Header Ads

Những Thái Hậu Cầm Quyền Sau Bức Rèm


Bùi Quý Chiến

Lịch sử nước ta có mấy trường hợp vua băng hà trong khi thái tử nối ngôi còn nhỏ từ 2 tới 7 tuổi.

Nếu cảm thấy không đủ sức khỏe trị vì lâu dài, vua thường lập di chiếu chỉ định một đại thần phụ chính giúp ấu vương trị nước cho tới khi ấu vương trưởng thành.

Trường hợp vua chết bất ngờ, vị đại thần cao cấp nhất trong triều (thường là tể tướng hoặc thừa tướng hoặc thái phó) đương nhiên là phụ chính cho ấu vương.

Ngoài vị đại thần phụ chính, thái hậu (mẹ của ấu vương) cũng được (hoặc đòi) tham dự chính sự.

Thái hậu ngồi sau bức rèm nghe các quan tâu bày sự việc và quyết định hoặc góp ý với quan phụ chính.

Học giả Trần Trọng Kim gọi thể thức này là thính chính (bàn việc nước nhưng chỉ nghe tiếng nhau mà không giáp mặt nhau).

Thái hậu Cù Thị, tác nhân của hơn ngàn năm Bắc thuộc.

Năm 125 TTL Triệu Văn Vương mất, thái tử Anh Tề - đang làm con tin bên Hán - về nước nối ngôi tức Minh Vương.

Khi còn ở bên Hán, Anh Tề cưới vợ người Hán là Cù Thị và có con là Hưng. Minh Vương lập Cù Thị làm hoàng hậu và Hưng làm thái tử.

Lữ Gia được phong làm thừa tướng.

Sứ thần Hán mấy lần khuyên Minh Vương sang chầu, Minh Vương sợ sang chầu sẽ bị Hán coi là nội chư hầu nên cáo bệnh không đi, chỉ cho con người vợ khác sang làm con tin.

Năm 113 TTL Minh Vương mất, thái tử Hưng lên ngôi tức Ai Vương, Cù Thị được tôn làm thái hậu.
 
Ai Vương còn nhỏ dại nên bị mẹ lấn quyền.

Nhà  Hán lại sai An quốc Thiếu Quý sang khuyên mẹ con Cù Thị vào chầu.
 
Cù Thị nguyên là người tình của Thiếu Qúy trước khi lấy Anh Tề nên nhân dịp này Cù Thị tư thông với Thiếu Qúy. Triều đình và dân gian cho đó là mối quốc nhục nên rất căm giận.

Sợ có biến loạn, Cù Thị nhờ Thiếu Qúy đem biểu về xin vua Hán cho 3 năm sang chầu một lần như các chư hầu trong nước và xóa bỏ biên giới. Vua Hán chấp thuận, sai một đoàn sứ giả sang cấp ấn bạc cho Ai Vương và Lữ Gia và bắt phải áp dụng luật pháp của nhà Hán. Đoàn sứ Hán ở lại để giám sát chính sự.

Thấy Cù Thị khuất phục nhà Hán, Lữ Gia nhiều lần can ngăn nhưng không đạt kết quả.
 
Cáo bệnh, Lữ Gia tẩy chay các cuộc họp với sứ Hán.

Được lòng dân, Lữ Gia âm mưu lật đổ Ai Vương và Cù Thị. Biết âm mưu của Lữ Gia, Cù Thị ra tay trước bằng cách mượn tay sứ nhà Hán giết Lữ Gia. Cù Thị đặt tiệc mời đoàn sứ Hán và các quan trong triều tham dự. Khi nhập tiệc, Cù Thị hỏi Lữ Gia:

- Nam Việt phụ thuộc Hán là lợi cho nước vậy mà tướng quân không ưng thuận là sao ?

Cù Thị tiên liệu phản ứng của Lữ Gia sẽ khiến đoàn sứ Hán nổi giận giết Lữ Gia. Tuy nhiên Lữ Gia không đáp lại, chỉ bỏ bàn tiệc đi ra. Đoàn sứ Hán hồ nghi nên không có hành động gì. Cù Thị toan rút ngọn mâu phóng theo Lữ Gia nhưng Ai vương ngăn lại. 

Hán đế thấy tình hình không ổn liền sai Hàn Thiên Thu đem 2,000 quân sang giải quyết.

