Header Ads

Đại Văn Hào của Nước Anh CHARLES DICKENS (1812 - 1870) và Tác Phẩm DAVID COPPERFIELD


Phạm Văn Tuấn

1. Thời niên thiếu của Charles Dickens.

Charles Dickens là tiểu thuyết gia lừng danh của nước Anh và cũng là một trong các nhà văn hàng đầu của mọi thời đại. Các tác phẩm danh tiếng của ông gồm "Một Bài Ca Giáng Sinh" (A Christmas Carol), "David Copperfield", "Các mong đợi lớn lao" (Great Expectations), "Oliver Twist", "Các tài liệu Pickwick" (the Pickwick Papers) và "Câu chuyện kể về hai thành phố" (A Tale of Two Cities).

Charles Dickens đã sáng tạo ra các nhân vật đặc biệt trong nền Văn Chương Anh, đã mô tả đặc sắc các cảnh sống và các địa danh khiến cho độc giả phải say sưa tìm đọc, bởi vì ông là một nhà văn biết nhận xét tinh tế về cuộc sống, hiểu biết tường tận về bản tính con người, nhất là giới thanh niên. Ông đã có cảm tình với các người nghèo, các người thiếu may mắn và ông đã chế riễu các kẻ ích kỷ, các kẻ tham lam và những người tàn nhẫn.

Charles Dickens cũng là một văn sĩ hài hước. Bản tính khôi hài và ân cần của cá nhân ông đã thể hiện qua các nhân vật trong các tác phẩm văn chương giá trị. 


Căn nhà số 393 Commercial Road, Portsmouth
nơi Charles Dickens chào đời 

Charles John Huffam Dickens chào đời vào ngày 7 tháng 2 năm 1812 tại Portsmouth, thuộc bờ biển phía nam của nước Anh. Cha của Charles là ông John Dickens, là một thư ký cấp thấp của văn phòng Hải Quân, lãnh một số lương nhỏ mọn nhưng phải nuôi tám đứa con. Charles là con thứ hai trong gia đình. Khi Charles được 2 tuổi, ông John dọn nhà tới Chatham rồi về thành phố London và cư ngụ tại các xóm nghèo, mỗi lần dọn nhà lại qua một khu nghèo hèn hơn và cuối cùng, ông John và cả gia đình đã bị giam trong nhà tù Marshalsea vì nợ nần.

Khi còn nhỏ tuổi, Charles Dickens đã phải làm việc trong một nhà kho đổ nát, sống trên một gác xép tồi tàn trong thành phố London và vào mỗi ngày chủ nhật, tới thăm gia đình trong nhà giam. Những kinh nghiệm sống cực khổ này đã theo đuổi Charles Dickens suốt đời và được mô tả qua hình ảnh của nhân vật David Copperfield, với hình ảnh người cha yêu dấu là nhân vật Wilkins Micawber và cảnh sống trong tù qua tác phẩm "Little Dorrit".

Về sau, nhờ thừa hưởng một di sản nhỏ, gia đình Dickens đã được thả khỏi nhà giam và Charles được đi học cho tới tuổi 15, mặc dù thời gian cắp sách không đều đặn. Charles Dickens đã vĩnh viễn rời khỏi ghế nhà trường khi còn quá nhỏ tuổi, nhưng lại là một cậu thiếu niên ham đọc truyện: các câu chuyện thần tiên, truyện phiêu lưu và tiểu thuyết. Cậu đã bị ảnh hưởng bởi các nhà văn Anh của thời kỳ ban đầu như William Shakespeare, Henry Fielding và đặc biệt là Tobias Smollett. Nhưng phần lớn hiểu biết mà Charles Dickens thu thập được là do biết quan sát cuộc sống ở chung quanh.

Vào cuối thập niên 1820, Charles Dickens bắt đầu với nghề thư ký tại một văn phòng luật sư, kinh nghiệm này khiến ông rất ghét luật pháp và đã diễn tả luật pháp một cách khôi hài qua tác phẩm "Bardell vs. Pickwick" hay một cách bi kịch trong cuốn truyện "Ngôi nhà lạnh lẽo" (Bleak House). Sau đó, ông trở nên một phóng viên báo chí, đặc biệt phụ trách việc theo dõi các tranh luận tại Quốc Hội và ông cũng viết một số bài báo khác. Nghề làm báo đã giúp ông phát triển cách quan sát, lối mô tả một cách tinh tế các nhân vật với những lời nói thường ngày, sát với thực tế và cũng nhờ đó mà ông viết văn nhanh hơn, rõ ràng hơn. Charles Dickens lại có khả năng của một nghệ sĩ là biết chọn lựa các sơ liệu của các điều quan sát, để rồi dùng cho các tác phẩm giá trị.

Charles Dickens đã sống tại thành phố London, học hỏi nhờ cuộc sống này và ông thường xuyên tới các rạp hát, theo dõi các vở kịch mang đầy đủ các đặc tính bi hài về tình yêu, tranh chấp, lừa dối… và đôi khi ông cũng theo học cách đóng kịch. Nhờ điều sau này mà Charles Dickens đã hấp dẫn người nghe trong các lần ông trình bày tác phẩm trước đám đông. Vào thời gian này, Charles Dickens si mê cô nàng Maria Beadnell, một cô gái trẻ, nhẹ dạ, nhưng cha của cô nàng đã ngăn cản vì chàng phóng viên trẻ tuổi Dickens thuộc về giới trung lưu cấp thấp. Sự liên lạc này đã không mang lại kết quả về tình yêu nhưng đã khiến cho Charles Dickens thể hiện dần dần tài năng của mình.

