Header Ads

Đôi Mắt


Nguyễn Ngọc Duy Hân
 
Khi nghe bài "Cô Thắm về làng" của nhạc sĩ Giao Tiên với câu "Ô kìa ai như cô Thắm, đi với ai giống như anh Hùng..." chị của tôi kết luận ngay là tác giả đã bị cận thị nặng, nên nhìn lờ mờ không nhận rõ ai ra ai! Người ta cũng ca tụng đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhưng cửa sổ này có khi bị đóng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hôm nay trời đẹp, mời bạn cùng tôi mở cửa lòng để nghe đôi điều thú vị về đề tài đôi mắt này nhé.

Đôi mắt là bộ phận nhỏ bé nhưng lại rất cần thiết, chúng không chỉ đơn thuần là để nhìn mà còn gắn kết con người với thế giới xung quanh.

Đôi mắt là một phần không thể thiếu trong giao tiếp giữa con người với nhau. Chúng là ngôn ngữ thầm lặng, diễn đạt tình cảm, ý niệm và thông điệp không cần lời nói. Nhìn vào đôi mắt của người khác, ta có thể cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, sự hối hận hay sự ngưỡng mộ. Đôi mắt là câu chuyện kể mà không cần lời, thường được sử dụng trong văn chương để truyền đạt thông điệp, tạo cảm xúc và tạo nét đặc trưng cho nhân vật. Ví dụ: "Ánh mắt sáng lấp lánh của cô bé toả ra niềm hân hoan khi cô nhìn thấy món quà trong tay."

Ánh mắt sắc bén tỏ lộ sự thông minh, sắc sảo. Một nhân vật có ánh mắt sắc bén thường là người sắc xảo, có khả năng phân tích tinh tế và nắm bắt thông tin nhanh chóng.

Mắt còn có thể biểu thị sự yêu thương, sự lãng mạn hoặc sự quan tâm qua anh mắt yêu thương, âu yếm.

Đôi mắt còn là chiếc gương phản chiếu của tâm hồn. Chúng thể hiện sự chân thành, tình yêu, sự hiểu biết và sự đau khổ. Từng ánh nhìn trong đôi mắt có thể cho người khác thấy suy nghĩ, đánh giá được một con người, cho thấy sự thành thực hay giả dối.

Đôi mắt cũng là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật. Nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh được tạo ra để tôn vinh vẻ đẹp và sự biểu cảm của đôi mắt, gợi lên những cảm xúc và suy tư về cuộc sống và con người.

Tuy nhiên, đôi mắt cũng có thể trở thành "cửa sổ đen tối" khi được sử dụng trong mục đích xấu. Ai cũng có mắt, nhưng nhiều người “mắt lọt tròng”, có “mắt như mù” hoặc có “mắt mà không có tròng,” nên không nhìn ra được sự việc để rồi bị lừa một cách đau đớn.

Ông bà ta đã có các câu thành ngữ như “lấy vải thưa, che mắt thánh” hay “múa rìu qua mắt thợ” để diễn tả việc xấu nhưng không giấu được người có cặp mắt tinh tường. Ông bà cũng dùng chữ tìm “đỏ con mắt” để diễn tả việc khó khăn khi kiếm người hay đồ vật bị lạc mất.

Sở hữu đôi mắt sáng, đẹp thật là diễm phúc. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nguồn thông tin khác, có khoảng 290 triệu người mù trên toàn cầu. Trong số này, khoảng 40 triệu người bị mù hoàn toàn và hơn 250 triệu người có vấn đề thị lực khác nhau, từ mù nhìn không rõ đến mất một phần thị lực. 

Ông đồ Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ.” vì chính ông khi khóc thương mẹ đã phải mù mắt, nhưng ông "chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm", lòng yêu nước và tính trung kiên thật đáng khâm phục.

Dân gian có thơ rằng "Trời sinh con mắt là gương, Người ghét ít ngó, người thương ngó nhiều"!

"Ai buồn ai khóc thiết tha, tui vui tui cũng chan hoà giọt châu."

Ca Dao đã nói lên kinh nghiệm rất đúng, khi hạnh phúc người ta cũng khóc, chẳng phải chỉ khi buồn.

"Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em" 

là 2 câu mà "anh" đã dùng khi lúc tình còn đẹp, bơi riết cũng có ngày mỏi mệt, đi tìm người khác!

Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Những người con mắt lá răm, Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”.

Hoặc ông bà ta cũng xem tướng rất rõ: "Những người mắt trắng, môi thâm, Trai thì trộm cướp, gái dâm chồng người."

