Header Ads

Paul Gauguin (1848-1903) - Nhà Danh Hoạ Lập Dị


Phạm Văn Tuấn

Paul Gauguin là họa sĩ người Pháp thuộc thời kỳ hậu Ấn Tượng, đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa trong các năm từ 1891 tới 1893 và từ 1895 tới 1901 tại hòn đảo Tahiti rồi từ năm 1901 tới 1903 trên các đảo Marquesas. Nhà danh họa này đã vẽ các thổ dân, mô tả lối sống thô sơ, mộc mạc của họ, các sợ hãi, dị đoan của vài xã hội sơ khai cũng như các phong cảnh của miền hải đảo.

Paul Gauguin đã từng làm người bán cổ phần ở tuổi 35 rồi do bản chất yêu nghệ thuật hội họa và do tính tình lập dị, tự phụ, ngang bướng, không chịu nhân nhượng trong cuộc sống, ông đã theo đuổi cuộc đời của một họa sĩ tiền phong, đi tìm lối sống cô đơn nơi các xã hội “nguyên thủy”.

Paul Gauguin đã chán nản trước cuộc sống tư sản của thành phố Paris nên đã đi tìm sự thật và bản chất của con người thuộc vùng biển Tây Ấn và phía nam Thái Bình Dương, rồi mô tả bằng cách dùng tới các hình thể đơn giản, các màu sắc chính vừa thuần chất, vừa rực rỡ, phối hợp với các tảng màu bằng phẳng và các đường nét nhịp nhàng, tạo nên các họa phẩm mang nhiều đặc tính trang trí và rất đẹp mắt.

Sự sáng tạo của nhà danh họa Paul Gauguin đã gây được những ảnh hưởng sâu rộng tới các họa sĩ dã thú và ấn tượng thuộc đầu thế kỷ 20 và trong số này phải kể tới họa sĩ người Na Uy Edward Munch, hai nhà danh họa Henri Matisse và Pablo Picasso.

1/ Các năm lập nghiệp.

Bản tính lập dị của Paul Gauguin có thể truy nguyên từ các vị tổ tiên thời trước. Bà ngoại của Paul tên là Flora Tristan, có mẹ là người Pháp, cha thuộc miền Peru, Nam Mỹ. Bà Flora sinh năm 1803, là một phụ nữ đẹp nhưng ưa nói thẳng, thường phản kháng các bất công xã hội trong suốt cuộc đời của bà. Lập gia đình năm 17 tuổi, bà Flora có chồng là André Chazal, một họa sĩ in thạch bản nhưng cuộc sống gia đình không thành công.

Qua đời năm 1844, bà Flora để lại một người con gái cô đơn 19 tuổi, tên là Aline. Không lâu sau khi mẹ chết, Aline kết hôn với Cloris Gauguin, lớn hơn 11 tuổi và thuộc một gia đình chủ tiệm khá giả, tại thành phố Orléans, miền trung của nước Pháp. Từ Orléans, ông Clovis đã di chuyển lên thành phố Paris và làm nghề viết văn, viết các bài bình luận chính trị cho tờ báo Quốc Gia (Le National).

Vào năm 1848, tình hình chính trị của nước Pháp rất xáo trộn. Do cảm thấy chế độ quân chủ có thể trở lại cai trị, một thể chế mà chính ông và tờ báo Quốc Gia thường chống đối, ông Clovis bèn mang gia đình di cư qua thành phố Lima, thuộc nước Peru với hy vọng rằng tại nơi ở mới này, gia đình ông sẽ được sự trợ giúp của một người chú giàu có và ông có thể chủ trương một tờ báo mới.

Gia đình Gauguin rời nước Pháp vào ngày 8-8-1849 để đi Peru nhưng trên đường đi, ông Clovis đã qua đời vào ngày 30-10 vì bị đứt mạch máu và bà vợ Aline đã đến xứ Peru như một góa phụ cô đơn với hai con nhỏ. Nhưng bà Aline đã được gia đình giúp đỡ và sống sang trọng như một mệnh phụ Tây Ban Nha quyền quý.

Đối với Paul Gauguin, cuộc sống tại miền đất này đã mang lại cho cậu nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Peru là xứ bán nhiệt đới, nhiều động đất và ít mưa, một miền đất với các sắc dân Trung Hoa, Ấn Độ và Phi Châu, một nơi mà người dân thuần hóa các loại khỉ thành các con vật trong nhà, tất cả những đặc điểm này đã để lại các kỷ niệm khó quên trong đầu óc của Paul Gauguin.

Tuy nhiên, cuộc sống trưởng giả tại Peru chấm dứt vào năm 1855 khi bà Aline đưa gia đình trở về nước Pháp vì người cha chồng qua đời, để lại một tài sản cần được dàn xếp. Lý do bà Aline mang các con về Pháp cũng vì nghĩ tới sự học của chúng: Paul đã 7 tuổi, chỉ biết nói tiếng Tây Ban Nha và quen với cuộc sống dễ chịu, hưởng thụ.

Khi quay lại Orléans, một thành phố màu sám với bầu trời âm u, Paul cảm thấy khác hẳn với phong cảnh trong sáng của miền nhiệt đới. Và trái với lối sống buông thả tại Lima, Paul Gauguin phải tuân theo kỷ luật nơi học đường. Do không thể kiếm ăn tại Orléans, bà Aline dọn nhà lên thành phố Paris, mở một cửa tiệm may nhỏ, để lại đứa con trai sống nội trú vài năm trong một trường học của nhà thờ.

Các năm đi học của Paul Gauguin tại Orléans và tại Paris sau này, đã không mang lại cho Paul các kỷ niệm nào đáng ghi nhớ. Paul chỉ là một học sinh tầm thường, không thiếu thông minh nhưng mang bản chất kiêu căng và cũng vì lý do này mà Paul đã không có bạn và không thành công ngoài xã hội. Vào năm 17 tuổi, cuộc đời đi học của Paul chấm dứt và Paul mơ ước trở nên một thủy thủ để có thể khám phá thế giới, tìm hiểu nhiều xứ sở xa lạ.

Tháng 12 năm 1865, Paul Gauguin được tuyển làm thủy thủ cho một con tầu biển chở hàng từ Le Havre, nước Pháp, tới Rio de Janeiro, nước Brazil. Khi con tầu ghé bến Ấn Độ thì Paul Gauguin được tin bà mẹ qua đời khi 40 tuổi tại St Cloud, gần Paris vào ngày 7-7-1867, và đây là một nỗi bất hạnh lớn lao đối với Paul.

Tháng 1-1868, Paul Gauguin rời bỏ thương thuyền, nạp đơn vào Hải Quân Pháp rồi hai tháng sau, được chỉ định phục vụ trên tầu Jerome Napoléon. Con tầu chiến này đã đi tới các miền Biển Đen, Địa Trung Hải và Biển Bắc, ghé bến cảng của các thành phố Corfu, Naples, Trieste, Venice, Bergen, Copenhagen và London...

Sau khi chán cuộc sống đi biển, không ưa kỷ luật quân đội và sự thiếu thiện cảm nơi bạn bè, Paul Gauguin xin ra khỏi Hải Quân vào tháng 4-1871 và trở về St Cloud, tìm lại căn nhà của mẹ thì được biết nơi này đã bị quân Phổ đốt phá vào năm 1870. Paul Gauguin đã bị mất đi một di sản quý báu, đó là các bức tranh và đồ vật mà bà mẹ đã sưu tầm từ khi còn ở Peru.

