Header Ads

Mặt Trận Miền Tây, Mặt Trận Miền Đông


Bùi Phạm Thành

Chiến tranh, như chúng ta đã biết, cần nhiều yếu tố để khởi đầu và kết thúc. Khởi đầu đã khó, mà kết thúc lại càng khó hơn, vì là chuyện phân chia thắng bại; đồng thời kẻ thắng là kẻ viết sử, luận anh hùng cũng như trừng phạt người thua. Thế cho nên khi chiến tranh đã xảy ra thì thường kéo dài, vì chẳng bên nào muốn là "bên thua cuộc" cả. Cái thảm khốc của chiến tranh kéo dài là không chỉ gây thêm nhiều chết chóc mà còn tàn phá kinh tế quốc gia; dĩ nhiên là đưa con người đến tận cùng của đau thương và đói khổ.

Hiện nay, ngoài các "ngòi nổ" ở Trung Đông lúc nào cũng âm ỉ, chỉ cần một cơn gió là bùng lên thành chiến tranh, thế giới hiện đang có một cuộc chiến tranh ở phương tây giữa Nga và Ukraine, và một ngòi nổ ở phương đông là Trung Cộng và Đài Loan. Nơi đây, chúng ta thử điểm qua các tin tức mới nhất về hai mặt trận Đông và Tây này.

 Mặt Trận Miền Tây

Mặt trận miền Tây, Nga xâm lăng Ukraine, xảy ra từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 cho đến nay, và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo thống kê của hãng tin Reuters thì đã có:

  • Chết: ít nhất là 62,295 người
  • Bị thương: ít nhất là 59,244 người
  • Mất tích: ít nhất là 15,000 người
  • Di tản: ước tính khoảng 17 triệu người
  • Nhà cửa, dinh thự công và tư bị tàn phá, đổ vỡ: ít nhất 140,000
  • Tàn phá, đổ vỡ ước lượng khoảng $414 tỉ Mỹ-Kim (Dollars)
Dưới đây là một số tin tức và hình ảnh mới nhất về chiến tranh Nga xâm lăng Ukraine:

Hình chụp từ vệ tinh cho thấy sự đổ vỡ tàn khốc ở thành phố Bakhmut, nơi đang có giao tranh mãnh liệt của đôi bên.

Trường học và khu dân cư, ngày 8 tháng 5 năm 2022 (Satellite image ©2023 Maxar Technologies)

Và đây là hình chụp ngày 15 tháng 5 năm 2023. (Satellite image ©2023 Maxar Technologies)

Thành phố Bakhmut ngày 8 tháng 5 năm 2022. (Satellite image ©2023 Maxar Technologies)

Hình chụp ngày 15 tháng 5 năm 2023 cho thấy hơn 2/3 thành phố chỉ là đống gạch vụn. (Satellite image ©2023 Maxar Technologies)

Khu trường đại học và tháp truyền tin của đài phát thanh, ngày 8 tháng 5 năm 2022 (Satellite image ©2023 Maxar Technologies)

Hình chụp ngày 15 tháng 5 năm 2023 cho thấy bây giờ đã bị san thành bình địa. (Satellite image ©2023 Maxar Technologies)

Một vụ nổ gây nên bởi hoả tiễn của Nga bắn vào thủ đô Kyiv ngày 16 tháng 5 năm 2023

Tính đến nay thì thủ đô Kyiv của Ukraine đã bị Nga tấn công tám lần bằng hoả tiễn và máy bay không người lái.

Chính phủ Ukraine cho biết hệ thống hoả tiễn phòng không Patriot đã bắn rơi 29 trong số 30 hoả tiễn tấn công của Nga bắn vào Kyiv. Chỉ trong tháng Năm này Nga đã bốn lần mở các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine bằng hoả tiễn. Trong đó có hai lần vào ngày 16 và 18.


