Header Ads

Tiền Đồn 415


Bichson

Sau Hiệp Định Paris vào Tháng 1/1973 Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà sút giảm về vấn đề tiếp vận. Các đơn vị tác chiến khá vất vả về khả năng yểm trợ từ đạn dược, xe cộ đến quân lương. Tuy vậy suốt hai năm sau, Sư Đoàn 2 Bộ Binh trách nhiệm tại khu vực cực Nam của Quân Khu 1 vẫn chơi sang như thường. Cứ xem lính của ba trung đoàn bộ binh và một liên đoàn biệt động quân luân phiên trấn đóng Sa Huỳnh thì rõ. Đó là vùng đồi núi sát biển ôm Quốc Lộ 1, Đức Phổ (Quảng Ngãi), cách Tam Quan (Bình Định) chừng 15 cây số ngăn bởi Đèo Bình Đê với cao độ không quá 100 m. Vắng những tà áo trắng bên dòng sông Lại Giang, Bồng Sơn xa xa đây thì có khác chi những tiền đồn heo hút biên phòng.

Về hướng Tây Sa Huỳnh, Núi Sang là dãy thứ hai trải dài 9 km rộng 5 km theo hướng Bắc Nam. Một vị trí quan trọng là Đồi 415 (tọa độ 880227) cách Quốc Lộ 1 chừng 4 km. Trong vòng vài năm trước Tháng 4/1975, một nửa lính của Sư Đoàn 2 Quyết Thắng từng ngủ trên cao điểm này một tháng. Thông thường chỉ có cấp bậc từ trung úy trở xuống. Quý thẩm quyền, đại bàng cao hơn khó có dịp tới đây để ngắm sương rơi buổi sáng, hay nghe sóng vỗ dạt dào từ mé biển thổi vào. Bốn cây số, mang danh bộ binh nhưng không thích đi bộ, chỉ thích nhảy xuống hay bốc về bằng trực thăng. Vui nhất là mỗi lần chuyển quân họ được đón chào bằng những tràng đại bác loại nặng từ vùng An Lão - Ba Tơ.

Sư Đoàn 2 Bộ Binh nổi danh là một đơn vị hắc ám. Vùng hành quân miền núi đầy gai góc, khô cằn, khu vực gần biển thì đất vừa đỏ vừa đen, nắng cháy, bão cát mù trời. Ngoài các quân nhân tình nguyện tại miền hỏa tuyến, nơi đây tiếp nhận tất cả những ai phải trình diện đơn vị mới, đủ mọi binh chủng, hạng dở từ các quân trường, ngoại trừ lực lượng đặc biệt hoặc lao công đào binh. Đã lên Đồi 415 thì chẳng tay giang hồ nào dám lội bộ rời đơn vị để xuống làng về phố. Đại đội phòng thủ trang bị gấp hai về cấp số đạn dược, kho gạo và nước uống dự phòng đến ba kỳ tiếp tế được cất giữ trong các hầm đá ở trung tâm. Ban ngày, thường có vài toán nhỏ bung rộng tuần thám quanh đồi không ngoài cây số rưỡi.

Một tiểu đoàn chủ lực trải vòng trên các cao điểm 415, 274, 203, Núi Bàu Nú và thung lũng ven con đường chỉ đỏ buồn hiu. Đồi 415 cao hơn tất cả các đỉnh trong vòng yểm trợ của pháo binh, là tiền đồn nhằm "Quyết Tâm Bảo Vệ Sa Huỳnh". Đây là một đồi trọc, chóp dễ nhận với nhiều tảng đá to, chung quanh cây cỏ không quá thắt lưng. Kinh nghiệm cho biết hễ chỗ nào có đất là có nước, sâu lắm là khoảng vài chục thước thấp hơn. Về phía Đông Bắc, từ đỉnh đổ dốc chừng 500 m có một khe suối nhỏ. Mùa hè có thể hứng một nón sắt nước trong vòng một phút. Tính ra luân phiên trong ngày đủ cung cấp cho mỗi người được 4 xô để vừa tắm, vừa giặt, nấu nướng, đổ vào bidong, và mang lên đồi dự trữ.

Xuyên qua một thông thủy rậm rạp, dốc đứng, mặc dù cách Đồi 274 chừng 2.4 km nơi mà bộ chỉ huy tiểu đoàn phòng thủ với 2 đại đội. Đồi 415 trong trường hợp bị tấn công chỉ có cách là đánh tới cùng, tử thủ. Vào năm 1974, khi màn đêm bao phủ thì phía Tây có hằng chục ánh đèn pha xe molotova cứ ẩn hiện lập lờ di chuyển trong đám cây rừng. Tuy vậy, nương theo chiến thắng Sa Huỳnh 73 trước đó, lính tráng trên Đồi 415 vẫn thư thả bên các hốc đá với những ca cafe nóng hổi. Nơi đây không có đồi sim tím, cũng chẳng ai hái hoa bỏ đầy ba lô, nhưng trong lòng mỗi người lính chiến chỉ mong sao đất nước có hoà bình. Rốt cuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh hoàn toàn thua trận, và niềm mơ ước đó đã đi vào hư không.
Powered by Blogger.