Nhưng Paul Gauguin lại gặp một may mắn khác, là có được một người bà con bảo trợ: ông Gustave Arosa, một thương gia giàu có, một nhà nhiếp ảnh có tài và cũng là một người sưu tầm nghệ thuật với các họa phẩm rất giá trị của Delacroix, Corot, Courbet, Daumier cũng như nhiều họa sĩ sau này nổi danh, thuộc trường phái Ấn Tượng.

Ông Arosa đã giúp đỡ Paul Gauguin phụ việc cho một nhân viên bán cổ phần chứng khoán tên là Paul Bertin. Với công việc mới này, Paul Gauguin đã thành công, thế nhưng ngoài các giờ làm việc, Paul lại trở về với bản chất cô đơn, lui về sống trong căn nhà hạng trung và tìm đọc các văn phẩm của Edgar Allen Poe, Charles Baudelaire và Honoré de Balzac.

Vào các chiều thứ bẩy, Paul Gauguin thường lui tới các vũ trường và ưa thích giao du với vài phụ nữ. Paul Gauguin tuy là một con người cô đơn, tính tình ngang bướng nhưng cũng có một người bạn trẻ hơn 3 tuổi rưỡi, cùng nơi làm việc, tên là Claude Emile Schuffenecker, được gọi tắt là Schuff. Điều kết thân hai người này lại với nhau là tình yêu hội họa trong khi đó, địa vị xã hội của Paul khá vững vàng nhờ công việc làm ăn phát đạt và chàng Paul bèn nghĩ tới việc lập gia đình.

Mùa thu năm 1872, Paul Gauguin gặp một thiếu nữ tên là Mette Sophie Gad. Sinh trên một hòn đảo thuộc xứ Đan Mạch, Mette và các anh chị em được bà mẹ nuôi dưỡng và do cuộc sống tự lập từ thuở nhỏ, Mette Sophie Gad mang một bản tính độc lập, tháo vát. Năm 17 tuổi, Mette giữ chân coi trẻ cho gia đình của vị thủ tướng Đan Mạch, nhờ đó có cơ hội tiếp xúc với giới thượng lưu trong xã hội, có tầm kiến thức rộng mở, hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài.

Vào năm 22 tuổi, Mette được cha của một người bạn gái tên là Marie Heegaard nhờ cùng đi với con gái của ông ta tới thành phố Paris và trong kỳ du lịch này, Paul Gauguin đã gặp hai thiếu nữ người Đan Mạch. Paul đã cảm thấy hấp dẫn nơi người thiếu nữ xa lạ vì nàng Mette có trí thông minh, tính ngay thẳng, khác hẳn với bản chất bình thường của các thiếu nữ Pháp. Hai người đã gặp riêng nhau nhiều lần rồi vào ngày 22-11-1873, một đám cưới đã được cử hành, cô dâu 23 tuổi và chàng rể 25. Cả hai đã sinh sống tại một căn nhà tiện nghi trong thành phố Paris và hi vọng vào tương lai tươi sáng.

2/ Bước vào Hội Họa.

Vài năm sau ngày cưới, Paul Gauguin đã thành công về tài chính mặc dù thị trường chứng khoán có giao động và nền kinh tế của nước Pháp và châu Âu có suy kém. Gia đình Gauguin này đã có 3 người con: con trai đầu Emile sinh năm 1874, con gái Aline năm 1877 và con trai thứ Clovis năm 1879. Trông bề ngoài, nhiều người đều tin rằng đây là một gia đình lý tưởng, hạnh phúc với tương lai giàu có đang chờ đợi. Nhưng cũng trong hoàn cảnh sung túc này, Paul Gauguin đã đam mê một thứ nghệ thuật và trách nhiệm này một phần cũng do người bạn Schuff tạo nên.

Cả hai người đã tranh luận về Hội Họa và một số bạn khác đã khuyến khích Paul tập vẽ. Thế rồi vào các ngày chủ nhật, Paul mang giá vẽ và sơn màu ra ngoại ô thành phố Paris, và đôi khi cũng theo bạn bè, tham dự khóa học tại hàn lâm viện Colarossi.

Được các bạn ca ngợi là có tài, Paul càng bỏ thời giờ vào nghệ thuật rồi tới năm 1876, bức họa phong cảnh của Paul Gauguin đã được Phòng Triển Lãm của chính quyền chấp nhận và treo bên cạnh các tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp, và rồi một bài báo đã ngợi khen cách sáng tạo độc đáo của Paul. Lòng đam mê Hội Họa của Paul Gauguin còn được một người khác thúc động, đó là ông Gustave Arosa. Các bức tranh treo tại nhà ông Arosa cùng với các lần thăm viếng nhiều Viện Bảo Tàng tại Paris đã làm phát triển sự hiểu biết về kỹ thuật và nghệ thuật sáng tác, tạo cho Paul đạt được cách nhìn đề tài sắc bén.

Paul Gauguin còn bị lôi cuốn bởi một nhóm họa sĩ đang chủ trương một đường hướng khai phá mới, họ thuộc Nhóm Ấn Tượng: Claude Monet, Pierre August Renoir, Alfred Sysley và Camille Pissaro... Những họa sĩ sáng tạo này có lối làm việc khác hẳn các nhà danh họa thời trước, họ trực tiếp đi vào thiên nhiên, ghi lại cảnh vật bằng các nét bút nhỏ, các nét chấm phá có màu sắc thuần chất, rực rỡ, để ghi lại các ấn tượng thoảng qua. Thế nhưng, các sáng tạo táo bạo này chưa được đa số dân chúng đương thời chấp nhận và ban giám khảo của các Phòng Triển Lãm công lập thường từ chối treo các họa phẩm mang tính cấp tiến.

Đối với các họa phẩm ấn tượng, Paul Gauguin lại bị lôi cuốn bởi những đặc tính riêng, những khám phá mới và ngoài ra, các tác phẩm treo trong nhà ông Arosa cũng làm cho họa sĩ tập sự Paul say mê. Paul Gauguin bắt đầu sưu tầm một số họa phẩm rồi tới năm 1880, đã có tại nhà riêng một bộ sưu tập. Qua sự trung gian của ông Arosa, Paul còn được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ, đáng kể là họa sĩ Camille Pissaro, vị thầy trực tiếp đầu tiên về hội họa.

Camille Pissaro sinh năm 1831 trên đảo St. Thomas, có cha là người Bồ Đào Nha gốc Do thái, mẹ thuộc đảo Tây Ấn. Năm 12 tuổi, Camille được cha mẹ gửi tới thành phố Paris để theo bậc trung hoc và chính nơi này đã làm phát triển lòng yêu thích nghệ thuật của cậu Camille. Năm 1852, Camille Pissaro trốn gia đình, qua xứ Venezuela vì không muốn theo nghề làm chủ tiệm nhỏ của cha, và sau đó đã được phép cha mẹ trở lại thành phố Paris để theo đuổi nghệ thuật. Tại kinh thành này của nước Pháp, do các họa phẩm bị ban giám khảo bác bỏ nhiều lần, Camille Pissaro phải cộng tác với nhiều họa sĩ khác để tìm ra đường lối cải tiến nghệ thuật Hội Họa.

