Header Ads

Nhìn Những Mùa Thu Đi


Đặng Thế Kiệt

Nhớ những năm 1966-1968 còn ở Sài Gòn. Mỗi ngày nghe ra rả những bài hát của Trịnh Công Sơn: Gia tài của mẹ, Người con gái Việt Nam da vàng...,-- nẫu cả ruột gan. Rồi cứ nghe đi nghe lại bài Diễm Xưa. Chiến tranh đến hồi khốc liệt. Cuối năm 1968, được học bổng sang Pháp. Hình như năm đầu, rất nhớ nhà, viết thư xin mẹ gửi cho đĩa hát mới Nhìn những mùa thu đi. Nghe bài hát như dân ghiền ma túy. Sau cho ai mượn, trong số các bạn đồng hương nơi tôi ở trọ, cái đĩa hát mất tích luôn.

Vào khoảng 1969-1971, mấy người, hình như thuộc Hội Người Việt Nam Tại Pháp, rủ tôi và một bạn khác, đi trại Hè ở Côte d'Azur, bên bờ Địa Trung Hải. Họ có xe nhà cho quá giang, đi trại hè miễn phí. Đến nơi, tôi hiểu ngay tổ chức loại này, là để tuyên truyền, lôi kéo người Việt, sinh viên Miền Nam... theo họ chống chiến tranh, ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam. Nhớ có gặp mặt người vợ của Nguyễn Ngọc Giao, giáo sư toán đại học Paris, có tên trong ban biên tập báo Đoàn Kết. Báo này phổ biến rất rộng trong giới kiều bào thời đó. Nguyễn Ngọc Giao còn giữ phận sự làm thông dịch viên gì đó trong các cuộc hội đàm Paris năm 1972.

Một hôm trên xe car du ngoạn quanh vùng gần trại hè, chợt nghe mấy lời một bài hát:

Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ
Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau
Triệu chân em triệu chân anh
Hỡi ba miền vùng lên cách mạng...

Tôi hiểu ngay Trịnh Công Sơn làm nhạc tuyên truyền cho cộng sản Hà Nội. Thời kỳ đó, gần như 100% các bạn bè tôi đều ngất ngư nghe nhạc Trịnh Công Sơn.

Thế rồi, biến cố Tháng Tư 1975. Ngoại trừ một số người Việt hoảng sợ vì cả nước Việt Nam rơi vào tay cộng sản, 80 % các bạn bè tôi đều chạy theo phong trào mới. Họ kéo nhau đi hội họp, hăng hái tham gia chương trình "Chân trời 80", treo hình Hồ Chí Minh trong phòng khách, chuyền nhau đọc "Đại Thắng Mùa Xuân", lấy bút hiệu Nguyễn Kiến Quốc, Trần Nhân Quốc... Có người còn đem báo sinh viên phát hành từ Paris cho đọc, trong đó Trần Bạch Đằng viết lời kêu gọi: Hãy tin chúng tôi...

Năm 1996, lần đầu tiên về nước sau 1975, ra các tiệm sách lớn ở Sài Gòn, chỉ thấy rặt những tập nhạc của Trịnh Công Sơn, sách của chục người có công với chế độ mới. Về nhà, nghe mẹ nói: Mỗi ngày xin chọn một niềm vui.

Từ đó đến nay, ảnh hưởng nhạc Trịnh Công Sơn vẫn lan tràn mạnh. Người ta tôn vinh Trịnh Công Sơn là phù thủy ca từ. Trịnh Công Sơn chường mặt đầy trên Facebook, Youtube... Phòng ca nhạc Trịnh mọc lên như nấm ở Việt Nam.

Tôi ấm ức mãi. Trịnh Công Sơn có thực làm tay sai cho cộng sản hay chỉ là một trí thức ngây thơ để cho cộng sản lợi dụng?

