Header Ads

Tấn Công Ukraine: Thông Điệp Của Putin Gửi Trump Trước Hội Nghị G20

Lực lượng biên phòng của Ukraine trên vùng Biển Azov - https://www.theguardian.com/world/2018/nov/29/danger-never-went-away-ukrainian-cities-feel-cornered-by-russia

Trần Trung Tín
(Đặc San Lâm Viên)

Chủ Nhật, ngày 25 tháng 11, 2018, lính biên phòng của Nga đã bắn vào ba tàu của Ukraine và bắt giữ các thủy thủ của họ bên ngoi Bán đảo Crimea. Sự việc trên đã tạo thêm căng thẳng đang có giữa Nga và Ukraine và có thể đưa cả hai quốc gia này vào giai đoạn mới trong cuộc xung đột chết người.

Vào tháng Ba năm 2014, Nga đã lấy bán đảo Crimea của Ukraine và đem sáp nhập vào Nga. Kể từ đó Nga càng muốn thắt chặt sự kiểm soát của họ trên bán đảo này. Chẳng hạn như vào tháng 5, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã khánh thành cầu Crimean Bridge (còn có tên là Kerch Strait Bridge), dài hơn 11 dặm (18 km), ngang qua Eo biển Kerch nối liền Crimea với phần đất liền của Nga bất chấp sự phản đối của Ukraine.

Mục tiêu của Điện Kremlin là muốn hoàn toàn đem đất đai và vùng biển chung quanh Crimea đặt dưới quyền kiểm soát của Nga. Đó là một phần lý do tại sao Nga bắn vào các tàu của Ukraine: như một cách để khẳng định sự thống trị của Nga trên thủy lộ này.
 
Crimean Bridge, hay Kerch Strait Bridge - Cầu cho xe lửa: 18.1 km (11.2 mi) - Cầu cho xe thường: 16.9 km (10.5 mi)  - https://en.wikipedia.org/wiki/Crimean_Bridge

Trong biến cố hôm Chủ Nhật vừa qua, Bộ Ngoại Giao Nga đổ lỗi cho Ukraine và nói rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về "việc khiêu khích có dự tính kỹ lưỡng." Tổng Thống Nga Putin gọi cuộc đụng độ này là "một sự khiêu khích" được tổ chức bởi chính quyền Ukraine "trong cuộc chạy đua tới cuộc bầu cử tổng thống Ukraine."

Vì theo Nga, qua tin của nhật báo Kyiv Post, tờ báo Anh ngữ lâu đời nhất của Ukraine, thì trong các cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có khoảng 10% số cử tri dự định bỏ phiếu cho đương kim Tổng Thống Ukraine là Poroshenko vào năm tới, và với gần 50% cử tri nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông trong bất kỳ trường hợp nào.  Do đó, theo Nga, Tổng Thống Poroshenko muốn "khiêu khích" Nga để gặt hái được sự ủng hộ của người dân Ukraine.

Về phía Ukraine, Tổng thống Poroshenko gọi đó là "một hành động gây hấn."  Ông đã kêu gọi NATO gửi tàu đến khu vực này.  Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Tổng Thống Poroshenko đã ban hành thiết quân luật trên các khu vực biên giới của Ukraine trong 30 ngày.

Hiện thời, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn đang chỉ trong vòng tố cáo lẫn nhau. Nhưng nếu Nga sử dụng tàu chiến và máy bay để ngăn không cho tàu của Ukraine đi ra khỏi biển Azov, thì việc này có khả năng biến thành một cuộc chiến tranh lan rộng.

https://www.vox.com/world/2018/11/26/18112426/russia-ukraine-ships-kerch-strait-azov-sea-trump-putin

Về phía Tây Phương, Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel đã quy lỗi tạo ra cuộc khủng hoảng này là "hoàn toàn" do bởi Nga. Bà Merkel cho biết bà sẽ nêu vấn đề này với Tổng Thống Putin tại cuộc họp G20, dự kiến sẽ được tổ chức tại Argentina vào thứ Sáu 30/11 và thứ Bảy 01/12/18.

Thứ Hai ngày 26/11, trong cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã nặng nề chỉ trích "hành động ngoài vòng pháp luật" của Nga, đồng thời bà kêu gọi Nga phải thả các tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine đã bị bắt giữ hôm Chủ Nhật.

