Header Ads

Vãng Cảnh Chùa Thày


Sau mấy hôm mệt lả vì tiêu chảy, sáng Chủ nhật 3 tháng 2 năm 2013, thức dậy thấy đã hơi khỏe khỏe, già Tuấn bèn mở bản đồ tìm chỗ đi chơi. 10g30 già xuống nhà xe lôi chiếc xe gắn máy ra phóng đi chùa Thày.

Gần cổng chùa là chỗ gửi xe máy và bán vàng hương, dọc theo bờ một cái ao lớn. Một cổng tam quan cổ kính nổi lên giữa ao, đây là nét đặc thù của chùa Thày, cũng là nơi trụ trì của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ông tổ của nghề múa rối nước Việt Nam, cổng tam quan này là nơi diễn múa rối nước trong những dịp lễ hội. Ở các nơi khác gửi xe máy 3000-5000, nơi đây 10 nghìn, “Mua hương này bác ơi” “Bao nhiêu tiền?” “20 nghìn 3 gói” “Được rồi tôi lấy một gói thôi”.

Già Tuấn cầm thẻ hương vừa đi mấy bước chưa biết lối nào vào chùa đã có một cậu thanh niên bước lại “Mời bác vào đền Trình trước, vào đây thắp hương thôi các chỗ khác bác không phải thắp” Già Tuấn theo cậu thanh niên bước vào sân ngôi chùa cổ, cũ kỹ. “Đây là bản đồ khu quần thể chùa Thày, bác mua một mâm lễ thắp hương rồi đi tham quan các nơi” Ngay cạnh đấy là sạp bán đồ lễ gồm những đồ mã linh tinh. Cô bán hàng xếp  vài món linh tinh ấy lên một cái mâm nhôm: “Bốn mươi nghìn, bác vào thắp hương dâng lễ đi” cô vừa nói vừa xé gói nhang của già Tuấn ra “Thôi tôi đốt một nén thôi”. Đốt nhang lễ đền Trình xong già Tuấn theo hướng cậu thanh niên chỉ đi về phía một người đàn ông trung niên ngồi  co hai chân trên chiếc ghế gỗ: “Bác ra kia mua vé” “Bao nhiêu tiền?” “Mười nghìn”.

Già Tuấn vừa bước chân vào sân chùa đã có một cô  xấp xỉ tuổi ngoài bốn mươi theo bén gót: “Mời bác vào đây tham quan, đây là chùa Thầy, ngôi chùa cổ gần một nghìn năm từ đời nhà Lý”, cô có đeo một cái bảng tên ở cạp quần nhưng cô không tự giới thiệu tên tuổi mà liên tục thuyết minh rất rành rọt: đây là chùa Thượng, mời bác vào đây xem đại hùng bảo điện có ba tầng ban thờ, tầng trên cùng là thờ đức Phật Thích Ca, tầng giữa là thờ các đệ tử của đức Phật, ngài A Nan Đà, còn đây là ngài Ca Diếp… Đây là đức Phật Quan Thế Âm, còn đây là đức Phật Di Lặc là đức Phật vị lai bác ở đâu đến đây? “Tôi ở trong thành phố ra đây công tác”. “Mời bác ra phía này, đây là phiến đá thiền sư Từ Đạo Hạnh trấn long mạch chỗ này không ai được phép di dời dù chỉ một ly. Hai bên ban thờ là hai cái cột bằng gỗ Ngọc Am, hai cái cột này đã đứng được từ khi dựng chùa gần một nghìn năm nay, theo các nhà khoa học, nó sẽ còn đứng vững được khoảng từ 1 đến 2 nghìn năm nữa bác ra đây công tác ngành nào?” “Tôi dạy học. ” Bác dạy trường nào?” “Tôi dạy ở đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn” “Đây là chùa Trung, đây là tượng sư Thầy Từ đạo Hạnh, phía sau trên cao là tượng đức Phật Thích Ca, bác đứng vào đây, (khấn rõ to) kính lạy chư Phật mười phương, kính lạy chư Bồ tát, kính lạy Sư Thày, hôm nay ngày lành tháng tốt có khách quý là bác tên gì?” “Tôi tên Tuấn, Trần Đình Tuấn” “bác Trần Đình Tuấn được duyên lành đến vãng cảnh chùa cúng Phật, kính xin chư Phật mười phương, kính xin chư Thiên, kính xin chư thần, kính xin chư Bồ Tát A la hán, kính xin đức Thầy thiền sư Từ Đạo Hạnh phù hộ cho bác Trần Đình Tuấn được công thành danh toại, được sức khỏe an khang bác vái ba vái, mời bác bước xuống chùa Hạ…”

