Header Ads

Sự Ngạo Mạn và Loạn Ngôn Trong Thơ Văn Bùi Giáng


Lời nói đầu: Trong bất cứ một nền văn hoá nào thì các bộ môn nghệ thuật là biểu tượng của văn hoá, nối tiếp từ đời trước đến đời sau. Văn hoá cũng như phong tục thì cũng có điều hay, điều dở. Có điều nên gìn giữ, và cũng có điều nên bỏ hoặc thay đổi cho thích hợp với sự tiến triển của văn hoá. Thế cho nên, những tác phẩm văn chương, nghệ thuật và thi ca luôn là đề tài để học hỏi, cũng như bình luận cho đời sau.

Bình luận không phải luôn có nghĩa là để nói về đúng hay sai, mà là góc nhìn, sự nhận xét, của một cá nhân vào một hay nhiều tác phẩm của một tác giả, trên một khía cạnh nào đó của văn hoá. Người đọc có thể đồng ý hoặc không với tác giả, một phần hay tất cả, đó là điều đương nhiên. Thế nhưng việc tôn trọng quyền phát biểu ý kiến cần được tôn trọng.

 Ban Biên Tập - Đặc San Lâm Viên


Trong những thập niên gần đây, tên tuổi Bùi Giáng đã trở thành một biểu tượng đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông được ca ngợi là “thi sĩ điên”, là “thiên tài ngôn ngữ”, là người “mang thơ trở lại với cõi mộng và siêu hình”. Thậm chí có người còn tâng bốc ông là thi hào – một danh hiệu cao quý mà trong lịch sử văn chương Việt, chỉ có Nguyễn Du mới thực sự xứng đáng.

Giữa những tầng mây tán tụng ấy, người đọc tỉnh táo không thể không tự hỏi: đâu là giá trị đích thực của thơ văn Bùi Giáng? Sự ngợi ca đó đặt trên nền tảng nào – thi pháp nghiêm cẩn, tư tưởng sâu sắc, hay chỉ là cảm tính huyền hoặc được nâng lên từ hỗn độn ngôn từ?

Bài viết này nhằm mục đích trình bày rõ ràng và nghiêm túc những biểu hiện ngạo mạn, loạn ngôn, lạm dụng Hán Việt, chơi chữ tùy tiện trong thơ văn của ông – đặc biệt là để biểu lộ những cảm xúc, ý tưởng không được thanh, có khi rất thô tục – vốn thường được ngụy trang dưới danh nghĩa “siêu thực” để đánh lừa người đọc.

PHẦN 1. Ngạo mạn: Khi thơ văn đi trước, lễ độ tụt lại phía sau

Một trong những ví dụ điển hình cho sự kiêu ngạo pha chút xấc xược trong lời lẽ của Bùi Giáng chính là nhận xét nổi tiếng (được in lại trong sách chứ không phải lời buột miệng ngoài bàn rượu) về Tản Đà – một tên tuổi lớn trong thi đàn Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi:

“Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch Trường hận ca của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu.” – Bùi Giáng

Có người bênh vực rằng đây chỉ là lời trào lộng ngoài chén rượu, là lối nói ngông, hoặc “khen chê cho vui”, không nên chấp. Nhưng cần nhớ rằng: đây là đoạn văn được viết ra, lưu lại trên sách in, không phải lời vạ miệng lúc cao hứng. Và dù trong văn chương ngông, ngông không đồng nghĩa với thiếu lễ độ.

Đặc biệt, khi phát biểu trước công chúng về một danh sĩ tiền bối như Tản Đà – người từng được mệnh danh là "người nối giữa cổ và kim", mà lại hạ một câu “chẳng có chi xuất sắc”, đó không chỉ là một nhận định ngạo mạn, mà còn xem nhẹ công lao và ảnh hưởng của cả một thời kỳ văn học.

Chưa kể, câu sau đó "bản dịch Trường hận ca của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu" – vốn tưởng là lời khen - lại khiến người đọc không khỏi nghi ngờ về sự thiên lệch. Một người cho rằng chỉ một bản dịch là "đáng giá", còn toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Tản Đà thì "chẳng có chi xuất sắc", thì chính người ấy tự leo lên cao tít, ngồi ở thế phán xét cả một thời đại văn chương.

