Header Ads

Tình Hình Biển Đông


Lâm Viên

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản Cảnh Cáo Về Sự Xâm Nhập Của TC Gần Quần Đảo Senkaku

Mối đe dọa trực tiếp mà nước Nhật phải đối diện hiện nay là TC đang gia tăng các cuộc xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku.

Trong một buổi nói chuyện ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, tướng Koji Yamazaki, tốt nghiệp Đại Học Quốc Gia Về Chiến Tranh ở Washington năm 2005 và hiện là người đứng đầu bộ tham mưu của Lực Lượng Tự Vệ Nhật, cho biết trong năm nay Nhật đã phải đáp trả 20 lần xâm nhập của TC, so với 19 lần trong suốt năm 2018.

TC đang sử dụng "chiến thuật vùng xám - grey zone tactics" để mở rộng ảnh hưởng của họ. Bao gồm sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để gây ảnh hưởng đến dư luận, áp lực kinh tế qua việc cho vay tiền để điều hành các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở các quốc gia kém mở mang khác, đồng thời gây áp lực chính trị trên khắp thế giới để cô lập Đài Loan.

Ông đưa ra thí dụ TC đã đưa Hàng Không Mẫu Hạm ra ngoài xa lục địa để cố gắng thay đổi tình trạng của lời tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Nhật, Đài Loan và TC đều tuyên bố chủ quyền về quần đảo Senkaku. Đồng thời TC đang có  tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Mã Lai và Phi. 

Vị trí của Nhật hiện nay là đang nằm giữa vùng tranh chấp và chạy đua vũ trang của các quốc gia lân cận như TC, Bắc Hàn, Nam Hàn và Đài Loan. Vì bị ràng buộc bởi Hiến Pháp Hòa Bình sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật trông cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ và chỉ thành lập quân đội tự vệ mà thôi. Tuy năm ngoái, Nhật đã tái lập chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến và cải tiến các chiến hạm chuyên chở trực thăng để có thể dùng để chuyên chở phản lực cơ chiến đấu F-35B (lên thẳng) để tăng cường khả năng của quân đội, thế nhưng nếu chiến tranh xảy ra trong vùng thì Nhật Bản sẽ bị lâm vào thế yếu. Bởi vậy Nhật Bản là quốc gia chống chiến tranh mạnh nhất trong khu vực.




TC Sửa Đổi Sách Giáo Khoa Lịch Sử Để Chứng Tỏ Chủ Quyền Lãnh Thổ

Với chính sách nhồi sọ, TC đã thay đổi sách giáo khoa lịch sử của tất cả các trường trung học trên hoa lục bắt đầu bằng niên khóa mùa thu năm nay, với chủ trương là để "chứng tỏ chủ quyền quốc gia, tòa vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc. Sách giáo khoa mới sẽ viết là các khu vực, bao gồm quần đảo Điếu Ngư, Biển Đông, Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan, đã thuộc về TC từ thời cổ đại.

Đây là một phương pháp nhồi sọ, tương tự như nhồi sọ dân tàu rằng biến động ở Thiên An Môn chỉ là một đám sinh viên học sinh bị xúi dục biểu tình bỏ học và bị cảnh sát bắt, chứ không hề có xe tăng đàn áp và người chết như tây phương đã đặt chuyện để nói xấu dân tàu.

Với luận điệu tuyên truyền, nhồi sọ lớp thanh niên mới lớn thì chỉ cần qua một thế hệ là mọi việc trở thành "sự thật không thể chối cãi" mà chính quyền TC vẫn dùng để biện minh cho những đòi hỏi về chủ quyền của họ.



Ngoại Trưởmg Mỹ, Mike Pompeo (trái) và Ngoại Trưởng Thái Don Pramudwinai (phải)
Washington Khuyên Các Quốc Gia Đông Nam Á Chống Lại Sự Xâm Chiếm Của TC ở Biển Đông

Hôm 1 tháng 8 năm 2019 tại Bangkok, Thái Lan, trong buổi nói chuyện với các thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia ở Đông Nam Á (ASEAN) Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hãy lên tiếng chống lại điều mà ông gọi là "Sự cưỡng chiếm biển đảo của Trung Cộng ở Biển Đông", tuy nhiên ông cho biết Washington không trực tiếp yêu cầu họ phải "chọn" giữa Mỹ và TC.