Camille Pissaro đã hướng dẫn Paul Gauguin từ một họa sĩ tài tử, có năng khiếu, thành một họa sĩ chuyên nghiệp hữu hạng. Cả hai người đã vẽ cùng nhau trong các năm từ 1879 tới 1881 tại Pontoise, một ngôi làng nhỏ gần thành phố Paris và Paul Gauguin đã học được từ Pissaro cách dùng màu chính: đỏ, xanh, vàng và các màu thứ: lục, cam và tím. Cũng nhờ Pissaro, Paul Gauguin được giới thiệu với các họa sĩ ấn tượng và các nghệ sĩ này đã mời Gauguin gửi các họa phẩm trưng bày tại các kỳ triển lãm riêng của họ, và Gauguin đã đóng góp bằng hai bức tượng bán thân của con trai, của bà vợ Mette cũng như một số tranh phong cảnh.

"Suzanne đang may"
Trong kỳ triển lãm Ấn Tượng thứ 6 vào tháng 4-1881, các họa phẩm của Paul Gauguin đã được nhiều người ca ngợi, đặc biệt bởi Joris Kar Huysmans, một tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ và cũng là một nhà phê bình có hạng. Về bức tranh khỏa thân “Suzanne đang may” của Gauguin, ông Huysmans đã viết: “trong các họa sĩ vẽ khỏa thân, chưa có ai diễn tả sự thật một cách say đắm như vậy”. Lời phê bình này đã là điều khuyến khích mạnh mẽ đối với chàng họa sĩ,

cho nên vào kỳ triển lãm thứ 7, Gauguin lại đóng góp 13 họa phẩm. Paul Gauguin đã dùng các phương pháp của họa phái Ấn Tượng nhưng không có cùng quan điểm là nhấn mạnh vào tính linh hoạt nơi đề tài, mà dùng hội họa để ghi lại đặc tính bình yên, phẳng lặng, nhưng chưá nhiều sức sống của nhân vật trong tranh. Vào lúc đang say mê hội họa, Paul Gauguin phải chọn lựa hoặc là nghệ thuật, hoặc là ngành thương mại.

Tháng 1 năm 1882, thị trường chứng khoán tại Paris suy sụp. Các nhà đầu tư lớn nhỏ đã bị mất tiền, các công ty gặp cảnh phá sản, nhiều nhà môi giới chứng khoán bỏ nghề. Đây cũng là hoàn cảnh bắt buộc Paul Gauguin cống hiến mọi năng lực cho ngành Hội Họa. Tin tức Paul Gauguin bỏ nghề buôn chứng khoán đã là một điều xúc động lớn đối với bà vợ Mette.

Tuy đã biết chồng say mê Hội Họa nhưng bà Mette không hiểu rõ rằng độ say mê nghệ thuật đã làm cho Paul Gauguin sao lãng việc lo lắng tài chính cho gia đình, và bà Mette cùng các con từ lâu vẫn quen với cuộc sống phong lưu.

Trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Paul Gauguin nghe theo các lời khuyên bảo của Pissaro nhưng chính Camille Pissaro cũng là một họa sĩ nghèo, đã từng gặp gian nan trong nhiều năm khi theo đuổi Nghệ Thuật. Và rồi Pissaro cũng không ngờ Gauguin nhất quyết không từ bỏ thú đam mê của mình: trên bản khai sinh của đứa con thứ năm Pola, vào ngày 6-12-1883, Paul Gauguin đã kê khai nghề nghiệp là “Họa Sĩ”.

3/ Theo đời nghệ sĩ.

Quyết định theo đuổi Hội Họa của Paul Gauguin đã khiến cho gia đình này rẽ qua một khúc quanh đặc biệt. Bà Mette trước kia là phu nhân của một doanh gia giàu có, nay bỗng trở nên vợ một nghệ sĩ không còn tài sản. Vào đầu năm 1884, gia đình Gauguin phải dọn nhà qua miền Rouen, thuộc phía bắc của nước Pháp, là nơi ít đắt đỏ hơn. Paul Gauguin khi về nơi ở mới này đã hi vọng rằng có thể vẽ được các tấm tranh và các chân dung để bán cho người dân địa phương cũng như gửi bán tại thành phố Paris.

Thế nhưng, cuộc sống không hẳn dễ dàng và hoàn cảnh sống của gia đình nghệ sĩ này thiếu đi các nhu cầu tối thiểu và chàng họa sĩ trở nên một kẻ xa lạ ngay cả đối với bà vợ Mette. Tháng 10 năm 1884, bà Mette bỏ về Đan Mạch cùng với 5 con rồi một tháng sau, Paul Gauguin cũng theo qua, xin làm công cho một công ty sản xuất loại vải không ngấm nước.

Cuộc sống tại xứ Đan Mạch đối với chàng họa sĩ còn tệ hại hơn thời kỳ lưu ngụ tại Rouen. Paul Gauguin phải cố công học hỏi một ngôn ngữ mới đồng thời vẫn không thể kiếm sống cho gia đình trong khi đó bà Mette phải dạy tiếng Pháp và lãnh dịch các cuốn truyện tiếng Pháp sang tiếng Đan Mạch. Tháng 5-1885, trong một bức thư gửi cho Pissaro, Paul Gauguin đã viết: “mỗi ngày, tôi tự hỏi có nên lên trên gác thượng và tròng vô cổ sợi dây thừng hay không?”“tôi chỉ còn một khả năng là vẽ. Mọi việc làm khác khiến cho tôi trở thành ngu xuẩn”.

Tháng 6 -1885, Paul Gauguin trở về Paris với đứa con trai Clovis, 6 tuổi, trong túi không còn tiền và rất ít hi vọng kiếm nổi miếng ăn. Chàng họa sĩ phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của một số bạn cũ. Việc bán tranh hầu như rất khó khăn vì nhà buôn tranh Paul Durand Ruel vào lúc này cũng gần như phá sản.

Paul Gauguin và đứa con dọn từ căn phòng này qua căn nhà khác, với chiếc rương quần áo cũ mang về từ xứ Đan Mạch, và hai cha con chỉ ăn toàn bánh mì, do mua chịu. Rồi mùa đông tới, cháu Clovis mắc bệnh đậu mùa nhưng được một người quen chăm sóc và chàng họa sĩ Gauguin phải lãnh công việc dán bích chương tại các ga xe lửa với giá 5 quan tiền một ngày. Sau một thời gian làm công việc gian nan này, Paul Gauguin được thăng cấp thành đốc công và tình trạng tài chính có khả quan hơn.

Vào đầu năm 1886, cuộc triển lãm hội họa ấn tượng đã gặp thất bại, các họa sĩ thành viên đã chia rẽ nhau và 3 họa sĩ đã không chịu tham gia vào nhóm là Renoir, Monet và Sisley, trong khi đó đường lối hội họa chấm điểm (Pointillism) đang được một số họa sĩ theo đuổi. Tất cả các hoạt động về hội họa kể trên đã làm lu mờ 13 họa phẩm và 1 tấm khắc gỗ của Paul Gauguin treo tại các kỳ triển lãm. Vào thời kỳ này, Paul Gauguin và bà vợ Mette chỉ trao đổi với nhau một vài bức thư qua đó Paul trách vợ chỉ quen sống trong nhung lụa, đã bỏ rơi chàng và bà vợ Mette thì đòi hỏi chồng phải từ bỏ Hội Họa, quay về với ngành doanh thương như thuở trước.

