Header Ads

Tóm Tắt Những Tin Quan Trọng Trong Tuần Qua (11)


Quân Sự                



Phi mạnh mẽ phản đối đội tàu đánh cá Trung Cộng "bao vây" đảo của Phi ở Biển Đông

Hôm thứ Năm, ngày 4 tháng 4, chính phủ Philippines đã lên tiếng phản đối về sự hiện diện của một số lượng lớn tàu của Trung Cộng gần các đảo của Philippines đang chiếm đóng ở Biển Đông là bất hợp pháp và tuyên bố sẽ có "hành động thích hợp."

Bộ Ngoại Giao của Phi đã đưa ra lời phản đối công khai và hiếm hoi về sự hiện diện của Trung Cộng sau khi quân đội Phi đã theo dõi hơn 200 tàu Trung Cộng từ tháng 1 đến tháng 3 tại khu đảo đang có tranh chấp có tên là Sandy Cay gần một hòn đảo do Philippines chiếm đóng có tên là Pag-asa.

Bộ Ngoại Giao Phi tuyên bố: "Sự hiện diện của các tàu Trung Cộng ở gần và xung quanh đảo Pag-asa và các đặc điểm hàng hải khác... là bất hợp pháp. Những hành động như vậy là rõ ràng vi phạm chủ quyền, và quyền tài phán của Phi theo định nghĩa của luật pháp quốc tế."

Bộ Ngoại Giao Phi cho biết họ đã phản đối theo phương pháp ngoại giao và lên tiếng lo ngại về vấn đề nêu trên trong các cuộc họp với các viên chức Trung Cộng. Sự hiện diện của quân đội, tàu đánh cá hoặc các tàu khác trong khu vực sẽ "tiếp tục là chủ đề của các hành động thích hợp của Phi."

Thế nhưng ngày hôm qua, 3 tháng 4, trong một bài nói chuyện nhân dịp bầu cử ở thủ đô Manila, tổng thống Phi, Duterte, nói rằng "Trung Cộng vẫn là bạn của Phi." Đồng thời cho biết thêm rằng cá nhân ông không muốn đối đầu với Trung Cộng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bởi vì sẽ có thể gây nên chiến tranh.

oOo

Trong một bài diễn văn trước Hạ Viện Anh năm 1930, Phó Đô Đốc Tufton Beamish có nói một câu để đời:

Một kẻ hèn có thể làm thua một trận chiến, thua một trận chiến có thể làm thua một cuộc chiến, và thua một cuộc chiến có thể làm mất cả một quốc gia.

Có lẽ hầu hết chúng ta, trong đời sống, đã gặp hoặc nghe về những anh hùng và kẻ hèn hạ. Thế nhưng lời tuyên bố của tổng thống Phi Duterte có thể được xem là lời nói hèn hạ nhất của một nguyên thủ quốc gia. Phi đang có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, nếu dân chúng Phi không chọn được những vị dân biểu quyết tâm bảo vệ lãnh thổ thì với một tổng thống hèn hạ như Duterte, tương lai mất nước của Phi chỉ là thời gian mà thôi.

oOo

Cập nhật: Có lẽ bị áp lực bởi dân chúng trong thời gian bầu cử, hôm thứ Sáu, ngày 5 tháng 4, tổng thống Phi Duterte đã làm một chuyện "phi thường" chưa từng có là đưa ra lời tuyên bố khá mạnh bạo về việc hơn 200 tàu Trung Cộng "bao vây" đảo Pag-asa của Phi:

"Tôi đang cố gắng nói với Trung Cộng rằng Pag-asa là của chúng tôi ... vì vậy chúng ta hãy làm bạn nhưng đừng chạm vào đảo Pag-asa và những đảo khác. Nếu không, mọi việc sẽ thay đổi. Đây không phải là một lời cảnh báo, mà chỉ là một lời khuyên cho người bạn của tôi, bởi vì Trung Cộng là bạn của chúng tôi.

