Header Ads

Cắt Tranh


- Hôm nay Khối 3 các anh được 'trên' phân công đi cắt tranh, chỉ tiêu mỗi người phải cắt đủ để đánh 2 tấm.  Chung quanh trại đã hết tranh rồi, chỉ còn một chỗ còn tranh mà thôi: đó là bãi mìn mà trước đây các anh đã đặt.

Tên quản giáo nói tiếp:

- Các anh nên nhớ rằng chính sách của cách mạng là khoan hồng độ lượng, do đó hôm nay khi vào cắt tranh trong bãi mìn, các anh phải hết sức cẩn thận đừng để có anh nào đạp phải mìn chết hay bị thương sẽ mang tiếng cho cách mạng.

Nói đến đây tên quản giáo dừng lại một chút.  Tất cả anh em tù cải tạo đều im lặng trong bầu không khí căng thẳng, nặng nề.  Tên quản giáo gằn giọng nói nhanh:

- Các anh có nắm được tình hình chỉ tiêu của mỗi người chưa?  Có ai có ý kiến gì không?  Nếu không các đồng chí vệ binh đưa các cải tạo viên đi công tác.

Tôi lật đật đưa cao tay lên:

- Thưa anh quản giáo, xin anh 'lên lớp' để anh em 'nắm' được cách làm sao tránh khỏi phải đạp mìn ạ?

Tên quản giáo trả lời như đã chuẩn bị trước:

- Bãi mìn này là do các anh trước đây đã gài để chống phá cách mạng.  Các anh gài thì các anh phải biết mìn chỗ nào để mà tránh chứ, có phải không nào?  Thôi, các đồng chí vệ binh đưa ngay các cải tạo viên đi công tác!

Hôm đó gần 100 anh em tù cải tạo chúng tôi được hai tên vệ binh, súng AK cầm tay, đi sau lưng "đưa" chúng tôi vào bãi mìn cắt tranh.

Khi đến nơi tôi thấy bãi mìn to chừng bằng sân bóng tròn, có cỏ tranh xanh mướt mọc cao lên gần quá đầu người, tương phản với màu nâu cỏ chết của cảnh khô cằn sỏi đá chung quanh.

Trước khi vào bãi mìn, anh Ngẫu cùng A với tôi (A: tương đương với tiểu đội, có từ 10 tới 12 tù cải tạo), đưa ra ý kiến:

- Tôi đề nghị anh em cởi bỏ giày dép ra đi chân không và đi rà chân sát mặt đất.  Nếu chân rà đụng chấu mìn thì cột tranh chỗ đó lại để làm dấu cho các anh em khác biết mà tránh.

Thế là tất cả anh em tù cải tạo chúng tôi làm theo lời anh Ngẫu và hết sức cẩn thận dò dẫm vào bãi mìn cắt tranh.  Riêng tôi vì sợ quá nên vẫn chưa dám bước vào bãi mìn thì đã nghe có người la lên "Mìn đây nghen!" Rồi tiếp theo đó nhiều người khác cũng thay phiên nhau la to, "Mìn đây nghen!" "Mìn đây nghen!"  Mỗi lần như vậy anh em đều cột tranh làm dấu.

Sau 5 phút nặng nề trôi qua, có người đã cắt được vài ôm tranh để gom lại dọc theo hướng đi.  Còn tôi vẫn còn đứng run ven bãi mìn và chưa cắt được cọng tranh nào.  Bên cạnh tôi là anh Thịnh, trước là giáo sư Anh ngữ ở trường Sinh Ngữ Quân Đội.  Anh cũng như tôi, vẫn chưa cắt được cọng tranh nào.  Mặt anh trông xanh như tàu lá, coi bộ không can đảm gì hơn tôi.  Anh nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:

- Chắc tôi đành chịu bị 'đấu tranh phê phán' vì 'chây lười' lao động chứ không thể đạt nổi chỉ tiêu ngày hôm nay đâu anh Tùng à... 