Tháng 7 năm 1886, Paul Gauguin mượn được một người bà con xa một số tiền và chàng họa sĩ bèn cho con trai Clovis vào sống trong một ký túc xá, còn chính mình lên miền Brittany, thuộc vùng tây bắc của nước Pháp, trú ngụ tại làng Pont-Aven, cách bờ biển Đại Tây Dương 12 dậm.

Trong nhiều năm, Pont-Aven là nơi đã hấp dẫn nhiều họa sĩ từ các xứ Na Uy, Anh, Hòa Lan, Hoa Kỳ. Đây là một làng có nông dân, ngư dân, và loại dân địa phương này đã không bị nền văn minh làm biến chất: các phụ nữ còn mặc các y phục truyền thống với nón trắng, với loại áo ren thêu tay cầu kỳ và chỉ với vài quan tiền, các thiếu nữ địa phương sẵn lòng làm người mẫu cho các họa sĩ sáng tác.

Pont-Aven là nơi lý tưởng cho những ai muốn ghi lại trên khung vải các hình ảnh đặc thù của người dân, của phong cảnh thôn dã, của bầu trời thường u ám, phủ kín nhiều điều bí ẩn của thiên nhiên. Đời sống tại Pont-Aven lại không đắt đỏ, nhất là khi họa sĩ thuê được một căn phòng của bà Marie Hoanne Gloanec, chủ quán trọ, và bà chủ này không bao giờ bắt các nghệ sĩ trả tiền phòng đúng hẹn.

Thế rồi họa sĩ Paul Gauguin cũng thuê được một căn phòng phía trên của bà Gloanec, và do bản tính kiêu căng cố hữu, chàng họa sĩ đã không có bạn bè trừ một người mới quen biết tên là Charles Laval, trẻ hơn 14 tuổi. Người dân miền này đã coi chàng họa sĩ là một con người lập dị, sống cô đơn, không trò chuyện với ai, mỗi ngày mang giá vẽ ra đi, mặc một chiếc áo màu xanh của ngư phủ và đội một mũ nồi lệch qua một bên. Thế nhưng, sự táo bạo và sinh lực thể hiện trong các họa phẩm của Paul Gauguin đã làm cho nhiều người phải nể trọng và Gauguin đã viết thư về cho vợ: “anh được kính trọng là họa sĩ bậc nhất tại Pont-Aven... Mọi người đều bàn tán về anh”.

Thời gian sáng tạo tại Pont-Aven của Paul Gauguin tới lúc kết thúc và đây cũng là lúc Paul Gauguin sống xa ảnh hưởng của Pissaro và các họa sĩ ấn tượng khác để làm phát triển một đường lối hội họa mới, đặc thù của chính mình. Trở lại thành phố Paris, Paul Gauguin lại nhận ra rằng rất khó mà sống bằng nghệ thuật sáng tạo. Chàng họa sĩ cũng thử bắt tay vào ngành đồ gốm nhưng bộ môn nghệ thuật nào cũng chỉ mang lại lợi nhuận tối thiểu và Paul đã viết thư cho vợ, nói rõ ý muốn ra đi một nơi hoang sơ, có khí hậu ấm áp bởi vì tại đó, chàng có thể sống một cách rẻ tiền và giấc mộng này đã ám ảnh tới cuối đời của nhà danh họa.

Vào tháng 4 năm 1887, bà vợ Mette đã tới Paris, dẫn về Đan Mạch đứa con Clovis và kể từ nay, chàng họa sĩ được hoàn toàn tự do theo đuổi nghệ thuật rồi vài ngày sau đó, Paul Gauguin cùng với Charles Laval đã lên một con tầu biển, đi Panama. Khi tới nơi, cả hai đã thất vọng. Việc xây dựng kênh đào đã làm tăng giá sinh họa địa phương trong khi đó phong cảnh thiên nhiên cũng đã bị biến đổi khác xưa. Vì thế, hai chàng nghệ sĩ này bàn với nhau sẽ qua hòn đảo Martinique, ở xa hơn nữa trong vùng biển Caribbean. Và để có tiền trả cho vé tầu, Laval lãnh việc vẽ chân dung cho khách qua đường, còn Paul Gauguin trở thành công nhân đào kênh, làm việc 12 giờ một ngày.

Sau khi đã kiếm đủ tiền vé tầu, hai người ra đi và sau khi bước lên hòn đảo Martinique, họ thuê một chiếc lều tranh bỏ trống, cách làng Saint Pierre vài dậm đường. Paul Gauguin đã khám phá ra ở nơi đây bản chất của màu sắc vì phong cảnh của miền nhiệt đới chan hòa ánh sáng mặt trời, trái hẳn với bầu trời u ám của miền Brittany. Chàng họa sĩ yêu mến miền nhiệt đới, một phần vì muốn thoát ly khỏi nền văn minh gò bó, một phần cũng vì muốn tìm lại niềm hạnh phúc của thời niên thiếu trước kia.

Qua một bức thư gửi về cho bà vợ Mette, Gauguin viết: “anh không thể mô tả nổi cho em thấy niềm hứng khởi của anh được sống tại các thuộc địa Pháp”. Thế nhưng, một khuyết điểm khác đã tới với chàng họa sĩ: thời tiết ẩm ướt của miền nhiệt đới cộng với thời gian lao động vất vả tại kênh đào Panama khiến cho Paul Gauguin bị mắc bệnh sốt rét và kiết lỵ. Paul Gauguin đành phải quay trở về Pháp để điều trị nhưng trong thời gian sống tại đảo Martinique này, 12 họa phẩm rực rỡ của chàng họa sĩ, với đường nét diễn tả độc đáo, đã là đặc điểm khác hẳn với các họa sĩ đương thời.

4/ Về miền nam nước Pháp.

Paul Gauguin trở về Pháp vào tháng 11-1887, vừa gầy ốm, đau bệnh, vừa nghèo túng, để lại anh bạn Laval sống trên đảo Martinique. Từ lúc này, Gauguin phải sống nhờ vào sự trợ giúp của Schuff, người bạn cũ. Các tiến bộ về hội họa của Gauguin, cách diễn tả độc đáo của chàng họa sĩ thiên về nghệ thuật hoang sơ (primitive art), đã không được ai chú ý đến, ngoại trừ một họa sĩ gốc Hòa Lan mà Gauguin gặp ít lâu trước khi lên đường đi Panama: Vincent van Gogh.

Gauguin và Van Gogh là hai con người có tính khí khác hẳn nhau. Gauguin trầm tĩnh, ưa suy tư trong khi Van Gogh trẻ hơn 5 tuổi, lại là người nông nổi, bộc trực, nhưng cả hai lại có cùng một đam mê, đó là việc đi tìm kiếm đường hướng mới về cách diễn tả hội họa và cả hai cùng cộng tác với nhau vì cùng cảm thấy bị cô lập trước các phong trào nghệ thuật đương thời.

Van Gogh tới Paris năm 1886, sống với người em tên là Theo, người làm việc cho một cơ xưởng bán tranh. Và cũng nhờ Theo mà Gauguin đã bán được vài họa phẩm nhưng lợi tức đó không đủ. Sự việc này đã khiến cho Paul Gauguin phải quay về Pont-Aven, một nơi sinh sống rẻ tiền và nhờ vả vào sự rộng lượng của bà Gloanec.