Tôi thích vài bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận... Hôm nọ đọc một bài trên Facebook của Lại Nguyên Ân về mấy bài thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên theo đuôi Tố Hữu cúng Staline - vừa chết năm 1953 -, còn hơn ông cố nội.

Hôm qua đọc bài Lê Thị Huệ phỏng vấn nhà văn Hoàng Hải Thủy (năm 2011), tới đoạn hỏi về Trịnh Công Sơn, trích lại dưới đây:

LTH: Nói về Trịnh Công Sơn, một đỉnh điểm điển hình cho một công dân sáng tác đóng góp vào việc làm mất Miền Nam vào tay Miền Bắc. Tôi nghe một cuộc phỏng vấn trên một đài truyền hình trên net, bà Đặng Tuyết Mai vợ phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ kể lại bà cho mời ông Trịnh Công Sơn vào  hát nhạc tình ca và bắt tay với nhau khen nhau này nọ trong dinh thự ông Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Rồi chính ông Trịnh Công Sơn ra ngoài làm nhạc Phản Chiến nhiều hơn ai hết. Thời ấy mấy ai dám làm nhạc Phản Chiến đĩnh đạc và được sống sót như ông Trịnh Cộng Sơn. Phản Chiến là phong trào Quốc Tế. Tôi nghe nói có lúc chính quyền Miền Nam đòi bắt ông Trịnh Công Sơn, nhưng Người Mỹ không cho. Rồi tôi lại nghe ông Trịnh Công Sơn theo VC với những người thân và bạn thân của Nhóm Huế của ổng theo phò VC  tối đa, đến độ VC về Sài Gòn năm 1975 là Trịnh Công Sơn nhào ra hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Tôi cũng mê nhạc Trịnh Công Sơn, mê chết đi được. Nhưng thú thật, ở một cương vị cá nhân bị mất mát quá nhiều vì chiến tranh, tôi cũng phải nhìn lại cuộc chiến với suy tư để tự đi tìm cho mình một lời giải thích.  Tôi muốn hỏi ông một câu ông nghĩ sao về trường hợp của Trịnh Công Sơn?

HHT: Tôi khinh anh ta.

Câu trả lời 4 chữ của Hoàng Hải Thủy làm tôi khoái trá, muốn vỗ đùi cái phạch.

Xin cài vào đây một youtube bài nhạc "Nhìn những mùa thu đi" để nghe và nhớ:

(...)
Rồi mùa thu bay đi
Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai



Và nghe thêm bài này:

Hát Trên Những Xác Người - Tác giả: Trịnh Công Sơn



"Gần một nửa thế kỷ trôi qua, vết thương vẫn chưa lành. Và chắc sẽ không bao giờ lành đối với hàng triệu gia đình, trong khi có những người khác, đứng đầu là nhà nước, có cơ hội "hát trên những xác người" để ăn mừng chiến thắng. Có cơ hội để khoe khoang, đánh bóng quá khứ, để dân quên thực tại đất nước không có gì đáng kiêu hãnh.

(...) Albert Camus nói cuộc đời là những cuộc tranh đấu, nếu không tranh đấu cho lẽ phải, không nổi giận trước những bất công, cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng Camus nói thêm: nổi loạn, hay  phẫn nộ phải có đối tượng, không bao giờ mù quáng, vô vạ, miễn phí (la révolte est ciblée, jamais aveugle ni gratuite).

Chống Cộng, nửa thế kỷ sau, không phải vì oán thù, không phải vì bị cướp nhà cướp đất, nhưng bởi vì nghĩ rằng, biết rằng chế độ Cộng Sản đưa tới bế tắc cho dân tộc. Bế tắc và diệt vong.

(Từ Thức: 48 năm và những câu hỏi nhức nhối - tuthuc-paris-blog.com)

Đặng Thế Kiệt

Ngày 18 tháng 5, 2023


Tham khảo

Lê Thị Huệ phỏng vấn Hoàng Hải Thủy



No comments

Powered by Blogger.