Header Ads

Những Câu Chuyện Trên Boong Tàu


Duy Thanh

Sau bữa ăn tối, chúng tôi lên trên boong tàu để hóng mát. Phía trước mặt là biển cả mênh mông, sóng lăn tăn, lấp lánh dưới ánh trăng. Con tàu to lướt đi trên mặt biển yên lặng. Sau đuôi tàu, dưới ánh sáng lung linh của ánh trăng, bọt nước sủi lên trắng xóa như đang bị sôi. Trên boong tàu không có nhiều người, ánh trăng và đèn chiếu sáng như ban ngày, thỉnh thoảng có vài người tay trong tay đi dạo hoặc bước nhanh theo kiểu thể thao buổi chiều sau bữa ăn, khi nhận ra vị thuyền trưởng thì họ lên tiếng hoặc ra dấu chào và ông cũng ra dấu hoặc gật đầu chào lại.

Chúng tôi im lặng bên chiếc bàn có hai chai rượu vang với đĩa trái cây và bánh ngọt, cùng uống rượu và ngắm nhìn ánh trăng huyền ảo trên mặt biển. Ngoài vợ chồng chúng tôi còn có một cặp vợ chồng đứng tuổi, theo lối phục sức, có vẻ giàu có nhưng rất lịch sự. Hai người còn lại là đôi vợ chồng trẻ ở tuổi ba mươi nên có vẻ dè dặt trong lời nói và cách cư xử. Vị thuyền trưởng, người có mái tóc bạch kim được cắt tỉa rất gọn gàng, tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu từ bữa ăn tối:

- Vâng, lúc đó tôi đã sợ, con tàu của tôi đã bị mắc kẹt sáu giờ đồng hồ trong vùng đá ngầm lởm chởm đó, gió lắc lư rất mạnh và bị thủng một lỗ lớn ở bên hông. Nhưng rất may mắn là chiều hôm đó, một chiếc tàu chở hàng của Anh đã trông thấy và kéo chúng tôi ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngay lúc đó, một người đàn ông cao lớn có khuôn mặt rám nắng với thái độ nghiêm trang, đôi mắt trầm tĩnh như đang nhìn về một phía xa xôi nào đó, khoác chiếc áo nhiều túi kiểu xưa của những nhà thám hiểm. Một người đàn ông biểu tượng cho sự hiểu biết và can đảm, không hiểu đã nhập bọn vào lúc nào, chậm rãi lên tiếng:

- Thuyền trưởng, ông nói rằng ông đã sợ hãi hả? Xin lỗi ông, tôi không tin như vậy. Tôi nghĩ ông đã chọn nhầm chữ để diễn tả cảm giác của một sự việc xảy đến cho ông. Một người với khả năng và kinh nghiệm như ông không bao giờ sợ hãi khi có sự khẩn cấp nguy hiểm. Ông sẽ cảm thấy bị khích động, lo lắng, nhưng nỗi sợ hãi lại là một điều rất khác.

Vị thuyền trưởng mỉm cười rất lịch sự:

- Chào ông! Mời ông ngồi xuống chơi và uống chút rượu vang cho ấm. Nói thật với ông là lúc đó tôi đã cảm thấy sợ.

Người đàn ông với khuôn mặt rám nắng, vẫn đứng yên, với giọng nói đều đều, giải thích:

- Xin phép quý vị cho tôi giải thích. Sợ hãi - ngay cả người can đảm nhất cũng cảm thấy - là điều khủng khiếp, một cảm giác kinh hoàng, một sự phá hủy linh hồn, làm con tim thắt lại và đầu óc như trống rỗng, không thể suy nghĩ. Nhưng với một người can đảm thì sẽ không cảm thấy như đang bị lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo hay đối diện với thần chết. Sự sợ hãi thực sự là một sự hồi tưởng về nỗi kinh hoàng xảy ra trong quá khứ. Một người tin chuyện ma thì sẽ tưởng tượng rằng nhìn thấy bóng ma trong bóng tối rồi cảm thấy sợ hãi trong sự kinh hoàng đó. Chúng ta thử hồi tưởng lại nỗi sợ hãi mà chúng đã trải qua để thử xem đó có phải thực là sự sợ hãi hay không? 

Người đàn bà đứng tuổi lên tiếng:

- Tôi nghĩ là tôi đã cảm thấy sợ hãi khi chúng tôi đi du lịch ở rừng Phi Châu khoảng năm năm trước đây. Hôm ấy, chúng tôi đang đi theo người hướng dẫn trong một khu rừng để xem những loại chim lạ, nên phải bước chậm và giữ im lặng. Tôi vô tình vấp vào một rễ cây, với phản ứng tự nhiên, vươn tay vồ lấy một cành cây ngay tầm tay, thế nhưng đó lại là một con rắn đang treo mình trên cây. Tôi hoảng quá, la lớn làm chim rừng bay tứ tán và cả đoàn người hoảng sợ... Thật là vừa sợ, vừa hổ thẹn… Kể từ đó chúng tôi không bao giờ đi du lịch ở những nơi rừng rậm nữa.

