Header Ads

Tương Lai của Lúa Gạo


Khi giá của thực phẩm trên thế giới tăng vọt vào cuối năm 2007 đến 2008, giá của những loại thực phẩm căn bản cần thiết đã tăng gấp 3 lần trên toàn thế giới, gây ra nhiều cuộc biểu tình và biến động. Một số quốc gia hoảng sợ đã ngưng xuất cảng thực phẩm khiến sự hỗn loạn càng gia tăng.

Điều đáng ngại là sự hỗn loạn này xảy ra mà không có dấu hiệu nào báo trước cả.

Để giữ cho việc này không thể xảy ra một lần nữa, các nhà lãnh đạo quốc gia đã lập ra một nhóm để theo dõi tình hình nông nghiệp gồm những đại diện của chính phủ và những cơ quan trợ giúp. Sáng kiến này được gọi là Hội Quan Sát Nông Nghiệp Thế Giới, Earth Observation’s Global Agricultural Monitoring (GEOGLAM), quan sát dữ kiện của một vùng rộng lớn dựa trên trên hình chụp bởi vệ tinh nhân tạo với hy vọng sẽ dự đoán chính xác hơn về thời tiết và mùa màng.

Chủ yếu của giám sát là lúa gạo. Đó là thực phẩm chính của hàng tỷ người trên thế giới, kể cả những vùng nghèo khổ nhất. Nhưng đây lại là một loại mùa màng khó tiên liệu nhất và cũng không có thị trường lớn trong tương lai. Phần lớn bởi các thương buôn không có những dữ kiện mà GEOGLAM đã tìm ra.

Kết quả là thị trường lúa gạo rất bất ổn, khiến những nhà đầu tư, sản xuất và, sau cùng là, người tiêu thụ phải chịu thiệt thòi. Một trận lụt hay hạn hán xảy ra ở Đông Nam Á Châu có nghĩa là hàng trăm ngàn người trên thế giới sẽ bị đói. Dự án GEOGLAM được đưa ra để thay đổi điều này.

Tỉnh An Giang ở vùng sông Cửu Long của Việt Nam (hình của NASA)
Hai tấm hình chụp vào 2 khoảng thời gian khác nhau bởi vệ tinh của tỉnh An Giang, một vùng sản xuất lúa gạo quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Màu xanh đậm và đen là đồng lúa ngập nước và ít chất hoá sinh (biomass), trong khi màu trắng và xám là các loại cây khác. Sự khác nhau về màu sắc cho thấy sự thay đổi về tỉ lệ giữa độ ẩm của đất và chất hoá sinh. 

Một Hình Ảnh Trọn Vẹn

Trong số những vệ tinh, hữu dụng nhất là những vệ tinh chụp hình bề mặt quả đất có tên là Landsat được phóng lên quỹ đạo từ 1972. Mới nhất là vệ tinh Landsat 8, được phóng lên quỹ đạo vào năm 2013 và bay vòng quanh quả đất mỗi 16 ngày để chụp hình bằng nhiều phương pháp khác nhau, kể cả phương pháp hồng ngoại tuyến nhiệt độ. Phương pháp đo nhiệt độ này rất quan trọng để phát hiện khi lúa bị khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và giúp tiên đoán về mùa màng bằng cách cho thấy độ ẩm và nhiệt độ của mặt đất.

Hai vệ tinh Terra và Aqua cũng cung cấp nhiều hình ảnh quan trọng của quả đất với một dụng cụ gọi là Moderate-Resolution Imaging Spectrometer (MODIS). Chúng thu hình bề mặt quả đất mỗi một hoặc hai ngày với 36 tần số có thể nhìn thấy rõ của hồng ngoại tuyến. Những hình ảnh thường xuyên như vậy giúp việc quan sát sự thay đổi của lúa trong từng giai đoạn, như lúa ảnh hưởng ra sao đối với khí hậu và phương pháp trồng trọt như tưới nước hay cày đất.

Tuy nhiên việc tiên đoán dựa theo dữ kiện thu nhận bởi vệ tinh không phải là chuyện dễ. Nathan Torbick cho biết "Bạn phải là một chuyên gia để chuyển những dữ kiện thành những tin tức (có ý nghĩa)".

Đó là nhiệm vụ của công ty của Torbick , Applied Geosolutions. Công ty này, nơi Torbick làm giám đốc, đã có hàng chục năm khảo cứu về phương pháp áp dụng những dữ kiện của những vệ tinh chụp hình quả đất. Với sự trợ giúp của hai giao kèo (khế ước) gọi là Small Business Innovation Research với Stennis Space Center, họ đã thành lập ra một trang nhà (web) gọi là Rice Decision Support System (RDSS) -- Giúp Quyết Định về Trồng Lúa. Những chương trình điện toán (software) tổng hợp dữ kiện nhận được từ vệ tinh của NASA và những nơi khác, kết hợp với những dữ kiện thu thập từ các ruộng lúa, cho ra một khuôn mẫu và dự đoán về thời tiết, theo lời của Torbick, là "để giúp nhà nông có một cái nhìn (nhận thức) đầy đủ về những biến chuyển trên mặt đất".

Dùng những dữ kiện của vệ tinh để đưa ra tin tức cấp thời về ruộng lúa, từng giai đoạn tăng trưởng, những bất thường và mong muốn về thu hoạch trên toàn thế giới.

Những Con Mắt Cho Thế Giới

Ở những nước ngoài, hệ thống này chú tâm vào những thí điểm như Java, Indonesia và Việt Nam. Nơi mà những dữ kiện thu thập được dùng trong việc giúp cho những chương trình bảo đảm thực phẩm và thị trường buôn bán lúa gạo.

Trên nước Mỹ, những phần của hai nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất, miền đông tiểu bang Arkansas và  thung lũng Sacramento, đang bị thiếu nước. Ở đó, công ty Applied GeoSolutions đã làm việc chung với chủ nông trại (farmer) và cơ quan chính phủ để giúp họ lập ra những dự án về mùa lúa và sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tưới nước. Những hình của vệ tinh cũng cho thấy những nông trại nào sẽ nhận được những ưu tiên về việc sử dụng những phương pháp tưới nước khác, đang được thử nghiệm ở Brazil.

Công ty Applied GeoSolutions hiện nay đang hỗ trợ chương trình GEOGLAM, giúp đỡ nhà sản xuất, người mua và nhà đầu tư trên toàn thế giới với những tin tức đầy đủ chi tiết và những dự đoán về sản xuất lúa gạo. Bradley Doorn, giám đốc của Water Resources Applied Sciences thuộc NASA Headquarters’ Earth Sciences Division cho biết "Khi chúng ta không biết gì về mức sản xuất (lúa gạo) thì thị trường trở nên bấp bênh với những ước đoán. Điều này rất xấu cho kinh doanh, chính phủ hoặc người tiêu thụ".

Bùi Phạm Thành
Lược dịch theo Future Grains by Gina Anderson
Powered by Blogger.