Header Ads

Tin Quan Trọng Trong Tuần từ 10/6/18 đến 16/6/18


Tin tức hàng đầu trên thế giới trong tuần qua phải nói đến là cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Tống Mỹ, Donald Trump, và Chủ Tịch Bắc Hàn, Kim Jong-un, hôm thứ Ba, 12 tháng Sáu, ở Singapore. Kết quả của buổi thảo luận ngắn ngủi này là một bản thông cáo chung nói về vấn đề giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và việc tìm kiếm, trao trả tù nhân và tử sĩ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên sau Đệ Nhị Thế Chiến, từ 25 tháng Sáu, 1950 đến 27 tháng 7, 1953.

Để đáp lại với sự "hứa hẹn hợp tác" của Bắc Hàn, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ bãi bỏ các cuộc tập trận thường niên với quân đội Nam Hàn, giảm thiểu số binh sĩ trú đóng ở Nam Hàn, đồng thời sẽ bỏ lệnh cấm vận nếu Bắc Hàn tuân thủ tiến hành việc bãi bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Mặc dù đây là một bước tiến quan trọng trong lịch sử, nhưng một số các nhà phê bình xem đây là một sự nhượng bộ lớn lao về phía Hoa Kỳ trong một cuộc thương thuyết song phương nên đã gây e ngại cho các quốc gia liên hệ như Nam Hàn và Nhật Bản. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng các quốc gia thuộc khối cộng sản chỉ thương thuyết khi họ ở thế yếu, để kéo dài thời gian hầu khôi phục lại sức mạnh quân đội và chính trị. Nhất là khi thương thuyết với Hoa Kỳ thì liên hệ rất nhiều về chính trị, ý kiến quần chúng và nhiệm kỳ của tổng thống. Bất kỳ một thay đổi nào trong ba khía cạnh nêu trên cũng đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành động của phe cộng sản. Nếu sự thay đổi có lợi cho họ thì họ sẵn sàng bỏ lời cam kết, ngưng những hoạt động đã hứa, nhưng nếu bất lợi thì họ sẽ tiếp tục hành động, một cách chậm rãi, như những gì đã cam kết.

Để trấn an đồng minh (Nam Hàn và Nhật Bản), ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, hôm thứ Năm vừa qua đã lên tiếng khuyến cáo Trung Cộng (TC) về việc quân sự hóa Biển Đông và nói với Chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình, rằng Hoa Kỳ sẽ quyết tâm thực thi việc giải trừ vũ khí hạt nhân, đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên, đồng thời giữ an ninh cho khu vực Biển Đông.

Trung Cộng

Trong khi Hoa Kỳ và thế giới chú trọng đến tình trạng Bắc Hàn thì hình ảnh từ vệ tinh ISI, chụp ngày 11 tháng Sáu, cho thấy TC lại tái vũ trang đảo Phú Lâm (Woody Island), hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa.


Bộ trưởng ngoại giao TC biện hộ cho việc tái vũ trang đảo Phú Lâm với các giàn hỏa tiễn SAM vì Hoa Kỳ đã cho máy bay B-52 bay qua không phận của đảo này hồi đầu tháng Sáu vừa qua.

Để mở rộng cuộc "xâm lăng kinh tế toàn cầu" của chủ trương "vòng đai, con đường", với số tiền yểm trợ gần như vô tận của chính phủ, các công ty của TC đã đầu tư rất nhiều ở các hải cảng quanh vùng Địa Trung Hải, từ Valencia (Tây Ban Nha) đến Bosporus (Thổ Nhĩ Kỳ) và từ Bắc Adriatic (Địa Trung Hải) đến kênh đào Suez (Ai Cập).

Tại Âu châu, TC cũng là nhà đầu tư lớn tại các hải cảng vùng Bắc Hải (North Sea). Họ đã sở hữu ba mươi lăm phần trăm (35%) của Euromax, công ty điều hành Rotterdam, hải cảng lớn nhất châu Âu; hai mươi phần trăm (20%) của Antwerp, hải cảng bận rộn hạng nhì; và 100 phần trăm (100%) Zeebrugge, cơ sở vận chuyển hàng hóa ở bến tàu lớn nhất thế giới.

