Header Ads

Biển Đông: Phô Trương Vũ Lực


Ngày 22 tháng 3 năm 2018, tổng thống Donald Trump ký đặc lệnh tăng khoảng 60 tỉ đô-la (60 billion USD) tiền thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Cộng (TC), đồng thời sẽ đưa ra những biện pháp chống TC tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - World Trade Organization. Việc tăng thuế này, theo lời ông Trump, mới chỉ là phần mở màn của nhiều hành động để đối phó đặc biệt với TC đang trên đường bành trướng vũ trang và kinh tế. Sự "nổi dậy" của TC không những ảnh hưởng đến Hoa Kỳ, mà còn làm cả Âu Châu phải e ngại. Ngay sau đó, TC đã tuyên bố sẽ trả đũa bằng một chương trình tăng thuế trị giá khoảng 3 tỉ đô-la trên hàng hóa nhập cảng từ Hoa Kỳ, trong đó phần lớn liên quan đến sản phẩm của ngành nông nghiệp như thịt heo và đậu nành. Việc tăng thuế có thể là bước đầu của một cuộc "chiến tranh thương mại - trade war", một cuộc chiến tranh mà TC đã tỏ vẻ lo ngại và tuyên bố rằng không muốn xảy ra, nhất là đối đầu với Hoa Kỳ, vì nền kinh tế của TC lệ thuộc quá nặng nề vào Hoa Kỳ. Từ "chiến tranh thương mại" đến "chiến tranh lạnh" chỉ là một bước kế tiếp để, cuối cùng, đưa đến một cuộc "thi đua vũ trang". Lịch sử đã chứng minh với khả năng kỹ nghệ và sáng tạo của Hoa Kỳ đã khiến Liên Xô kiệt quệ và sụp đổ. Các nhà phân tích chiến lược của TC chắc cũng đã biết rõ điều này, bởi vậy họ không muốn lập lại lịch sử, và nhất là, không muốn làm con thiêu thân cho ngọn đuốc của Nữ Thần Tự Do.

Song song với việc tăng thuế, trong hai tuần qua, Hoa Kỳ tiếp tục điều động chiến hạm của Hải Quân tiến vào vùng 12 hải lý của các đảo san hô, mà TC đã chiếm giữ và kiến tạo thành tiền đồn quân sự, theo chương trình FONOP - Freedom of Navigation Operation - Tự Do Hải Hành. Các quốc gia đồng minh quan trọng như Pháp và Anh cũng đã lên tiếng ủng hộ chương trình FONOP. Trong khi đó, các quốc gia nhỏ trong vùng Biển Đông cũng tìm cách giải quyết bất đồng trong việc tranh chấp lãnh hải với TC qua phương pháp ngoại giao - thương lượng - và pháp lý với "Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông - Code of Conduct of South China Sea". Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy rất khó có thể thành công về mặt ngoại giao cũng như pháp lý khi đối đầu với TC. Bởi vì một nguyên tắc căn bản là "Không thể thương lượng với kẻ mạnh. Nếu có thể, thì cũng sẽ thất bại hoặc thiệt hại". Vì vậy, sự kết hợp đồng minh để tạo sức mạnh là điều kiện đầu tiên và bắt buộc phải có. Một khối ASEAN, một liên minh bốn bên "QUAD", và những ký kết yểm trợ quốc phòng giữa các quốc gia là những thí dụ điển hình về "Liên Minh tạo Sức Mạnh". Nói đến "sức mạnh" là nói đến vũ khí quốc phòng, và như thế cuộc "thi đua vũ trang", dù muốn hay không, cũng đã bắt đầu.

USS Carl Vinson và các loại máy bay của phi đoàn 2
Dĩ nhiên là một cuộc "thi đua" nào cũng khởi đi từ việc "phô trương". Hải Quân Hoa Kỳ đã phô trương lực lượng bằng một loạt các khu trục hạm thuộc Hạm Đội Thứ Bảy tuần tiễu trên biển trong chương trình FONOP. Tất cả các khu trục hạm của Hoa Kỳ đều có trang bị hỏa tiển điều khiển từ xa (guided-missile). Ngày 5 tháng Ba vừa qua, Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) USS Carl Vinson đã thực hiện một cuộc viếng thăm lịch sử tại hải cảng Đà Nẵng. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là HKMH Carl Vinson được vận hành bằng 2 lò phản ứng hạt nhân (nuclear reactors) nên không bị giới hạn về hải hành từ 20 đến 25 năm - không cần tiếp tế nhiên liệu, không hạn chế đường xa.  Với một đội ngũ 5,000 thủy thủ và phi công của Phi Đoàn 2 - Carrier Air Wing Two (CVW-2), được trang bị bởi các loại phản lực cơ chiến đấu như F18E và F18F Super Hornet. Trong cuộc viếng thăm hải cảng Đà Nẵng, USS Carl Vinson được hộ tống bởi Tuần Dương Hạm USS Lake Champlain và Khu Trục Hạm USS Wayne E. Meyer.