Tôi sẽ không năn nỉ hay van xin, mà tôi chỉ nói với bạn hãy ngưng những hành động xung quanh đảo Pag-asa vì tôi có quân đội ở đó. Nếu bạn đụng vào nó, thì sẽ là một chuyện khác. Khi đó, tôi sẽ nói với các binh sĩ của tôi là 'chuẩn bị cho các nhiệm vụ tự sát.'"

Xem ra lời tuyên bố có vẻ "theo đúng tiêu chuẩn" của loại chính trị gia hèn nhát. Nói rằng "không năn nỉ hay van xin" nhưng ý nghĩa thì lại rõ ràng là "van xin và năn nỉ" của kẻ muốn "nổ" một chút nhưng lại "sợ dính miểng." Buồn thay cho quốc gia và dân tộc Phi.

Một lý do Duterte "o bế" Trung Cộng là lời than thở rằng "Tại sao Hoa Kỳ không ngăn chặn hành động xâm lấn biển đảo ở Biển Đông từ mấy năm trước?" vì thế mà ông ta mới có ý "không tin tưởng vào những lời hứa của Hoa Kỳ về tình hình Biển Đông cũng như bảo vệ Phi nếu bị Trung Cộng tấn công."

Thoáng nhìn qua lý luận trên của Duerte thì dường như có vẻ hữu lý. Nhưng thưa quý vị đọc giả của Đặc San Lâm Viên hãy cùng chúng tôi ngồi xuống xuy nghĩ vài phút về câu nói của ông tổng thống Phi Duerte.

"Chúng ta có đồng ý để con em chúng ta cầm súng ra trận để bị thương hoặc chết thay cho dân tộc Phi khoanh tay đứng xem hay không?"
Này nhé, ông Duerte chỉ muốn Hoa Kỳ đối đầu với Trung Cộng nhưng không muốn Phi bị lôi kéo vào khi có chiến tranh xảy ra. Như thế có nghĩa là Hoa Kỳ phải đối đầu với Trung Cộng thay cho Phi, và Phi chỉ khoanh tay đứng nhìn, không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến. Có người sẽ cho ông Duerte là một chính trị gia khôn khéo, thương dân. Thế nhưng chính phủ Hoa Kỳ phải đem quân ra để chống Trung Cộng, và nếu có xảy ra chiến tranh thì lẽ đương nhiên là sẽ có lính bị thương và chết.

Thưa quý vị trong số những người lính Hoa Kỳ sẽ bị thương và chết thay cho dân Phi có rất nhiều con em của người Việt tị nạn, thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ hiện đang phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ. Câu hỏi được nêu lên ở đây là "Chúng ta có đồng ý để con em chúng ta cầm súng ra trận để bị thương hoặc chết thay cho dân tộc Phi khoanh tay đứng xem hay không?" Có lẽ chúng ta không cần nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời.


Nguồn: https://www.bostonglobe.com/news/world/2019/04/04/philippines-issues-strongly-worded-rebuke-china-flotillas/4ATg2k33udRB2DYLK4NXcL/story.html

https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/3004556/philippine-president-rodrigo-duterte-calls-china-friend



NATO đã lộ vẻ gia nua ở tuổi 70

Tuần qua NATO kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập. thế nhưng các nhà lãnh đạo không có vẻ như đang sống trong thực tại.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, NATO có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ vùng Tây Âu, thế nhưng sau khi Bức Tường Bá-Linh xụp đổ năm 1989, và sau đó là mở cửa cho sự gia nhập của các quốc gia Đông Trung Âu (East Central Europe), cựu thành viên của khối cộng sản Warsaw Pact. Hiện nay các quốc gia như Georgia, Ukraine và North Macedonia đang xin gia nhập khối NATO thì có vẻ như NATO vẫn còn là một sự thu hút của các quốc gia trong khu vực. Có phải chăng các quốc gia trong vùng muốn được sự bảo vệ của NATO và nhất là của Hoa Kỳ mà không phải đóng góp chi nhiều.