Trong các cuộc tấn công bằng hoả tiễn của Nga vào thủ đô Kyiev, họ cũng nhắm vào hệ thống phòng thủ hoả tiễn Patriot của Hoa Kỳ vừa cung cấp cho Ukraine. Bản tin mới nhất ngày 17 tháng 5 cho biết tuy khả năng của hệ thống Patriot rất là hữu hiệu, nhưng một hệ thống cũng bị trúng hoả tiễn của Nga và hư hại nhẹ. Hoa Kỳ cũng đã cho biết là sự hư hại của giàn Patriot ở Ukraine được xem là "rất nhẹ, không đáng kể."

Địa hình đăng vào ngày 12 tháng 5 cho thấy quân đội Nga chạy trốn khỏi hỏa lực pháo binh Ukraine ở bờ phía nam của Hồ chứa nước Berkhivske, cách Bakhmut khoảng 4 km (2,5 dặm) về phía tây bắc.

Chiến trường Bakhmut đang xảy ra khốc liệt, giành nhau từng tấc đất, từng đoạn đường, giữa quân đội Ukraine và quân đánh thuê Wagner - khiến chúng ta nhớ lại trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà năm 1972. Kẻ cầm đầu của quân đánh thuê Wagner là Yevgeny Priogozhin tuyên bố rằng các binh sĩ Ukraine ở trong phạm vi 500 mét (1,640 feet) của giới hạn phía tây bắc thành phố Bakhmut, và quân đánh thuê Wagner đã tiến được 220 thước (722 feet) vào khu vực thành phố.

Ngày 13 tháng 5, Priogozhin tuyên bố rằng quân đánh thuê của hắn đã tiến thêm được 500 thước vào thành phố, thu nhỏ khu vực kiểm soát của quân đội Ukraine từ 2 cây số vuông (0.77sq miles) xuống còn 1.78 cây số vuông (0.69sq miles), tuy nhiên quân Nga thì lại thua, bỏ vị trí mà chạy ở khu vực thành phố này. 

Trong khi đó Cherevaty, phát ngôn viên của quân đội Đông Ukraine, cho biết trong hai ngày 13 và 14 tháng 5, quân Ukraine đã tiến "từ 350 thước đến 2 cây số", đồng thời chiếm hơn 10 vị trí của quân Nga ở ngoại ô phía bắc và nam của thành phố vào ngày 4 tháng 5. 

Chính phủ Nga cũng xác nhận rằng quân Nga đã rút lui để "tái phối trí", điều mà Priogozhin đã chế nhạo rằng "đó không phải là tái phối trí mà cuộc bỏ chạy hỗn loạn." Xem ra lính Nga đã mất tinh thần chiến đấu, và chỉ trông cậy vào đám quân đánh thuê Wagner mà thôi.

Để phản ứng lại sự chế nhạo của kẻ cầm đầu quân đánh thuê, ngày 16 tháng 5,  Nga đã bắt đầu tăng cường lực lượng chung quanh Bakhmust bằng cách điều động bốn tiểu đoàn từ các đơn vị đang tham chiến ở nơi  khác, cùng với đội quân nhảy dù tinh nhuệ vào chiến trường.

Trong khi đó, về phía Ukraine, thì tổng thống Zelenskyy chú trọng vào việc vận động sự giúp đỡ của châu Âu về vũ khí phòng thủ cũng như tấn công. Sau khi Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ Patriot thì một số quốc gia hùng mạnh thuộc khối NATO đã theo chân Hoa Kỳ hưởng ứng sự giúp đỡ vũ khi cho Ukraine để chống Nga, khiến có những nhận định cho rằng NATO đã gián tiếp nhúng tay vào cuộc chiến Nga-Ukraine. 


Ngày 17 tháng 5, Hội đồng Châu Âu (The Council of Europe - COE), gồm 46 quốc gia thành viên, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Reykjavik, Iceland, tuyên bố đã thành lập "hồ sơ thiệt hại (register of damage)" nhằm quy trách nhiệm về hành động chiến tranh của Nga ở Ukraine.

COE cho biết, tên chính thức là "Hồ sơ thiệt hại do hành vi xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine (Register of Damage Caused by the Aggression of the Russian Federation Against Ukraine)", sẽ ghi lại "thiệt hại, mất mát hoặc thương tích do hành vi xâm lược của Nga gây ra đối với Ukraine."