TC không chỉ xâm lăng bằng vũ lực, kinh tế mà cả trên không gian mạng (cyberspace). Theo tin từ báo Washington Post thì trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng Hai vừa qua, các tin tặc của chính phủ TC (Chinese government hackers) trực thuộc một bộ phận của bộ an ninh quốc gia TC, hoạt động ở tỉnh Quảng Đông, đã xâm nhập vào các máy tính của một nhà thầu của Hải Quân Hoa Kỳ, và đánh cắp một số lượng lớn (614 Gigabytes) tài liệu nhạy cảm liên quan đến vũ khí của Hải Quân - bao gồm các kế hoạch bí mật để phát triển hỏa tiễn siêu âm chống chiến hạm, có tên là Sea Dragon - Rồng Biển, sẽ được trang bị trên các tàu ngầm của Mỹ vào năm 2020.

Khối Tứ Cường: Ấn, Úc, Nhật, Mỹ

Các bộ trưởng ngoại giao của Ấn, Úc, Nhật và Mỹ đã gặp nhau ở Singapore hôm thứ Năm vừa qua, ngày 7 tháng Sáu, và tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, và thịnh vượng. Đây là cuộc họp thứ hai của khối, được gọi là "quad", kể từ tháng 11 năm 2017. Bốn quốc gia trong khối đã bắt đầu hình thành sự hợp tác an ninh của họ theo liên minh bốn bên (quadrilateral coalition) được đề nghị từ các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên vào ngày 12 tháng 11 năm 2017. Bản thông cáo của khối cho biết bốn quốc gia trong khối ủng hộ mạnh mẽ các nước trong khối ASEAN ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và cam kết thúc đẩy trật tự khu vực "dựa trên quy tắc (rules-based)". Bản thông báo cũng cho biết thêm rằng bốn quốc gia trong khối sẽ tổ chức các cuộc bàn luận, tham khảo thường xuyên hơn về hiện tình trong vùng.

Một điều rất đáng chú ý và quan trọng hơn cả là các chiến hạm của Khối Tứ Cường vừa qua đã tham dự cuộc tập trận Rim of the Pacific (RIMPAC) - vòng đai Thái Bình Dương. Để cảnh cáo và trừng phạt việc TC quân sự hóa Biển Đông, TC đã bị loại ra ngoài cuộc tập trận RIMPAC trong năm nay.

Cũng nên nhắc lại RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất trên thế giới, với chu kỳ hai năm một lần vào tháng Sáu và Bảy của những năm chẵn ở Honolulu, Hawaii. RIMPAC được tổ chức và điều hành bởi Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (United States Navy's Pacific Fleet) có bộ chỉ huy đặt ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), với sự hợp tác của Thủy Quân Lục Chiến (Marine Corps), Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải (Coast Guard) và Lực Lượng Bảo Vệ Quốc Gia Hawaii (Hawaii National Guard) dưới sự kiểm soát của Thống Đốc Hawaii.

RIMPAC năm nay bao gồm 26 quốc gia, 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm và hơn 200 máy bay cùng với hơn 25,000 quân nhân các cấp, tham gia vào một loạt các cuộc tập trận từ các hoạt động chống tàu ngầm, tấn công trên mặt đất, phòng không và chống cướp biển.

G-7 Tình Hình Kinh Tế Thế Giới

Tình hình kinh tế thế giới cũng vượt lên trang nhất của báo chí với việc gia tăng thuế quan của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh lâu năm.


Nếu "một bức hình có giá trị bằng ngàn lời nói" thì bức hình trên của bà thủ tướng Đức, Angela Merkel, cho thấy sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và châu Âu về vấn đề thuế quan. Nhất là lời kêu gọi của tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, yêu cầu cho Nga tái gia nhập cuộc họp của các quốc gia phát triển trên thế giới. Nga đã bị loại ra khỏi hội nghị G-8 sau khi xâm chiếm vùng Crimea của Ukraine.