Thế nhưng càng ngày khối NATO càng tỏ ra bất lực trước các đe dọa xuyên Thái Bình Dương: thiếu một chiến lược để đối phó với Nga và Trung Cộng hiện đang tăng cường sức mạnh quân sự và chính trị trong khu vực.

Lấy thí dụ, một hôm nào đó, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kêu gọi NATO ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông. Thử tưởng tượng câu trả lời của NATO là "KHÔNG" và ông Trump sẽ nhân cơ hội này tuyên bố không ủng hộ tài chánh cho NATO nữa thì hậu quả sẽ ra sao? Bởi vì số tiền đóng góp của Hoa Kỳ cho khối NATO là 57%. Càng mở rộng để thu nhận thêm thành viên thì càng cần phải có thêm tài chánh, và NATO lúc nào cũng chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ tài chánh của Hoa Kỳ.

Một vấn đề nữa là các quốc gia trong khối NATO lại có khuynh hướng chống Hoa Kỳ. Thí dụ như việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định INF với Nga vì lý do Nga đã nhiều lần vi phạm, thế nhưng vài quốc gia trong khối NATO, trong đó có Đức, lại đổ lỗi cho Hoa Kỳ chứ không phải là Nga.

Có lẽ các nhà lãnh đạo của khối NATO phải ngồi xuống để nghiên cứu lại chiến lược cho phù hợp với thời cuộc hiện nay, nếu không thì sự tồn tại, hoặc ít ra là hoạt động của NATO sẽ không còn hiệu nghiệm nữa.


Nguồn: https://www.washingtonpost.com/opinions/2019/04/04/nato-just-turned-its-showing-its-age/?utm_term=.44998f84bb75

https://www.theitem.com/stories/opinion-trump-should-close-nato-membership-rolls,325265



Tàu đổ bộ của Hải Quân Hoa Kỳ chở đầy F-35 đi qua Biển Đông

Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ dường như đang thí nghiệm một khái niệm để biến các tàu đổ bộ tấn công thành hàng không mẫu hạm loại nhỏ trong cuộc hải hành qua khu vực đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

Tàu đổ bộ Wasp đã tới Philippines vào cuối tuần trước, có chở theo ít nhất là 10 phản lực cơ chiến đấu F-35B, loại lên thẳng, gần gấp đôi số lượng F-35 so với các cuộc điều binh bình thường bằng tàu đổ bộ. Hình ảnh phổ biến bởi hải quân cho thấy ngoài số lượng lớn F-35 còn có bốn máy bay Osprey MV-22B.

TQLC nhảy ra khỏi một chiếc Osprey
F-35B

Trang báo điện tử The National Interest đưa ra nhận xét:

"Trong một chuyến hải hành với số lượng phản lực cơ chiến đấu loại lên thẳng gần gấp đôi so với bình thường của một tàu đổ bộ tấn công, chiếc USS Wasp đang giúp chứng minh một khái niệm mà Thủy Quân Lục Chiến đã nghiêm túc thực hiện trong nhiều năm nay là biến tàu đổ bộ thành hàng không mẫu hạm hạng nhẹ. Đây là một ý tưởng được sự tín nhiệm của Hải Quân khi xem xét việc cắt giảm số lượng hàng không mẫu hạm cỡ lớn trong hạm đội."

Tuy các tàu đổ bộ chuyên chở phản lực cơ chiến đấu, cũng được gọi là "Lightning Carrier"  theo tên gọi của F-35 Lightning (tấn công chớp nhoáng), không thể thay thế các hàng không mẫu hạm, nhưng áp dụng này đã chứng minh khả năng hữu dụng và lợi thế của sự phối hợp giữa Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ trên biển cả vì các chiếc tàu đổ bộ có thế tiến gần bờ hơn các hàng không mẫu hạm, đồng thời các phản lực cơ tấn công và yểm trợ cho các đơn vị đổ bộ sẽ nhanh chóng và hữu hiệu hơn.


