Header Ads

Bên Tách Trà: Bầu Cử Tổng Thống Mỹ - Những Bất Ngờ Của Tháng Mười


Bùi Phạm Thành

Xin chào tái ngộ quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên.

Trước khi vào chuyện, vì lý do đặc biệt chúng tôi xin gửi đến quý vị một tin mới nhất liên quan đến sức khoẻ của tổng thống Donald Trump, và cũng là một trong những "Bất Ngờ Của Tháng Mười", để sau đó chúng ta yên tâm theo dõi đề tài ngày hôm nay.

Lúc 3 giờ 51 chiều ngày 3 tháng 10 năm 2020, tổng thống Donald Trump gửi video thông điệp đến dân chúng Hoa Kỳ từ văn phòng làm việc ở bệnh viện quân đội quốc gia, Walter Reed National Military Medical Center:


Vâng, bây giờ xin mời quý vị cùng chúng tôi trở lại với đề tài ngày hôm nay.

Xem ra thì chẳng còn bao lâu nữa thì đến ngày "rủ nhau đi bầu" để chọn người lãnh đạo nước Mỹ, và cũng có thể là lãnh đạo của cả thế giới tự do để đối đầu với chủ nghĩa xâm lăng của cộng sản đang vùng lên dưới sự lãnh đạo của Tàu cộng. 

Xin mở ngoặc ở đây để nói rằng chủ nghĩa cộng sản cũng đang được khởi động ở Mỹ bởi một vài chính trị gia xu thời, bầy bánh vẽ để kiếm phiếu, gieo vào tâm trí của thanh niên những mê hoặc trích ra từ những phân tích và lý luận của lý thuyết lỗi thời của cộng sản như công bằng về quyền lực và mưu sinh, xoá bỏ giàu nghèo, dịch vụ y tế miễn phi, xoá bỏ phân biệt giai cấp chủ nhân và công nhân, thay kinh tế thị trường bằng công nhân quản trị ... Thế nhưng lại che giấu sự thực về độc tài, không tự do căn bản như tín ngưỡng, ngôn luận, di chuyển, không còn khả năng sáng tạo vì hoàn toàn lệ thuộc vào chính phủ, không còn cạnh tranh tư nhân thì xã hội sẽ không thể phát triển, nếu không muốn nói rằng sẽ lụn bại ...

Trở lại với tình hình chính trị của Hoa Kỳ, thì cho đến hôm nay chúng ta đã được xem qua, hoặc ít ra là nghe bàn luận về cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Cuộc tranh luận đầu tiên này đã diễn ra vào chiều ngày thứ Ba 29 tháng 9 năm 2020 tại Cleveland, Ohio, với người điều khiển chương trình là Chris Wallace, một ký giả chuyên nghiệp, người điều khiển chương trình bình luận về tin tức cuối tuần "Fox News Sunday". Đây là cuộc tranh luận được rất nhiều người mong đợi, nhưng kết cuộc thì lại là một thất bại to lớn, được tất cả các nhà bình luận của đôi bên gọi một cách ngắn gọn là "rối loạn". Chúng tôi có xem từ đầu đến cuối, và cũng cảm thấy rằng "đây không phải là cuộc tranh luận chính trị, mà là một cuộc cãi vã rối loạn và hoàn toàn thất bại và người theo dõi khó có thể nhận ra quan điểm của ứng cử viên qua những câu hỏi." Lý do:

  • Người điều khiển chương trình, Chris Wallace, là người có thành kiến không tốt với ông Trump, và trong buổi tranh luận cũng đã tỏ rõ bằng hành động như cười và có vẻ đồng ý và bênh vực cũng như gợi ý cho Biden. Đây là một sai lầm rất lớn của người điều khiển chương trình, vì đã làm trái với điều kiện "tất cả mọi người tham dự phải giữ tuyệt đối im lặng, và không được tỏ bất cứ thái độ nào, khen hoặc chê, với người đang tranh luận."
  • Ông Trump có vẻ phải lắng nghe câu hỏi để trả lời, còn ông Biden thì cắm cúi đọc chi tiết để trả lời trên giấy ghi chép. Điều này khiến người theo dõi có cảm tưởng rằng ông Biden đã biết trước câu hỏi và có sẵn câu trả lời, như trường hợp của Hillary Clinton năm 2016. Đây chỉ là điều nhận xét của cá nhân chúng tôi khi theo dõi chứ không có một chứng cớ nào khác, hy vọng sẽ có người tìm ra sự thật.
  • Một số câu hỏi của Wallace có vẻ thiên vị, gần như để chỉ trích hoặc "chất vấn" ông Trump. Thí dụ như "... just this last Thursday you signed a largely symbolic Executive Order to protect people with pre-existing conditions five days before this debate." Tạm dịch là "... chỉ vào thứ Năm tuần trước,  năm ngày trước cuộc tranh luận này, ông đã ký một Sắc lệnh hành pháp phần lớn là có tính cách tượng trưng để bảo vệ những người có tình trạng bệnh từ trước." Cho thấy rõ, đây không phải là câu hỏI, mà là lời chỉ trích hay chất vấn. Một vi phạm lớn, có tính cách thiên vị, của người điều khiển chương trình. Bởi vậy ông Trump đã trả lời với câu mở đầu rằng “I guess I’m debating you, not him, but that’s OK. I’m not surprised - Tôi nghĩ rằng tôi đang tranh luận với ông (Wallace) chứ không phải là ông kia (Biden), cũng được, tôi không ngạc nhiên chút nào cả."
    Một thí dụ nữa, với câu "President Trump, you have repeatedly either contradicted or been at odds with some of your governments own top scientists." Tạm dịch là "Tổng thống Trump, ông đã nhiều lần mâu thuẫn hoặc không đồng ý với một số nhà khoa học hàng đầu trong chính phủ của  ông." Hiển nhiên là lời chỉ trích ông Trump, và gợi ý cho Biden, chứ không thể là câu hỏi cho cả đôi bên.
    Và một thí dụ đáng chú ý hơn cả là Wallace muốn ông Trump lên án nhóm "White supremacist and right-wing militia" trong khi đó thì không hỏi Biden về các nhóm Black Lives Matter (BLM), Antifa và nhóm vũ trang Not Fucking Around Coalition (NFAC), cũng như không đả động gì đến các cuộc biểu tình bạo động, đốt phá, chiếm giữ thành phố và giựt đổ tượng lịch sử. Xem ra không công bằng chút nào.
    Quý vị có thể đọc toàn bài tường thuật về cuộc "cãi vã" này bằng tiếng Anh để hiểu rõ hơn:
    https://www.rev.com/blog/transcripts/donald-trump-joe-biden-1st-presidential-debate-transcript-2020
  • Chỉ cho đến khi chúng tôi, rất là cố gắng để nghe lại và, may thay, đọc được bài tường thuật thì cũng thấy rõ rằng chẳng có gì mới lạ; vì hai bên đều mắng đối thủ mình "câm mồm", rằng đối thủ mình "lói láo", và rằng đối thủ của mình "chẳng biết gì cả" hoặc "làm gì cũng sai bét". Theo khoa học để chứng minh thì chỉ có 3 trường hợp để chúng ta chiêm nghiệm và tìm câu trả lời:
    1. Cả hai đều đúng: Nếu như thế thì cả hai người đều xứng đáng là chính trị gia vì "nói láo, chẳng biết gì cả, và làm gì cũng sai bét", và như thế thì không xứng đáng lãnh đạo quốc gia, nói chi đến việc lãnh đạo thế giới. Câu hỏi ở đây cho chúng ta là "Chúng ta sẽ chọn ai giữa hai người, một người nói láo, chẳng biết gì cả, và làm gì cũng sai bét trong hơn 3 năm và người kia nói láo, chẳng biết gì cả, và làm gì cũng sai bét đã hơn 47 năm?"
    2. Cả hai đều sai: Nếu như thế thì gọi đối thủ của mình là "nói láo, chẳng biết gì cả, và làm gì cũng sai bét" là sai, và cố tình nói sai thì khác gì nói láo. Như thế thì giống hệt như trường hợp 1.
    3. Chỉ có 1 người đúng: Điều này thì hơi mất thì giờ, nhưng dễ kiểm chứng vì trên internet có nhiều bài viết về thành tích của đôi bên. Một người trong hơn 3 năm làm tổng thống đã nói gì, làm được những gì? Và một người hơn 47 năm làm Thượng nghị sĩ, trong đó có 8 năm làm Phó tổng thống, đã nói gì và làm được những gì? Từ đó ta sẽ suy ra được ai đúng, ai sai.

    Tóm lại, nói quanh nói co chẳng qua nói rõ, là chúng ta phải "choose a lesser of two evils."

    oOo

    Thưa quý vị,

    Về sinh hoạt bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thì ngoài chuyện tranh luận của các ứng cử viên, còn có những "biến cố" chính trị xảy ra ở những ngày cận kề ngày bầu cử, có thể làm thay đổi cuộc diện. Những "biến cố" này có thể là ngẫu nhiên do thiên nhiên, nhưng hầu hết lại là nhân tạo, được dàn dựng khéo léo để tung ra đúng giờ, đúng lúc, thường là ở tháng Mười, thế cho nên có tên là "October Surprise - Những bất ngờ của tháng Mười". Thí dụ như việc bà thẩm phán Tối cao Pháp viện Ruth Bader Ginsburg qua đời là một biến cố chính trị lớn, nhưng xảy ra vào tháng Chín, nên đã có người gọi đó là "September surprise - Bất ngờ của tháng Chín" hay "Early Surprise - Bất ngờ sớm". Tin tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân bị nhiễm COVID-19 ngày 1 tháng 10 năm 2020, thì chắc chắn là một "biến cố" lớn và là một "Bất Ngờ Của Tháng Mười" rất quan trọng mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần cuối bài cho đúng với thứ tự thời gian.