"Tiếng nhỏ mà lại không vang, thêm mắt lờ đờ, tuổi thọ khó lâu."

"Những người có đuôi mắt dài, Láo liên liếc trộm, hãm tài, đa dâm", bạn thử xem gương coi mình có thuộc một trong những "category" này không nhé. Tôi tin rằng không, nhưng nếu có thì xin dùng "đức năng thắng số".

Ca dao cũng ca cẩm: "Mắt thương nhớ ai, mắt ngủ không yên".  Ôi cái thời còn trẻ, còn non dại, yêu thương bồng bột, bây giờ thì thấy chuyện yêu đương thật là .... dĩ vãng xa vời, hơi đâu mà khổ vậy! Lỡ chuyến đò này thì còn nhiều chuyến khác, hơi đâu mà "mắt ngủ không yên".

Đạo Cao Đài xuất phát ở tỉnh Tây Ninh thờ thiên nhãn, nên lá cờ của đạo này có hình một con mắt.

Về phía động vật, mèo có đôi mắt chiếu sáng như đèn lúc đêm tối khi ta chụp hình chúng. Điều này xảy ra do mặt sau của võng mạc ở mắt mèo được phủ một lớp tế bào giống như gương, cho phép chúng tận dụng tối đa ánh sáng. Nó được gọi là tapetum lucidum. Khi máy ảnh nhấp nháy, mắt chúng sẽ phản chiếu ánh sáng đó trở lại và tạo ra hiện tượng mắt sáng chói như đèn vậy.

Mắt có khi là mắt lớn, mắt nhỏ, mắt rồng, mắt phượng, mắt một mí, mắt hí, mắt cá ươn, mắt tráo trưng. Ca dao có câu: “Những phường ti hí mắt lươn, Trai thời trộm cướp, gái buôn chồng người.” Điều lạ là người ta có mắt 1 mí, 2 mí hoặc 1 mí rưởi gọi là mí lót, nhưng tất cả các con mèo đều có mí mắt thứ ba. Phần này nằm giữa giác mạc và mí mắt thông thường; có mục đích để bảo vệ thêm cho mắt mèo. Tại sao cần bảo vệ thêm thì .... không biết! Chắc phải bắt thang lên hỏi ông trời.

Nếu bạn có mắt một mí, đừng nghĩ thế là không đẹp nhé: ảnh hậu Loan Tần Hải Lộ rất hài lòng với cặp mắt một mí của mình, cô đào Đài Loan này đã đầu tư 26 triệu nhân dân tệ để mua bảo hiểm cho mắt. Riêng kiều nữ đoạt hai tượng vàng Oscar là Elizabeth Taylor đã mê hoặc khán giả thế giới bằng đôi mắt màu tím, để bảo đảm an toàn cho cửa sổ tâm hồn, bà đã chi 1 triệu đô Mỹ để bảo hiểm.

Ở nước ta, có loại thực vật tên là cây mắt mèo thường mọc hoang thành bụi với tác dụng phụ là gây ngứa. Thuở học sinh có các bạn rắn mắt đã lấy bột mắt mèo trét lên ghế để làm thầy cô bị ngứa. Cây mắt mèo với tên khoa học Mucuna Pruriens có chứa hợp chất levodopa khá cao. Đây là chất có tác dụng điều trị bệnh Parkinson run rẩy tay chân. Cây mắt mèo còn được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về thần kinh khác như trầm cảm, lo âu. Nó còn được sử dụng như một loại thuốc kích thích tình dục, sử dụng trong điều trị vô sinh.

Có rất nhiều câu chuyện về đôi mắt trong văn hóa và truyền thuyết của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Thí dụ câu chuyện về mắt của một loài chim tên là Phượng Hoàng, được truyền thuyết Trung Hoa cho là chỉ có duy nhất một mắt ở giữa. Nhưng con mắt này mang sức mạnh huyền bí, có khả năng nhìn xuyên thấu mọi vật thể và tiên đoán tương lai.

Trong văn hóa Nhật Bản thì có một loài cá có đôi mắt đặc biệt. Khi mắt của con cá này nhìn vào ai đó, nó có khả năng phát hiện và lộ ra những tâm tư, ý định sâu thẳm trong lòng người đó.

Trong truyền thuyết Ai Cập cổ đại, thần Horus có đôi mắt được gọi là "Mắt Của Horus". Đôi mắt này biểu trưng cho sự bảo vệ và sức mạnh, chính trực và công bằng.