Được tin quân Hán tới biên giới, Lữ Gia truyền hịch kể tội Cù Thị và Ai Vương rồi đem quân vào cung giết Cù Thị và Ai Vương cùng đoàn sứ Hán. Sau đó Lữ Gia đem quân đón đánh quân Hán, Hàn Thiên Thu bị giết.
 
Lữ Gia lập con trưởng của Minh Vương lên làm vua tức Dương Vương.

Nổi giận, Hán đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc mang quân thủy bộ sang đánh chiếm Nam Việt. Vì yếu thế, Dương Vương và Lữ Gia bị bắt và bị giết. Từ đó Nam Việt bị nhà Hán đổi là Giao chỉ bộ và năm 111 TTL khởi đầu một ngàn năm nô lệ.

Vì tình yêu, Dương Thị từ bỏ ngôi thái hậu xuống làm hoàng hậu.

Năm 979 Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích ban đêm trèo tường vào cung giết chết. Nhưng sau đó Đỗ Thích bị bắt và bị xử tử.

Đại thần Nguyễn Bặc và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lập con thứ của Tiên Hoàng là Đinh Toàn (có sách viết là Đinh Tuệ) mới có 6 tuổi lên làm vua. Mẹ Đinh Toàn là Dương Thị được tôn làm thái hậu.

Lê Hoàn ỷ thế là tổng chỉ huy quân đội nên tự xưng là Phó Vương, cùng Thái hậu phụ chính cho Ấu Vương. Nhân đó Lê Hoàn ra vào cung cấm tư thông với Dương Thị.

Các đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Phạm Hạp đem quân về kinh toan diệt trừ Lê Hoàn nhưng thất bại và bị Lê Hoàn giết chết.

Nhân tình hình triều Đinh bất ổn, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo và Lưu Trừng đem thủy bộ sang đánh. Thái hậu sai Lê Hoàn đem quân chống cự. Lê Hoàn phong Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân.

Khi triều đình đang bàn kế hoạch chống xâm lăng, Phạm Cự Lượng cùng các tướng bước vào thưa với triều đình rằng:

- Nay Chúa thượng còn thơ dại chưa biết được sự siêng năng khó nhọc của chúng tôi. Nếu chúng tôi có lập được chút chiến công thì ai biết cho? Chi bằng tôn Thập đạo tướng quân lên ngôi rồi sẽ ra quân. 

Tướng sĩ theo sau đều hô "vạn tuế".
 
Thái hậu thấy tướng sĩ một lòng bèn sai lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn và mời Lê Hoàn lên ngai vàng.

Lê Hoàn xưng là Đại Hành hoàng đế, phong Dương Thị làm Đại Thắng Minh hoàng hậu và giáng Đinh Toàn xuống làm Vệ vương như trước.

Sau khi lên ngôi, vua thân chinh đi đánh giặc Tống. Đại Hành không ngăn chặn được Lưu Trừng ở sông Bạch đằng nhưng chém chết Hầu Nhân Bảo ở Chi lăng và bắt sống 2 tướng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân. Lưu Trừng phải rút thủy quân về nước.

Ngoài chiến công kháng Tống, Đại Hành còn là vị vua đầu tiên thân chinh đi đánh Chiêm thành. Cuộc viễn chinh kéo dài một năm.

Thái phi Ỷ Lan tranh giành quyền hành với thái hậu Dương Thị.

Năm 1072 Lý Thánh Tông băng hà, thái tử Càn Đức mới 6 tuổi lên ngôi tức Nhân Tông, mẹ đích là Dương Thị được tôn làm thái hậu và mẹ đẻ là Ỷ Lan được tôn làm thái phi. Vì vua còn nhỏ tuổi nên được thái sư Lý Đạo Thành phụ chính và thái hậu Dương Thị thính chính.

Ganh tị quyền hành với thái hậu, thái phi phàn nàn với con rằng:

- Mẹ đây khó nhọc mới có ngày nay, bây giờ để người khác hưởng phú quý thì đặt mẹ già này vào địa vị nào?

Nhân Tông còn nhỏ tuổi chưa phân biệt được phải trái, chỉ biết thương mẹ nên ra lệnh bắt giam thái hậu cùng một số cung nữ tại cung Dương thượng rồi bức tử để chôn theo Thánh Tông. Thái phi Ỷ Lan được phong làm Linh nhân hoàng thái hậu.
 