Anh Thịnh chưa nói dứt lời thì tôi nghe tiếng quát thật to của một tên vệ binh giọng "Quởng Nôm" rất nặng:

- Hơ eng tê! Trây lừ lô đọng hỏa?  Sô từ sớng tớ chừ moà chia két được cạng treng mô hết ría hoả?  Noá chiệng chi moà noá miếc ría?  Noá xáu két moạng hoả?  Cóa đi lồm liềng khang, tô béng?

(Hai anh kia!  Chây lười lao động hả?  Sao từ sáng tới giờ mà chưa cắt được cộng tranh nào hết vậy hả?  Nói chuyện gì mà nói hoài vậy?  Nói xấu cách mạng hả?  Có đi làm liền không, tao bắn?) 

Tôi vội quay qua phía có tiếng quát và thấy tên vệ binh đang chỉa súng AK về phía hai anh em chúng tôi với gương mặt hầm hầm giận dữ.  Tôi chưa kịp phản ứng gì thì nghe nổ đùng một tiếng rất lớn.  Trong khoảnh khắc rất ngắn ngủi tôi bỗng nhiên ân hận là sao mình lại để bị bắn một cách vô lý như thế.  Tôi bàng hoàng kinh sợ và bao nhiêu ký ức, kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến giờ hiện nhanh trong đầu tôi...

Nhưng không!  Tôi không bị bắn!  Tôi vẫn còn sống và tôi nghe trong bãi mìn có tiếng kêu la của những anh em tù cải tạo vì mìn nổ nên bị thương.  Trong những tiếng kêu cứu thảm thiết đó, tôi nghe rất rõ giọng của Phạm Văn Hùng, người đàn em đại đội I (Không Quân) khoá 26 Trường Võ Bị Đà Lạt:

- Anh Tùng ơi, chết em rồi anh Tùng ơi!

Thì ra chuyện phải đến đã đến. Dù cẩn thận cách mấy thì cả trăm con người lội trong bãi mìn làm sao tránh cho được chuyện mìn khỏi nổ?

Ngoại trừ 4 anh em tù cải tạo chết tại chỗ sáng hôm ấy, trong số 5 anh em bị thương nặng thì có lẽ Hùng là một trong những người may mắn nhất vì đã được đưa tới trạm xá trước tiên.  Vì trạm xá ở cách đó khoảng gần hai cây số nên khi được đi bộ đưa tới trạm xá lại có thêm hai anh bạn nữa chết vì mất quá nhiều máu.  Sau khi được khiêng tới trạm xá, chưa đầy một tiếng đồng hồ, thêm một anh bạn bị thương nữa cũng không thoát chết vì trạm xá không cầm máu kịp.

"Cách mạng" giải thích thảm cảnh tôi vừa kể là một tai nạn lao động đáng lẽ không xảy ra nhưng vì các "cải tạo viên" không nghe lời căn dặn của quản giáo nên mới bị thương và bị chết như thế.

Hai anh quản giáo phụ trách khối 3 đã phải nhiều lần lên lớp "đấu tranh giúp đỡ" để các "cải tạo viên" vẫn an tâm phấn khởi hồ hởi tin vào "chủ trương chính sách khoan hồng độ lượng của cách mạng" mà tiếp tục phấn đấu học tập tốt, lao động tốt...

Riêng để "trừng trị" những kẻ ngoan cố làm mang tiếng cho cách mạng, những người rõ ràng là học tập chưa tốt, lao động chưa tốt thể hiện qua việc bất cẩn để đạp mìn bị thương thì cần phải viết tự kiểm hằng ngày, phải thành khẩn khai báo tội lỗi đã làm mang tiếng cho chính sách khoan hồng độ lượng của cách mạng, và những tờ tự kiểm này sẽ được lưu trong hồ sơ học tập của các thành phần chưa giác ngộ này.

- Lê Tùng

Ghi chú: Đây là chuyện thật xảy ra năm 1976 ở trại tù cải tạo L19T4 tại Trảng Lớn, Tây Ninh. 
Nhân chứng sống là Phạm Văn Hùng đang ở San Jose, California.
Powered by Blogger.