Trong truyện Phong Thần, mắt có thể nhìn xa ngàn dặm gọi là “thiên lý nhãn”.

Trở về chuyện có thật ở trần gian, thì xin nhắc lại chuyện thi sĩ Bùi Giáng đã than rằng "Người hai con mắt khóc người một con", sau này Trịnh Công Sơn đã lấy câu này soạn thành nhạc. Người một con ở đây được cho là hoa hậu Thu Trang thời đó, vì tình yêu mà chịu cảnh có con mà không có chồng. "Gái một con trông mòn con mắt", ý nói người đàn bà sau lần sinh nở đầu tiên da thịt thay đổi rất đẹp, rất quyến rũ.

Qua tới thơ văn thi phú, thì có nhiều lắm lắm những câu nói về đôi mắt, như câu "Đêm qua buồn quá tôi say, Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!" hoặc "Sao Hôm như mắt em ngày ấy, Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu" của thi sĩ Nguyễn Bính.

Trong bài Đôi Mắt Nào Linh Hiển, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã kêu gọi: 

Đôi mắt nào của Chúa ở trần gian
Hãy phán đoán tâm hồn tôi, thánh thiện
Đôi mắt nào tuyệt vời linh hiển
Hãy tò mò thêm chút nữa, tình tôi!

Nguyễn Tất Nhiên cũng hỏi: 

Đôi mắt người ngây thơ
Không hề vương vấn tội
Có chở tình ta theo
Tới cõi nào diệu vợi?

Ngô Thụy Miên thì cũng sáng tác nhiều nhắc nhở tới mắt:

Và rồi mùa thu về trong mắt em
Hàng cây lá úa xanh xao nhiều.

Hoặc: "Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên". Nước mắt ngà thì màu gì, tại sao không trong suốt, không hiểu nhạc sĩ "mean" cái gì ở đây, chắc là giọt nước mắt ngọc ngà quý báu vì là mối tình đầu mà.

Trong bài Đôi Mắt của Lưu Trọng Lư, ông bảo:

"Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi".

Nguyên Sa thì đắm chìm trong biển yêu: 

Em tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông.

Trong cuốn thơ lục bát rất dài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư, ông cũng nhắc tới đôi mắt:

"Chiều chiều mở cổng mây trôi
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao Hôm"

Xưa hơn, trong Truyện Kiều của cố thi hào Nguyễn Du, cũng có nhiều câu nhắc tới mắt: 

Tưởng bây giờ là bao giờ, 
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao ...

hoặc các câu: 

"Vân rằng: Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa."

"Mắt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: Này thực tinh thành chẳng xa."

"Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu"

"Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!"

Rồi với bao thay đổi ngang trái của tình đời, Kiều đã than:

"Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!"

thế nên nàng cũng đành:

"Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu"

Sau thơ thẩn, xin nói tới âm nhạc Việt Nam, nổi tiếng là bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương: “Đôi mắt người Sơn Tây u uẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây…

Nhà thơ Lưu Trọng Lư thì đã mơ mộng trong các câu: 

"Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng" …

Trong bài Đôi Mắt Người Xưa, Trúc Phương đã viết: 

"Đôi mắt ưu tư, thật buồn nàng nhìn tôi, rồi quay mặt bước đi, như không hề quen biết.
Cũng đôi mắt này, năm xưa lạc vào hồn tôi"

Chắc bạn từng hát bài Mắt Biếc của Cung Tiến, tôi rất thích và phục người nhạc sĩ tài ba này: "Mắt hoen màu nhớ ân tình xa xưa, Tóc nghiêng bờ nắng, vai buồn chơ vơ, Mắt xưa sầu vắng, mắt xưa lệ thắm, Ôi mắt xưa còn đắm hồn tuổi thơ."..

Trong nhạc phẩm Lệ Đá của Trần Trịnh- Hà Huyền Chi, nước mắt đã kết thúc câu chuyện tình buồn: "Ái ân bây giờ là nước mắt, Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh."

Trong bài Nước Mắt Rơi, tác giả Phạm Duy đã diễn tả: "Nước mắt rơi cho tình ra đời, Nước mắt theo duyên về xa vời"

Tôi rất thích câu hát "lệ em cạn đã từ lâu người ơi" trong bài "Khoai ngọt bánh đắng", thơ của Trang Thế Hy, do Phạm Duy phổ nhạc. Khóc đến nỗi cạn hết nước mắt rất hay xảy ra, khi đau khổ chồng chất người ta sẽ trở nên trây lì, chua chát.