Mùa đông năm 1888 tại Pont-Aven không phải là dễ chịu. Khí hậu nơi này khắc nghiệt, thị trấn vắng vẻ, các nghệ sĩ phương xa chỉ tới đây vào mùa xuân và mùa hè ấm áp trong khi đó Paul Gauguin chưa phục hồi được sức khỏe và lại quá nghèo, không đủ tiền mua vải vẽ. Paul Gauguin đã viết thư cho vợ, mô tả: “cả ngày trong quán trọ từ sáng tới tối, anh không có ai để trao đổi, hàn huyên”, còn trong bức thư viết cho Schuff, chàng họa sĩ đã tin tưởng rằng tại miền Brittany này, nghệ thuật của chàng sẽ trở nên trưởng thành hơn: “tôi yêu thích miền Brittany, vừa mộc mạc, vừa hoang dã”, và “tiếng guốc gỗ của tôi gõ lên sỏi đá, vừa sâu đậm, vừa trống trải, vừa mạnh mẽ, là những nét mà tôi tìm kiếm trong họa phẩm”.

Cũng vào năm 1888, Van Gogh viết thư cho Gauguin nói về hi vọng sẽ lập nên một nhóm nghệ sĩ để bán tranh và làm thăng tiến nghệ thuật. Van Gogh mời Gauguin xuống Arles, thuộc miền nam, nơi sẽ có một số họa sĩ tham gia. Do Theo van Gogh đã nhận được một di sản nhỏ nhờ vậy nhà buôn tranh này đề nghị trả cho Gauguin mỗi tháng một món tiền để đổi lấy một họa phẩm, với điều kiện Gauguin tới cư ngụ với Vincent van Gogh, và cả hai cùng chia sẻ phí tổn. Vào lúc này Paul Gauguin cảm thấy không cần vội vàng vì mùa hè sắp tới tại Pont-Aven.

Paul Gauguin lại mới quen với Emile Bernard, một thanh niên 20 tuổi, yêu thích văn chương, âm nhạc, triết lý và nghệ thuật. Cả hai người có cùng quan điểm là phải diễn tả nội tâm, bày tỏ cách nhìn sự vật qua họa phẩm, hơn là chỉ sao chép thiên nhiên như các họa sĩ Ấn Tượng chủ trương. Gauguin viết thư cho người bạn Schuff:

Đừng sao chép thiên nhiên quá đáng. Nghệ thuật là trừu tượng. Hãy vẽ từ thiên nhiên ra nghệ thuật như bạn mơ về sự hiện hữu của thiên nhiên” 

và Gauguin cùng Bernard chủ trương đường lối “Biểu Tượng” (Symbolism).

Tới mùa thu năm đó, Bernard trở về Paris thì mùa sáng tác cũng chấm dứt. Gauguin đành nhận lời đề nghị của Theo. Cuối tháng 10 năm 1888, sau khi đã gửi đi một số họa phẩm cho Theo, Gauguin xuống miền Arles, nơi mà Van Gogh đang trông đợi và hi vọng Gauguin sẽ sống trong một năm. Hai tháng sống với Van Gogh là thời gian để Gauguin nhận ra sự khác biệt quá xa ở hai con người nghệ sĩ.

Gauguin là người ngăn nắp, thích trật tự, đã không chịu nổi sự luộm thuộm, vô thứ tự của Van Gogh và trong khi Gauguin lo nấu ăn, lo xếp dọn thì Van Gogh lại chẳng bận tâm gì cả. Arles là nơi mà Van Gogh yêu mến thì đối với Gauguin, đây là “thị trấn dơ bẩn nhất của miền nam“. Người dân nơi đây, kể cả phụ nữ và phong cảnh, đã thiếu hẳn đặc tính ám ảnh và bí ẩn của miền Brittany và vì vậy sẽ xẩy ra xung đột giữa hai họa sĩ với tính tình quá tương phản này.

Rồi vào đêm 23 tháng 12, Paul Gauguin nghe thấy tiếng chân một người đuổi theo phía sau, và nhìn thấy Van Gogh đang đe dọa mình bằng một con dao trên tay. Tối hôm đó, Gauguin qua đêm tại một quán trọ và Van Gogh bị hoảng loạn tâm tư, đã dùng dao cắt vành tai bên trái của mình. Sáng ngày 25 sau đó, Paul Gauguin bỏ về Paris. Trong thời gian sinh sống tại Arles, Paul Gaugin cũng sáng tác được một số họa phẩm trong đó có bức chân dung của Van Gogh và bức “Các bà già tại Arles” (Old Women at Arles).

Các bà già tại Arles” (Old Women at Arles)

Paul Gauguin trở về sống tại miền Brittany trong vài năm. Mùa xuân năm 1889, cả thành phố Paris đang rạo rực chuẩn bị Hội Chợ Thế Giới, kỷ niệm 100 năm cuộc Cách Mạng Pháp. Vào dịp trọng đại này, sẽ có triển lãm hội họa, nhưng Paul Gauguin không có tên trong danh sách các họa sĩ được mời tham dự. Nhưng rồi anh bạn Schuff đã kiếm ra được một căn phòng trưng bày trong một quán cà phê, không xa khu Hội Chợ. Tin này tới Pont-Aven và Paul Gauguin vội vã trở về Paris để trông coi phần trang trí. Gần 100 tấm tranh đã được trình bày, gồm các sáng tác của Bernard, Schuffenecker và Van Gogh, riêng Gauguin có 17 tấm. Mặc dù các cố gắng, phòng triển lãm kể trên đã không thành công, không bán được một họa phẩm nào nhưng bù lại, nhiều họa sĩ đã nhìn nhận Paul Gauguin là người dẫn đầu một phong trào hội họa mới.

“Chúa Ki Tô màu vàng”
Thất vọng, Paul Gauguin trở về Pont-Aven rồi do nhận thấy nơi này quá ồn ào, quá đông loại nghệ sĩ tầm thường, Gauguin dọn tới Le Pouldu cách đó 10 dậm. Paul Gauguin đã tìm thấy tại nơi ở mới này người bạn cũ Laval và người bạn mới Jacob Meyer de Haan, một họa sĩ người Hòa Lan, người cho chia xẻ một phần thực phẩm. Và cùng với một số họa sĩ trẻ, Paul Gauguin đã thảo luận và hướng dẫn họ trên con đường sáng tạo.

Trong thời kỳ này, một số họa phẩm của Paul Gauguin đã xuất hiện như bức “Các người gom rong biển” (the Seaweed Gatherers) hay bức “Chúa Ki Tô màu vàng” (Yellow Christ). Pissaro đã phê bình nghệ thuật của Paul Gauguin qua hoạ phẩm này là mang đường hướng chống xã hội, vừa độc đoán, vừa thần bí. Quả vậy, Paul Gauguin là con người của niềm tin và tập quán, ưa chuộng tình cảm và tự do cá nhân.

Trong khi các họa sĩ Ấn Tượng tìm kiếm sự đổi mới và tiến bộ, thì Paul Gauguin lại theo đuổi một niềm tin siêu hình. Họa sĩ đã mô tả qua bức họa “Chúa Ki Tô màu vàng” hình ảnh của Thượng Đế chết trong thân thể con người, nhưng đây cũng là cách biểu lộ nỗi thống khổ của nhà danh họa. Paul Gauguin coi làm nghệ thuật như một sứ mạng, một bổn phận, vì vậy mà bỏ qua hạnh phúc gia đình, với niềm tin là thứ cần thiết cho đời sống, và như vậy nghệ thuật hội họa của Paul Gauguin đã mang một tầm vóc tôn giáo. Nỗi buồn miên man của nhà danh họa còn được thể hiện qua họa phẩm “Chân dung tự biếm họa” (Caricature Self-Portrait - 1889), với vẻ kiêu hãnh trước kia bị thay thế bằng sự ngã lòng, phiền muộn.