Sau vụ này, thái sư Lý Đạo Thành bị giáng chức và bị đưa vào Nghệ an làm tri châu. Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng nguyên nhân vụ này do thái sư can ngăn việc hãm hại thái hậu Dương Thị.

Trị nhậm Nghệ an được một năm thì Đạo Thành được triệu về kinh và được thăng chức thái phó bình chương quân quốc trọng sự (tể tướng). Đó là năm 1074, giữa lúc nhà Tống gây căng thẳng ở biên giới để chuẩn bị xâm lược nước ta.
 
Chúng ta có thể suy ra rằng Linh nhân thái hậu không giải quyết được tình hình nghiêm trọng nên phải triệu hồi Đạo Thành.

Năm sau, 1075, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân thủy bộ và tượng binh sang đánh phá các châu Liêm, Khâm và Ung của nhà Tống.

Được thái hậu thương yêu, Đỗ Anh Vũ lộng hành.

Năm 1138 Lý Thần Tông mất, thái tử mới 3 tuổi lên ngôi tức Anh Tông, mẹ là Lê Thị được tôn làm hoàng thái hậu.

Mọi việc triều chính, thái hậu ủy thác cho thái úy Đỗ Anh Vũ.

Sinh thời vua Thần Tông tuyển Anh Vũ mới 8 tuổi làm thượng lâm tử đệ vì Anh Vũ múa đẹp hát hay, Tới 16 tuổi Anh Vũ được cho vào hầu nơi màn trướng.Từ đó hoàng hậu Lê Thị thương yêu Anh Vũ.

Anh Vũ ra vào cung cấm tư thông với thái hậu. Trong triều, Anh Vũ ngạo mạn coi thường các quan lớn nhỏ, chỉ nể vì thái phó Tô Hiến Thành.

Năm 1150, một số vương hầu và các quan trong triều như: Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái, phò mã Dương Tự Minh đem quân tới cửa Việt thành la lớn lên rằng:

- Anh Vũ ra vào cung cấm làm chuyện đồi bại, tiếng xấu đồn ra cả ngoài, bọn bày tôi chúng tôi xin trừ bỏ hắn.

Bấy giờ Anh Tông đã lớn và tự cầm quyền nên xuống chiếu bắt giam Anh Vũ ở hiên Cụ thành.

Thái hậu cho người đem cơm rượu vào cho Anh Vũ, trong đồ ăn có giấu vàng để Anh Vũ hối lộ bọn Vũ Đái.

Vua Anh Tông xử phạt Anh Vũ phải làm điền nhi (lao nông cho quan điền). Thái hậu tìm cách ân xá cho Anh Vũ bằng cách tổ chức nhiều lễ hội Phật giáo vì mỗi lễ hội đều có ân xá tội nhân trong số đó có Anh Vũ. Cuối cùng Anh Vũ mãn án trước thời hạn và được phục chức thái úy như cũ.

Nhằm trả thù bọn Vũ Đái, Anh Vũ tâu riêng với Anh Tông rằng:

- Việc trước đây do bọn Vũ Đái tự tác đem quân vào cấm đình, đó là một trọng tội, xin Bệ hạ trừ khử kẻo nguy hại về sau.

Vua hạ chiếu giáng chức các vương hầu, lưu đày phò mã Dương Tự Minh và đồng bọn 30 người, chém đầu Vũ Đái và đồng bọn 28 người.

Vàng bạc không mua chuộc thái phó Tô Hiến Thành.

Lý Anh Tông lúc đầu lập Long Xưởng làm thái tử, nhưng vì Long Xưởng tư thông với cung phi nên bị truất phế xuống làm thứ dân và bị giam vào ngục.

Long Cán, con bà phi khác, được lập làm thái tử thay thế.

Năm 1175, Anh tông lâm trọng bệnh, Chiêu Linh hoàng hậu viện lẽ Long Cán còn quá nhỏ nên xin vua cải lập Long Xưởng làm thái tử. Anh Tông dứt khoát từ chối và xuống chiếu ủy thác thái phó Tô Hiến Thành phụ chính cho Long Cán.

Vài tháng sau vua băng, Long Cán mới 2 tuổi lên ngôi tức Cao Tông, mẹ đẻ là Đỗ Thị được tôn làm Chiêu Thiên Lý Chí hoàng thái hậu.