Marija Pejčinović Burić, tổng thư ký của COE, cho biết hệ thống ghi chép này rất "quan trọng" buộc Nga phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh.

Một số thành viên của 46 quốc gia hội viên và thành viên quan sát chưa chấp thuận việc thanh lập "hồ sơ thiệt hại" này, gồm có: Armenia, Azerbaijan, Bosnia and Herzegovina, Hungary, Serbia, Turkey, The Holy See (Toà Thánh Vatican), Israel and Mexico.

Tin Mới Nhất


  • Thứ Sáu, ngày 19 tháng 5, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bất chợt ghé qua Saudi Arabia, và đọc diễn văn trước Hội Nghị Thượng Đỉnh của các quốc gia trong khối Ả Rập. Ông đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Ả Rập hãy giúp sức bảo vệ dân Ukraine và cộng đồng Hồi Giáo ở Crimea. Kết quả là khối Ả Rập tuyên bố trung lập trong cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine. Đây cũng có thể xem là thành công của tổng thống Zelenskyy, bởi vì từ khởi đầu cuộc chiến, liên hệ giữa khối Ả Rập và Nga được xem là tốt đẹp và đang ở đỉnh cao nhất.
  • Hôm Chủ Nhật, thủ lãnh của của quân đánh thuê Wagner là Yevgeny Prigozhin tuyên bố quân của ông ta đã chiếm Bakhmut và Putin cũng lên tiếng chúc mừng chiến thắng này. Trong khi đó phía Ukraine đã lên tiếng phản đối, cho rằng "tình hình Bakhmut nguy kịch, nhưng chưa mất vào tay quân đánh thuê."  Đây là trận chiến tàn khốc và thiệt hại nhân mạng nặng nề cho cả đôi bên.
  • Sau khi ghé qua Ả Rập, tổng thống Zelenskyy sẽ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh của khối G7, trong khi các nhà lãnh đạo của G7 đã đồng ý là thắt chặt trừng phạt kinh tế đối với Nga. Khi quốc gia bị kiệt quệ về kinh tế thì sớm muộn cũng sẽ phải tìm cách chấm dứt chiên tranh, nếu không sẽ thua. Nga đã trải qua và thất bại trong cuộc "Chiến tranh lạnh", thế nhưng xem ra vẫn chưa học được kinh nghiệm đau thương đó. Lòng tham làm mờ mắt, quả nhiên là như thế.
  • Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết vì có sai lầm trong việc định giá viện trợ vũ khí cho Ukraine, thế cho nên sẽ bổ túc viện trợ 3 tỉ Mỹ kim ($3 billion) vũ khí cho Ukraine trong những ngày tháng sắp tới.
  • Chính phủ Hoa Kỳ cũng cho biết hiện chưa có quyết định viện trợ phản lực cơ chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng cũng không phản đối việc các quốc gia Châu Âu chuyển giao F-16 của họ cho Ukraine, đồng thời ủng hộ việc huấn luyện phi công Ukraine xử dụng F-16 như Anh quốc đã tuyên bố vài ngày trước đây.
  • Với số vũ khí viện trợ từ Hoa Kỳ và Châu Âu, xem ra quân đội Ukraine đã từ bỏ gần hết các loại vũ khí của thời Liên Xô, để dùng vũ khí của khối NATO. Điều này có thể đưa đến việc sau chiến tranh, Ukraine có thể sẽ được gia nhập khối NATO. Đây là một trong những lo sợ chính của Nga, và Putin đã dùng làm lý do để xâm lăng Ukraine.
Mặc dù các tin tức mới nhất về chiến tranh ở Ukraine cho thấy đang có một nỗ lực phản công mạnh mẽ để đẩy lui quân Nga và quân đánh thuê ra khỏi các vùng đang bị Nga chiếm đóng. Thế nhưng trên phương diện chính trị, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tránh không dùng từ ngữ "tổng phản công" trong các bài diễn văn hoặc trả lời báo chi. Đây là một hành động chính trị khôn ngoan, trình bày cho thế giới thấy Ukraine là kẻ yếu, yêu chuộng hoà bình, đang bị Nga xâm lăng và "bắt nạt", thế cho nên cần nhiều giúp đỡ và ủng hộ từ các quốc gia hùng mạnh, yêu chuộng tự do, trên thế giới. Thái độ chính trị này rất thành công, và Ukraine được ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.