Mặc dù sáng tạo ra các họa phẩm đặc sắc, Paul Gauguin đã không kiếm ra tiền và nỗi ám ảnh về cuộc sống tạm đủ trên một hòn đảo xa xôi lại hiện về với chàng họa sĩ. Tháng 2 năm 1890, Paul Gauguin trở về Paris, xin Bộ Thuộc Địa Pháp cho một chức vụ tại xứ bảo hộ Bắc Kỳ, ngày nay là Việt Nam, thế nhưng lời xin này đã không thành. Paul Gauguin lại trù tính xin đi đảo Madagascar để tại đó, sáng tác rồi gửi các họa phẩm về cho Theo van Gogh.

Thế nhưng ngày 1 tháng 8, Gauguin được tin Vincent van Gogh qua đời, Theo phải vào bệnh viện và xin rút lui khỏi cơ sở bán tranh. Từ nay, Paul Gauguin bị mất đi một người yểm trợ đắc lực.

Do tìm đường đi tới một hòn đảo thật xa, Paul Gauguin đã rao bán một số tranh sưu tầm. Vào thời kỳ này, trung tâm của trào lưu văn nghệ là các nhà văn biểu tượng Stephane Mallarmé, Paul Verlaine và Arthur Rimbaud... và đồng thời, Paul Gauguin cũng được coi là một họa sĩ tiền phong về đường lối biểu tượng của bộ môn Hội Họa. Mỗi chiều thứ Ba, các nghệ sĩ đã hội họp tại tư gia của Mallarmé, cùng nhau thảo luận về đường hướng mới của Nghệ Thuật.

Cũng vào năm 1886, Jean Moréas đã cho phổ biến Bản Tuyên Ngôn Biểu Tượng (the Symbolist Manifesto) và vì thế nhóm nghệ sĩ này được đặt tên là các nhà biểu tượng (the Symbolists). Do các bài báo của các nhà biểu tượng kể trên, có một số người mua các họa phẩm của Paul Gauguin trong kỳ đấu giá tại khách sạn Drouot ở Paris vào ngày 23 tháng 2 và nhờ đó Paul Gauguin đã có một món tiền để qua châu Mỹ.

Ngày 1 tháng 4 năm 1891, Paul Gauguin xuống tầu qua đảo Tahiti, mang theo bên mình 2 cây đàn măng cầm, 1 cây đàn ghi-ta, 1 cây kèn Pháp và 1 cây súng săn cùng với một số tài liệu về nghệ thuật của các xứ Hy Lạp, Ai Cập, Nhật Bản, nhiều bản chụp các bức tranh thuộc thời kỳ Phục Hưng và Baroque…

5/ Cuộc sống tại Tahiti.

Paul Gauguin tới thành phố Papeete vào ngày 6-6-1891. Đây là thủ đô của hòn đảo Tahiti với dân số độ 3 ngàn người. Người dân địa phương đã chú ý tới chàng họa sĩ lập dị: tóc dài tới vai, đầu đội mũ cao bồi, mặc áo nhung màu nâu, họ gọi Gauguin là “taata-vahine” hay người đàn bà nửa đàn ông. Paul Gauguin đã thấy phong cảnh của thành phố này có kiến trúc tây phương, bằng gạch, xây cất lộn xộn còn dân chúng bỏ y phục truyền thống mà ăn mặc theo lối mới, vừa lố lăng, vừa thiếu vẻ đặc thù của địa phương bởi vì họ đã bị ảnh hưởng của các thủy thủ, các nhà buôn, các nhà truyền giáo từ châu Âu.

Ba tháng sau ngày đặt chân lên đảo, Paul Gauguin định cư tại khu vực Mataiea, cách xa 30 dậm về phía bờ biển. Cư dân ở đây chỉ gồm 516 người, sống trong các chòi lá và nhà nhỏ, rải rác nằm dưới bóng các cây gồi. Từ trong chòi lá nhìn ra là biển xanh, rừng dừa và cây cối xanh tươi mọc trong ánh nắng chan hòa. Paul Gauguin bắt đầu làm việc, ghi lại cảnh vật và đời sống của dân địa phương qua trí tưởng tượng và nhận thức cá nhân.

Vào đầu năm 1892, Paul Gauguin mới nhận ra các khó khăn trong cuộc sống tại Mataiea. Số tiền mang theo từ nước Pháp đã cạn trong khi chàng họa sĩ lại không nhận được tiền bán họa phẩm gửi tới từ Paris. Đời sống tại hải đảo này ít tốn kém thật nhưng chỉ với người bản xứ, họ sống bằng cách bắt cá, săn thú, hái trái cây rừng trong khi chàng họa sĩ lại sống bằng bánh mì và thực phẩm bán tại các cửa hàng. Sau vài tháng, Paul Gauguin bắt đầu lâm bệnh vì suy dinh dưỡng và do không có tiền trả, bệnh viện cũng từ chối chữa trị. Dù vậy, do bản chất ngang bướng, Paul Gauguin định dọn tới các đảo Marquesas nằm cách Tahiti 750 dậm về phía đông bắc, là nơi có thổ dân còn sống trong cảnh hoang sơ, chưa bị nền văn minh làm hư hỏng.

Tehamana
Sau một năm sống tại Tahiti, Paul Gauguin đã hoàn thành được 35 họa phẩm với hàng trăm trang phác thảo để sau này có thể khai triển thành các bức tranh độc đáo. Cũng vào lúc này, chàng họa sĩ thấy không có đủ tiền mua vé tầu biển trở về Pháp mà cũng không còn tiền mua thực phẩm để sống tại địa phương. Paul Guaguin bèn viết một lá đơn về Paris mô tả sự bần cùng của mình và xin chính quyền Pháp trợ giúp.

Trong 4 tháng chờ đợi, chàng họa sĩ Gauguin vẫn thực hiện các chuyến đi vào các miền xa xôi, hoang sơ của đảo, hi vọng tìm hiểu về bản tính của các sắc dân địa phương và cũng tìm kiếm một “vahine” hay một người vợ trẻ, theo như tập quán của các người tây phương thuộc địa. Thế rồi chàng họa sĩ lập dị cũng trở về Mataiea với một “vahine” thổ dân, 13 tuổi, tên là Tehamana. Và cũng từ nay, người vợ nhỏ tuổi này, vừa đẹp, vừa dịu dàng, đã chăm sóc chàng nghệ sĩ từng bữa ăn, từng nếp sống mỗi ngày và Gauguin bắt đầu vẽ, vẽ rất nhiều chân dung của Tehamana, vẽ các phong cảnh nhiệt đới nhiều màu sắc.

Paul Gauguin rời đảo Tahiti, trở về nước Pháp vào ngày 30-8-1893 với hi vọng 60 họa phẩm sáng tác tại Tahiti có thể mang lại cho mình danh vọng và tiền bạc. Thế nhưng, các may mắn chưa đến và chàng họa sĩ vẫn phải sống nhờ sự trợ giúp rộng lượng của các bạn bè. Vào lúc này, Paul Gauguin được nhà buôn tranh Durand Ruel hứa cho mượn địa điểm triển lãm và qua sự giúp đỡ của một người bạn cũ là Charles Morice, một cuộc ra mắt tranh đã trình bày trước công chúng 41 họa phẩm vẽ từ Tahiti, 3 bức vẽ tại miền Brittany và 2 bức điêu khắc.

