Header Ads

Chuyện Cuối Tuần: Tranh Chấp Biển Đông Nga Hưởng Lợi


Bùi Phạm Thành  

Kể từ khi nền kinh tế của Trung Cộng (TC) trở nên phồn thịnh ở thập niên 1990, các nhà lãnh đạo của TC bắt đầu mở mang về quân sự. Đặc biệt nhắm vào đại dương, TC đã đẩy mạnh sự tăng trưởng về hải quân cũng như hiện đại hóa quân đội để có thể đương đầu với một quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới là Hoa Kỳ.

Sự bành trướng về kinh tế và quân sự của TC được nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ ngó lơ, Âu Châu thì quá yếu kém, không dám đụng vào. Và như thế, chỉ trong vòng hai thập niên, TC đã trở nên một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, và tiếp theo đó là một lực lượng quân sự không đối thủ ở khu vực Đông Nam Á Châu, với triển vọng trở nên một lực lượng quân sự ở vị trí đại cường quốc trên thế giới.

Sức mạnh đưa đến tham vọng, TC đã bành trướng ảnh hưởng quân sự và tuyên bố chủ quyền hơn 90% khu vực Biển Đông. Ngang nhiên chiếm đóng các quần đảo và bãi đá ngầm thuộc chủ quyền pháp định của các quốc gia trong vùng như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.

Philippines đã từng kiện TC về việc xâm lăng biển đảo trước Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) và thắng kiện, thế nhưng dưới áp lực kinh tế và quân sự của TC, chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của ông Rodrigo Duterte, Philippines đã tỏ ra hèn nhát và nhượng bộ TC.

Gần đây, ở bãi Tư Chính (Vanguard Bank) TC cũng dùng thủ đoạn áp lực quân sự đối với Việt Nam như mọi lần trước, thế nhưng lần này người "chống lưng" cho Việt Nam là Nga, thế cho nên việc giằng co giữa đôi bên chưa đến hồi ngả ngũ.

Nga hiện nay, cùng với các vương quốc Ả Rập, là nguồn cung cấp nhiên liệu dầu hỏa và khí đốt lớn nhất cho Âu Châu. Thế nhưng Nga là quốc gia có lợi thế hơn các tiểu vương quốc Ả Rập vì Nga là quốc gia hùng mạnh về quân sự và có khả năng kỹ thuật tương đương với Hoa Kỳ về khai thác dầu khí. Nếu Nga, qua hãng khai thác dầu khí quốc doanh, Rosneft, được thuê để khai thác dầu khí ở thềm lục địa Biển Đông thì chỉ chừng một thập niên, nền kinh tế của Nga sẽ đuổi kịp TC và Hoa Kỳ, và như thế tình trạng "Thiên Hạ Chia Ba" trở nên rõ rệt hơn. Việc này xem ra có lợi nhiều hơn hại, vì có thể đưa đến sự lắng dịu của tình hình an ninh thế giới và sự chuyển hướng kỹ nghệ chiến tranh qua kỹ nghệ phục vụ nhân loại.

Với Nga nhảy vào vòng tranh chấp ở Biển Đông thì Đông Âu sẽ được yên ổn, bởi vì khi đó Nga cần Đông Âu và Âu Châu để làm khách hàng hơn là chiếm đóng Đông Âu, vừa kém tài nguyên thiên nhiên vừa phải nuôi thêm nhiều miệng ăn. Á Châu, nhất là Đông Nam Á, sẽ không phải lo sợ TC, vì Nga cần những hợp đồng khai thác dầu khí và quốc gia tiêu thụ sản phẩm quốc phòng do Nga chế tạo. Đồng thời đi với Nga thì không sợ bị áp lực về Tự Do hay Nhân Quyền, vì Nga chỉ vì quyền lợi chứ không đếm xỉa đến chính sách cai trị của quốc gia nào cả. Đây cũng là lý do tại sao Việt Nam chọn Nga thay vì Hoa Kỳ, bởi vì đi với Hoa Kỳ thì sẽ mất đảng, vì Hoa Kỳ đòi hỏi Tự Do và Nhân Quyền ở các quốc gia đồng minh.

Qua sự kiện ở Bãi Tư Chính, Philippines đã nhận thức được cách đối phó với TC, thế cho nên hôm qua, 12 tháng 10 năm 2019, một bản tin đăng trên trang báo điện tử Forbes liên quan đến TC và tình hình Biển Đông cho biết Philippines theo gương Việt Nam liên kết với Nga để ngăn chặn việc TC xâm lăng biển đảo.

"Trai cò tranh nhau, ngư ông hưởng lợi" lời nói của ông bà ta quả là đúng vì khi TC tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các quốc gia nhỏ bé trong khu vực thì Nga là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, vừa được hợp đồng khai thác dầu khí, vừa bán được nhiều vũ khí quốc phòng. Điển hình là hầu hết vũ khí quốc phòng của Việt Nam là do Nga chế tạo, gần đây nhất là Việt Nam đã mua hàng loạt vũ khí cũng như tàu ngầm của Nga, cùng với hợp đồng khai thác dầu khí với công ty quốc doanh Rosneft. Các quốc gia trong khu vực có lẽ cũng theo chân Việt Nam để tiến gần đến Nga trong việc bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi trên vùng biển nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất trên thế giới. Điển hình là Philippines. Nước Nga, từ trước đến nay không có một ảnh hưởng hay quyền lợi gì ở Đông Nam Á, bỗng dưng trở thành quốc gia quan trọng và hưởng lợi bậc nhất về quốc phòng và kỹ nghệ ở khu vực này.

Có lẽ từ nay chúng ta sẽ được đọc nhiều tin tức về các quốc gia trong vùng tranh chấp với TC ở Biển Đông mạnh dạn lên tiếng chống đối TC, và như thế dấu hiệu "ngư ông hưởng lợi" của Nga ngày càng rõ rệt.

Bùi Phạm Thành



Powered by Blogger.