Tháng trước, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng lo ngại về việc TC quấy nhiễu, đe dọa, gây áp lực với VN ở Bãi Tư Chính. Việc TC cản trở các quốc gia trong vùng khai thác dầu hỏa và khí dốt (dầu khí = oil and gas) khiến họ đã bị thiệt hại trên 2.5 nghìn tỉ đô la (2.5 trillion USD) về năng lượng có thể khai thác. Hoa Kỳ tuyên bố cương quyết chống lại bất cứ hành động cưỡng chiếm, đe dọa hay tuyên bố chủ quyền trên vùng biển quốc tế. Hoa Kỳ yêu cầu TC chấm dứt ngay các hành động "bắt nạt" và không làm những hàng động có tính cách khiêu khích, gây bất ổn ở Biển Đông.

Ngoại Trưởng Pompeo cũng nói lên những lo ngại về việc TC xây dựng đập ngăn nước ở thượng nguồn sông Cửu Long (Mekong) để kiểm soát lượng nước chảy xuống các vùng dưới, dùng nó để gây áp lực kinh tế, sản xuất nông sản của các quốc gia vẫn trông cậy vào nguồn nước của con sông quan trọng này.

Đây là những hành động và tuyên bố mạnh mẽ của Hoa Kỳ về tình hình Biển Đông, đặc biệt nhắm vào TC, cho thấy rằng các mỏ dầu khí của vùng này đã được xác định và các cuộc khai thác của VN với sự hợp tác của Nga (hãng Rosneft) ở Bãi Tư Chính và Mỹ (hãng ExxonMobil) ở khu Cá Voi Xanh. Trong khi TC vẫn còn đang ở tình trạng tìm kiếm và ... xâm chiếm, bởi vì TC không đủ khả năng để khai thác dầu khí, mà phải nhờ vào các quốc gia có kỹ thật cao và chuyên môn về phương diện này. Thế nhưng những công ty có khả năng tìm kiếm và khai thác dầu khí không muốn lối làm việc của TC, dùng vũ lực xâm chiếm, vì họ e ngại quốc tế sẽ can thiệp, và nếu phải ra tòa quốc tế thì họ sẽ thua như trường hợp của Phi và TC vừa qua. Khai thác dầu khí là việc đầu tư rất lớn, hàng chục tỉ đô la, và chắc chắn không công ty nào muốn bị thua kiện có thể đưa đến phá sản.





Albert del Rosario: Phi Nên Đưa Vấn Đề Biển Đông Đến Liên Hiệp Quốc

Hôm thứ Sáu, ngày 2 tháng 8 năm 2019, cựu ngoại trưởng Phi, ông Albert del Rosario, tuyên bố chính phủ Phi nên đem chuyện tranh chấp ở Biển Đông với TC ra trước Liên Hiệp Quốc.

Ông nói: "Trong suốt 3 năm qua, chúng ta đã cố gắng thảo luận với TC trên căn bản đôi bên (không có quốc gia thứ ba xen vào), thế nhưng kết quả là chúng ta bị TC bắt nạt, quấy rối, và đe dọa. Hiển nhiên chúng ta không phải là đối thủ của của gã Khổng Lồ TC, kẻ có chủ tâm làm thịt chúng ta cho các bữa ăn sáng, trưa và tối.

Trước khi chúng ta bị đẩy vào trường hợp mà hậu quả không thể đảo ngược được, chúng ta phải áp dụng đường lối đa phương."

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) tại The Hague, năm 2016, tuyên bố Phi có chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế trong vòng 200 hải lý (EEZ), bác bỏ các dẫn chứng lịch sử về chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng đường vẽ chín đoạn. Nhưng vì PCA không có quyền lực hoặc phương pháp để buộc TC phải tuân theo án lệnh, nên TC đã ngang nhiên bác bỏ phán quyết trên, đồng thời tiếp tục xâm lấn các vùng đảo thuộc Phi. Gần đây nhất là hai lần ủi chìm tàu đánh cá của ngư dân Phi và xua 113 tàu đánh cá (dân quân ngụy trang) bao vây khu vực đảo Pag-asa của Phi.