Trước những đề tài xa lạ, cách dùng màu sắc khác thường như vẽ biển màu vàng, lá cây màu tím, các người xem tranh đã chê bai, diễu cợt cách diễn tả của nhà danh họa và một bài báo đã kể lại rằng một bà xem tranh đã hét lên khi nhìn thấy con chó được mô tả bằng màu đỏ.

Thế nhưng, trước những tiến bộ, những khám phá mới lạ này, cũng có một số người ca ngợi. Nhà thơ số một về đường lối biểu tượng (Symbolist poet) là Stéphane Mallarmé đã viết ra cảm tưởng của mình trước các họa phẩm của Paul Gauguin: “Thật là đặc sắc vì những kỳ bí như thế được diễn tả ra bằng các vẻ rực rỡ”. Ngày 25-11, kỳ triển lãm tranh của Paul Gauguin chấm dứt với 11 họa phẩm được bán, mang về một số tiền nhỏ đủ trang trải các chi phí. Và mặc dù sự thất bại về tài chính, Paul Gauguin vẫn vui mừng và đã viết thư cho bà vợ Mette: “Cuộc triển lãm tranh của anh đã không mang lại các kết quả mong muốn nhưng vẫn là một thành công về mặt nghệ thuật và nó đã gây nên cả sự giận dữ lẫn ganh ghét”.

Trong khi đó bà vợ Mette lại chẳng hề quan tâm tới sự thành công về nghệ thuật của chồng, bà ta đã chán nản trước người chồng bất tài, không thể kiếm đủ tiền nuôi gia đình lại mang tính ích kỷ, vô trách nhiệm. Cuộc hôn nhân như vậy không còn hi vọng hòa giải. Trong khi đó, Paul Gauguin dần dần nổi danh là một họa sĩ lập dị trong giới trí thức của thành phố Paris.

Vào tháng giêng năm sau, sau hơn một tháng khi phòng triển lãm đóng cửa, Paul Gauguin nhận được một di sản của một người chú để lại, nên đã có tiền thuê 2 căn phòng trên lầu của một tòa nhà tọa lạc tại bên trái bờ sông Seine của thành phố Paris, nơi mà phần lớn các nghệ sĩ sinh sống. Do nổi danh là một con người khác thường, Paul Gauguin đã trang trí các bức tường trong nhà bằng màu vàng bóng và màu xanh ô-liu rồi trên tường treo các họa phẩm ưa thích cùng với các kỷ vật bằng gỗ, chạm trổ, do chính họa sĩ đẽo khắc hoặc mua từ các xứ nhiệt đới. Paul Gauguin cũng sống chung với một thiếu nữ 13 tuổi, người gốc đảo Java tên là Annah cùng với một con khỉ nhỏ Taoa.

Tại hai căn phòng trang trí đặc biệt này, Paul Gauguin đã mời tới hội họp vào mỗi tối thứ Năm các họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ . Các nghệ sĩ này đã ca hát, thảo luận và nghe Paul Gauguin kể lại các câu chuyện du lịch cùng các ý tưởng về nghệ thuật. Paul Gauguin trở nên một nhân vật trong giới văn nghệ sĩ của thành phố Paris. Cũng vào thời kỳ này, chàng họa sĩ đã không sáng tác mà dồn thời giờ, cộng tác với Charles Morice, biên soạn một cuốn sách có tên là Noa Noa với ý nghĩa là “Đất Thơm” (Fragrant Land) qua đó, Paul Gauguin hi vọng sẽ cắt nghĩa các hình ảnh độc đáo của hòn đảo Tahiti, cùng với phần sao chép các bài viết của một người Bỉ về các tập quán và tín ngưỡng của thổ dân.

Sau khi cuốn sách Noa Noa được xuất bản vào tháng 3 năm 1894, Paul Gauguin trở về sống tại miền Brittany nhưng lần này, chàng họa sĩ đã gặp một tai họa. Ngày 25-5 khi cùng với Annah và vài người bạn khác thăm viếng ngôi làng đánh cá nhỏ Concarneau, cô nàng Annah bị một số ngư dân thóa mạ và chàng họa sĩ Gauguin đã xung đột với họ trong một trận ẩu đả. Bị gẫy chân, Paul Gauguin đã không đi được, không sáng tác được. Tinh thần của nhà danh họa suy sụp. Gauguin đã viết cho Schuffenecker: “kể từ khi theo lối sống đơn giản nơi hải đảo, tôi chỉ nghĩ tới một điều là sống xa lánh các người khác. Người châu Âu đã thù nghịch với tôi, các người hoang dại tốt bụng sẽ hiểu tôi”.

Tới khi trở về Paris vào ngày 14-11, chàng họa sĩ bị sửng sốt vì toàn thể căn phòng đã bị cô gái Annah lục lọi, lấy đi những gì coi là giá trị, chỉ để lại các họa phẩm. Quá chán nản, Paul Gauguin bèn mở một cuộc bán tranh bắt đầu vào ngày 2-12, gồm các bức màu nước, sơn dầu, điêu khắc, khắc gỗ. Đã có nhiều nghệ sĩ, văn sĩ và các nhà sưu tập tới thăm căn phòng bán tranh này nhưng cho tới ngày đóng cửa, số tiền thu được vẫn không đủ cho Paul Gauguin mua nổi một vé tầu đi Tahiti. Rồi một cuộc bán đấu giá thứ hai tổ chức vào ngày 2-2 năm sau cũng không mang lại số tiền mong đợi. Nhà danh họa phải trì hoãn chuyến đi, một phần cũng vì toàn thân bị mụn đỏ, có lẽ do bệnh giang mai.

6/ Chết nơi tha hương.

Ngày 3-7-1895, Paul Gauguin xuống tầu, đi sang đảo Tahiti nhưng vào lần đi này, chàng họa sĩ không có một chủ đích như lần đi trước đó 4 năm, mà chỉ ra đi vì tự cảm thấy cuộc sống của chính mình vô dụng trên đất Pháp và muốn định cư vĩnh viễn tại một xứ nhiệt đới. Paul Gauguin tới thành phố Papeete vào ngày 9-9 và thấy rằng mọi cảnh vật đã đổi khác, vừa văn minh hơn, vừa tây phương hóa.

Sau đó, chàng họa sĩ đi tới khu vực Punaauia cách thủ đô Papeete 8 dậm và thuê tại nơi này một cái chòi lợp bằng lá dừa. Trong năm đầu sống trên hải đảo, Paul Gauguin vẫn phải lệ thuộc vào món tiền và các tin tức từ Paris. Nhà danh họa sống rất cô đơn vì người vợ địa phương Tehamana khi trước, đã lấy chồng khác, thay thế bằng một cô gái tên là Pahura, 14 tuổi, vừa kém thông minh, vừa không biết thông cảm. Paul Gauguin vào thời gian này lâm bệnh nặng trong khi không có tiền.

Tháng 7 năm đó, chàng họa sĩ bị đau đớn toàn thân, rồi được điều trị tại bệnh viện địa phương như một thổ dân. Nhưng rồi cơn bệnh cũng qua khỏi và Paul Gauguin bắt đầu sáng tác. Nhiều họa phẩm đã được hoàn tất trong đó có bức vẽ lớn tên là “No te aha oe iri” (Tại sao mà giận dữ - 1896).

