lộ thiên. Từ đó có địa danh Bến Voi. Dân làng A sào đến nay vẫn còn lưu truyền tích con voi của Hưng Đạo Vương và lấy làm vinh dự làng mình được dùng làm nơi đóng quân và kho chứa lương thảo trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên.

Bến Voi kế cận cầu Nghìn ngày nay.

Quốc lộ 10 từ Thái bình vượt qua cầu Nghìn sang thành phố Hải phòng.

Qua bản đồ thành phố Hải phòng chúng ta có thể suy đoán ra trục tiến quân của Hưng Đạo Vương từ bến Voi tới bãi cọc Đá Bạc.

Đó là quốc lộ 10. Tuy hệ thống giao thông đường bộ do thực dân Pháp thực hiện nhưng họ chỉ mở rộng và cán đá rải nhựa những đường xưa và xây dựng cầu cống.

Quốc lộ 10 từ bến Voi tới phà Rừng, rẽ về phía tây hữu ngạn sông Bạch đằng là tới bãi cọc Đá bạc.

Khởi đi từ thành phố Ninh bình, quốc lộ 10 xuyên qua các tỉnh ven biển: Nam định, Thái bình, thành phố cảng Hải phòng và Quảng ninh. Các tỉnh này là những vựa lúa của châu thổ sông Hồng và sông Thái bình. Ninh bình còn là cái nôi của văn hóa Tràng an với di tích kinh đô Hoa lư của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. 

Bùi Quý Chiến

------------------------------------

THAM KHẢO

- Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim.
- Hưng Đạo Vương của Lê Văn Phúc và Phan Kế Bính.
- Bản đồ Việt nam của Nhà xuất bản bản đồ.



1 comment :

  1. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (https://www.sachhayonline.com/tua-sach/viet-nam-su-luoc/quyen-i-phan-iii-chuong-viii/295)

    Các tướng đi đâu đấy cả rồi. Hưng-đạo-vương tiến quân lên đánh giặc, sực nghe tin báo rằng Ô mã Nhi đã kéo quân về đến Bạch-đằng, Hưng-đạo-vương mới hô quân sĩ, trỏ sông Hóa-giang[6] mà thề rằng: « Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến sông này nữa! » Quân-sĩ ai nấy đều xin quyết chiến, kéo một mạch đến sông Bạch-đằng.

    Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn (https://cvdvn.files.wordpress.com/2018/03/vie1bb87tse1bbadtoc3a0nthc6b0_phamvanson.pdf)

    Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa phục kích ở cửa ải Nội Bàng (thuộc Lạng Sơn).
    Việc bố trí xong, Hưng Đạo Vương hô quân sĩ trỏ xuống Hóa Giang cùng thề: "Trận này không phá được giặc thề không trở lại khúc sông này nữa!"

    Sau lời quyết liệt này, quân ta kéo thẳng tới sông Bạch Đằng.


    Trong cả hai tài liệu ghi trên, không thấy đề cập đến việc lời thề này xảy ra trước khi con voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy.

    Trong khi nếu dùng Google tìm tòi thêm chi tiết qua search pattern "Lời thề bên Sông Hóa," thì sẽ thấy có khá nhiều chỗ nói là lời thề đó được đưa ra khi Trần Hưng Đạo không thể cứu được con voi của ông đang bị sa lầy bên Sông Hóa.

    Do vậy, xin được hỏi tác giả Bùi Quý Chiến là ông đã dựa vào sử liệu hay tài liệu nào mà trong bài biên soạn của ông đã ghi là lời thề bên sông Hóa: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không trở về sông này nữa" của Trần Hưng Đạo lại được đưa ra TRƯỚC KHI con voi quý của Vương bị sa lầy bên sông Hóa.

    ReplyDelete

Powered by Blogger.