    Thuật ngữ chính trị "October Surprise - Những bất ngờ của tháng Mười" được đặt ra bởi William Casey khi ông giữ chức vụ giám đốc điều hành ban vận động tranh cử tổng thống năm 1980 của Ronald Reagan. Tuy nhiên, đã có những sự kiện làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử xảy ra trong tháng 10 diễn ra trước khi thuật ngữ này ra đời.

    1972: Nixon và McGovern

    Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1972 giữa đương kim tổng thống Richard Nixon của đảng Cộng hòa và George McGovern của đảng Dân chủ, Hoa Kỳ đang ở năm thứ tư về đàm phán để chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến lâu dài và gây chia rẽ trong nước. Vào ngày 26 tháng 10 năm 1972, mười hai ngày trước cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11, trưởng phái đoàn đàm phán của Hoa Kỳ, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống là Henry Kissinger, đã xuất hiện trong một cuộc họp báo tổ chức tại Toà Bạch Ốc với lời tuyên bố "Chúng tôi tin rằng hòa bình đang ở trong tầm tay." Nixon, mặc dù đã tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh không được dân chúng ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông bốn năm trước đó, nhưng đã không đạt được kết quả, cho dù đã rút bớt binh lính Mỹ về nước. Tuy nhiên, Nixon đã được nhiều người coi là chắc chắn sẽ tái đắc cử dễ dàng chống lại McGovern, nhưng lời tuyên bố "hòa bình đã ở trong tầm tay" của Kissinger có thể đã làm tăng sự ủng hộ Nixon của cử tri. Kết quả, Nixon đã vượt qua McGovern ở tất cả các tiểu bang ngoại trừ Massachusetts.

    1980: Carter và Reagan

    Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1980, có tin rằng chính quyền đương nhiệm của tổng thống Jimmy Carter đang chuẩn bị một cuộc hành quân quy mô để giải cứu con tin Hoa Kỳ đang bị Iran giam giữ, nhằm mục đích giúp ông tái đắc cử. Thế nhưng những ngày cuối tháng Mười, báo chí đã đăng tin rằng các con tin sẽ không được thả cho đến sau cuộc bầu cử. Tin này được chính phủ Carter xác nhận là đúng. Kết quả là Ronald Reagan, đại diện đảng Cộng Hoà, đã đắc cử chức vụ tổng thống. 

    Sau khi các con tin được thả vào ngày 20 tháng 1 năm 1981, vài phút sau khi Reagan nhậm chức, một số người đã cáo buộc rằng ban vận động tranh cử của Reagan đã có một thỏa thuận ngầm với chính phủ Iran, theo đó Iran sẽ giữ các con tin cho đến sau khi Reagan được bầu và nhậm chức.

    Gary Sick đã viết một bài xã luận cho báo New York Times vào tháng 4 năm 1991, và một cuốn sách "October Surprise: America's Hostages in Iran and the Election of Ronald Reagan" (Sự ngạc nhiên của tháng 10: Con tin của Mỹ ở Iran và cuộc bầu chọn Ronald Reagan),  được xuất bản vào tháng 11 năm 1991, tuy rằng không thể hoàn toàn kiểm chứng các dữ kiện trong sách, thế nhưng đã khởi đầu cho thuật ngữ chính trị "October Surprise - Bất Ngờ Của Tháng Mười", những tình hình có thể làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

    1992: Bush (Bố) và Clinton

    Vào tháng 6 năm 1992, Bộ trưởng Quốc phòng của Ronald Reagan là Caspar Weinberger bị truy tố trong vụ bán vũ khí cho Iran (được biết đến với tên "Iran-Contra"). Mặc dù Weinberger đã tuyên bố rằng, trên nguyên tắc, ông đã phản đối việc bán vũ khí này, nhưng ông đã tham gia vào việc chuyển giao hoả tiễn TOW của Hoa Kỳ cho Iran, được dùng để ngăn chặn đội quân xe tăng khổng lồ của Saddam Hussein, vì thế sau đó ông bị truy tố về một số tội danh nói dối với nhóm luật sư độc lập trong cuộc điều tra về việc bán vũ khí này. Đảng Cộng hòa giận dữ cáo buộc Cố vấn Độc lập Lawrence E. Walsh đã căn cứ vào bản cáo trạng của Weinberger để làm tổn hại đến cơ hội tái đắc cử của George H. W. Bush.