Trần Quang Lộc trong nhạc phẩm Đôi Mắt Em đã ví von: "Hòn bi xanh trong đôi mắt em, Cả ngàn sao lung linh muôn màu".

Mùa Xuân Trong Đôi Mắt Em của nhạc sĩ Đức Huy thì rất tha thiết: "Và mùa xuân trong đôi mắt em, Là mùa xuân chan chứa hy vọng, Và mùa xuân trong đôi mắt em, Anh mãi chờ trông..."

Còn gì buồn hơn đoạn cuối của bài Mắt Lệ Cho Người, Từ Công Phụng đã miêu tả: "và lệ em rớt trên môi nhạt, Đôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn...."

Những Con Mắt Trần Gian của Trịnh Công Sơn thì có nhiều loại: "Những con mắt tình nhân, Nuôi ta biết nồng nàn, Những con mắt thù hận, Cho ta đời lạnh câm". Riêng trong bài Nắng Thủy Tinh ông đã hỏi: "Màu nắng hay là màu mắt em, Mùa thu mưa bay cho tay mềm".

Nhạc sĩ Hoài Linh đã viết trong bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương: “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em…

Nhạc sĩ Lam Phương thì viết trong bản Kiếp Nghèo: “Trời cao có mắt, cúi xin người ban phước cho đời con.”

Nhạc ngoại quốc thì chắc cũng có rất nhiều, vài bài tiêu biểu là "Brown Eyed Girl" của Van Morrison, hoặc bài "Can't Take My Eyes Off You" của Frankie Valli và bài "In Your Eyes" của Peter Gabriel rất nổi tiếng.

Tôi đã đọc qua chuyện ngắn ĐÔI MẮT PHƯỢNG của Nguyễn Đạt Thịnh rất cảm động, nói về người phụ nữ Việt Nam trong thời sau 1975 phải chịu đau khổ, gia đình tan nát vì cộng sản. Nếu chưa đọc thì tôi "strongly suggest" bạn nên đọc chuyện này.

Bây giờ xin linh tinh tới các bệnh liên hệ tới mắt. Nói chung có 3 loại: cận thị, viễn thị và loạn thị. Cận thị là trường hợp ta nhìn xa không rõ, nhìn gần thì tạm OK. Viễn thị ngược lại nhìn xa rõ, nhìn gần mờ; viễn thị nặng thì nhìn cả xa lẫn gần đều mờ. Loạn thị là trường hợp nhìn hình ảnh bị biến dạng, chẳng hạn nhìn đường thẳng lại thấy ... không thẳng, nhìn hình tròn thì méo mó không tròn. Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị. Không phân biệt được màu sắc là mắt loạn sắc. Mắt “song thị” là nhìn một vật thành hai. Tôi đang bị hiện tượng này, đôi khi nhìn một người ra 2, chỉ lạ cái là không nhìn tiền ra "double" được.

Tuổi già cũng rất gần gũi với bệnh đục thuỷ tinh thể (Cataract). Khi tròng mắt mất độ trong suốt và trở nên đục, người bị cataract sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn rõ và có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị.

Trẻ em ngày nay chơi games trong phòng thiếu ánh sáng, nhìn lâu vào màn hình nên rất nhiều em bị cận thị. Các bậc phụ huynh cần nhắc các em để tránh cận thị, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của con em mình.

Mất thị giác một mắt gọi là “chột” hay “độc nhãn,”. Không hiểu sao các tay cướp biển thường bị chột một mắt, phải che lại. Mất ánh sáng hai mắt gọi là mù hay đui, sau này để lịch sự người ta dùng chữ “khiếm thị.

Việc xảy ra trước mắt là chuyện thấy “nhãn tiền,” mở rộng tầm mắt là ý nói đã học hỏi, hiểu thêm về các sự việc.

Khi ai đó bị “sáng mắt” là khi đã muộn màng, gặp hậu quả đáng tiếc, thí dụ khi ai đó bỏ vợ con về Việt Nam cưới bồ nhí, đưa cô nàng sang đây rồi bị lừa mất tất cả thì quả là “trắng mắt ra”!

Nghịch mắt,”  “chướng mắt” hay “trái mắt” cũng được dùng nhiều khi nhìn thấy chuyện không như ý.

Khi cô gái lần đầu gặp gia đình chồng thì được gọi là "ra mắt" nhà chồng. Việc “ra mắt sách” là để giới thiệu các tác phẩm mới.