Người chồng xoa nhẹ lưng vợ:

- Và tôi cũng không muốn nghe bà hét như vậy một lần nào nữa…

Mọi người đều cười trước câu nói của ông chồng, ngoại trừ người đàn ông có khuôn mặt rám nắng, vẫn không thay đổi nét mặt và giọng nói:

- Như thế đâu phải là sợ. Đó chỉ là một phản xạ mà thôi. Sau đó bà lại đem hình ảnh của con rắn - sự nguy hiểm - gắn liền với tất cả các khu rừng thì hiển nhiên chỉ là tưởng tượng mà thôi... (nhìn về phía đôi vợ chồng trẻ) anh chị có nghĩ như thế không?

Đôi vợ chồng trẻ có vẻ e dè đưa mắt nhìn nhau, rồi người chồng lên tiếng:

- Tôi cho rằng cầm phải một con rắn là điều đáng sợ thật... Chúng tôi cũng đã có lần lâm vào hoàn cảnh rất đáng sợ…

Đưa tay quàng qua vai vợ, người chồng kể:

- Trong lần kỷ niệm một năm ngày cưới, chúng tôi cùng nhau đi trượt tuyết trên núi. Mùa đông năm đó rất lạnh và tuyết rất nhiều. Hai chúng tôi đều thành thạo về môn thể thao này, nên lên tận đỉnh cao nhất để nhân dịp đó ngắm cảnh và chụp hình kỷ niệm. Hôm đó, tuyết rơi cả ngày nên trên đỉnh núi không có nhiều người. Lúc tuyết bắt đầu rơi nhiều và có tiếng loa phóng thanh kêu gọi mọi người rời đỉnh núi vì sắp sửa có bão tuyết. Thế nhưng chúng tôi mải tìm những góc cạnh đẹp để chụp hình nên không để ý về tình hình chung quanh ... (quay sang vợ, mỉm cười) và nhất là không nghe rõ lời yêu cầu rời đỉnh núi... Khoảng nửa tiếng sau, khi tuyết có vẻ rơi nhiều và nhà tôi nói rằng sao có vẻ vắng người, và chúng tôi đồng ý là nên xuống núi... Khi chúng tôi quay trở lại chỗ cắm hai đôi ski trượt tuyết thì chỉ thấy có ba chiếc vẫn còn cắm dựng đứng cùng với gậy chống, thiếu một chiếc của nhà tôi. Có lẽ ai đó đụng vào làm nó ngả ra và tuột xuống nằm đâu đó ở triền dốc, và vì tuyết rơi nhiều nên đã che phủ, chẳng nhìn thấy đâu nữa… và chung quanh cũng chẳng còn ai...

Mọi người đều tỏ vẻ chú ý lắng nghe câu chuyện, nhưng người đàn ông có khuôn mặt cứng cỏi rám nắng với đôi mắt xa xăm, vẫn không biểu lộ một chút tình cảm nào. Người vợ trẻ nép mình sát vào chồng biểu lộ vẻ lo lắng khi nhớ lại chuyện cũ. Người chồng quàng vai vợ, vỗ nhẹ như lời khuyến khích cũng như che chở, và tiếp tục câu chuyện:

- Tôi cất tiếng gọi to xem có ai ở gần đó không, nhưng chẳng có một tiếng trả lời. Tuyết bắt đầu rơi nhiều, nên chúng tôi quyết định bỏ ba chiếc ski ở nguyên vị trí đó và đi bộ từ từ xuống núi... Bây giờ nghĩ lại thì đó là điều không nên làm. Xuống được một quãng không xa lắm, nhưng vì tuyết dày nên rất mệt... Chúng tôi ngồi xuống tạm nghỉ và ôm nhau để giữ hơi ấm đồng thời an ủi nhau trong cảnh tình nguy hiểm... Nhà tôi ôm chặt lấy tay tôi như người đang bị nước cuốn ôm chặt lấy mảnh gỗ... Tuyết rơi mỗi lúc nhiều khiến không thể nhìn xa hơn vài sải tay... Tôi lại cất tiếng gọi to và cũng không có một lời nào đáp lại... Lúc đó tôi đã cảm thấy sợ hãi, ôm chặt nhà tôi trong tay và nói “dù sao thì chúng ta cũng luôn luôn ở bên nhau..." Tôi nghe nhà tôi nấc nhẹ và tôi cảm thấy tuyệt vọng và yếu đuối... 