    2000: Gore và Bush (Con)

    Vài ngày trước cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11, Thomas J. Connolly ở Scarborough, Maine, một luật sư bào chữa nổi tiếng và là ứng cử viên thống đốc năm 1998 của đảng Dân chủ, đã xác nhận với một phóng viên rằng ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa George W. Bush đã bị bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu ở tiểu bang đó vào năm 1976. Bush xác nhận điều đó trong một cuộc họp báo ngay sau khi tin này được tiết lộ. Thế nhưng tin này không thể đánh bại được tin Gore và ban vận động tranh cử của đảng Dân Chủ nhận rất nhiều tiền yểm trợ của Tàu cộng, điều này trái với luật pháp Hoa Kỳ, cấm chính trị gia và đảng phái chính trị nhận tiền trợ giúp của người ngoại quốc hoặc không phải thường trú nhân (United States law forbidding non-American citizens or non-permanent residents from giving monetary donations to United States politicians and political parties - Luật Hoa Kỳ cấm người không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân ủng hộ tiền cho các chính trị gia và đảng phái chính trị của Hoa Kỳ).

    2004: Bush (Con) và Kerry

    Vào ngày 27 tháng 10, báo New York Times loan tin một kho chứa chất nổ khổng lồ ở al Qa'qaa,  Iraq bị phiến quân Hồi giáo đánh cướp. Ban vận động bầu cử của John Kerry đổ lỗi cho chính quyền Bush về sự điều hành được cho là yếu kém này. Tuy nhiên sau đó các nhân viên của chính phủ nói rằng tờ Times đã hiểu sai câu chuyện và rằng chất nổ đã được dọn sạch khỏi kho chứa trước khi vụ cướp bóc được cho là xảy ra.

    Vào ngày 29 tháng 10, hãng thông tấn Ả Rập, Al Jazeera, đã phát đi một đoạn video về Osama bin Laden. Trong một bài phát biểu biện minh và nhận trách nhiệm về các hành động ngày 11 tháng 9, bin Laden đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Bush và lập trường của Mỹ trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Điều này được cho là đã giúp ích cho ban vận động tranh cử của Tổng thống Bush thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố trở lại với công chúng, khiến Bush được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ hơn.

    Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Hoàng tử Ả Rập Saudi, Bandar bin Sultan Al Saud, đã cắt giảm giá dầu để giúp bảo đảm chiến thắng cho ông Bush. Theo một chương trình truyền hình "60 Minutes" cho biết thì gia đình của Hoàng tử Bandar và gia đình Bush rất thân thiết. Và theo lời Woodward của Washington Post thì Bandar đã hứa với tổng thống Bush rằng Ả Rập Saudi sẽ giảm giá dầu trong những tháng trước cuộc bầu cử để bảo đảm nền kinh tế Mỹ vững mạnh vào ngày bầu cử.

    2008: McCain và Obama

    Vào ngày 31 tháng 10 năm 2008, bốn ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, hãng tin AP đưa tin rằng Zeituni Onyango, dì cùng cha khác mẹ của ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama, đang sống như một người nhập cư bất hợp pháp ở Boston. Bà này đã bị từ chối tị nạn và được lệnh rời khỏi Hoa Kỳ vào năm 2004. Một số người cũng đã mô tả sự gia tăng kỷ lục về tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 10 năm 2008 là một "Sự bất ngờ của tháng 10". Và rồi những thông tin và tuyên truyền về sự "trổi dậy" của người da màu, người thiểu số, và người nghèo, đã đem đến thành công cho Obama. 

    2012: Obama và Romney

    Bão Sandy được một số phương tiện truyền thông cho là một "bất ngờ vào tháng 10". Thống đốc tiểu bang New Jersey thuộc Đảng Cộng hòa, Chris Christie, người từng chỉ trích Tổng thống Barack Obama, đã ca ngợi phản ứng của chính quyền Obama.

    Vào ngày 17 tháng 9, tạp chí thiên tả Mother Jones đã công bố một đoạn băng ghi âm bí mật được ghi lại tại một buổi gây quỹ tư nhân của Mitt Romney, trong đó ứng cử viên đưa ra những lời chê bai về 47% người Mỹ không trả thuế thu nhập liên bang. Mặc dù nó không xảy ra vào tháng 10, một số người coi việc phát hành là "Điều bất ngờ của tháng 10" vì nó được phát hành khá muộn trong chu kỳ bầu cử và thực tế là cuốn băng gốc đã được ghi vào tháng 5. Trong các bài viết sau đó, David Corn, phóng viên đã phổ biến câu chuyện, giải thích rằng thời điểm phát hành là do các cuộc thương lượng giữa Mother Jones và người đàn ông đã ghi lại đoạn băng.