Sau khi mãn quốc tang, Chiêu Linh thái hậu thết yến các triều thần và nói rằng:

- Bây giờ Chiêm thành đang cướp phá biên thùy phía nam, người Mán quấy rối biên thùy phía bắc, vua còn thơ ấu chưa cáng đáng nổi việc nước, các khanh đội ơn dày của nước nên lo toan việc nước. Kế sách bây giờ không gì bằng lập lại Long Xưởng để yên định xã tắc và thống nhất lòng dân. Các khanh nghĩ thế nào?.

Quần thần đều tâu rằng:

- Quan thái phó là bậc cố mệnh đại thần, Bệ hạ đã nhiều lần khuyên dụ rồi,  chúng thần không dám trái ý.

Biết Hiến Thành là người cương quyết và liêm khiết, Chiêu Linh thái hậu đem vàng đút lót người vợ của Hiến Thành là Lữ Thị. Hiến Thành bảo vợ:

- Ta là đại thần nhận mệnh lệnh của Tiên đế phò giúp Ấu chúa, nay nhận của đút lót để làm việc phế lập thì ta còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở dưới suối vàng.

Hiến Thành bắt vợ phải trả vàng lại thái hậu.

Không nản lòng, Chiêu Linh thái hậu vời Hiến Thành tới thuyết phục đủ điều, Hiến Thành vẫn một lòng thưa rằng:

- Làm điều bất nghĩa để được giàu sang có lẽ nào hạng trung thần nghĩa sĩ cam tâm làm, huống chi lời Tiên đế còn văng vẳng bên tai, thần đây không dám vâng lời.

Từ đó Chiêu Linh thái hậu hết vận động việc phế lập.

Thái hậu Đàm Thị thất bại không giữ được ngai vàng cho nhà Lý.

Năm 1208 Lý Cao Tông lập hoàng tử Sảm - con của hoàng hậu Đàm Thị - làm thái tử.

Bấy giờ trong nước loạn lạc, biên giới bị quân ở các khê động của nhà Tống sang cướp phá. Trong khi ấy vua chỉ vui chơi và nghe các nịnh thần gièm pha. Hậu quả là cha con Phạm Bỉnh Di có công dẹp loạn nhưng bị vua giết oan.
 
Tì tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân về đánh phá kinh thành để trả thù cho chủ tướng. Cao Tông phải chạy về Quy hóa lánh nạn. Thái tử Sảm - khi ấy đã 16 tuổi - chạy về thôn Lư gia ở Hải ấp. Tại đây thái tử thấy Trần Thị - con gái của Trần Lý - nhan sắc nhất vùng nên cưới làm vợ.

Trần Lý nhờ nghề đánh cá trở thành phú hộ, nuôi gia nhân như một đội quân. Thái tử phong cho Trần Lý tước Minh tự và cậu của Trần Thị là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.

Gia đình Trần Lý tuyển mộ quân hương dũng về kinh dẹp loạn Quách Bốc, sau đó đón Cao Tông và thái tử về cung.

Năm 1210 Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi tức Huệ Tông, tôn mẹ là Đàm Thị làm hoàng thái hậu, phong Trần Thị làm nguyên phi.

Thái hậu cùng vua xét xử chính sự vì Huệ Tông khi ấy mới 16 tuổi chưa được vững vàng.

Trần Lý bị giặc giết chết, Trần Tự Khánh lên thay cha chỉ huy quân hương dũng và được Huệ Tông phong tước Chương tín hầu.
 
Từ Điện tiền chỉ huy sứ, cậu của Trần Thị là Tô Trung Từ được thăng chức Phụ chính.

Nghi ngờ gia đình họ Trần âm mưu cướp ngôi nhà Lý, thái hậu buộc Huệ Tông phải truất phế nguyên phi Trần Thị nhưng vua không chịu. Thái hậu buộc Trần Thị phải chết (bức tử) nhưng vua ngăn lại. Thái hậu cho người đem chén thuốc độc bắt Trần Thị uống, cũng bị vua cản. Thái hậu cho trộn thuốc độc vào đồ ăn và đồ uống của nguyên phi, vua chia một nửa phần ăn của mình cho nguyên phi và giữ nguyên phi luôn ở bên cạnh mình.

Lo sợ nguyên phi tiếp tục bị Thái hậu hãm hại, Huệ Tông cùng nguyên phi ban đêm bỏ kinh thành đị lánh nạn. Tự Khánh đón vua và em trở lại cung.