Mắt người bình thường sau khoảng 40 tuổi sẽ bị mắt già cũng như các bộ phận khác trên cơ thể. Do bẩm sinh, hai mắt nhìn không cùng một chiều, đó là mắt lé hay “mắt lác.” vì thế có câu chê “nhất lé, nhì lùn”. Ngày ngay, các tật về mắt được chữa bằng nhiều cách rất hữu hiệu. Lác mắt thì lại khác với mắt lác, làm điều gì đó rất hay, rất lạ sẽ được người khác hâm mộ thấy lác mắt luôn.

Tối mắt” trước tiền tài, trước gái đẹp, trai tơ cũng là một chứng bệnh cần phải chữa trị.

Không ai thích nhìn người đang trợn mắt, quắc mắt, mắt long lên sòng sọc trong trạng thái tức giận.

Ngủ ngày quen mắt” là câu để chê người lười biếng, không chịu làm việc ban ngày mà cứ ngủ, riết thành thói quen xấu, người ta thức mình ngủ.

Cũng như mắt, lông mày có nhiều hình dáng. Phổ biến nhất là lông mày lá liễu, lông mày tằm có hình dáng giống như con tằm, nghe nói người có con tằm nằm trên mắt này sẽ rất khôn ngoan, thành đạt. Bạn kiểm chứng dùm nhé. Các bà thời nay thì nhổ lông mày, xâm lông mày làm đẹp đủ kiểu.

"Phụ kiện" khác của mắt là lông mi. Nếu dài, cong vút tự nhiên thì được cho là đẹp, vì thế các dịch vụ nối lông mi, đeo lông mi giả ngày nay rất thường xuyên.

Nhặm mắt” là khi mắt bị đỏ, sưng, có khi có mủ, thường do nhiễm trùng. Nếu mí mắt bị nhọt là “lẹo mắt” hay “mắt lẹo.” Tôi đang khổ vì ngứa mắt, theo nghĩa đen vì bị dị ứng với bông hoa mùa xuân. Ôi chao nó ngứa làm phải dụi mắt thường xuyên rất khó chịu. Mắt bụp là khi hai mí mắt bị sưng.

Một chuyện cũng khá thú vị là ngựa được dùng để dẫn đường cho người mù thay vì chó. Mona Ramouni - một cô gái mù sống tại Michigan - Mỹ, không nuôi chó dẫn đường vì cô theo đạo Hồi, cho rằng chó là một loài vật mang lại sự ô uế. Thế nên cô đã nhờ chú ngựa nhỏ dẫn đường, chú ngựa này được huấn luyện ngoài việc dẫn đường rất tốt, khi cần còn cho Ramouni cỡi đi chơi, hơn cả chó vì không cỡi chó đi công chuyện được.

Bạn cần phân biệt có 2 loại bác sĩ mắt, cơ bản là ophthalmologist là bác sĩ chuyên môn trị về các bệnh của mắt. Còn người chỉ biết khám và đo kiếng thì gọi là optometrist. Cái tên dài thì làm được nhiều chuyện hơn.

No bụng nhưng “đói con mắt” cũng là chuyện hay xảy ra, nhất là khi nhà có khách cứ sợ thiếu, nấu quá nhiều dư thừa bỏ phí.

Người chết mà không nhắm mắt là khi còn vướng víu nợ trần hay uất hận trong lòng, vì thế, thân quyến phải vuốt mắt cho họ, để họ an lòng an nghỉ nơi chín suối.

Để giữ gìn và bảo vệ đôi mắt của mình, bạn có thể thực hiện các biện pháp như tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh và ánh sáng màu xanh dương từ màn hình điện tử. Cần sử dụng màn hình phù hợp, giảm độ sáng và thường xuyên nghỉ ngơi mắt.

Người ta bán ngàn lẻ một loại kính mát, tức là kính râm (không nên đọc thành kính Dâm!), nhiều cặp kiếng cẩn kim cương giá mắc vô cùng.

Ngoài ra cách ăn uống lành mạnh có nhiều vitamin A, C, E có thể giúp bảo vệ mắt tốt hơn. Cụ thể là cà rốt, cà chua, lưỡi heo, hạt óc chó, trái cây và rau lá xanh.

Đặc biệt cần tránh tiếp xúc với hóa chất và các tác động vật lý, cần đeo kính bảo hộ hoặc các thiết bị bảo vệ để tránh mắt bị tổn thương.