Năm 1832, Charles Dickens được mời cộng tác với tờ báo "the Morning Chronicle" và được yêu cầu viết một loạt bài phác thảo về cuộc sống. Ông đã dùng bút hiệu "Boz" là tên gọi trong gia đình của người em trai. Sau đó, ông đã tập hợp các bài viết đăng trên "Tạp Chí Hàng Tháng" (the Monthly Magazine) và "Báo London Buổi Chiều" (the London Evening Chronicle) thành một tác phẩm có tên là "Các phác thảo do Boz" (Sketches by Boz). Đây là chân dung của các nhân vật hư cấu và các chuyện ngắn trình bày về hoàn cảnh xã hội và thói đời của thời đại đó. Ngay từ khởi đầu, loạt bài báo này đã được phổ biến rộng rãi tới độ trong lịch sử văn chương của nước Anh, ít có nhà văn nào thành công như vậy.

Sự thành công của tác phẩm kể trên đã khiến cho nhà xuất bản Chapman và Hall đề nghị Charles Dickens viết về các nhà thể thao của câu lạc bộ Nimrod. Loạt bài mang tính khôi hài viết về các hội viên của câu lạc bộ thể thao đã được phổ biến vào tháng 11 năm 1837 rồi qua năm sau, được xuất bản thành tập truyện với tên là "The Pickwick Papers". Qua tác phẩm này, Charles Dickens đã mô tả các cuộc phiêu lưu và nghịch cảnh khôi hài trong các năm 1836 và 1837, của một nhóm các nhân vật hơi khác thường của thành phố London và của miền quê nước Anh. Charles Dickens trở nên nổi danh vào tuổi 24 và đã duy trì được danh tiếng này cho tới khi qua đời.

Catherine Hogarth
Tháng 4 năm 1836, Charles Dickens cưới cô Catherine Hogarth, một trong ba cô con gái xinh đẹp của một nhà báo. Đôi uyên ương dọn vào cư ngụ  trong khách sạn Furnival nhưng rồi hai người đã không thông cảm được nhau, chàng thấy nàng đẹp và yên lặng nhưng thiếu thông minh, không đúng theo ý nguyện, còn nàng không nhận ra ở chàng một thiên tài và không biết rằng tính vị kỷ thường đi liền với thứ tài năng thiên phú. Họ có với nhau 10 người con và rồi ly dị nhau vào năm 1858.

2- Thời kỳ sáng tác.

Charles Dickens là nhà văn có năng lực thể chất và tinh thần rất xuất sắc. Ông đã có nhiều bạn bè thuộc các thế giới nghệ thuật và văn chương. Khả năng sáng tạo ra các nhân vật mang nhiều kịch tính trong các tiểu thuyết của ông có thể do từ lòng yêu thích kịch nghệ. Các tiểu thuyết lớn vào cuối thập niên 1830 của Charles Dickens gồm các cuốn "Oliver Twist", "Nicholas Nickleby", "Old Curiosity Shop", và "Barnaby Rudge".

"Oliver Twist" (1837-39) mô tả cuộc phiêu lưu của một em trai nghèo, mồ côi. Cuốn truyện đặc sắc ở điểm đã trình bày một cách xúc cảm cái thế giới tội phạm của thành phố London đồng thời chỉ trích cách đối xử tàn nhẫn của nước Anh đối với giới nghèo khó.

Trong tác phẩm "Nicholas Nickleby" (1838-39), Charles Dickens công kích các ông chủ trường tư thục tham lam, đã đối xử với học sinh một cách tàn nhẫn và không dạy dỗ chúng được điều gì tốt lành. 
Cuốn "The Old Curiosity Shop" (1840-41) không được thời nay ưa chuộng như thời bấy giờ khi mới được xuất bản, do bởi cái chết của Little Nell mang vẻ quá tình cảm. "Barnaby Rudge" (1841) là một tiểu thuyết lịch sử đề cập tới một loạt các rối loạn tại thành phố London năm 1780.

Vào thập niên 1840, Charles Dickens là nhà văn danh tiếng nhất của nước Anh, vượt qua nhà văn Walter Scott và ông Dickens đang tìm kiếm các thế giới độc giả khác để chinh phục. Do xuất thân từ giai cấp bần hàn, ông không ưa đảng Tory và thể chế độc đoán tại nước Anh nên muốn tìm hiểu Hoa Kỳ vì các tự do của miền đất mới này.

Vào tháng 1 năm 1842, Charles Dickens đã cùng vợ lên bến cảng Boston, Hoa Kỳ, sau khi để lại nhà bốn đứa con nhỏ. Thành phố Boston vào tháng này tưng bừng đón tiếp Văn Hào người Anh. Đã có các bữa tiệc tiếp tân, các lời ca tụng và trong số các nhà trí thức người Mỹ có cả các nhà văn danh tiếng như H. W. Longfellow, William Ellery Channing. Tiến Sĩ Oliver Wendell Homes là một trong các người đứng ra tổ chức.