Huệ Tông phong nguyên phi làm hoàng hậu và Tự Khánh làm thái úy phụ chính.

Năm 1223 Tự Khánh chết, anh là Trần Thừa được phong làm Phụ quốc thái úy.

Trần Thủ Độ - em họ của Trần Thị - được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ quản lĩnh các quân điện tiền bảo vệ cấm đình.

Huệ Tông chỉ có 2 con gái là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Năm 1224 vua truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh rồi ra tu ở chùa Chân giáo. Tại đây Huệ Tông tự vẫn vì biết trước sẽ bị Trần Thủ Độ bức tử.

Thủ Độ và Trần Thị đưa con cháu vào phục dịch trong cung cấm, trong số này có Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa.

Chiêu Hoàng gặp Trần Cảnh có lòng yêu, Trần Thị và Thủ Độ nhân đó chủ mưu kết hôn Chiêu Hoàng với Trần Cảnh. Sau đó Thủ Độ dàn cảnh Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Từ đó ngai vàng nhà Lý chuyển sang nhà Trần như một cuộc đảo chính không đổ máu.

Thái hậu Nguyễn Thị Anh chấp chính mười năm sau bức rèm.

Hoàng hậu Dương Thị Bí bị Lê Thái Tông giáng xuống làm thứ dân vì tư cách không xứng đáng làm quốc mẫu. Con là thái tử Nghi Dân cũng bị giáng xuống tước Lạng sơn vương.
 
Để thay thế Nghi Dân, người con thứ ba của Thái Tông là Bang Cơ được phong làm thái tử, mẹ là Nguyễn Thị Anh được phong làm hoàng hậu.

Năm 1442 Thái Tông bất ngờ băng hà (vụ án Thị Lộ). Tuy không có di chiếu nhưng Bang Cơ đã được lập làm thái tử nên các đại thần theo đó đưa thái tử lên ngôi tức Nhân Tông và mẹ được tôn là Tuyên từ hoàng thái hậu.

Nhân Tông mới được 2 tuổi nên Tuyên từ thái hậu buông rèm nắm quyền quyết đoán chính sự, triều thần chấp hành.

Trong 10 năm (1443-1453) , trước khi trao quyền lại cho con, thái hậu luôn tự răn mình và xuống chiếu khuyến cáo triều thần tự răn mình để sáng suốt đề xuất những kế sách ích nước lợi dân.

Các đại thần phần lớn là quan võ có công trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh nên được vua Thái Tổ cho mang họ Lê và được ưu đãi trong triều. Nhưng vì cần được tin cẩn, thái hậu dùng người thân thích trong họ nên một số đại thần bị gièm pha khiến có người bị giết, người bị giam vào ngục và người bị bãi nhiệm. Bị giết có Thái úy Lê Khả và Tư khấu Trịnh Khắc Phục, bị giam vào ngục là Thái phó Lê Liệt và vợ con, bị bãi nhiệm là Đô đốc Lê Xí.

Tuy nhiên thái hậu giải quyết được việc nội trị, vượt qua nạn đói do thiên tai liên tiếp xảy ra.

Thái hậu cho bổ sung đạo luật về điền sản gồm 14 điều. Đạo luật này đã được soạn từ đời Thái Tổ nhưng chưa áp dụng.

Năm 1444 thái hậu sai đi đánh Chiêm thành 2 lần để trừng phạt nước này cướp phá biên giới. Tuy nhiên Chiêm thành vẫn quấy nhiễu nên năm sau thái hậu sai Lê Khả, Lê Thụ và Trịnh Khắc Phục đi đánh, hạ thành Chà bàn, bắt được vua Chiêm là Bí Cai và 3 phi tần cùng một số hàng tướng đem về Thăng long . Thái hậu chỉ giữ lại Bí Cai và 3 phi tần, số còn lại tha về nước.

Năm 1453 thái hậu trao trả quyền chính cho con. Nhưng Nhân Tông chỉ trị vì tới năm 1459 thì cả hai mẹ con cùng bị Nghi Dân giết chết để đoạt ngôi.

Sử gia Phan Phu Tiên phê bình rằng:

"Nhân Tông lên ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài có các đại thần đồng lòng phò tá trị nước cho nên trong 17 năm thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ."

Bùi Quý Chiến

---------------------------------

Tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
- Việt sử lược của khuyết danh.



No comments

Powered by Blogger.