Liệu một người có đủ thẩm quyền và trình độ để "xếp hạng" như vậy không? Hay đây chỉ là sự tự mãn, tự thị và ngạo mạn đội lốt bình luận thi ca?

Một ví dụ khác cho thấy thái độ ngạo mạn không kém là khi Bùi Giáng viết về bài thơ Khung trời cũ – một áng thơ của người quen thân, Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Ông tuyên bố rất không chừng mực rằng:

“Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ, từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.”

Câu này không chỉ đơn thuần là lời khen, mà là một tuyên bố đầy tính phán xét tối cao, tựa như một ông vua thi ca đang ban thưởng. Vậy ông lấy tư cách gì để tuyên bố như thế? Ai đủ tầm vóc để khẳng định rằng một bài thơ “trùm lấp hết chân trời Đông Tây kim cổ” – từ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, cho đến Victor Hugo, Dante, Tagore hay Byron?

Ở đây, vấn đề không còn là chuyện “nói quá” cho vui nữa, mà là một kiểu tự phong ngôi vị bá chủ thẩm thơ, tự đặt mình lên trên cả truyền thống thi ca hàng nghìn năm của nhân loại. Đó là biểu hiện rõ rệt của một tâm thế ngạo mạn – điều không thể chấp nhận trong phê bình văn chương nghiêm túc.

PHẦN 2: Thơ Bùi Giáng – từ hỗn hào đến tục tĩu

1. Mở đầu: Đặt vấn đề

Giới văn nghệ vẫn thường tán tụng thơ Bùi Giáng như một dạng “thiên tài lập dị”, “hiện tượng kỳ dị trong thơ ca Việt Nam”. Nhưng nếu bóc tách lớp hào quang thêu dệt ấy, điều còn lại là gì? Là những câu thơ lủng củng, vô nghĩa, ngôn ngữ ngông nghênh, tục tĩu, và sự ngạo mạn đến bất kính với những bậc danh sĩ tiền nhân.

Dưới đây là vài ví dụ tiêu biểu cho từng dạng lệch lạc ấy.

2. Thơ hỗn láo với tiền nhân – sự ngạo mạn không che đậy

a. Diễu cợt Tản Đà – một nhà thơ lớn có công khơi dậy dòng thơ lãng mạn đầu thế kỷ 20

“Tản Đà bị tẩu hỏa nhập ma”
(trích từ tập Như sương)

Bài thơ mô tả Tản Đà như một kẻ say xỉn be bét, sờ soạng vai cô hàng rượu, tỏ tình lố bịch, rồi “thần công du hí thượng thừa / nhập ma tẩu hỏa xin chừa chịu chơi”. Không thể không gọi đây là một sự phỉ báng, xuyên tạc có chủ ý, gán cho Tản Đà một hình tượng dâm loạn, vong thân, chỉ để mua vui cho người đọc bằng lời lẽ trào phúng tục tằn.

b. "Kính gửi cụ Nguyễn Du và thầy Hoài Thanh" – một bài thơ sáo rỗng mang giọng ngạo nghễ

“Nguyên từ đức dũng có thừa / Âm thanh vội tạc giữa mùa hoài trông / Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi”

Một bài thơ như vậy, gửi tới Nguyễn Du – bậc đại thi hào dân tộc – và Hoài Thanh, há chẳng là coi thường bậc danh nho? Cấu trúc câu rối rắm, hình ảnh mơ hồ (“ngậm bóng sương đồng”?), ngôn từ chỉ là sự ghép chữ tùy tiện không có chiều sâu tư tưởng.

3. Thơ vô nghĩa – ghép chữ cho “sang”

“Từ nay chấm dứt – thượng thừa hoàng trang”
(bài Cũng là như thế)

Câu kết nghe như một câu thần chú lạ lẫm. “Thượng thừa hoàng trang” là gì? Một lối ghép từ Hán Việt bừa bãi, tỏ vẻ cao siêu, nghe cũng khá là kêu nhưng thực ra không có ý nghĩa gì. Và cũng đi ngược lại với truyền thống lục bát nhẹ nhàng như ca dao của Việt Nam. Rốt cuộc là thơ Việt không ra Việt, thơ Tàu không ra Tàu.”