Charles Dickens đã thấy ở Boston các tình bạn mà ông không bao giờ quên được, dù cho sau này ông có gặp vài điều cay đắng và ảo tưởng. Từ Boston, ông qua New York, nơi tổ chức một dạ hội khiêu vũ gọi tên là "Boz Ball", đông tới 3,000 người rồi thành phố Philadelphia cũng long trọng đón tiếp ông. Sau đó là thành phố Baltimore và Thủ Đô Washington, nơi Charles Dickens được gặp Tổng Thống John Tyler và Quốc Hội. Rồi ông tới thành phố Richmond tìm hiểu nền văn hóa miền nam của Hoa Kỳ. Ông cũng qua thăm miền Tây, tới tận Cairo thuộc tiểu bang Illinois rồi trở về Canada.

Charles Dickens là nhà văn thường lên tiếng chỉ trích các bất công xã hội. Vào thời kỳ đó, Hoa Kỳ hân hoan đón chào các tác phẩm của Charles Dickens, một phần bởi vì chưa có một luật lệ quốc tế nào về tác quyền và các nhà xuất bản Mỹ tự tiện in ấn và phổ biến các tiểu thuyết của ông mà không trả cho tác giả một chút lợi tức nhỏ mọn nào. Tại Hoa Kỳ, Charles Dickens đã lên tiếng về tác quyền và nói về sự bất công, không chỉ đối với chính mình mà còn đối với các nhà văn người Anh khác, đồng thời ông cũng cho biết chính ông Edgar Allen Poe cũng có các tác phẩm in ấn và bán tại nước Anh mà không được đền bù.

Trước các lời xây dựng công bằng này, các báo chí Hoa Kỳ thời đó đã tấn công ông Dickens và cho rằng ông đã lạm dụng lòng hiếu khách của Hoa Kỳ. Từ đó, các hình ảnh tươi đẹp về Hoa Kỳ, từng có trong tâm trí của Charles Dickens, đã phai lạt dần và các ác cảm cùng các thất vọng về xứ sở Hoa Kỳ đã được ông thể hiện qua các bức thư gửi cho bạn bè, qua tác phẩm "Các lời ghi chú về nước Mỹ" (American Notes) xuất bản năm 1842 và qua cuốn truyện "Martin Chuzzlewit" (1844), một khảo sát về các hình thức ích kỷ cùng các lề thói thô kệch của người Mỹ với hai nhân vật đáng nói trong cuốn truyện này là Pecksniff, một con người đạo đức giả, và cô mụ Sairey Gamp, hay say rượu và ngồi lê đôi mách. 

Theo cách nhìn của Charles Dickens, Hoa Kỳ chỉ gồm những người nhai thuốc lá, nuôi nô lệ để bóc lột giống như tại các cơ xưởng của nước Anh và chính quyền Hoa Kỳ mang vẻ xỏ lá và ăn cướp. Charles Dickens chỉ thấy lãnh thổ Hoa Kỳ là các cánh đồng lầy rất rộng chứa nhiều ếch nhái với các giòng sông mênh mông nhiều phà thuyền qua lại. Ông đã không nhận ra được dáng vẻ rực rỡ của một lãnh thổ bao la, hùng vĩ, không nhìn thấy sức sống đang bừng lên từ các miền đất mới, đang được khẩn hoang.

Sau khi từ Hoa Kỳ trở về, Charles Dickens là một nhân vật của thành công, thanh danh và các hoạt động từ thiện. Vào năm 1851, ông và gia đình sinh sống một cách sang trọng tại Tavistock Square và bạn bè của ông gồm các tác giả, các nghệ sĩ, các kịch sĩ hàng đầu của nước Anh. Ít lâu sau, ông lại mua nhà tại Gad's Hill và thực hiện được những tham vọng của thời niên thiếu.

Các văn phẩm của Charles Dickens dần dần xuất hiện hàng tháng và rất được phổ biến trong mọi giới độc giả của nước Anh và nhiều nước khác. Trong thập niên 1840, Charles Dickens đã viết năm cuốn truyện chuyên về Lễ Giáng Sinh. Cuốn đầu tiên "Một Bài Ca Giáng Sinh" (A Christmas Carol) là một trong các tác phẩm danh tiếng nhất trên văn đàn. Trong cuốn này, ba con ma đã cho anh chàng keo kiệt Ebenezer Scrooge thấy quá khứ, hiện tại và tương lai của anh ta và vì nhận thức được mình đang theo đuổi một lối sống tham lam, ích kỷ, Scrooge đã đổi thành một con người vị tha và thân thiện với các người khác.

Các tiểu thuyết khác về Lễ Giáng Sinh gồm: "Bộ Chuông" (The Chimes-1844), "Con Dế trong khu lò sưởi" (The Cricket on the Hearth-1845), "Cuộc Tranh Đấu của Đời Sống" (the Battle of Life -1846) và "Con người bị ám ảnh" (the Haunted Man -1848).