Sau khi làm công tác thuyết minh hết sức lưu loát từ chùa Thượng đến chùa Trung, chùa Hạ (ba chùa kế tiếp nhau, thật ra là ba gian nhà dựng trên sườn quả núi nhỏ, tức là núi Sài Sơn, còn gọi là núi Thầy, căn trên cùng là chùa Thượng, căn giữa là chùa Trung, căn dưới là chùa Hạ), cô hướng dẫn viên đưa bác Tuấn qua tượng ông Thiện và ông Ác thật to. “Mời bác Tuấn ra đây, đây là bức tranh 10 cảnh địa ngục được khắc trạm để răn đời, bác xem những người buôn gian bán dối khi chết đi sẽ bị quỷ sứ cắt lưỡi bẻ răng, còn đây là những người bất hiếu chửi cha mắng mẹ đang bị quỷ sứ bỏ vào cối giã như giã giò…” Ghê gớm thật, ai xem bức tranh thập điện địa ngục này cũng phải sợ, không dám làm điều gì ác đức.

Sau cùng cô hướng dẫn viên dẫn già Tuấn đến một gian thờ nhỏ phía sau chùa Hạ, bên trong có bày ba ban thờ cũ kỹ có các tượng thần. Bên ngoài hành lang là một cô bán hàng, cô này lấy một cái mâm nhôm bày lên vài món lễ vật linh tinh. Cô hướng dẫn viên: “Bác thỉnh những món này dâng lên ban thờ rồi đem về treo ở nhà sẽ rất tốt bác ạ” “Được rồi cho tôi biết bao nhiêu tiền?” “Bác cứ đem mâm vào đây đã để cháu thắp hương” “Cô thắp một nén thôi đừng thắp nhiều khói lắm” “Cháu thắp ba nén thôi” Thế là cô hướng dẫn viên đốt ba nén nhang đưa cho bác Tuấn, rồi lại chắp tay khấn rõ to “Kính lạy chư thần mười phương, kính lạy chư thánh tám hướng, kính lạy vong linh các thiền sư, hôm nay ngày lành tháng tốt, bác Trần Đình Tuấn có duyên lành được ghé thăm linh tự chùa Thày, bác Trần Đình Tuấn có lòng thành kính dâng chư thần mười phương, kính dâng chư thánh tám hướng, kính dâng chư tăng mâm lễ vật này, xin chư thần, chư thánh, chư tăng chứng nhận cho lòng thành của bác Trần Đình Tuấn và phù hộ độ trì cho bác Trần Đình Tuấn được công thành danh toại, sức khỏe dồi dào bác vái ba vái”.

Bác Trần Đình Tuấn vái ba vái, cắm nhang vào bát nhang trên ban thờ xong quay ra hỏi cô bán đồ lễ: “Hết bao nhiêu tiền cô cho tôi gửi”  “Một triệu.” “Bao nhiêu?” “Một triệu ạ.” “Không biết tôi có đủ tiền không?” Già Tuấn mở bóp, sáu con mắt cùng soi vào cái bóp nhỏ xíu. “Có đây này bác” Theo sự hướng dẫn tận tình của cô hướng dẫn viên, bác Trần Đình Tuấn moi ra được vừa đúng 5 tờ giấy 200 nghìn.  Cô hướng dẫn vui vẻ “Đáng lẽ còn công thuyết minh 100 nghìn nữa bác ạ, mời bác đi lối này thăm cảnh quan còn lại”. Thế là bác Trần Đình Tuấn vừa quay đi, quay lại một cái cô hướng dẫn viên và cô bán đồ cúng đã biến mất y như hai vị thần linh.

Già Tuấn lần theo những bậc đá phía sau chùa định đi lên thăm ngôi chùa Cao trên đỉnh núi, leo được vài chục bậc đã thấy một bà bán vàng hương và một chú thanh niên chắc là hướng dẫn viên du lịch chờ sẵn. Đường lên đỉnh núi bẩn thỉu, rác và phân người thối hoắc ngay giữa đường, già Tuấn thích đi bộ leo dốc nhưng đành quyết định quay xuống đi về.

Đấy là thắng cảnh chùa Thầy, một trong những cổ tích văn hóa vô giá của thủ đô Hà Nội.

Trần Đình Tuấn
Powered by Blogger.