Header Ads

Nỗi Lòng Người Vợ Ngày Xưa


Bùi Qúy Chiến  

Trái với niềm vui và hy vọng, nỗi lòng là những phiền muộn như giận hờn, lo lắng, đau khổ, hối hận, thương tiếc...

Qua ca dao ta có thể biết nỗi lòng của người vợ ngày xưa.

Xin kể vài trường hợp dưới đây.

Một chị than thở về anh chồng đam mê cờ bạc với bạn bè:

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà.

Chúng ta tạm ngừng đây để phân tích mấy câu mở đầu.

Gọi chị xưng em với bạn để tỏ ra mình là con nhà lễ giáo. Đây là cách khiêm tốn để tự tôn mình lên.

Sau khi xưng em với bạn bè, chị hạ chồng xuống bậc "nó". Mặc dù biết "xấu thiếp hổ chàng", chị tiếp tục kể:

Nói đây có chị em nhà
Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông
Em bán đi trả nợ cho chồng
Còn ăn hết nhịn cho thỏa lòng chồng con.

Chị thân mật gọi bạn là "chị em nhà", coi bạn như người nhà. Có được tin cậy như người nhà, bạn mới được chị tiết lộ chị chỉ còn dăm thúng thóc và vài cân bông. Chủ ý của chị là dùng mấy cái loa của bạn bè để loan truyền cho làng xóm biết chị đã vét hết của cải trong nhà để trả nợ cho chồng. Bằng cách này chị tin rằng mấy chủ nợ của chồng từ nay sẽ "trông giỏ bỏ thóc" từ chối cho chồng chị vay nợ.

Là người nắm quyền chi thu trong nhà, chị biết chị có trách nhiệm liên đới về nợ nần của chồng. Cờ bạc là máu mê, chị không có cách nào ngăn cản được chồng nhưng chị cố giảm bớt thiệt hại bằng sự khôn khéo của mình.

Tuy vậy chị không khỏi buồn cho số phận:

Đắng cay ngậm quả bồ hòn
Cửa nhà gia thế chồng con kém người
Nói ra sợ chị em cười
Con nhà Nho giáo lấy phải chồng đần ngu.

Anh chồng bị vợ liệt xuống hạng đần ngu cũng đáng.

oOo

Bây giờ chúng ta nghe chuyện một anh chồng đam mê xóc đĩa.

Còn tiền đánh cái cũng hay
Hết tiền nằm ngủ lại hay giật mình
Tưởng sự tình bạc này hai sấp
Chẳng ai ngờ nó lại sấp ba
Bấy giờ quan tướng thua ra
Áo quần cố hết trở ra về trần.

Bị vợ bao vây và mất tín nhiệm vay nợ, anh đành cởi áo ra cầm cố. Cuối cùng "cháy túi" anh phải mình trần trở về.

Về giữa sân vạch quần bắt rận
Vợ trong nhà, vợ giận chẳng nấu cơm
Bây giờ tướng chúi ổ rơm
Chẳng dám hạch nước, hạch cơm, hạch trầu.

Thường ngày anh lên mặt gia trưởng hạch sách sai bảo vợ, bây giờ chui vào ổ rơm nằm im thin thít. Vừa đói vừa khát, thèm nhai một miếng trầu cho ấm người cũng không dám mở miệng.

Nhưng như vậy lại may cho anh.

Vợ thương chồng ra màu rét mướt
Đem tiền đi chuộc lấy áo về
Từ rày tướng hẳn xin thề
Đã đi cờ bạc xóc đĩa còn về chi đây.

Hóa ra bà vợ nào cũng giữ riêng một quỹ để phòng ngừa mấy ông chồng "bán trời vô văn tự".
Có điều ngày xưa chưa có ngân hàng vậy bà vợ giấu tiền ở đâu mà ông chồng moi móc từ mái nhà tới chân giường không ra?

oOo

Bây giờ chúng ta hãy nghe những lời cay đắng của một chị không cẩn trọng chọn lựa trước khi lấy chồng:

Chị em ơi, người ta thấy chồng thì mừng
Sao tôi thấy mặt chồng thì đắng như gừng như vôi
Chị em ơi, lấy chồng trước chẳng kén đôi
Từ ngày tôi lấy phải nó chẳng nguôi trong lòng
Ba bốn lần tôi trả của chẳng xong.

Chồng chị không nghiện rượu, không cờ bạc nên chị không kể xấu chồng được. Vậy tại sao thấy mặt chồng là chị ghét cay ghét đắng?

Có lẽ chồng chị cục cằn thô lỗ, thường "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với chị.

Phép vua chỉ cho trả của khi mới đám hỏi, chưa cưới. Nhưng "phép vua thua lệ làng". Có làng cho trả của để bỏ chồng. Trả của chỉ tượng trưng bằng một mâm trầu cau nhưng phải được chồng và cha mẹ chồng chấp nhận.

Người vợ góa muốn bước đi bước nữa cũng phải trả của nếu cha mẹ chồng còn sống. Không trả của được, người vợ chỉ còn cách bỏ trốn mới mong thoát khỏi địa ngục gia đình chồng. Bỏ trốn phải bỏ làng tới nơi xa lạ nếu không sẽ bị gia đình nhà chồng bắt lại như nô lệ.

Xã hội ta xưa kia tuy không áp chế phụ nữ như Hồi Quốc và các nước Ả Rập, nhưng cũng có một số cá nhân ngược đãi vợ.

Người xưa gọi người vợ bỏ trốn là "gái lộn chồng", có ý khinh rẻ.

Trong truyện Kiều, Hoạn Bà mằng nhiếc Kiều:

Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chuá cũng quân lộn chồng.

Người vợ bị chồng bỏ gọi là "vợ phải rãy", cũng có ý khinh rẻ. Tục ngữ có câu "vợ phải rãy tiu nghỉu như mèo lành bị cắt tai".

Chỉ có cách trả của là danh dự.

Cuối cùng là lời than thở của một chị có đôi chút lãng mạn:

Mênh mông góc biển bên trời
Những người thiên hạ ai người tri âm
Buồn riêng thôi lại tủi thầm
Một duyên hai nợ ba lầm lấy nhau.

Có lẽ chị sống ở thành thị vì lời lẽ không mộc mạc như thôn quê.

Trước khi lấy nhau, hẳn anh chị có yêu nhau. Cưới hỏi hẳn đúng theo phong tục. Nhưng sau khi ăn ở với nhau chị thấy anh không hạp với chị.

Tú Xương chỉ biết "một duyên hai nợ" nhưng chị biết chị lấy anh chồng này không vì duyên, cũng chẳng vì nợ nhưng vì lầm.

Vì lầm chị không oán trách ai, chỉ buồn riêng. Hết buồn riêng chị lại tủi thầm. Chị tủi thầm vì thiên hạ giữa trời đất bao la như thế này mà chị không gặp được một tri âm.

Té ra ngày xưa cũng có người lầm, đâu phải chỉ bây giờ mới có người lầm... "khi đưa em sang đây".

Bùi Qúy Chiến  



Powered by Blogger.