Không những tập thể dục tay chân, bạn cũng có thể thực hiện các bài tập cho mắt như xoay mắt, di chuyển mắt theo hình chữ V hoặc hình chữ S để tăng cường cơ mắt và giảm căng thẳng. Ngoài ra cũng cần đi khám thường xuyên với bác sĩ mắt để phát hiện và điều trị khi cần.

Nguời ta có câu: Đừng tin những bài diễn văn, nhưng hãy tin vào mắt mình, ý nói đừng tin vào lời đầu môi chót lưỡi, mà phải vận dụng đầu óc để phân tích, suy đoán từ những điều mắt thấy tai nghe.

Chúc bạn luôn sáng mắt, sáng lòng.

Nguyễn Ngọc Duy Hân



1 comment :

  1. Xin được góp thêm với tác giả Nguyễn Ngọc Duy Hân một mẩu chuyện liên quan "đôi mắt" mà tôi được nghe kể lại, đại ý:
    Trong một lần thi tuyển vào một trường mỹ thuật hội hoạ bên Pháp, chắc vào khoảng cuối thập niên 60s, đề tài đưa ra là vẽ một thiếu nữ khoả thân, với người mẫu có thực, và dĩ nhiên là "posé" một cách rất "artistic" ngay bãi cỏ thiên nhiên đàng sau trường. Trong số những thí sinh tham dự cuộc thi tuyển này có một du học sinh người Việt Nam.
    Đến lúc nộp bài thi, anh thí sinh người Việt này chỉ nộp được bản vẽ dở dang, trong đó chẳng có chẳng có gì là "khoả thân" hết cả. Mà chỉ là Đôi Mắt của cô người mẫu!
    Dù hoàn toàn "lạc đề," nhưng khi có kết quả, anh có tên được trường nhận vào học!
    Lần đầu tiên, khi được nghe câu truyện này, tôi đã lớn miệng phát biểu: Làm gì có chuyện đó! Có nổ thì cũng nổ vừa vừa phải phải thôi!
    Nhưng rồi sau này, lớn lên và có thêm chút kinh nghiệm sống, khi có dịp nhớ lại câu truyện trên, tôi nghĩ rằng tôi đã hơi vội vã trong phát biểu đó.
    Như trong lần trong tháng 4/1975, theo đơn vị di tản từ cao nguyên Trung phần xuống đồng bằng miền Nam, trên đoàn xe ào ạt chạy qua vùng Phan Rang, tôi đã thấy có một người dân lam lũ, bất động, và ngồi cạnh con bò của ông trước căn nhà lá bên đường.
    Trong chớp nhoáng đoàn xe đã vượt qua mất. Nhưng cũng đủ cho tôi kịp "chụp bắt" được cả hai ánh mắt của người đàn ông và của con bò.
    Ánh mắt đó của ông sao mà giống như ánh mắt của con bò bên cạnh ông thế!
    Ánh mắt của một con bò đang chậm rãi nhép miệng nhai lại và cũng đang chậm rãi đưa mắt nhìn vào thế sự. Một cách rất vô cảm.
    Ánh mắt đó tựa như hoàn toàn miễn nhiễm trước những kinh động của tang thương và chết chóc đang diễn ra ngay tại "hiện trường".
    Có phải sự sợ hãi quá độ đã làm người đàn ông đó "thăng hoa" lên đến mức như đã "ngộ" được và "vượt" lên trên được lẽ tử sinh hoặc đau khổ của thường tình?
    Hay sự sợ hãi đó đã đem người đàn ông này lùi trở lại xuống tới mức "hạ đẳng"của một động vật, của một con bò, chỉ còn "nhìn" đời bằng một bản năng thật sơ khai giản dị? Chẳng biết gì hết đến lẽ tử sinh. Một thứ an bình trong tâm hồn, theo cách thế của tình trạng mà người Việt vẫn hay ví von: "ngu si hưởng thái bình."
    Còn gì "quý hoá" hay "ghê rợn" hơn, nếu có người hoạ sĩ nào đó ghi lại được bức tranh "Đôi Mắt Của Bò Và Người" trong đó "cả hai" đang "thanh bình" trong giữa sự chết chóc?
    Những lúc có dịp nghĩ đến những việc đó, tôi mới mơ hồ cảm thấy hình như tôi hiểu được tại sao anh thí sinh người Việt nọ, hoàn toàn lạc đề, không vẽ người mẫu khoả thân như đề thi đã đòi hỏi, và chỉ vẽ "Đôi Mắt" của cô mà anh vẫn được ban giám khảo của trường mỹ thuật Pháp chọn anh trúng tuyển.

    ReplyDelete

Powered by Blogger.