    2016: Clinton và Trump

    Vào ngày 7 tháng 10, một đoạn ghi âm từ năm 2005 được phổ biến, trong đó ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, sử dụng ngôn từ tục tĩu, tuyên bố "khi bạn là một người nổi tiếng, đàn bà sẽ cho phép bạn làm bất cứ điều gì ..." Trump nói rằng câu nói đó "không phản ảnh thực sự về tôi." Nhưng cũng đã khiến nhiều đảng viên Cộng hòa rút lại sự ủng hộ của họ, bao gồm Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona, Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte của New Hampshire, và Carly Fiorina. Nhiều người khác trước đây không ủng hộ ông cũng đã yêu cầu ông từ bỏ vị trí ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

    Cùng ngày, WikiLeaks bắt đầu một chiến dịch kéo dài hai tháng về việc phổ biến email và các đoạn trích từ tài khoản của John Podesta, được biết với tên gọi là Podesta Leaks. Họ đưa ra ánh sáng những hành vi tiêu cực của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và bao gồm các đoạn ghi âm trích đoạn các bài phát biểu của Clinton trước nhiều ngân hàng, rồi đến việc các câu hỏi của cuộc tranh luận đã được tiết lộ cho Clinton biết trước, cùng với lập trường về các giao dịch thương mại, cùng với việc lẫn lộn việc công và việc tư trong việc dùng email.

    Ba tuần sau, vào ngày 28 tháng 10, Giám đốc FBI khi đó là James Comey thông báo trong một bức thư gửi Quốc hội rằng ông sẽ thực hiện "các bước điều tra thích hợp" để xem xét các email liên quan đến việc Hillary Clinton sử dụng máy chủ email riêng. Điều này được công bố sau khi các email mới được phát hiện được tìm thấy trên một máy tính bị FBI thu giữ trong cuộc điều tra về cựu nghị sĩ Anthony Weiner, người bị cáo buộc gửi ảnh khiêu dâm cho trẻ vị thành niên. Theo các nhân viên điều tra của ngành tư pháp, các email được tìm thấy trên một máy tính xách tay (laptop) được dùng bởi cả Weiner và vợ khi đó của ông, phụ tá hàng đầu của Clinton, Huma Abedin. Vài giờ sau, Hillary Clinton đáp lại quyết định của ông Giám đốc FBI bằng cách kêu gọi FBI hoàn toàn minh bạch và công bố "tất cả và đầy đủ dữ kiện" về nội dung của các email. Vào ngày 30 tháng 10, có thông tin cho rằng 650,000 email trên máy tính của Weiner sẽ được điều tra. 

    Cho đến ngày hôm nay, Clinton vẫn cho rằng việc làm của James Comey là nguyên nhân chính khiến bà ta thất cử.

    2020: Trump và Biden

    Ngày 4 tháng 9 năm 2020, BlazeTV phát hành trên Youtube cuốn phim tài liệu dài hơn 41 phút "RIDING THE DRAGON: The Bidens' Chinese Secrets (Cưỡi Rồng: Bí mật về liên hệ giữa gia đình Biden và Tàu cộng)" đã được xem trên một triệu lần, và hơn 6,700 người góp ý kiến.
    (https://www.youtube.com/watch?v=JRmlcEBAiIs)

    Vào ngày 9 tháng 9 năm 2020, Bob Woodward phổ biến cuốn băng ghi âm các cuộc trò chuyện của ông với Tổng thống Trump trong khi vết cuốn sách "Cơn thịnh nộ (Rage)"; trong các đoạn ghi âm, Trump thừa nhận đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch coronavirus.

    Vào ngày 18 tháng 9 năm 2020, Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời do bệnh ung thư. Vài ngày trước khi bà qua đời, Ginsburg được cho là đã có nguyện vọng trước khi chết là hãy để trống ghế của bà cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống. Một tuần trước đó, Donald Trump đã công bố danh sách 20 ứng cử viên có khả năng điền vào chỗ trống của Tối cao Pháp viện. Trong vài giờ sau cái chết của Ginsburg, nhà Lãnh đạo Đa số của Thượng viện, Mitch McConnell, tuyên bố sẽ điền khuyết vào ghế này trước khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ, Joe Biden, yêu cầu Thượng viện duy trì yêu cầu cuối cùng của Ginsburg. Một số hãng truyền thông gọi cái chết của Ginsburg là "Điều bất ngờ của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020".