Vào cuối thập niên 1840, Charles Dickens đã nhìn vào xã hội của triều đại Victoria và có lẽ nhìn cả sang thế giới bên ngoài với vẻ bi quan hơn. Các mẩu chuyện khôi hài của ông thường mang hình thức châm biếm, chỉ trích. Các cốt chuyện và nhân vật trong chuyện có vẻ như nhấn mạnh về phía xấu xa của con người. Đồng thời với tư tưởng hoài nghi về lòng tốt của con người, Charles Dickens đã tinh luyện lại nghệ thuật viết văn của mình. Giọng văn của ông đã được khai triển và ông đã chú tâm hơn tới cấu trúc và cách xếp đặt cốt chuyện, nhân vật, tình huống… Ông hướng về các đề tài có tính tượng trưng hơn, để diễn tả và mở rộng các điều nhận xét cả về mặt chính trị lẫn xã hội, và ông không quên đề cập tới luân lý và các giá trị đạo đức.

Các tác phẩm kế tiếp của Charles Dickens gồm các cuốn: "Dombey và con trai" (Dombey and Son, 1846-48) qua đó tác giả cho rằng tính ích kỷ đã làm xa cách con người ra khỏi sự ấm áp của tình yêu nhân loại. Đây là tác phẩm đã làm rơi lệ cũng như gây nên nhiều tiếng cười nơi độc giả. Cuốn truyện nhấn mạnh về các thói xấu của thời đại Victoria, nhất là sự tôn sùng đồng tiền. Charles Dickens tin rằng đồng tiền vào thời đại này đã trở nên một thứ thước đo các tình cảm cá nhân và là mục tiêu của nhiều tham vọng.

Tác phẩm "David Copperfield" (1849-50) được coi là tiểu thuyết lớn lao nhất của Charles Dickens. Qua cuốn truyện này, tác giả đã giảm bớt việc chỉ trích xã hội mà quay sang cách tự thuật về cuộc đời của chính mình. Cuốn truyện mô tả một người trẻ tuổi khám phá ra các thực tế của cuộc đời trưởng thành, và tuổi trẻ của David Copperfield là một phần hình ảnh lúc trẻ của chính tác giả.

Tác phẩm "Căn nhà lạnh lẽo" (Bleak House, 1852-53) cũng là một trong các tiểu thuyết cỡ lớn về nhiều phương diện, có cấu trúc phức tạp, mang nhiều cấp độ ý nghĩa và lẫn bên trong là các bình luận về Xã Hội Anh cùng các lời châm biếm. Tác phẩm này cũng đề cập tới nhiều thói xấu, với các tu sĩ và các nhà đạo đức giả, trình bày các thủ tục pháp lý của nước Anh vừa phí phạn, vừa tàn nhẫn, và Xã Hội Anh đã mang các bệnh hoạn, lại đặc biệt thiếu trách nhiệm đối với các người nghèo và các người bất hạnh.

"Các thời kỳ khó khăn" (Hard Times, 1854) là một tác phẩm ngắn hơn và đơn giản hơn. Charles Dickens đã dùng truyện này đế tấn công chủ thuyết thực dụng (utilitarianism) của nhà triết học Jeremy Bentham. Ông Bentham tin rằng mọi ý tưởng, hành động và các định chế của con người nên được cân nhắc theo “công dụng” của nó. Dickens lại cho rằng ông Bentham đã xét các liên hệ xã hội theo lợi ích vị kỷ, vừa lạnh lùng, vừa máy móc.

Viết ra thật nhiều tác phẩm để chỉ trích các thói xấu của Xã Hội Anh chưa làm cho bản chất của Charles Dickens thỏa mãn, và vì xuất thân từ nghề phóng viên, ông còn muốn là chủ biên của một tờ báo để cho công cuộc cải tiến được phổ biến sâu rộng hơn. Tháng 1 năm 1846, Charles Dickens làm chủ bút của nhật báo Daily News (Tin Tức Hàng Ngày) nhưng 19 ngày sau, ông đã phải rút lui vì công việc quá phức tạp. Năm 1850, Charles Dickens thành lập tờ tuần báo Household Words (Lời Gia Đình) rồi 9 năm về sau, lại chủ trương tạp chí All the Year Round (Quanh Năm). Cho tới ngày ông qua đời, Charles Dickens đã viết thêm các cuốn tiểu thuyết "Các Câu Chuyện Giáng Sinh" (Christmas Stories), "Câu chuyện kể về hai thành phố" (A Tale of Two Cities), "Các Mong Đợi lớn lao" (Great Expectations) cùng vài cuốn khác.

Qua tác phẩm "Little Dorrit" (1855-57), Charles Dickens tiếp tục chỉ trích tinh thần vật chất và thói trưởng giả dởm mà đại diện là gia đình Merdle và các người bạn của gia đình này, họ là những người tìm cách leo lên địa vị xã hội. Ông cũng chế nhạo sự bất lực của Chính Quyền Anh qua hình thức "Văn Phòng Vòng Vo" (the Circumlocution Office) và tác giả đã cố biện minh rằng nhà tù tượng trưng cho các điều kiện đau đớn của đời sống trong một xã hội vật chất đang thoái hóa.