oOo

Mặt trận miền Tây (Nga xâm lăng Ukraine) xem ra chưa tới hồi kết thúc. Bởi vì như chúng tôi đã nói ở phần đầu là sự kết thúc của chiến tranh sẽ kèm theo sự phân chia thắng bại; và "kẻ thắng là kẻ viết sử, luận anh hùng cũng như trừng phạt người thua." Putin đã bị nhiều quốc gia lên án, gọi là "tội phạm chiến tranh", đồng thời Hội Đồng Châu Âu dã thành lập "hồ sơ thiệt hại" để đòi Nga bồi thường chiến tranh cho Ukraine. "Tội phạm chiến tranh" không chỉ nhắm vào lãnh tụ của quốc gia gây chiến, mà còn liên hệ đế các tướng lãnh quân đội. Điều này chúng ta đã thấy rõ sau Thế Chiến Thứ Hai. Có lẽ cũng vì thế mà Hitler đã tự sát khi biết rằng sẽ thất bại. 

Thế cho nên, chiến tranh chỉ có thể chấm dứt trên bàn hội nghị, đưa ra sự bảo đảm an toàn cho Putin và các tướng lãnh Nga. Ngoài ra, nếu không có đường thoát thì họ sẽ đánh tới cùng, "phóng lao thì phải theo lao"; nếu thắng thì tốt, nếu không thì chẳng rục xương trong tù, cũng gục chết trên pháp trường.

Về phương diện chiến thuật thì không nên dồn kẻ địch vào bước đường cùng, không lối thoát. Bởi vì đằng nào thì cũng chết, chi bằng cả hai bên đều chết chung, bằng cách bấm chiếc nút đỏ, khai hoả hệ thống phóng phi đạn nguyên tử, đưa vũ trụ trở về thuở "big bang"; hay ít ra cũng đưa vài quốc gia tân tiến trở về với nguyên thuỷ, cái thời "ăn lông ở lỗ", chỉ có miếng da thú làm quần và cây gậy làm khí giới. Khi đó các khoa học gia ở ngoài hành tinh quay trở lại sẽ ngạc nhiên vì sau mấy mươi ngàn năm mà cái giống đi hai chân ở hành tinh này vẫn không thể phát triển được bao nhiêu. Những tin tức đăng trên tờ "Galaxy News - Tin Tức Thiên Hà" về Elon Musk xem ra cũng chỉ là "fake news".

Và như thế, "Mặt trận miền Tây càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn."

Mặt Trận Miền Đông


Có thể nói hai tin quan trọng nhất liên quan đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là tin NATO sẽ lập văn phòng liên lạc ở Tokyo, Nhật Bản, và tin G7 đặt trọng tâm thảo luận vào Nga, Trung Cộng (TC) và tình hình Biển Đông.

Hiện tại thì NATO có liên hệ chính thức với các quốc gia thuộc Châu Á-Thái Bình Dương: Úc, Nhật, Nam Hàn, và New Zealand; được biết đến qua tên gọi không chính thức là Asia-Pacific Four (or AP4).

Trong khi đó Hoa Kỳ, thành viên sáng lập NATO, có quan hệ liên minh chính thức với: Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, và Thái Lan. Đồng thời cũng có quan hệ chặt chẽ với các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mongolia, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và một số các đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Trước sự hung hăng bành trướng thế lực của TC ở Biển Đông (South China Sea), rồi đến kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường (Belt and Road initiative), và sau trận Đại Dịch (COVID-19) Toàn Cầu, không những Châu Âu mà toàn thế giới đều trở nên không có cảm tình với TC.

Trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì đã có những liên minh như QUAD (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ) và Five Eyes (Úc, Canada, New Zealand, Anh, và Hoa Kỳ) và AUKUS (Úc, Anh, Hoa Kỳ); đồng thời một vài liên minh song phương hay đa phương khác giữa các quốc gia Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương. 
(Đọc thêm: Liên Minh và Phản Bộihttp://www.dslamvien.com/2023/05/lien-minh-va-phan-boi.html)

Cảm thấy bị Hoa Kỳ, và bây giờ có thêm NATO bao vây, TC tìm cách liên kết với Nga và các quốc gia nhỏ trong vùng để hy vọng giữ vững về cả hai mặt kinh tế và quân sự. Đồng thời tìm đường "vượt vòng vây" bằng cách xâm chiếm, bồi đắp đảo nhân tạo, lập tiền đồn ở khu vực Biển Đông, tối tân hoá quân đội và thay đổi tổ chức quân đội theo đường lối trung ương chỉ huy của tây phương, đồng thời tìm cách lôi kéo đồng minh trong khu vực.

Nhìn chung thì hầu như các quốc gia trong khu vực hoặc liên quan đến khu vực đều tăng cường quốc phòng, theo đúng chiến lược "Muốn có Hoà Bình thì phải chuẩn bị Chiến Tranh", nhất là hiện nay TC vẫn "hăm he" là sẽ tấn công Đài Loan bất cứ lúc nào.

Hôm thứ Ba, ngày 16 tháng 5, trước tin Hoa Kỳ đang thúc đẩy nhanh chóng việc Hoa Kỳ bán vũ khí phòng thủ và các yểm trợ quân sự cũng như huấn luyện quân đội cho Đài Loan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TC, Đại tá Tan Kefei, tuyên bố rằng đây là một “hành động cực kỳ sai lầm và nguy hiểm” và TC sẽ "đập nát bất cứ hành động đòi độc lập nào của Đài Loan". Trong cùng luận điệu "tuyên truyền và hăm doạ đầy cường điệu", Tan Kefei cho biết "TC tiếp tục tăng cường huấn luyện quân đội, chuẩn bị đập tan việc đòi độc lập của Đài Loan, kể cả sự giúp đỡ của nước ngoài."

Vũ khí mà Hoa Kỳ dự tính bán cho Đài Loan trị giá khoảng $500 triệu Mỹ Kim (USD), bao gồm: Hoả tiến chống chiến hạm (Harpoon anti-ship missiles), Phản lực cơ chiến đấu F-16, Hoả tiễn cá nhân chống chiến xa Javelin và Stinger, cũng như giàn phóng phi đạn HIMARS, có thể đặt trên một chiếc xe vận tải (truck) để di chuyển nhanh chóng và phóng một lúc nhiều phi đạn; loại vũ khí này đã chứng tỏ sự công hiệu trong chiến tranh Ukraine chống quân xâm lăng Nga.

Hội nghị thượng đỉnh của G7 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng 5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Sự chọn lựa Hiroshima làm nơi họp mang ý nghĩa "nguy hiểm của chiến tranh nguyên tử", các thành viên tham dự hội nghị sẽ được chứng kiến tận mắt "di tích" của quả bom nguyên tử đã được thả xuống hòn đảo này ở cuối Thế Chiến Thứ Hai. Trong khi đó "Tự Do và mở rộng vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương" cùng với "thái độ hung hăng của TC ở khu vực" sẽ là những đề tài chính trong hội nghị, với sự hiện diện của Hoa Kỳ và các quốc gia hùng mạnh của Châu Âu.

Trong ngày đầu của cuộc họp thượng đỉnh của G7, tổng thống Pháp Emanuel Macron đã lên tiếng "cảnh cáo" rằng không nên khiến cuộc họp thượng đỉnh của G7 mang tính cách "chống TC - anti-Beijing", khốn nạn thật.

Để đối phó với nghị trình của G7, TC đã nhóm họp với các quốc gia ở phía tây của họ như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan and Uzbekistan. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi TC có quan hệ ngoại giao với các quốc gia này vào năm 1992. Đây là 5 quốc gia thành viên của Liên Xô thời trước, và vẫn có liên hệ mật thiết với Nga, tuy nhiên họ không ủng hộ việc Nga xâm lăng Ukraine, và vẫn giữ khoảng cách với Nga từ bấy giờ. TC xem đây là dịp may để tạo ảnh hưởng với các quốc gia Trung Á này.