Tham khảo: https://news.abs-cbn.com/news/08/02/19/del-rosario-ph-should-take-south-china-sea-row-to-un



Đồng Minh "Kỳ Lạ" Của Việt Nam Trong Cuộc Đương Đầu Với TC ở Biển Đông

Mấy tuần qua, trong khu vực Bãi Tư Chính, hai đội tàu tuần duyên của TC và VN trang bị đầy ắp vũ khí ở trong trạng thái "nghinh" nhau. Thế nhưng đây không phải là một cuộc "đấu súng" như phim cao bồi Viễn Tây của Hoa Kỳ, vì sẽ không có vụ "bắn chậm thì chết", bởi không bên nào muốn nổ súng trước, vì không muốn vi phạm luật "kẻ nổ súng trước là kẻ gây hấn, xâm lăng, hiếu chiến" để các quốc gia khác có thể "lấy cớ để nhảy vào can thiệp." Việc nhảy vào can thiệp không phải các quốc gia khác là loại anh hùng như Từ Hải:

"Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha." 

Mà nhảy vào can thiệp, bênh VN, để "ăn có" hoặc được "trả ơn" hậu hỉ, bởi vì vùng biển này được cho rằng có chứa đựng một mỏ dầu khí với khối lượng lớn chưa từng có. Quốc gia hiện đang "giúp" VN thăm dò, khai thác và thu hoạch dầu khí là công ty khai thác dầu hỏa Rosneft của "đồng chí" Nga Sô. Nga "chống lưng" cho VN với cái thế là khu vực rộng 35,000 dặm vuông đầy mỏ dầu ở phía nam Côn Sơn, hầu hết nằm trong phạm vi 200 hải lý đối với bờ biển của VN, đúng với tiêu chuẩn ấn định vùng đặc quyền kinh tế,  trong khi đó TC ở cách xa khu vực này đến hơn 600 dặm, như thế trên phương diện pháp lý quốc tế thì TC không có nột lý do nào để tuyên bố chủ quyền Bãi Tư Chính, một phần của khu vực Côn Sơn này.

Thế cho nên phương pháp duy nhất của TC là "đe dọa vũ lực" hoặc "thẳng tay xâm chiếm" như trường hợp ở quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Thế nhưng lần này thì sau lưng của VN là một "đồng chí" khổng lồ Nga Sô thì TC chưa biết tính sao.

Mario Puzo, tác giả truyện "Bố Già", đã nói một câu rất nổi tiếng "Bạn và Tiền như nước với dầu, không thể hòa chung với nhau được." Hiện nay TC và Nga đang là "bạn", thế nhưng túi tiền khổng lồ ở Bãi Tư Chính đã khiến hai "đồng chí" cho đoàn tàu của họ chĩa súng vào nhau trong tư thế "dọa nạt" hoặc sẵn sàng trả đũa nếu bên kia "bóp cò" trước. Vả lại cả hai "người bạn" này đều hiểu rõ tính tình của nhau, nên với loại bạn như thế thì "thà mất bạn còn hơn mất cả bạn lẫn tiền."

Đây là một biến chuyển mà tây phương và Hoa Kỳ có lẽ cũng đã tiên đoán được, và mừng rỡ vì nếu chiến tranh có xảy ra trong khu vực Biển Đông thì sẽ khởi sự bởi Nga hoặc TC. Âu Châu và Hoa Kỳ là "anh hùng" chỉ ra tay can thiệp vào chuyện bất bằng giữa đường mà thôi. Tuy nhiên Nga và TC là những kẻ gian manh cũng thừa biết chuyện này nên chắc là phải tìm cách "ăn đồng, chia đủ" để hai bên đều không những bảo toàn lực lượng, mà còn được hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên của VN. Cuối cùng thì VN, dưới sự lãnh đạo ngu dốt và hèn hạ của đảng cộng sản, sẽ đưa quốc gia và dân tộc VN trở lại với thời kỳ "Lên rừng tìm gỗ quý, xuống biển mò ngọc trai để triều cống cho quan thầy Nga Sô và Trung Cộng." 

Tham khảo: https://foreignpolicy.com/2019/08/01/vietnams-strange-ally-in-its-fight-with-china/



Ngoại Trưởng Pompeo Kêu Gọi Nhật Bản và Nam Hàn Tìm Cách Giảm Bớt Căng Thẳng Song Phương

Trong buổi gặp gỡ với các ngoại trưởng ở hội nghị ASEAN, ngoại trưởng Pompeo kêu gọi Nhật và Nam Hàn, hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong vùng, nên tìm cách giảm bớt căng thẳng sau khi cuộc họp song phương của họ không đem lại kết quả. Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc gặp gỡ nhanh chóng và vắn tắt với ngoại trưởng Nhật, Taro Kono, trước khi có cuộc gặp gỡ tay ba với ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung Wha bên lề hội nghị. 