4. Thơ tục tĩu – làm nhơ bẩn chốn tôn nghiêm

a. "Trời không có nhớ" – một hỗn hợp của nói lái dâm tục, hình ảnh khiêu khích

“Kia kia gió lúa dồn làn / Ruộng em như thể sương hoàng hậu hoa”
“Lấm cồn lầm cát lầy thôn”
“Xương dồn dập da”

Những cụm từ “dồn làn”, “lấm cồn lầy thôn” (nói lái tục tĩu), hay “xương dồn dập da” (ám chỉ hành vi tình dục) — là các cụm từ gợi dục trắng trợn. Cái gọi là “hình ảnh” trong thơ Bùi Giáng ở đây thực chất chỉ là thơ dâm tục, núp bóng “thi ca lập dị”.

b. "Giai nhân viếng chùa" – bài thơ tục lén dưới lớp “lục bát” mềm mại

“Thập thành lài gốn thiên tiên…

Chữ “lài gốn” là cách nói lái của một cụm từ thô tục. Bài thơ còn dùng cụm như “ăn nằm”, “tằm ăn dâu”, “trút mau trường quần” – tất cả đều là ẩn dụ gợi nhục dục, lồng trong bối cảnh “viếng chùa” – làm nhơ bẩn chốn thiền môn, không thể núp vỏ thơ ngông mà biện minh.

PHẦN 3 – Từ thơ đến dịch thuật: khi nghi ngờ bắt đầu

Khi một người làm thơ mà phóng túng, luông tuồng, vô trách nhiệm với ngôn từ và đạo lý, thì liệu có thể tin họ là một người dịch nghiêm túc?

Bùi Giáng có thể biết tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hán. Nhưng “biết” chưa bao giờ là đủ. Dịch một tác phẩm – đặc biệt là tác phẩm lớn văn xuôi – đòi hỏi sự trung thành với nguyên tác, tính chính xác, tiết độ ngôn ngữ, và cả nhân cách văn hóa.

Và với cách dùng chữ như ta đã thấy – tục tĩu, ngông nghênh, và lộng ngôn – thì những bản dịch của ông ta có đáng tin cậy chăng?.

PHẦN 4 – KẾT LUẬN: Bùi Giáng là một hiện tượng bị thổi phồng

Không thể phủ nhận, Bùi Giáng từng là một hiện tượng. Nhưng hiện tượng ấy – sau hơn nửa thế kỷ – có xứng đáng được tôn kính, tâng bốc như “thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX”, như có người gán cho không?

Đọc lại thơ ông, thứ còn lại không phải là sự "dị thường thiên tài", mà là:
  • Sự hỗn xược với những tiền bối đáng kính (Tản Đà, Nguyễn Du),
  • Lối thơ ghép chữ vô nghĩa, tự tạo ảo tưởng thâm sâu,
  • Lạm dụng chữ Hán Việt để lòe thiên hạ — ghép từ ngữ Hán Việt lung tung cho có vần điệu, nhằm che giấu sự thiếu hụt vốn từ phổ thông khi đặt vào câu thơ. Không ít bài còn dùng Hán Việt để che đậy những ý tưởng thô tục.
  • Và cuối cùng, là sự tục tĩu, phỉ báng tôn giáo, coi thường người đọc.
Một người làm thơ như vậy, dẫu biết nhiều thứ tiếng, cũng không thể là người mang lại giá trị thật sự cho dịch thuật hay văn học dân tộc.

Người viết mong rằng bài này có thể giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về Bùi Giáng – không qua lớp khói huyền thoại, mà từ chính những gì thơ văn của ông để lại trong sách vở và trên mạng.