"Câu Chuyện kể về hai Thành Phố" (A Tale of Two Cities, 1859) là tiểu thuyết lịch sử thứ hai, được dựng trên hai thành phố London và Paris và kể về sự anh hùng của nhân vật hư cấu Sidney Carton trong cuộc Cách Mạng Pháp.

Qua tác phẩm "Các Mong Đợi Lớn Lao" (Great Expectations, 1860-61), Charles Dickens trở về chủ đề khám phá ra các thực tế của đời sống. Nhân vật chính trong truyện là anh chàng trẻ tuổi, khá anh hùng, tên là Pip, đã được một người ẩn danh cung cấp tiền bạc để có thể sống như một nhà quý phái. Sự kiêu hãnh của Pip đã giảm bớt khi anh chàng hiểu rõ nguồn gốc của "các mong đợi lớn lao" của mình và nhờ xét lại các giá trị mà Pip biết đặt căn bản của cuộc sống trên tình cảm hơn là trên tài sản, trên sự khoe khoang và địa vị xã hội.

"Bạn Tương Giao" (Our Mutual Friend, 1864-65) là tiểu thuyết chỉ trích xã hội cuối cùng của Charles Dickens qua đó, ông đã tấn công các giá trị giả hiệu của các kẻ mới giàu có. Ông đã châm biếm lòng tham lam, dùng đống rác to lớn của thành phố London làm biểu hiệu của thứ tiền bạc bẩn thỉu. Cuốn truyện này cũng đáng kể vì đề nghị cách xử dụng giòng sông Thames.

Ngoài công việc viết tiểu thuyết, Charles Dickens còn đặc biệt quan tâm tới sân khấu. Nhiều vở kịch thời đó đã được soạn theo các tiểu thuyết của ông và đã có lần sau buổi trình diễn, Nữ Hoàng Victoria trẻ tuổi và Quận Công Consort đã yêu cầu được gặp mặt "Ông Dickens", một danh dự lớn lao, nhưng Văn Hào Dickens đã khước từ với lý do y phục của ông không đủ trịnh trọng cho việc trình diện trước Nữ Hoàng.

Charles Dickens còn tham gia vào các buổi diễn thuyết công cộng và đọc tác phẩm. Có hoạt động này từ khi ông đọc một trong các câu chuyện Giáng Sinh cho các bạn bè và họ đã tán thưởng nồng nhiệt. Ngoài ra, Charles Dickens còn thực hiện một số chuyến đi xa, trong nước Anh cũng như tới xứ Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan, vào các năm 1858-59, 1861-63, 1866-67 và 1869-70. Ông cũng sang Hoa Kỳ lần thứ hai vào khoảng thời gian 1867-68.

Năm 1858, Charles Dickens ly dị với vợ. Người em vợ tên là Georgina Hogarth đã sống với vợ chồng ông từ năm 1842, vẫn còn tiếp tục chung sống với gia đình ông cho tới khi ông qua đời và trước khi chết, Charles Dickens đã viết di chúc, chia tài sản cho cả hai người phụ nữ này.

Charles Dickens viết được hai phần ba tác phẩm cuối cùng khi ông qua đời vào ngày 9 tháng 6 năm 1870, đó là cuốn tiểu thuyết "Bí Mật của Edwin Drood" (The Mystery of Edwin Drood). Không ai đoán được ý định của tác giả muốn kết thúc cuốn truyện này ra sao. Trong nhiều năm, nhiều người đã đề nghị các giải đáp cho điều bí ẩn của cuốn truyện.

3- Cốt truyện David Copperfield.

David
Bà Copperfield là một góa phụ trẻ đẹp khi David chưa chào đời và khi đứa trẻ này được sinh ra thì bà cô giàu có, có tính tình bất thường, tên là Betsey Trotwood, đã nổi giận khi hay tin đứa bé không phải là gái. David được nuôi dạy trong một gia cảnh vui sướng, với chị giúp việc Clara Peggoty. Nhưng tuổi thơ thảnh thơi này đã bị gián đoạn khi ông Murdstone, một người đàn ông có bộ ria mép màu đen, đến tán tỉnh bà Copperfield. Vào lúc này, David về thăm làng quê Yarmouth của chị giúp việc Peggoty, đã gặp người anh làm nghề đánh cá của chị ta tên là Daniel, gặp cháu nuôi Ham và cháu bé gái Emily. 

Khi David trở về nhà thì ông Murdstone đã kết hôn với bà Copperfield và không lâu sau đó, người em gái Jane của ông ta cũng dọn vào, ở chung nhà. Ông Murdstone và cô Jane thường hay bắt nạt mẹ của David và khủng bố tinh thần David cho tới một ngày kia, David đã nổi điên, cắn vào tay ông Murdstone. Để trừng phạt hành vi này, David bị gửi tới một nhà trọ gần thành phố London, có tên là Salem. Dù sống trong hoàn cảnh bị hành hạ, David đã làm quen được 2 người bạn mới: Tommy Traddles là một thiếu niên đứng đắn nhưng chậm hiểu, còn James Steerforth là học sinh xuất sắc, lớn tuổi hơn và được David luôn luôn coi trọng.