Nguồn: https://www.military.com/daily-news/2019/04/05/navy-amphib-sails-through-south-china-sea-bunch-f-35s-aboard.html


Chính Trị               



Trung Cộng đang trở thành đề tài tranh cử ở Á Châu, một tin xấu cho Trung Cộng

Hiện nay đang là mùa bầu cử của nhiều quốc gia Á châu và "Chống Trung Cộng" đã trở thành đề tài hoặc chủ trương của nhiều ứng cử viên trong mọi vị trí lãnh đạo chính trị từ Dân Biểu đến Tổng Thống.

Hai năm trước, tổng thống của Indonesia là ông Joko Widodo hãnh diện chụp hình chung với Tập Cận Bình trong dịp mừng một dự án thuộc chương trình "Vành Đai, Con Đường". Thế nhưng trong cuộc tranh cử để tái nhiệm lần này thì ông Widodo lại tỏ ý chống lại các dự án của Trung Cộng. Các dự án, tiền vay của Trung Cộng còn được gọi là "bẫy nợ", đã trở thành những "từ ngữ độc hại" trong các cuộc tranh cử, và ông Widodo đang cố tìm cách để củng cố vị trí đang lung lay.

Ở Mã Lai đã cho thấy khuynh hướng "chống Trung Cộng" ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các quốc gia khác như Myanmar (Miến Điện) cũng đã thu hẹp lại các dự án liên hệ tới "Vành Đai, Con Đường" hoặc "bẫy nợ" của Trung Cộng. Ngay cả một quốc gia ở Phi châu là Kenya cũng đang phải xuy tính lại với các dự án và nợ nần khó có thể trả của Trung Cộng.

Hai quốc gia Hồi Giáo Indonesia và Mã Lai không những đang có tranh chấp chủ quyền về biển đảo ở Biển Đông với Trung Cộng, họ còn phải đối đầu với sự phẫn nộ của dân chúng đối với việc Trung Cộng đàn áp người Hồi Giáo Uyghur. Hàng trăm ngàn (có ước tính lên đến hơn một triệu) người Hồi Giáo Uyghur đang bị Trung Cộng giam giữ trong các "trại cải tạo" ở Tân Cương.

Trong khi đang phải đối đầu với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Trung Cộng đang cố gắng lôi kéo đồng minh Á châu bằng vị thế siêu cường, tuy nhiên Trung Cộng càng sử dụng sức mạnh siêu cường ở khu vực Á châu thì lại càng bị nhiều phản ứng chống lại. Đây là một tin xấu cho Tập Cận Bình và giới lãnh đạo của Trung Cộng.


Nguồn: https://www.cnn.com/2019/04/04/asia/china-indonesia-election-influence-asia-intl/



Hoa Kỳ sẽ không tham dự hai cuộc họp lớn của Trung Cộng

Chính phủ của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quyết định không cử đại biểu tham dự hai cuộc họp quan trọng của Trung Cộng là diễn đàn kinh tế quốc tế và quân sự.

Chính phủ Trung Cộng đã mời các nhà lãnh đạo và bộ trưởng của các quốc gia khác tham dự diễn đàn "Vành Đai và Con Đường" lần thứ hai, được tổ chức từ ngày 25 đến 27 tháng 4 tại Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Cộng cũng sẽ tổ chức buổi quan sát hạm đội quốc tế tại Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông vào ngày 23 tháng 4 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải Quân Trung Cộng.

Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không gửi các nhân viên cao cấp hoặc hạm đội hải quân tới tham dự hai cuộc họp trên, bất chấp lời mời của Bắc Kinh.

Hai năm trước đây một số nhân viên cao cấp của Hoa Kỳ đã tham dự diễn đàn "Vành Đai và Con Đường" lần thứ nhất.

Một nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ cho biết là Hoa Kỳ quan tâm về sự coi thường các tiêu chuẩn quốc tế và sự quản lý tài khóa mờ ám của Trung Cộng.