    Vào ngày 27 tháng 9 năm 2020, tờ báo New York Times công bố một báo cáo nói rằng họ đã thu được tài liệu khai thuế trong, ít nhất, là hai thập niên của Trump, cho thấy rằng ông "hoàn toàn không đóng thuế thu nhập của 10 trong số 15 năm trước đó - phần lớn là vì ông đã báo cáo thua lỗ nhiều hơn số tiền mà ông kiếm được" và Trump đã tham gia vào "cuộc chiến tái kiểm toán kéo dài hàng chục năm với Sở Thuế Vụ về tính hợp pháp của khoản sở thuế phải hoàn trả 72.9 triệu đô la cho ông,  lý do bị thua lỗ lớn." Ông Trump đáp lại bằng cách gọi câu chuyện của Times là "tin giả".

    Chiều ngày 29 tháng 9 năm 2020 cuộc tranh luận, hay cãi vã, đầu tiên giữa ông Trump và Biden cũng có thể xem là một "bất ngờ" vì không ai có thể nghĩ rằng nó sẽ tệ hại như thế. Sau đó đã khiến một số người thay đổi ý kiến, khiến cán cân Trump-Biden đã được điều chỉnh bằng các tin về "trưng cầu dân ý", một vài ngày sau cuộc "cãi vã" ở cấp bực cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại ở đây là chúng tôi tránh những "tin đồn""trưng cầu dân ý", bởi vì nó cũng chỉ đúng được 50%, cho dù được đồn đoán và phân tích bởi các chuyên gia có kinh nghiệm dài hơn xa lộ và bằng cấp cao hơn cột đèn, hoặc bởi cơ sở chuyên môn thăm dò ý kiến đã có tiếng và cũng đã mang tiếng hàng mấy chục năm qua. Xem ra thì ý kiến đúng nhất là ý kiến riêng của mỗi cá nhân chúng ta, và chúng ta nên thể hiện nó bằng lá phiếu.

    oOo

    Thưa quý vị,

    Ở đây, chúng ta có thể nói mà không sợ sẽ bị chỉ trích hoặc quá sai lầm, rằng những điều gì sẽ xảy ra sau khi các phòng phiếu đóng cửa vào buổi tối ngày 3 tháng 11 năm 2020 thì quý thầy sáng, thày mù, bà đồng, bà bóng, bói bài, bói quả cầu pha lê, gieo tiền, lắc thẻ, xem chỉ tay, xem tướng, tử vi ... đều ... trúng 50%. Vì đây là chuyện chính trị Hoa Kỳ, điều gì cũng có thể xảy ra, bởi vậy, tháng 8 vừa qua, Hillary Clinton đã "khuyên" Joe Biden là đừng tuyên bố chịu thua ngay sau đêm bầu cử và hãy kéo dài sự tranh chấp cho đến ... cùng, hoặc ít ra là đến ngày 20 tháng 1 năm 2021, vì ngày đó là ngày tuyên thệ nhậm chức của vị tổng thống đắc cử, theo luật định. 

    Trong cuộc "đấu khẩu" vừa qua, vào phần cuối, Wallace cũng đã nêu câu hỏi: 

    "Will you urge your supporters to stay calm during this extended period, not to engage in any civil unrest? And will you pledge tonight that you will not declare victory until the election has been independently certified?" 

    Tạm dịch là: 

    "Ông có sẽ kêu gọi những người ủng hộ hãy bình tĩnh trong thời gian kéo dài này, không tham gia vào bất kỳ cuộc náo động dân sự nào? Và ông có sẽ cam kết trong tối nay rằng ông sẽ không tuyên bố chiến thắng, cho đến khi cuộc bầu cử đã được một uỷ ban độc lập chứng nhận hay không?"

    Chẳng cần với câu hỏi như trên của Wallace, chúng ta cũng dễ dàng tiên đoán rằng sẽ có rắc rối, kiện tụng, và xáo trộn ngay sau khi phòng phiếu trên toàn quốc đóng cửa. Có điều chắc chắn là cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ đi vào lịch sử của Hoa Kỳ là cuộc bầu cử xôi động, hỗn loạn, trong một năm đầy biến động dân sự và nhiều tai hoạ nhất. 

    oOo

    Nhân đây, chúng tôi có ý nghĩ rằng: Có lẽ chúng ta cũng nên ghi thêm vào "trang sử của người Việt Nam tị nạn cộng sản", bằng chữ viết hay bằng ý nghĩ, rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đã gây nhiều tranh luận, nhiều khi rất nặng lời, của người Việt tị nạn cộng sản, không chỉ ở Mỹ mà còn ở mãi tận bên Pháp, Đức, Úc, và ngay cả ở Việt Nam, bao gồm đủ thành phần xã hội, học thức, và tuổi tác. 