Hội Đồng Bảo An LHQ họp khẩn cấp hôm thứ Hai 26 tháng 11 - Ảnh Reuters
Bà Haley nói, "Những gì chúng ta chứng kiến cuối tuần này là một sự leo thang bất cẩn của Nga." Và cho biết thêm, "Hoa Kỳ tiếp tục đứng chung với người dân Ukraine chống lại sự xâm lược này của Nga."

Dù vậy, vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc này đã không đề cập đến việc Hoa Kỳ có cân nhắc đến việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga về việc họ đã "vi phạm luật quốc tế" hay không.

Tại sao Nga lại tấn công Ukraine vào lúc này

Đối với Nga, việc Nga chiếm giữ được Crimea là thành tựu lớn nhất của Putin trong cuộc xung đột, vì điều này cho phép Nga lưu thông qua các hải cảng và thủy lộ mới, qua việc chiếm được đất của Ukraine. Để củng cố vị trí của Nga thêm vững chắc, Putin đang cố gắng lôi kéo các vùng hải phận chung quanh Crimea ra khỏi Ukraine và đặt dưới quyền kiểm soát của Kremlin.

Vì những khu vực có nước chung quanh Crimea rất có ảnh hưởng đối với Ukraine. Hơn 80% các thứ Ukraine xuất cảng đều đi qua biển Azov, điều rất quan trọng cho một Ukraine độc lập. Đây cũng là một trung tâm đánh cá quan trọng cung cấp thực phẩm và đem lại lợi ích kinh tế cho cả khu vực. 

Ngoài ra các quan sát viên cho rằng Putin thường sử dụng chiến thuật quân sự để gây hấn như là một cách nhằm vào tâm lý quần chúng của Nga để gây thanh thế cho ông và nâng cao tỉ lệ được dân Nga ủng hộ vì tỉ lệ đó đang bị suy giảm nơi dân Nga. Tổng Thống Putin đã hứa sẽ biến Nga thành một cường quốc kinh tế toàn cầu và cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân Nga - nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Nga đang chậm lại và người Nga không hài lòng với sự thể này.

Vì vậy, để đánh lạc hướng dân Nga và đem lại một cảm giác tự hào dân tộc Đại Nga cho người dân, việc tấn công vào các tàu của Ukraine hôm Chủ Nhật vừa qua có thể là một tính toán chính trị khôn ngoan về phần của Putin.

Thông điệp của Putin muốn gửi Trump

Nhưng như người Mỹ vẫn hay nói: Timing is everything, việc Putin cho lệnh quân Nga tấn công Ukraine chỉ vài ngày trước khi có cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Argentina và chính ông Putin cũng sẽ có họp riêng với Tổng Thống Trump của Hoa Kỳ, thì điều đó khó có thể là việc ngẫu nhiên.

Nếu chỉ thuần túy xét đến những tham vọng của Nga nhắm vào các nước láng giềng, thì đây đúng là lúc Putin có thể nhân cơ hội Trump đang phải tập trung chú ý vào Trung Hoa để Putin có thể tiến xa hơn nữa trong việc xâm lăng các nước láng giềng mà không ai có thể ngăn cản được.

Dù vậy, hẳn nhiên Putin cũng dư hiểu rằng không phải Trump và chính quyền Mỹ chỉ bận rộn và chú tâm vào Trung Hoa trong khoảng thời gian có hội nghị thượng đỉnh G20 không mà thôi, và vì thế Putin phải triệt để gấp rút lợi dụng cơ hội ngắn ngủi này.

Mặt khác, điều mà ai cũng thấy rất rõ là trong khoảng thời gian tiền hội nghị, sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa càng lúc càng gia tăng.  Và tại hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Hoa sẽ có những cuộc gặp gỡ song phương cấp cao nhất với Hoa Kỳ.

Dù là cơ hội để Mỹ-Hoa hoàn toàn giải quyết mọi bất đồng tại G20 rất mỏng manh, nhưng cũng vẫn có khả năng là phía Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể đồng ý sơ khởi về một số phương hướng giải quyết nào đó để giải quyết những tương tranh của hai cường quốc này sao cho cả hai bên đều cùng được lợi. Về phần Nga, hiện vẫn còn là một trong ba cường quốc có sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới, thì Putin có thể nghĩ rằng Nga xứng đáng phải được dự phần "chia ba" thiên hạ.

