Header Ads

Gọi Người Yêu Dấu


Trong văn chương và thi ca, người đời thường xem tác phẩm là phản ảnh sự thật của tác giả. Trên thực tế thì hầu hết lại là những chuyện tưởng tượng mà thôi. Có thể xem câu nói của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên là thành thật nhất: “Nhạc phẩm, hầu hết, chỉ là tưởng tượng mà thôi. Chứ tình ở đâu ra mà lắm thế?”

Tuy nhiên, con người ta vẫn thích hơn, nếu tác phẩm có phần nào phản ảnh sự thật, cho dù phần sự thật đó chẳng dính dáng gì đến người tạo ra nó. Thí dụ như khi nhà điêu khắc Alexandros tạc nên bức tượng thần Vệ Nữ (Vinus), 150 năm trước công nguyên,  thì hoàn toàn là tưởng tượng, vì thần Vệ Nữ chỉ có trong huyền thoại của Hy Lạp, chứ nào ai biết hình dáng ra sao? 

Một thí dụ nữa là với những bản nhạc phổ từ thơ thì cũng chẳng liên hệ gì đến người nhạc sĩ cả.

Thế cho nên, những lời bàn tán, giai thoại, về nguyên nhân nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sáng tác ra bản “Gọi Người Yêu Dấu”, xem ra cũng chỉ là giai thoại được bàn rộng ra từ câu nói của ông: “Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh. Từ đó nhạc phẩm được giới trẻ biết đến. Tôi rất nhớ ơn Thanh Lan đã chắp cánh cho Gọi Người Yêu Dấu của tôi được bay xa và bay cao”.

Thế thôi, thêm vào tình tiết éo le, xem ra không hợp với tình ý của bản nhạc, vì chỉ mô tả về sự rung động, sự gọi mời, của người đang yêu, tình yêu một chiều, hoặc tình yêu trong tưởng tượng, và không hề cho biết gì thêm về “người yêu dấu xa vời” mỏng manh này cả.

Nơi đây, chúng ta hãy cùng bỏ qua những tình tiết giả tưởng, và những lời bàn xa, tán rộng, để mời quý vị nghe Bùi Phạm Thành hát bài “Gọi Người Yêu Dấu”, một bản tình ca nhẹ nhàng, êm ái, của Vũ Đức Nghiêm, qua phần nhạc đệm Karaoke của Kim Quy.


No comments

Powered by Blogger.