Một nhân viên khác của Hoa Kỳ đã trích dẫn việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Cộng là một yếu tố đằng sau quyết định của Hoa Kỳ không gửi một hạm đội của hải quân Hoa Kỳ tới tham dự.


Nguồn: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20190404_28/

Kinh Tế                  



Chiến thắng cho Tổng Thống Trump: Nhiều công ty rút lui khỏi Trung Cộng

Bất kể thỏa thuận nào Washington và Bắc Kinh đạt được trong cuộc chiến thương mại, Tổng Thống Trump đã giành được một chiến thắng lớn: Các công ty đang suy nghĩ lại về sự phụ thuộc của họ vào nhân công Trung Cộng.

Mặc dù có dấu hiệu rằng hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng tình trạng thuế quan và căng thẳng thương mại đã khiến các công ty trên thế giới đang bắt đầu chuyển hãng xưởng của họ ra khỏi Trung Cộng, điều mà một số nhân viên trong chính phủ của ông Trump mong muốn.

  • GoPro, nhà sản xuất máy ảnh di động và Universal Electronics, chuyên sản xuất máy nhận tiếng động hoặc vật di động (sensors) và điều khiển từ xa (remote controls), đang chuyển một số công việc sang Mexico. 
  • Hasbro đang chuyển nhà máy sản xuất đồ chơi sang Hoa Kỳ, Mexico, Việt Nam và Ấn Độ. 
  • Aten International, một công ty chế tạo bộ phận cho máy computer của Đài Loan, đã mang công việc trở lại Đài Loan. 
  • Danfoss, một công ty của Đan Mạch, đang thay đổi việc sản xuất máy sưởi và thủy lực sang Hoa Kỳ.

Tuy nhiên Trung Cộng vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất (25%) về hãng xưởng trên thế giới bởi lý do nhân công rẻ, nhưng với thuế quan hiện nay thì rất nhiều hàng hóa chế tạo ở Trung Cộng cũng tốn kém tương đương với chế tạo tại Hoa Kỳ. Thế cho nên các công ty đang tìm cách chuyển hãng xưởng qua các quốc gia khác có nhân công rẻ hơn ở Hoa Kỳ nhưng không bị ảnh hưởng thuế quan cao như Trung Cộng.


Nguồn: https://www.nytimes.com/2019/04/05/business/china-trade-trump-jobs-decoupling.html




Viện đại học MIT cắt đứt quan hệ với các hãng Huawei và ZTE của Trung Cộng

Hôm thứ Tư, ngày 3 tháng 4, viện Đại Học Massachusetts Institute of Technology (MIT) cho biết đã cắt đứt quan hệ với Huawei Technologies và ZTE Corp của Trung Cộng vì chính phủ Hoa Kỳ đang điều tra các công ty này với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế.

MIT là viện đại học hàng đầu, mới nhất, gỡ bỏ các trang bị viễn thông do Huawei và các công ty Trung Cộng khác thực hiện để tránh mất tiền tài trợ của chính phủ liên bang.

Maria Zuber, phó giám đốc nghiên cứu, cho biết trên một lá thư đăng trên trang web của trường: "MIT không chấp nhận các cam kết mới hoặc gia hạn các cam kết hiện có với Huawei và ZTE hoặc các công ty phụ thuộc của họ vì họ đang bị chính phủ liên bang điều tra về việc vi phạm các hình phạt kinh tế."

Bà Zuber cho biết thêm "Tất cả những hợp tác với Trung Cộng, Nga và Ả Rập Saudi sẽ phải trải qua các thủ tục xem xét hành chính bổ sung."

Viện đại học Oxford của Anh Quốc cũng đã ngưng nhận trợ cấp tài chính của Huawei kể từ năm nay.