“No te aha oe iri” (Tại sao mà giận dữ - 1896)

Nhà danh họa đã gửi về Paris một số tranh rồi tới tháng 12, nhận được một ngân phiếu khá lớn từ một người bán tranh, nhờ đó đã trang trải được một số nợ nần và có thể tiếp tục sáng tác. Trong khi nhà danh họa đang phấn khởi thì lại được bà vợ Mette báo tin đứa con gái Aline, 21 tuổi, đã qua đời vì bệnh sưng phổi. Trong tất cả các con, Paul Gauguin yêu thương Aline nhất. Nhà danh họa trở nên tuyệt vọng và không còn muốn viết thư về cho người vợ nữa.

Từ lúc này, sức khỏe của nhà danh họa dần dần suy kém, làn da sần sùi, mẩn đỏ đã khiến cho các thổ dân lánh xa vì họ cho rằng đó là triệu chứng của bệnh cùi. Luôn luôn cái chết ám ảnh nhà danh họa. Ngày 30-9, Paul Gauguin viết cho người bạn họa sĩ duy nhất là Georges Daniel de Monfreid: “Cuộc hành trình tới đảo Tahiti của tôi là một chuyến đi điên khùng, sự việc đã chuyển thành buồn thảm và khốn khổ, tôi không nhìn thấy lối ra ngoại trừ cái chết là thứ giải quyết mọi vấn đề”.

Dùng tới năng lực cuối cùng, Paul Gauguin quyết định vẽ một họa phẩm có tính “di chúc” và khi hoàn thành vào cuối tháng 10, nhà danh họa đã đặt tên cho sáng tác này là “Chúng ta từ đâu tới, chúng ta là gì, chúng ta đi đâu ?”. Sau đó, Paul Gauguin quyết định chấm dứt cuộc đời. Nhà danh họa đã leo lên một ngọn núi gần đó, chọn lựa một chỗ chết vừa ý rồi uống một liều thạch tín (arsenic) mang theo. Nhưng lượng thạch tín quá lớn khiến cho nhà danh họa bị ói mửa và không chết được.

Hoạ phẩm “Chúng ta từ đâu tới, chúng ta là gì, chúng ta đi đâu ?” vẽ năm 1897
tranh sơn dầu trên vải,  139 × 375 cm (55 × 148 in)
hiện đang trưng bày ở Boston Museum of Fine Arts, Boston, MA

Trong thời gian 4 năm về sau, Paul Gauguin đã không thể đi đứng dễ dàng nên không thể vẽ được nhiều. Nhà danh họa quay sang viết các bài bình luận có tính chỉ trích chính quyền địa phương cho tờ báo Con Ong Bò Vẽ (Les Guepes). Cũng vào lúc này, nhà buôn tranh ở Paris là Ambroise Vollard đã đề nghị trả hàng tháng cho Paul Gauguin một món tiền để đổi lấy một số họa phẩm ấn định.

Căn nhà của miền vui
Được xây dựng lại năm 2003
100 năm sau ngày mất của
Paul Gauguin
Vì cảm thấy không còn giàu trí tưởng tượng khi sống tại Tahiti nữa, Paul Gauguin đã thanh toán mọi tài sản rồi tới thị trấn Atuona, là thủ đô của hòn đảo thứ hai Hivaoa vào ngày 16-9-1901. Tại nơi này, nhà danh họa đã mua một căn nhà hai tầng, được đặt tên là “Căn nhà của miền vui” (the House of Pleasure), trên tường có trang hoàng rực rỡ bằng nhiều họa phẩm, và nhà danh họa cũng kiếm ra được một người vợ địa phương tên là Vaeoho để sống chung và lo lắng công việc trong nhà.

Kể từ tháng 1-1902, sức khỏe của Paul Gauguin khả quan hơn nên nhà danh họa có thể cầm cọ trở lại. Đây là giai đoạn sáng tác khá phong phú với cách thử nghiệm mới về màu sắc. Nhiều họa phẩm được hoàn thành: chân dung, tĩnh vật, phong cảnh, các hoạt cảnh thần thoại, và Paul Gauguin đã viết thư cho Monfreid, cho biết sẽ gửi về 32 tác phẩm, 20 tấm tới nhà buôn tranh Vollard và 12 tấm tới Monfreid. Đây cũng là thời kỳ sáng tác cuối cùng của nhà danh họa. Do không thể đi đứng và cầm cọ dễ dàng, Paul Gauguin trở nên con người gắt gỏng, không chịu đóng thuế cho chính quyền và nhà thờ địa phương mà còn xúi dục người dân bản xứ phản kháng, đòi hỏi các quyền lợi. Ngày 27-3-1903, nhà danh họa bị đưa ra tòa vì tội phỉ báng một nhân viên cảnh sát, rồi bị kết án 3 tháng tù. Trước khi bị tống giam, Paul Gauguin đã ở trong tình trạng rất yếu kém về sức khỏe, thân mình luôn luôn đau đớn và không thể an giấc nếu không dùng tới loại thuốc chứa á phiện (morphine). Nhà danh họa biên thư cho Monfreid, nói rõ ý muốn trở về Paris để tìm cách điều trị nhưng người bạn đã khuyên nhà danh họa không nên trở về, vì “Anh là một họa sĩ vừa độc đáo, vừa mang huyền thoại, anh đã thuộc về lịch sử của Nghệ Thuật”. Quả vậy, việc trở về Paris sẽ phá hỏng huyền thoại đã có và ảnh hưởng tới vị trí của nhà danh họa trong vai trò sáng tạo.

Ngày 8 tháng 5 năm 1903, người thợ mộc Tioka sống gần đó, tạt qua thăm thì đã thấy nhà danh họa bất động. Paul Gauguin đã qua đời trong cô đơn và được chôn chất trong một nghĩa địa công giáo tại Atuona. Tin về cái chết của Paul Gauguin tới Paris vào tháng 8, khiến cho dân chúng Pháp bắt đầu tìm hiểu về huyền thoại và cuộc đời của nhà danh họa lập dị. Nhiều người đã tới coi Phòng Triển Lãm Ambroise Vollard, nơi trưng bày 50 họa phẩm và 27 bức vẽ nét, tất cả chứng tỏ Paul Gauguin là một nghệ sĩ xuất sắc, độc đáo.

Có hàng trăm cuốn sách viết về tiểu sử của nhà danh họa và các Viện Bảo Tàng của nhiều nước trên khắp thế giới đã trưng bày nhiều họa phẩm của Paul Gauguin. Qua đó, cách dùng màu sắc và hình thể táo bạo của nhà danh họa vừa can đảm, vừa cải cách, đã ảnh hưởng tới hàng chục họa sĩ lớp sau, đáng kể là Henri Matisse và Pablo Picasso.

Nhà danh họa Paul Gauguin đã sống trong hai thế giới và đã mô tả qua các họa phẩm đặc sắc thứ thế giới nguyên thủy, vừa đơn giản, vừa mộc mạc, gần với thiên nhiên, một thiên đường khác biệt với xã hội trưởng giả của thành phố Paris.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia, Ingo F. Walther,
Paul Gauguin, Thunder Bay Press, CA. 1997.
https://en.wikipedia.org/wiki/Paul_Gauguin


Phụ bản của ĐSLV: Những tác phẩm tiêu biểu của Paul Gauguin - trích trong trang web:
https://en.wikipedia.org/wiki/Paul_Gauguin



No comments

Powered by Blogger.