Nhật và Nam Hàn vẫn có những tranh chấp từ thời Thế Chiến Thứ Nhì chưa được giải quyết thỏa đáng như bồi thường tiền cho những người Đại Hàn bị cưỡng bức lao động, đàn bà bị cưỡng bức phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật, ... Hiện nay giữa Nhật và Nam Hàn lại có tranh chấp về thương mại, và Nhật đã dùng áp lực bằng cách bỏ tên Nam Hàn ra khỏi danh sách 27 quốc gia được ưu đãi mua sản phẩm kỹ nghệ của Nhật. Có nghĩa là cấm các hãng sản xuất các bộ phận điện tử tối tân bán cho Nam Hàn những bộ phận có thể dùng vào việc chế tạo vũ khí, lấy lý do rằng những bộ phận này có thể bị chuyển qua Bắc Hàn do sự kiểm soát lỏng lẻo của chính phủ Nam Hàn. Điều này gây khó khăn cho kỹ nghệ điện tử của Nam Hàn, vì họ vẫn phải nhập cảng những bộ phận điện tử của Nhật, trong đó cả bộ phận của điện thoại di động và TV.

Tham khảo: https://english.kyodonews.net/news/2019/08/5e9692d01618-pompeo-urges-japan-s-korea-to-find-ways-to-ease-bilateral-tensions.html



Bộ Binh Hoa Kỳ Tập Trận, Chú Tâm Vào Điều Kiện Tác Chiến ở Biển Đông

Đại Tướng (4 sao) Robert Brown
Tốt nghiệp West Point 1981
Tướng Robert Brown, tư lệnh của lực lượng Bộ Binh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương vừa cho biết ông đã nhận được tiền tài trợ của chính phủ cho hai cuộc tập trận lớn trong năm 2020, một ở Thái Bình Dương và một ở Âu Châu. Những cuộc tập trận này tập trung vào điều kiện tác chiến ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Biển Đông đã trở thành lò lửa của các sự tranh chấp  chủ quyền của các quốc gia trong vùng từ nhiều năm qua. TC tuyên bố chủ quyền trên 90% khu vực Biển Đông, xâm chiếm và xây dựng tiền đồn quân sự trên các hòn đảo nhân tạo, đồng thời tuyên bố họ có quyền kiểm soát sự lưu thông hàng hải trong khu vực này.

Những cuộc tập trận này được đề ra bởi sự bành trướng quân sự của TC, đã được mô tả trong Chiến Lược Quốc Phòng là đối thủ chiến lược và cạnh tranh lâu dài của Hoa Kỳ.

Trong khi bộ binh Hoa Kỳ hiện đang có 85,000 binh sĩ đóng quân thường trực ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và cũng đã có những cuộc tập trận như Pacific Pathways (Đường Đến Thái Bình Dương) cùng với các quốc gia đồng minh và liên hệ trong vùng. Các cuộc tập trận đều nhắm vào việc thực tập phương pháp chuyển quân nhanh chóng từ lục địa Hoa Kỳ đến Thái Bình Dương.

Tướng Brown cho biết kế hoạch được đặt ra là làm thế nào để di chuyển nhanh chóng đến chiến trường bộ chỉ huy của một sư đoàn và vài lữ đoàn với binh sĩ sẵn sàng tham chiến trong vòng 30 đến 45 ngày.

Ông nói: "Chúng tôi sẽ nhận những nhiệm vụ khó khăn khi được điều động đến Thái Bình Dương trong khi ở đó đã có sẵn quân trú đóng. Chúng tôi sẽ không đến một địa điểm cố định như Nam Hàn, mà chúng tôi sẽ đến Thái Bình Dương để đối phó với tình hình của Thái Bình Dương; và một tình trạng khác mà chúng tôi có thể phải đối phó là tình hình ở vùng Đông Hải, vùng biển giữa Nhật và TC."

Cuộc tập trận này sẽ bao gồm nhiều thứ mà Bộ Binh chưa từng được thực tập trong phạm vi lớn. Binh lính sẽ phải đặt chân lên các quốc gia như Phi và Thái Lan, đồng thời sẽ phải phối hợp hành quân với binh lính của các quốc gia khác như Mã Lai, Indonesia và Brunei.


Tham khảo: https://usa.inquirer.net/35926/u-s-army-exercises-to-focus-on-south-china-sea-scenario

Lâm Viên



Powered by Blogger.