Các ngày đi học của David đã bị gián đoạn khi có tin bà mẹ và đứa bé sơ sinh đều qua đời. Sau đám tang buồn thảm này, David không được quay trở về trường học nữa mà bị giữ tại nhà, sống lông bông không học hành trong khi chị giúp việc Peggoty bị sa thải, chị đã về quê và kết hôn với một chàng đánh xe ngựa tên là Barkis. 

Ít lâu sau, ông Murdstone cho biết đã chọn cho David một công việc làm trong nhà kho chứa rượu vang của ông ta. David mới 10 tuổi nhưng phải làm việc cực nhọc nhiều giờ một ngày để lấy vài shillings, 6 ngày một tuần, cùng với các trẻ em khác dơ bẩn, vô giáo dục. Trong thời kỳ u tối này, David chỉ có một niềm vui, đó là sự quen biết với gia đình Micawber nghèo khó, cùng thuê phòng trong tòa nhà. Nhưng khi gia đình Micawber này dọn đi nơi khác, David đã trốn đi mà không có tiền trong túi, tới tá túc nơi căn nhà tranh của bà cô Betsey tại Dover. Bà cô Betsey đã bối rối khi thấy đứa cháu rách rưới tới nhờ vả mình nhưng bà đã che chở cho David khi ông Murdstone đến tìm kiếm. 

Và mặc dù vẻ ngoài khó khăn, cô Betsey đã nhận nuôi David, đối xử tử tế và cho David theo học một ngôi trường khá quy củ. Trong thời gian này, David đã làm quen được một số người khác gồm có ông Dick, tính tình giản dị, sống cùng cô Betsey, luật sư của cô Betsey là ông Wickfield với người con gái dịu ngọt tên là Agnes và người thư ký hay nịnh hót Uriah Heep, ngoài ra còn có ông hiệu trưởng, Tiến Sĩ Strong với bà vợ trẻ Annie và người bà con của bà này là chàng thanh niên hay tán tỉnh, tên là Jack Maldon.

David Copperfield đã lớn lên trong hoàn cảnh có các người quen biết kể trên và khi đã học xong, cô Betsey để David đi London chọn nghề. Tại thành phố London, David gặp lại người bạn cũ là James Steerforth và anh chàng này đã dẫn David về nhà, giới thiệu với bà mẹ giàu có cùng cô bạn gái Rosa Dartle. Bù lại, David cũng dẫn Steerforth về Yarmouth để thăm chị Peggoty và gia đình của chị này.
Trở lại London, David thực tập tại văn phòng luật sư Spenlow và Jorkins. David đã gặp cô gái trẻ đẹp Dora của ông Spenlow và đã say đắm cô này. David cũng gặp người bạn cũ Tommy Traddles khi anh này đang sống với gia đình ông Micawber. Khi David tới Yarmouth để dự đám tang của ông Barkis thì vào đêm hôm đó, Emily, người cháu cưng của chị Peggoty, người đã hứa hôn với Ham, đã trốn nhà đi theo Steerforth. Cả gia đình đã buồn rầu về rắc rối này nhưng rồi ông Peggoty đã đi tìm thấy Emily và đưa cô này về nhà.

Vào lúc này, David phải làm việc khá bận rộn để giúp đỡ cô Betsey. Bà này đã dọn về London, sống nhờ David khi mọi tiền bạc đầu tư đã bị thua lỗ. Trong cảnh lợi tức eo hẹp này, David vẫn âm thầm theo đuổi nàng Dora, cho tới khi ông Spenlow qua đời và cả hai người có thể tuyên bố hứa hôn. Nhưng ông Spenlow đã không để lại tài sản nào khiến cho David càng phải cố gắng làm việc, để có đủ tiền lo đám cưới. Chàng David làm thêm nghề phụ, đó là phụ tá cho Tiến Sĩ Strong, vị hiệu trưởng cũ, nay đã dọn nhà về London. David cũng theo học môn tốc ký và bắt đầu làm nghề tường thuật các vụ tranh luận tại Quốc Hội. Sau nhiều cố gắng, David đã có đủ tiền để cưới Dora, họ dọn qua một căn nhà bên kia đường, đối diện với nơi cư ngụ của cô Betsey.

Sau khi về sống chung, David đã khám phá ra rằng cô vợ của chàng là một người đàn bà không biết gì về nội chợ và không biết trách nhiệm. Vì vậy David đã tìm quên trong công việc và đã nổi danh về cách viết truyện. Cũng vào lúc này, David chứng kiến sự dàn hòa giữa Annie và Tiến Sĩ Strong. Gia đình này đã bất hòa vì sự tán tỉnh Annie bởi chàng Jack Maldon và David đã nghe Annie nói với Tiến Sĩ Strong rằng tình yêu đã cho nàng sức mạnh cùng sự khôn ngoan, điều này khiến cho David tự hỏi liệu hôn nhân của chính mình có thể sống còn hay không.