Nguồn: https://www.yahoo.com/news/mit-cuts-collaborations-chinese-tech-firms-huawei-zte-054732155--sector.html



Vẫn chưa thể có thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Trung Cộng

Một số báo cáo và bình luận của các hãng truyền thông đầu tuần này đã làm tăng hy vọng rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng đang ở trên đỉnh của một thỏa thuận và Tổng thống Trump sẽ công bố một cuộc họp thượng đỉnh với Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình để ký một thỏa thuận thương mại. Điều đó đã không xảy ra.

Trong cuộc họp hôm thứ Năm tại Phòng Bầu Dục với Phó Thủ Tướng Trung Cộng Liu He, người đứng đầu đoàn nhân viên đàm phán thương mại của Trung Cộng, tổng thống Trump nói:

"Việc đàm phán đang diễn tiến rất tốt đẹp. Chúng ta có thể biết kết quả trong bốn tuần tới. Có thể mất thêm hai tuần sau đó để viết xuống trên giấy tờ, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng, trong khoảng thời gian khá ngắn tiếp theo, chúng ta sẽ biết rõ hơn. Và mọi việc xem có vẻ rất tốt đẹp."

Đọc giữa hai hàng chữ: Các điểm còn lại và khó khăn nhất là làm sao có thể kiểm soát và bắt buộc một cách hữu hiệu việc thực thi các lời cam kết của Trung Cộng, và liệu thuế quan hiện nay có thể được bãi bỏ ngay lập tức hay không.

Lịch sử cho thấy cho đến ngày hôm nay Trung Cộng vẫn chưa thực hiện những lời cam kết ký trên giấy tờ để được chấp thuận gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization - WTO) năm 2001, và WTO không có biện pháp hữu hiệu nào để buộc Trung Cộng phải thi hành.


Nguồn: https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-vice-premier-liu-peoples-republic-china-bilateral-meeting/

https://www.axios.com/newsletters/axios-china


Xã Hội                   



Tìm thấy vé số trúng $750 ngàn đô-la hai ngày trước khi hết hạn

Hai vợ chồng người Canada vừa tìm thấy vé số lottery trúng 1 triệu đô-la Canada tương đương với $750 ngàn đô-la Mỹ (USD) hai ngày trước khi hết hạn nhận giải. Hai ông bà này cho biết đã kẹp tờ vé số vào một quyển sách và quên đi cả gần một năm trời. Nhưng may mắn là đứa cháu muốn mượn quyển sách đó để đem khoe với bạn cùng lớp nên mới tìm ra tấm vé số nói trên.

Theo tin trên FOX Business thì trên toàn quốc Hoa Kỳ, hàng năm, có đến 2 tỉ đô-la tiền trúng số lottery mà không có người nhận.

Riêng năm 2016, ở tiểu bang California số tiền trúng số không có người nhận là 24 triệu đô-la. Trong khi đó năm 2017, ở tiểu bang Michigan có 27.6 triệu đô-la tiền trúng số không có người nhận. Tại tiểu bang New York, số tiền trúng số không người nhận trong hai tài khóa 2016 và 2017 là 74 triệu đô-la. Trong năm trước đó, là hơn 103 triệu đô-la.

Đôi khi tiền trúng số không có người nhận và đã quá thời hạn như trường hợp năm 2002 ở New York với số tiền là 63 triệu đô-la.

Hiện nay vẫn còn hàng trăm vé số trúng từ 1 hoặc 5 đô-la cho đến cả triệu đô-la vẫn chưa có người nhận.

Trong ngày cuối tuần rảnh rỗi, quý vị có thể bỏ ra chút thì giờ để tìm lại xem mình có vé số nào chưa dò thì đem ra tiệm để kiểm chứng lại, biết đâu chừng đó lại là một trong những vé số trúng và vẫn chưa hết hạn lãnh giải. Nếu quý vị là một trong những người may mắn thì đừng quên là đã đọc được tin này ở Đặc San Lâm Viên.

Chúc quý vị ngày cuối tuần an vui và may mắn.


Nguồn: https://www.foxbusiness.com/features/the-lotterys-hidden-secret-billions-in-unclaimed-prizes


Nguyễn Thứ Dân

Powered by Blogger.