Trong chiều hướng lượng định như trên, chắc chắn Putin không muốn nước Nga bị gác bỏ ra ngoài bàn cờ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.

Hiển nhiên cách mà Putin có thể làm là chứng tỏ cho mọi bên thấy là Nga vẫn còn là một thế lực đáng gờm, không ai có thể xem thường, và cho thấy là Nga sẽ không ngần ngại để đem sức mạnh quân sự đó ra sử dụng khi cần.

Nhưng dù có muốn tạo sự chú ý của phía Hoa Kỳ, Putin cũng đủ khôn khéo và cẩn trọng để không gây thêm căng thẳng khiến NATO và Hoa Kỳ phải có phản ứng tức thời, có thể phương hại đến Nga.

Do vậy, Putin chỉ nhắm tới Ukraine, không phải là quốc gia thành viên của NATO, và vùng biển Hắc Hải (Black Sea) ngay bên cạnh bán đảo Crimea cũng không hoàn toàn trực tiếp nằm trong vùng "nhậy cảm" đối với an ninh của các quốc gia Tây Âu trong NATO.

Có thể nói việc Nga tấn công Ukraine hôm Chủ Nhật vừa qua chính là một thông điệp của Putin.

Thông điệp này chính yếu là Putin muốn gửi đến Tổng Thống Hoa Kỳ Trump nhiều hơn là tới Chủ Tịch họ Tập của Trung Hoa. Vì tại khu vực Âu Châu, những nơi đầu tiên có thể bị ảnh hưởng xấu do bởi những hành động phiêu lưu quân sự của Nga sẽ là NATO và kế đó là đến Hoa Kỳ. 

Việc Tổng Thống Trump quyết định làm thế nào để đối phó với sự xâm lược đang gia tăng của Nga, qua việc tấn công Ukraine vừa qua, chắc chắn phải được Hoa Kỳ tính toán rất kỹ trong phương trình cân bằng cán cân quyền lực thế giới, nhất là khi Trung Hoa vẫn còn là một "ẩn số" chưa kiểm soát được.

Nên lưu ý rằng Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, dù đã lên án Nga khá nặng nề nhưng đã không đưa ra đề nghị gia tăng trừng phạt Nga.

Chắc chắn là Donald Trump không muốn bước vào hội nghị với Chủ Tịch họ Tập trong tư thế bị "lo ra" bởi Nga. Và Putin cũng sẽ hoàn toàn hiểu được điều đó.

Bởi đó câu trả lời chính thức của Tổng Thống Donald Trump là hủy bỏ cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Putin, đã được dự tính từ trước trong thời gian hội nghị thượng đỉnh G20, cũng sẽ không là điều làm Putin phải ngạc nhiên.

Thực tế là dù cuộc gặp gỡ riêng giữa Putin và Trump trong hội nghị G20 bị bãi bỏ, thì hai nhân vật lãnh đạo này vẫn sẽ có thể gặp riêng ở một nơi nào đó sau này. Đó không phải là chuyện quá khó.

Điều chính yếu của Putin là ông ta muốn "nhắc nhở" Trump là sự hiện diện của Nga là yếu tố quan trọng mà Mỹ phải tính đến khi muốn "make deal" với Trung Hoa. Thêm nữa, nếu Hoa Kỳ có "quên" Nga, thì khối NATO sẽ nhắc nhở và ngay cả đòi hỏi Hoa Kỳ phải "nhớ" đến Nga.

Trên phương diện này, có lẽ Putin đã thành công trong việc "communicate" và gửi được đến Trump (và NATO) một thông điệp đầy ý nghĩa.

Trần Trung Tín


Tham khảo:
1. https://www.theguardian.com/world/2018/nov/29/danger-never-went-away-ukrainian-cities-feel-cornered-by-russia
2. https://www.bbc.com/news/world-europe-46386160
3. https://www.cnbc.com/2018/11/26/un-ambassador-nikki-haley-condemns-russias-seizure-of-ukraine-ships.html
4. https://www.vox.com/world/2018/11/26/18112426/russia-ukraine-ships-kerch-strait-azov-sea-trump-putin
5. https://www.bbc.com/news/world-europe-46386160



Powered by Blogger.