Tin Việt Nam - Biểu tình phản đối hai dự luật "Đặc Khu Kinh Tế" và "An Ninh Mạng"


Trong thời đại của Internet, tin tức được phổ biến với vận tốc của mạng lưới điện toán toàn cầu, và như thế người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều có thể theo dõi từng giây phút của những cuộc biểu tình trên ba vùng đất nước cũng như hải ngoại, chống lại dự luật "Đặc Khu Kinh Tế" và thời hạn thuê mướn 99 năm. Cho dù đạo luật này không nêu rõ ai hoặc quốc gia nào sẽ là kẻ đầu tư, nhưng người Việt ở mọi nơi đều hiểu rõ đây là một "đạo luật bán nước" do csVN giàn dựng để dâng đất Việt cho Tàu.

Hoa Kỳ và Canada hôm 08/06/2018 kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc thông qua dự luật an ninh mạng. Đại sứ quán Mỹ cho biết như trên, trong bối cảnh lo ngại đang tăng cao về những thiệt hại kinh tế mà đạo luật này sẽ gây ra, cũng như việc những tiếng nói bất đồng trên mạng sẽ bị bóp nghẹt.

Thông cáo trên trang web của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam viết: "Chúng tôi thấy rằng dự thảo luật an ninh mạng hiện đang được thảo luận trước Quốc Hội có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho tương lai an ninh mạng và cho những đổi mới về kỹ thuật điện toán của Việt Nam, và có thể không phù hợp với các cam kết quốc tế về thương mại của Việt Nam. Hoa Kỳ và Canada kêu gọi Việt Nam hãy trì hoãn việc bỏ phiếu về bản dự thảo luật này để đảm bảo sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế."

Bên cạnh đó, dự luật cũng gây lo ngại sẽ bóp nghẹt tiếng nói của giới bất đồng chính kiến. Ông Brad Adams, giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch, nhận định: "Đạo luật này vốn nhắm vào tự do ngôn luận và truy cập thông tin, sẽ cung cấp thêm một vũ khí mới cho chính quyền để đối phó với các nhà ly khai."

Loa tuyên truyền của đảng csVN vẫn thường xuyên kêu gào rằng "thế lực thù địch" luôn tìm cách chống lại "đỉnh cao trí tuệ". Thế nhưng hai đạo luật "Đặc Khu Kinh Tế" và "An Ninh Mạng" đủ để chứng minh hành động bán nước và "hèn với giặc, ác với dân" của nhà cầm quyền csVN.

Với những dữ kiện nêu trên, sự sống còn của dân tộc Việt đang như "chỉ mành treo chuông", và chỉ có thể bảo tồn được văn hóa, giữ vẹn được non sông một khi toàn dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới hợp lực cùng nhau để giải thể đảng cộng sản đang thống trị quê hương. Cộng sản còn thì quê hương nguy khốn. Cộng sản chết thì quê hương sinh tồn. Trong ý tưởng đó, chúng tôi cầu chúc quý vị an lành và vững tin về một ngày quang phục quê hương.

Nguyễn Thứ Dân

Tham khảo:

China is Buying Up Ports and Influence Across Europe
http://nationalinterest.org/feature/china-buying-ports-influence-across-europe-26210

Chinese government hackers reportedly stole trove of sensitive US naval data
https://www.theguardian.com/world/2018/jun/08/chinese-hackers-us-navy-submarine-missile-secrets-report

India, US, Japan, Australia hold 'quad' meet in Singapore, reaffirm support for free and open Indo-Pacific: A roundup
https://www.firstpost.com/world/india-us-japan-australia-hold-quad-meet-in-singapore-reaffirm-support-for-free-and-open-indo-pacific-a-roundup-4501959.html

Quad will sail together across Pacific in largest military drill 
https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/quad-will-sail-together-across-pacific-in-largest-military-drill/articleshow/64533731.cms

Vietnam Protesters Clash With Police Over New Economic Zones (PHOTO, VIDEO)
https://sputniknews.com/asia/201806101065281303-vietnam-protests-rights/

Hoa Kỳ và Canada muốn Việt Nam hoãn thông qua dự luật an ninh mạng
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180609-hoa-ky-va-canada-thuc-giuc-viet-nam-hoan-thong-qua-du-luat-an-ninh-mang


Powered by Blogger.