PHỤ LỤC – Liên kết dẫn chứng các bài thơ văn của Bùi Giáng trích trong bài viết

Vương Thanh
Bilingual Poet-Songwriter, Literary Translator
Author of “Vọng Tiền Nhân”, “Epic Ode For My Homeland”, “Mơ Với Chim Bằng”,
Lyrical translations of “Kiều” & “Chinh Phụ Ngâm”

June 6, 2025



1 comment :



  1. Tuy nhà thơ Bùi Giáng đã qua đời, nhưng thơ văn lưu lại, tôi thấy rằng có ảnh hưởng xấu với nền văn học Việt Nam. Ít nhiều người học theo lối làm thơ cẩu thả, ghép từ lung tung, thiếu mạch lạc của BG. Nên tôi viết bài văn “Sự Ngạo Mạn và Loạn Ngôn Trong Thơ Văn Bùi Giáng” để bạn đọc hiểu rõ về nhà thơ Bùi Giáng hơn, với sự diễn giải và nhận xét ngay từ thơ văn của ông ta.
    Tôi biết chắc cũng có nhiều người thương cảm về bệnh điên và đời sống bệnh tật của nhà thơ Bùi Giáng. Nhưng BG không trong giai đoạn điên khi nói lời vô cùng ngạo mạn, xấc xược chê bai danh sĩ đáng kính Tản Đà “thơ của tiên sinh không lấy chi làm xuất sắc, nhưng bản dịch “Trường Hận Ca” quả thật là không tiền khoáng hậu”. Một câu nói vô cùng láo lếu xem thường sự nghiệp văn chương của danh sĩ Tản Đà không bằng một bài thơ dịch “Trường Hận Ca.”
    Bùi Giáng làm thơ rất cẩu thả, một bài thất ngôn bát cú cũng không có, lấy tư cách gì chê bai thơ của tác giả “Tống Biệt”, “Thề Non Nước”, v.v. Lại nói, thi sĩ Tản Đà dịch áng thơ “Trường Hận Ca” của thi hào Bạch Cư Dị tuy rất rất tuyệt vời, nhưng bản dịch này không phải là không có khuyết điểm khá nặng nề: Tản Đà dùng cụm từ “gái mới choai” để tả nàng Dương Thục Chân đang trưởng thành. Cụm từ này có lẽ là rất nóng bỏng, trendy thời điểm đó, (thời thực dân Pháp), nhưng cho dù sao cũng là thiếu phần trang trọng cho kiệt tác phẩm này. Như mọi nhà thơ trân trọng chữ nghĩa đều biết: một chữ dùng không đúng, không hay cũng đủ làm mất giá trị bài thơ.

    Lời khen áng thơ của Hòa Thượng Tuệ Sỹ, vắn tắt là “bao trùm kim cổ đông tây” nghe giống như một người ngồi tít ở trên cao đưa xuống lời phán xét. Cùng với ý lời chê bai văn chương của Tản Đà không bằng một bản dịch đủ thấy nhà thơ BG kiêu ngạo tột đỉnh đến mức nào, trong khi đó thơ của ông ta thì hay, dở, hay là ghép từ lung tung thì tùy người nhận xet.
    BG là một thi sĩ điên, nhưng không có điên khi viết những lời thơ văn kiêu ngạo như thế, lại còn bài thơ diễu cợt, nhạo báng danh sĩ Tản Đà qua bài thơ “Tản Đà Tẩu Hỏa Nhập Ma” và còn cho in vào sách. Tôi chỉ là nhìn thẳng và nói thật. Để cho nhiều người đừng tôn sùng lớp khói huyền thoại nữa, mà hãy nhìn thẳng vào thơ văn của Bùi Giáng, để nhận rõ một con người đại ngạo mạn, xem thường độc giả và làm những áng thơ như “Giai nhân viếng chùa” làm nhơ bẩn chốn thiền môn!
    Tôi viết bài văn “Sự Ngạo Mạn…”, vì những ảnh hưởng xấu xa về văn học cần được phô bày cho hậu thế. Nếu tác giả là một nhân vật công cộng, public figure, thì việc tác giả còn sống hay đã chết không quan trọng khi nhận xét về thơ văn của ông ta. Những sự phân tích, nhận xét hợp tình, hợp lý không nên bị che lấp. Những lời bàn thêm vào này của tôi coi như là lời trả lời cho tất cả những ai thắc mắc về bài văn này.

    Vương Thanh
    June 11, 2025

    ReplyDelete

Powered by Blogger.