    Hy vọng đây là "lần đầu và cũng là lần cuối" đã có "biến cố chính trị" như vậy trong cộng đồng người Việt Nam tị nạn cộng sản trên thế giới. Đồng thời cũng hy vọng rằng sẽ có nhiều đọc giả đồng ý với chúng tôi ở điểm ghi nhận "bên lề" nhưng rất đặc biệt này.



    Thưa quý vị,

    Đến đây thì chúng tôi lại xin rót mời quý vị một tách trà mới để cùng nhau suy nghĩ về sự kiện bất ngờ nóng bỏng vừa mới xảy ra đúng vào ngày đầu tiên của tháng Mười.

    Lúc 9 giờ 54 phút tối ngày 1 tháng 10 năm 2020, tổng thống Donald Trump tuyên bố bằng Tweet rằng ông và Đệ nhất Phu nhân nhận được kết quả thử nghiệm là đã nhiễm COVID-19, sau khi bà phụ tá thân cận Hope Hicks được thông báo là đã nhiễm virus. Đây có thể là một trong những "bất ngờ của tháng Mười" lớn của cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.


    Người Mỹ có câu "Khi đời cho bạn một mớ quả chanh, thì hãy pha thành nước chanh đường - When life gives you lemons, make lemonade", ngụ ý rằng hãy biến đổi một tình thế không tốt trở thành việc tốt, có lợi cho mình. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng nhân dịp này, ban vận động bầu cử của tổng thống Trump sẽ  làm thành vở kịch "Donald Trump, người hùng đã đánh bại dịch Tàu cộng Vũ Hán" trong giữa tháng 10, để đạt được những mục đích:

    1. Tránh được các cuộc tấn công của phe đảng Dân Chủ và tin giả (fake news) của giới truyền thông thiên tả trong những tuần lễ cận kề bầu cử. Bởi vì tấn công ông Trump trong lúc đang dưỡng bịnh thì sẽ bị chê trách, nếu không muốn nói là sẽ bị nguyền rủa, và sẽ khiến cử tri nghiêng về phía ông Trump và đảng Cộng Hoà.
    2. Chứng tỏ rằng ai cũng có thể bị nhiễm COVID-19 nếu vô tình tiếp xúc với người bị bệnh. Đây cũng là dịp để nói lên một lời nhắc nhở lớn và nghiêm trọng với dân Mỹ và thế giới về sự gian ác của Tàu cộng, khi chúng đã phát tán COVID-19 (dịch Tàu cộng Vũ Hán) ra toàn thế giới, khiến hơn 34 triệu người bị lây nhiễm và hơn 1 triệu người đã chết.
      Riêng nước Mỹ đã có trên 7 triệu người bị lây nhiễm và trên 200 ngàn người đã chết.
    3. Đây là phương pháp quảng cáo thuốc chữa COVID-19 vĩ đại nhất mà bất cứ hãng bào chế dược phẩm nào cũng mong muốn. Bởi vì trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ, chưa có vị tổng thống đương nhiệm nào quảng cáo cho dược phẩm cả. Chữa khỏi cho tổng thống Mỹ thì hơn là đào được mỏ vàng và trị giá cổ phiếu của các hãng chế thuốc chữa hoặc ngừa COVID-19 sẽ lên như diều gặp gió.
    4. Kể từ ngày 1 tháng 10 cho đến khi ông Trump lành bệnh, tiên đoán là không trễ hơn ngày 15 tháng 10, tất cả mọi tin tức đều xoay quanh ông Trump, phía Dân Chủ sẽ gần như hoàn toàn bị lu mờ, rất khó có thể gây tiếng vang cho dân chúng để ý. Vả lại, nếu phe đảng Dân Chủ tuyên truyền không khéo thì sẽ bị thiệt hại nhiều về thiện cảm của người dân Hoa Kỳ.
      Nếu để ý, thì chúng ta sẽ thấy giới truyền thông thiên tả sẽ bẻ từng chữ, ngắt từng câu liên quan đến tình trạng sức khoẻ của ông Trump để diễn tả sai lạc, gây hoang mang trong dân chúng. Nhưng dù sao đi nữa thì họ cũng chỉ nói về ông Trump, vô hình chung dìm ông Biden xuống hố sâu của quên lãng.
    5. Ông Trump sẽ chứng minh cho dân chúng Mỹ thấy là ông có dư thừa sức khoẻ để vượt qua khỏi bệnh dịch để đảm nhiệm trách vụ tổng thống mà người dân sẽ tiếp tục giao phó.
    6. Quan trọng nhất là: chứng minh được rằng COVID-19 không đáng sợ, vì có thể nhiễm và chữa khỏi dễ dàng, sau 15 ngày cách ly kiểm dịch và chữa trị với dược phẩm sẵn có trên thị trường.