Sau vụ rắc rối tại gia đình Tiến Sĩ Strong, David nhận được tin từ Canterbury, cho biết cơ sở thương mại của ông Wickfield đã bị tên Uriah Heep chiếm đoạt khi tên này lại đang theo đuổi cô nàng Agnes. Ông Wickfield đã thất vọng và uống quá nhiều rượu, trong khi đó người đàn ông thường bị thất nghiệp là ông Micawber lại đang làm việc cho tên Heep và không biết vì sao, tính tình của ông Micawber cũng đổi khác, nên đã đối xử với vợ vừa bí mật, vừa tàn nhẫn. Do lòng yêu quý ông Micawber trước kia, David đã cùng với Traddles tìm các chứng cớ để lật tẩy tên lường gạt, cưú nguy ông Wickfield và phục hồi một phần tài sản của cô Betsey.

David cũng giúp đỡ ông Daniel Peggoty tìm ra Emily. Cô nàng này trở về London và đã trở thành một người đàn bà tàn tạ. Cô ta và người chú đang dự trù di cư sang xứ Úc xa xôi để không ai biết được quá khứ của họ. Bà cô Betsey cũng khuyến khích gia đình ông Micawber nên bắt đầu một cuộc sống mới bằng cách di cư sang Úc và bà đã giúp cho ông ta một món tiền để ra đi dễ dàng.

Trở về London, David cùng với Agnes chăm sóc Dora đang lâm trọng bệnh nhưng cuối cùng, Dora cũng qua đời. Trong cơn đau buồn vì vợ chết, David đã giúp đỡ nhóm người di cư và đồng ý cầm bức thư của Emily gửi cho Ham. Nhưng một trận bão tàn phá Yarmouth và David đã nhìn thấy Ham xông ra cứu giúp những người bị đắm tầu. Và David chứng kiến cảnh Ham bị chết đuối trong khi đang cứu nạn nhân cuối cùng là Steerforth. Thân xác của Steerforth trôi dạt vào bờ.

Sau khi nhóm người di cư đã ra đi, David qua Thụy Sĩ để tìm quên. Chàng bắt đầu viết một cuốn truyện kể lại các kinh nghiệm sống của mình. Chàng cũng nghĩ tới Agnes, cảm thấy yêu thương nàng và tiếc rằng Agnes từ trước chỉ mang một thứ tình cảm của người em gái. Khi trở về London, David cuối cùng đã bày tỏ tâm sự cùng Agnes và được biết rằng Agnes cũng yêu chàng. Họ lập gia đình với nhau, sinh con và sống với nhau trong hạnh phúc.

4- Vài tương đương giữa David Copperfield và tác giả.

David Copperfield được viết tắt thành D.C., là hai chữ viết ngược của C. D. hay Charles Dickens. David Copperfield là cuốn tiểu thuyết tự thuật với nhiều nét giống như cuộc đời của tác giả. 

David bị bắt buộc thôi học khỏi trường Salem House và phải làm việc trong nhà kho của Murdstone và Grinley tại thành phố London. Dickens cũng rời khỏi trường Chatham và lao động trong nhà kho của James Lamert thuộc London.

David sống với gia đình ông Micawber, vì nợ nần ông này bị tống giam vào nhà tù King’s Bench rồi chẳng bao lâu, gia đình ông ta cũng dọn vô nhà tù này. Tương tự, cha của Charles Dickens là ông John Dickens vì nợ nần bị tù trong nhà giam Marshalsea với gia đình sinh sống bên trong.

David lãnh việc thư ký cho văn phòng luật sư Spenlow và Jorkins rồi sau này học thêm tốc ký và trở nên thư ký Quốc Hội. Cũng giống thế, Charles Dickens làm nhân viên văn phòng luật sư Ellis và Blackmore vào năm 1827, học thêm tốc ký rồi lãnh chân thư ký của Quốc Hội vào năm 1832.

David bắt đầu viết văn, có sáng tác phổ biến rồi sau này, dồn toàn thời gian vào công việc viết truyện. Vào cuối năm 1832, Charles Dickens bắt đầu phác thảo vài mô tả về các đời sống trong thành phố London, với các truyện ngắn được phổ biến trên “Tạp Chí Hàng Tháng” (the Monthly Magazine) rồi sau lần thành công với tác phẩm Pickwick vào năm 1837, Dickens từ bỏ công tác phóng viên tường thuật cho tờ báo Morning Chronicle. 

5- Vài nhận xét về Charles Dickens.

Charles Dickens là tiểu thuyết gia của nước Anh có các tác phẩm bán chạy nhất trong thế kỷ 19. Vào thời kỳ đó đã không có các giải trí phổ thông như chiếu bóng, truyền thanh và truyền hình, đọc tiểu thuyết là hình thức giải trí chính và các tiểu thuyết không mang tính "văn học" nhiều như được đánh giá theo tiêu chuẩn hiện nay. 

Các tác phẩm của Charles Dickens được nhiều giới độc giả tìm đọc. Giới trí thức ưa thích các bình luận châm biếm vừa mang tính chính trị, vừa có tính xã hội. Giới trung lưu thấy các tiểu thuyết của Charles Dickens có chứa đựng nhiều hoàn cảnh tình cảm và các lời nhắn nhủ về đạo đức, còn giới nghèo cười lớn vì các phần khôi hài trong chuyện và họ theo dõi những lúc hấp dẫn. Charles Dickens đã nối được các nhịp cầu thông cảm tới mọi giai tầng của xã hội bằng các cốt chuyện ly kỳ, các nhân vật đa dạng và tới cuối đợt bài viết đăng trên các báo là các cao điểm hồi hộp, gây ra nhiều thắc mắc, khiến cho độc giả phải tìm hiểu ở phần kế tiếp.