Nhân đây cũng nên nhắc lại rằng, gần đây, một nghiên cứu được chính phủ TC bảo trợ đưa ra ý kiến là TC nên thành lập một "thủ đô thứ nhì (second capital)" ở Tân Cương để bành trướng về Trung Á và Châu Âu, đồng thời làm giảm căng thẳng với dân tộc Uygurs và dân thiểu số ở miền tây TC.

Nhìn từ khía cạnh chiến lược thì thành lập một "thủ đô thứ nhì" có ý nghĩa như thời quân chủ, nghĩa là có nơi để rút về nếu bị kẻ địch tấn công. Nói cách khác là có đường để chạy, vì đường biển đã bị bao vây.

oOo

Xem ra cái mộng khôi phục vinh quang Hán Đế của Tập Cận Bình có nhiều trở ngại:
  • Con đường chín đoạn ở Biển Đông đã bị toà án quốc tế phủ nhận
  • Sau đại dịch toàn cầu COVID-19, thế giới không còn thân thiện với TC
  • Thế giới cảnh giác về hành động gián điệp điện tử của TC qua hệ thống truyền tin và điện thoại
  • Thế giới cảnh giác về "Bẫy nợ TC (China Debt-trap)"
  • Cái gương trước mắt của việc Nga xâm lăng Ukraine: "Chiến tranh kéo dài, quốc gia lụn bại."
Ngày xưa vào đầu thế kỷ thứ 20, năm 1900, Trung Hoa bị "Bát Quốc Liên Minh (Germany, Japan, Russia, Britain, France, the United States, Italy, và Austria-Hungary" xâm lăng để rồi chịu thất bại nhục nhã. Ngày nay, có nhiều hơn tám quốc gia muốn chống hoặc dẹp tan TC thì các chiến lược gia của TC cũng phải suy tính kỹ càng hơn (nhiều hơn 7 lần) trước khi nổ phát súng khởi đầu cuộc chiến tranh, có thể là cuộc chiến sau cùng của dân tộc Trung Hoa. 

Nếu không gây chiến thì chẳng có gì đáng nói, nếu gây chiến mà thua thì Trung Hoa sẽ trở lại với thời nguyên thuỷ của nhiều quốc gia độc lập với ngôn ngữ và chữ viết riêng biệt. Còn chuyện TC gây chiến và thắng thì hoàn toàn viễn vông. Bởi vì TC không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Nga, thì một mình TC chống lại Hoa Kỳ và NATO, cho dù Pháp có phản bội đồng minh mà khoanh tay đứng nhìn hoặc lên tiếng ủng hộ TC (khốn nạn thật), thì cũng chỉ kéo dài thêm về thời gian chiến tranh, chứ kết cuộc cũng sẽ không thay đổi được bao nhiêu.  

Dù trường hợp nào xảy ra thì thế giới cũng có thể hy vọng rằng TC sẽ bỏ mộng Hán Đế và Pháp sẽ bỏ mộng thực dân (khốn nạn thật), và Châu Á-Thái Bình Dương được yên ổn để phát triển. Tuy nhiên, trong lúc này thì "Mặt Trận Miền Đông Vẫn Yên Tĩnh."

Bùi Phạm Thành



Tham khảo:

Russia Invaded Ukraine

Russia Ukraine War

Russia fires 30 cruise missiles at Ukrainian targets; Ukraine says 29 were shot down

43 nations sign on to support Register of Damage caused by Russian invasion of Ukraine

Warren Buffett's $4.1 billion bet on TSMC lasted less than six months

China says ready to ‘smash’ Taiwan self-rule as US prepares major arms package, sends advisers

China to convene Central Asian leaders to counter G-7 summit

Government study recommends China build second capital in Xinjiang


Aircraft Carrier USS Nimitz Pulls into Japan Ahead of G-7 Summit as Chinese Warships Operate Nearby

G7 Opposes Beijing's Militarization In South China Sea, Urges To Recognize Taiwan's Status


No comments

Powered by Blogger.