HKMH Liaoning của HQ-TC
Để trả lời, hôm thứ Hai, 26 tháng Ba, Hải Quân TC (HQ-TC) thực hiện một cuộc "thực tập chiến tranh trên biển" lớn nhất, với sự tham dự của chiếc HKMH duy nhất của HQ-TC,  Liêu Ninh, và gần 40 loại tàu chiến cũng như tàu ngầm ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Các nhà bình luận quân sự đánh giá đây là một cuộc "phô diễn có tính cách tuyên truyền hơn là thao diễn quân sự".

Việc "phô diễn" lực lượng Hải Quân của TC không được các "loa tuyên truyền" của TC quảng bá mạnh mẽ, bởi vì họ biết rằng HQ-TC không thể so sánh với Hải Quân Hoa Kỳ (HQ-HK), từ phương diện số lượng cho đến khả năng chiến đấu. Trên thực tế thì toàn thể lực lượng HQ của thế giới gộp chung lại mới tương đương với lực lượng HQ của Hoa Kỳ.

Izumo-class helicopter destroyer
Tuy lực lượng HQ-TC không thể so sánh với HK, thế nhưng toàn thể Hải Quân của vùng Đông Nam Á cũng không so sánh được với HQ-TC. Tuy được bảo vệ bởi HQ-HK, thế nhưng HQ Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường khả năng chiến đấu với các loại phi cơ chiến đấu tối tân nhất của Hoa Kỳ như F35B - phi đạo ngắn và hạ cánh thẳng đứng, để có thể dùng trên các khu trục hạm chuyên chở trực thăng - Helicopter destroyers.

Trong chiến tranh quy ước, không chỉ với vũ khí và hỏa lực là có thể chiến thắng, mà tinh thần và khả năng cùng với chiến thuật mới thực sự là yếu tố để quyết định chiến trường. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Cộng (3 tuần 6 ngày) cho thấy khả năng chiến thuật của TC quá kém và tinh thần rất yếu đuối. Thế cho nên với một quân số và vũ khí nhiều gấp 10 nhưng sự thiệt hại thì lại tương đương và cuối cùng, sau hơn 3 tuần, phải rút lui và tuyên bố ... chiến thắng.

Sau gần 40 năm không tham dự vào một cuộc chiến tranh nào, tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội TC, nếu còn thì, chắc cũng không thể hữu dụng khi phải thực sự tham chiến. Trong khi đó quân đội của Hoa Kỳ rất thiện chiến vì, gần như, chưa bao giờ được ngơi nghỉ. Ngoài ra, với kỹ thuật cao và phát minh mới trong việc chế tạo vũ khí quốc phòng khiến quân đội Hoa Kỳ có thể được xem là không có đối thủ. Thế nhưng Hoa Kỳ lại bị một trở ngại rất lớn là chính trị. Nếu không bị tấn công trực tiếp, hoặc gián tiếp qua các quốc gia có cam kết bảo vệ như Nhật Bản và Đài Loan, thì sẽ không, hoặc rất khó, được phép tham chiến, hay chỉ tham chiến một cách giới hạn.

Tâm lý con người không ai muốn có chiến tranh, thế nhưng châm ngôn Latin có câu "Si vis pacem, para bellum - Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh". Do đó, cuộc "thi đua vũ trang, phô trương sức mạnh" xảy ra là lẽ đương nhiên. Và chúng ta phải chờ xem ai là kẻ sẽ bắn phát súng đầu tiên để mở màn cho một cuộc chiến tranh vũ trang? 

Lâm Viên


Tham Khảo:

USS Carl Vinson
https://en.wikipedia.org/wiki/USS_Carl_Vinson

18E/F Super Hornet
https://en.wikipedia.org/wiki/Boeing_F/A-18E/F_Super_Hornet

USS Lake Champlain
https://en.wikipedia.org/wiki/USS_Lake_Champlain_(CG-57)

USS Wayne E. Meyer
https://en.wikipedia.org/wiki/USS_Wayne_E._Meyer

Chinese aircraft carrier Liaoning
https://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_aircraft_carrier_Liaoning

Izumo-class helicopter destroyer
https://en.wikipedia.org/wiki/Izumo-class_helicopter_destroyer

Naval Graphics
https://twitter.com/Naval_Graphics

Powered by Blogger.