Header Ads

Hành Tinh Giống Như Quả Đất Là Một Hành Tinh Đầy Nước


 bên ngoài hệ thống mặt trời, cách quả đất vào khoảng 4.2 năm ánh sáng, Proxima b là một hành tinh tương tự như quả đất, có thể ở được. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy bề mặt của hành tinh này có thể được bao phủ hoàn toàn bằng nước.

Tháng Tám vừa qua, những khoa học gia của Đài Thiên Văn Nam Âu Châu (European Southern Observatory - ESO) xác nhận được sự khám phá ra một hành tinh đất đá ở trong khu vực có thể sống được thuộc hệ thống Proxima Centauri - hệ thống sao gần nhất với chúng ta. Rất ít dữ kiện về hành tinh này và chưa thể tiên đoán được nó có thể nuôi dưỡng được sinh vật hay không. Nhưng những nghiên cứu mới nhất được chấp thuận để đăng trên tạp chí Astrophysical Journal cho rằng bề mặt của Proxima b được bao phủ bằng nước, và rất có thể đó là một vùng biển rộng lớn bao phủ toàn thể bề mặt của hành tinh này.

Proxima b là một hành tinh đã khiến nhiều khoa học gia say mê nghiên cứu, không phải chỉ vì nó giống như quả đất và thuộc về một hệ thống tinh tú gần với mặt trời của chúng ta nhất. Hành tinh này có khối lượng bằng 1.3 khối lượng của quả đất và nằm trên quỹ đạo tương đương với 1/10 khoảng cách của Mercury (Thuỷ Tinh) đến mặt trời. Đó không phải là một vấn đề quan trọng vì mặt trời của của nó là Proxima Centauri chỉ bằng 1/1000 mặt trời của chúng ta. Thế cho nên hành tinh này được xem là ở trong khoảng có thể ở được vì nước vẫn còn ở ngay trên mặt đất.

Vì việc theo dõi hành tinh Proxima b không được thường xuyên, thế cho nên Bastien Brugger và các đồng nghiệp của ông thuộc viện đại học Marseille University của Pháp đã tính toán dựa theo những mô hình kiểu mẫu để hiểu rõ hơn về cấu tạo và đường kính của hành tinh này. Họ ước đoán đường kính của Proxima b ở trong khoảng 0.94 và 1.4 lần của quả đất, có nghĩa là vào khoảng 3,900 miles (6,300 km).

Nếu bán kính của hành tinh này ở gần phần dưới của ước đoán (0.94) thì nó sẽ rất dày đặc, với ruột bằng kim loại có trọng lượng gần bằng 2/3 toàn thể trọng lượng của nó và được bao bọc bởi một lớp vỏ đất đá lởm chởm. Nước ở trên mặt đất làm sức nặng của hành tinh tăng lên khoảng 0.05/100 lần toàn thể sức nặng của nó, trong khi ở quả đất chỉ có 0.02/100. Thế cho nên một vùng biển rất rộng lớn có thể xuất hiện trên bề mặt của hành tinh này.

Nhưng nếu đường kính của Proxima b ở phần trên của ước đoán (1.4) thì đường kính của nó sẽ vào khoảng 5,540 miles (8,920 km). Khi đó trọng lượng của hành tinh sẽ chia đều (bằng nhau) giữa đất đá và nước.

"Trong trường hợp này, Proxima b được bao phủ bằng một vùng biển sâu 200 km (124 miles)," những nhà nghiên cứu đã ghi nhận như trên trong một bài đăng trên AFP. "Trong cả hai trường hợp, một tầng khí quyển mỏng có thể bao chung quanh hành tinh này, tương tự như quả đất, khiến cho Proxima b có thể là nơi ở được."

Nhưng chúng ta cũng không nên quá vội mừng về kết quả nói trên, vì cần phải tìm hiểu thêm nhiều về hành tinh này trước khi đi đến một kết luận rõ ràng. Những nhà nghiên cứu dựa trên những mô hình kiểu mẫu để ước đoán rằng Proxima b có tầng khí quyển. Tuy nhiên chúng ta chưa biết chắc đó là khí quyển như thế nào, hoặc có chắc chắn đó là tầng khí quyển hay không.

Hiện nay chúng ta chỉ biết đó là một vùng đất đá lạnh lẽo, không có gió, và chẳng có gì giống như một hành tinh có thể ở được. Chỉ có một điều chắc chắn Proxima b là một hành tinh đáng chú ý và đầy quyến rũ bên ngoài hệ thống mặt trời của chúng ta.

Bùi Phạm Thành
Lược dịch theo George Dvorsky

Tham khảo:

Phải mất bao lâu một con tàu vũ trụ (spaceship) có thể đi được một khoảng cách bằng 1 năm ánh sáng?
Tàu con thoi của Mỹ (space shuttle) bay vòng quanh quả đất với vận tốc 5 miles mỗi giây (18,000 miles mỗi giờ). Vận tốc ánh sáng là 186,000 miles mỗi giây, có nghĩa là 37,200 lần nhanh hơn tàu vũ trụ. Thế cho nên, tàu vũ trụ phải mất 37,200 năm để đi được một khoảng cách của 1 năm ánh sáng. 

http://gizmodo.com/the-nearest-earth-like-planet-outside-our-solar-system-1787534159

Powered by Blogger.