      Tin mới nhất từ bác sĩ riêng của tổng thống, bác sĩ Sean Conley, thì tổng thống Trump đã được các bác sĩ của bệnh viện quân đội quốc gia Walter Reed National Military Medical Center ở Bethesda, tiểu bang Maryland, cho dùng thuốc Remdesivir và một hợp chất thuốc kháng thể (polyclonal antibody cocktail) của hãng bào chế dược phẩm Regeneron.

      Đảng Dân Chủ đã dùng đại dịch COVID-19 là đề tài chính của cuộc tranh cử, thế cho nên đánh bại COVID-19 có nghĩa là đánh bại đảng Dân Chủ.

      Chữ TOGETHER được viết hoa để nhấn mạnh sự gắn bó giữa ông Trump và dân chúng Mỹ, với ý nghĩa "Chúng ta cùng nhau đánh bại COVID-19", đồng nghĩa với "Chúng ta cùng nhau đánh bại đảng Dân Chủ."

      Với những người hâm mộ phim ảnh thì câu trên có thể được nói là "Hasta la vista, Sleepy Joe!"

      Ngày 15 tháng 10 năm 2020, trùng hợp với ngày cuối của thời hạn cách ly, ông Trump sẽ hùng dũng bước ra sân khấu tranh luận và tuyên bố những điều tốt đẹp về cuộc chiến thắng chống COVID-19, dân chúng cũng như giới truyền thông sẽ lên tiếng ủng hộ nồng nhiệt, và như thế sẽ bảo đảm sự tái đắc cử của ông Trump.

    Nếu việc này xảy ra đúng như chúng tôi dự đoán thì thuật ngữ chính trị "Bất ngờ của tháng Mười" sẽ được mạ vàng sáng chói trên sân khấu chính trị của Hoa Kỳ.

    oOo

    Bệnh viện quân đội quốc gia, Walter Reed National Military Medical Center, đã hàng mấy chục năm qua là nơi chẩn bệnh và chữa bệnh cho tổng thống Hoa Kỳ. Nổi tiếng với việc chữa trị cho tổng thống Ronald Reagan trong gần một tháng trời, khi ông bị kẻ ám sát bắn vào ngực ngày 30 tháng 3 năm 1981. Nơi đây có văn phòng làm việc đặc biệt "Presidential suite" để tổng thống vẫn có thể điều hành công việc như đang ở toà Bạch Ốc.

    Dưới đây là một số hình ảnh về bệnh viện Quân đội Quốc gia Walter Reed National Military Medical Center, và bên trong khu đặc biệt dành cho tổng thống.

    Walter Reed National Military Medical Center
    Khu đặc biệt dành cho Tổng Thống
    Phòng tiếp khách
    Phòng làm việc
    Phòng ăn
    Phòng tĩnh dưỡng


    Xin minh định lại một lần nữa là trên đây cũng chỉ là dự đoán về thủ thuật chính trị, đặc biệt là "bất ngờ của tháng Mười" của chúng tôi dựa trên những dữ kiện lịch sử và diễn tiến của tình hình tranh cử đang xảy ra từng ngày, từng giờ trước mắt chúng ta. Nếu đem cân nhắc đúng, sai thì chắc cũng được 50-50.

    Câu trả lời chính xác nhất (hơn 50%) chỉ có sau khi tất cả các phòng phiếu trên toàn quốc đóng cửa vào đêm 3 tháng 11 năm 2020 hoặc sáng sớm hôm sau. Hy vọng rằng sẽ không có thành phố nào bị thiêu rụi và không một người nào bị thiệt mạng vì bất cứ lý do nào liên hệ tới cuộc bầu cử năm 2020 này.

    Mong lắm thay!!!

    Bùi Phạm Thành
    (Đặc San Lâm Viên)


    Tham khảo:

    October Surprise conspiracy theory
    https://en.wikipedia.org/wiki/October_Surprise_conspiracy_theory

    October surprise
    https://en.wikipedia.org/wiki/October_surprise

    October surprise: Does it ever swing a US election?
    https://www.bbc.com/news/magazine-19887898

    ‘October Surprise’ might be more surprising this time
    https://asiatimes.com/2020/09/october-surprise-might-be-more-surprising-this-time/

    15 October Surprises That Wreaked Havoc on Politics
    https://www.politico.com/magazine/story/2016/10/october-surprises-214320

    An ‘October surprise’ is coming. Trump is making sure of that
    https://www.independent.co.uk/voices/trump-october-surprise-rbg-scotus-gorsuch-kavanaugh-biden-election-b579681.html

    Just ask Clinton; US presidential election can flip on the ‘October surprise’
    https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3103215/just-ask-clinton-us-presidential-election-can-flip-october



    No comments

    Powered by Blogger.