Charles Dickens đã dùng các tiểu thuyết của mình để cứu xét các vấn đề xã hội. Trong cuốn truyện "Oliver Twist", ông đã trình bày các điều kiện sống nghèo khó của những khu nhà ổ chuột. Ông chỉ trích các trường học tàn nhẫn, thiếu trách nhiệm của miền Yorkshire trong tác phẩm "Nicholas Nickleby", cũng như chê bai Tòa Án Chancery trong cuốn "Bleak House" (Căn nhà lạnh lẽo). Charles Dickens còn phơi bày nỗi thống khổ của các trẻ em phải lao động quá sớm và chế nhạo các cải tiến nhà tù. Ông hướng về lòng từ thiện Thiên Chúa Giáo và các lý tưởng theo sự công bằng.

Các chỉ trích mang tính xã hội trong các tiểu thuyết đã làm cho danh tiếng của Charles Dickens được phổ biến, đã khiến cho giới trung lưu của thời đại Victoria tự coi rằng họ là các công dân phải quan tâm tới những vấn đề được nêu ra. Các tác phẩm của Charles Dickens mang nhiều yếu tố bi hài, bí ẩn, chỉ trích các thói xấu xã hội và mang cả đặc tính giải trí. 

Qua tác phẩm "David Copperfield", tác giả viết về cuộc đời của chính mình và khám phá bản chất của các cá nhân con người hơn là bản chất xã hội, còn phạm vi tâm lý được ông đào sâu qua các cuốn tiểu thuyết viết về sau, chẳng hạn như "Little Dorrit", "Great Expectation" (Các Mong Đợi lớn lao) và "Our Mutual Friend" (Bạn Tương Giao).

Charles Dickens là nhà văn quan sát rất nhậy cảm, ông đã đả kích nhiều loại bạo hành và lạm dụng của xã hội, ông mô tả trẻ em thiếu tình thương của cha mẹ, không được xã hội bảo vệ, ông trình bày hình ảnh của các trường học ghê tởm, nhiều loại hình luật tàn nhẫn với cách nhốt tù vì nợ nần, các khu nhà ổ chuột mất vệ sinh và từ nơi đây đã đẻ ra các kẻ phạm tội. Ông cũng nói tới cách đối xử tàn nhẫn với trẻ em và việc khai thác sức lao động của thiếu niên, sự thiếu an toàn trong nhà máy. 

Như vậy phải có nhiều sai trái trong trật tự xã hội và cần phải cải tổ các kẻ xấu cũng như các định chế xấu (badly-run institutions). Những chỉ trích này, theo George Orwell, không có tính chính trị hay kinh tế mà mang tính đạo đức (moral) và tác giả Dickens đã không đề nghị gì về hệ thống xã hội mới hay các định chế mới.

Thế giới của các tiểu thuyết do Charles Dickens sáng tác là một thế giới hư cấu, giống như chuyện thần tiên nhưng lại chứa đựng các cơn ác mộng. Đây là thế giới nhìn qua đôi mắt của một đứa bé, nó đã thấy sương mù dày đặc hơn, bóng tối đen sẫm hơn, các căn nhà cao lớn hơn, khu phố trống trải hơn và mang tính đe dọa. Charles Dickens cũng mô tả cách du lịch của thời đại với xe ngựa, xe lửa, quán trọ cùng các sinh hoạt của thời kỳ Cách Mạng Kỹ Nghệ (the Industrial Revolution) với hình ảnh của kỹ nghệ gia sẽ là chủ nhân của tương lai.

Các tác phẩm của Charles Dickens hàm chứa tính triết lý về các cách tranh đấu của con người trong các định chế xã hội và về phương diện này, ông xứng đáng được xếp hàng cùng với các nhà văn lớn như Herman Melville, Fyodor Dostoevsky và Franz Kafka. Các nhân vật trong các tiểu thuyết của Charles Dickens mang nhiều phong thái về màu sắc, năng lực, đời sống và biến hóa, thể hiện đầy đủ tính bi hài của đời người và độc giả đã tìm thấy các nhân vật đặc sắc tương tự trong các tác phẩm của Đại Văn Hào William Shakespeare.

Theo ý kiến của nhiều nhà phê bình văn học, Charles Dickens là nhà văn sáng tạo lớn lao nhất của nước Anh với tên và bản chất của các nhân vật trong tác phẩm không thể quên được trong lòng độc giả. Tính hài hước trong các tác phẩm của ông thật là độc đáo, bởi vì ở sâu phía dưới còn thể hiện lòng nhân từ, biết thương sót kẻ khác. 

Hiện nay, các tác phẩm của Đại Văn Hào Charles Dickens vẫn được độc giả khắp nơi tìm đọc và vào tháng 12 mỗi năm, cuốn truyện "Một Bài Ca Giáng Sinh" (A Christmas Carol, 1843) thường là một món quà đặc sắc của Mùa Lễ Giáng Sinh.
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia. David Bender, Charles Dickens, Greenhaven Press, San Diego, CA. 1998.



No comments

Powered by Blogger.