Không gian bỗng trở nên trầm lắng, lạnh lùng. Chúng tôi và đôi vợ chồng đứng tuổi cùng ngồi thẳng dậy, chăm chú nhìn vào đôi vợ chồng trẻ đang ôm chặt nhau như đang lâm vào tình trạng nguy hiểm, người chồng hôn nhẹ lên tóc vợ, tiếp tục kể:

- Trong khoảnh khắc tuyệt vọng đó tôi thoáng nghe có tiếng động cơ dường như phát ra từ trên đỉnh núi. Quá vui mừng, và hy vọng đó không phải là tưởng tượng, tôi đứng lên dùng hai tay làm loa hét lớn. Thế nhưng tiếng của tôi bị tiếng động cơ át đi, và tiếng động cơ đó dường như đang di chuyển xa khỏi đỉnh núi. Bỗng dưng tôi sực nhớ rằng trong túi áo của tôi có chiếc còi…

Vị thuyền trưởng nhỏm người thẳng dậy:

- Chiếc còi! Giống như trong phim Titanic! 

- Vâng thưa thuyền trưởng, giống như trong phim Titanic. Thuở nhỏ, tôi có đi Hướng Đạo và được dạy rằng nên mang theo một chiếc còi mỗi khi đi cắm trại để dùng khi cần kêu cứu hoặc ra dấu bằng âm thanh, và thói quen ấy đã giúp tôi trong lúc nguy hiểm đó. 

Giọng người chồng trẻ trở nên vui vẻ hơn:

- Lúc đó tôi lấy hết sức, hướng về đỉnh núi, thổi còi liên tục cho đến khi tiếng động cơ đến gần và ánh đèn của chiếc xe trượt tuyết chiếu thẳng vào chúng tôi và nghe rõ tiếng người báo cáo “Chúng tôi đã tìm thấy họ… Sẽ đưa họ xuống núi ngay lập tức..." 

Người đàn bà lớn tuổi thở phào như chính bà ta là người ở trong hoàn cảnh đó:

- Sau đó thì anh chị vẫn còn thích đi trượt tuyết đấy chứ?

Người chồng trẻ vỗ nhẹ vai vợ, mỉm cười:

- Vâng, chúng tôi vẫn còn yêu thích môn thể thao đó, nhưng cẩn thận hơn rất nhiều. Không bao giờ lên đỉnh núi khi tuyết đang rơi nhiều, nhất là không bao giờ rời xa đám đông… (lấy ra chiếc còi đang đeo bằng một sợi dây trên cổ) và chúng tôi không bao giờ quên mang theo chiếc còi này.

Vị thuyền trưởng xen vào:

- Quý vị đều biết rằng tất cả áo phao ở trên tàu đều có một chiếc đèn chớp tự động và còi cứu nạn...

Người đàn ông có vẻ mặt rám nắng ngắt lời:

- Đó không phải là sợ hãi. Cũng như anh đã nói, đó chỉ là sự tuyệt vọng. Bởi vì khi có hy vọng anh đã nhớ ra chiếc còi. Sự sợ hãi khiến con người ta không còn trí óc để suy nghĩ, hay nhớ đến điều gì nữa…

Quay sang phía chúng tôi:

- Xem chừng ông là người cứng rắn, có vẻ là một quân nhân, chắc khó có chuyện gì làm ông phải sợ hãi?

Tôi nhướng mày, ngạc nhiên:

- Ông hay thật. Tôi đã làm gì để ông có thể nhận ra tôi là một quân nhân? Đúng ra tôi là một cựu quân nhân. Nhưng tôi cũng như mọi người khác, cũng có lúc cảm thấy bất lực, yếu đuối và sợ hãi…

Cũng vẫn với giọng nói đều đều không cảm xúc, người đàn ông mặt rám nắng lại ngắt lời tôi:

- Thế thì ông cho biết điều gì đã làm ông phải sợ hãi?

Dường như tất cả chúng tôi đều không hài lòng về cách nói chuyện không mấy lịch sự của người đàn ông cao lớn đó, nhưng không ai lộ vẻ khó chịu. Tôi mỉm cười và gật nhẹ đầu ra dấu đồng ý, rồi bắt đầu câu chuyện:

- Vâng, thưa quý vị tôi là một cựu quân nhân và đã từng tham chiến cũng như bị thương. Trong một trận chiến, chúng tôi có nhiệm vụ phải chiếm lại một khu vực đang bị địch chiếm đóng ở bên kia một con suối. Vì là mùa khô nên con suối không có bao nhiêu nước, khoảng dưới đầu gối. Vả lại, con suối đó không rộng lắm, chỉ hơn một sải tay, với một chút cố gắng có thể nhảy qua được. Thế nhưng bên kia bờ suối, địch quân đã bố trí sẵn và chống trả kịch liệt với súng trường và súng máy. Hơn hai tiếng đồng hồ, với hai lần cố gắng nhưng vẫn không vượt qua được con suối và đã có ba binh sĩ bị thương. Cấp chỉ huy ở trên đã lên tiếng thúc dục phải chiếm được mục tiêu và bảo vệ khu vực để làm bãi đáp cho trực thăng đổ quân xuống hầu giải toả vùng địch đang chiếm đóng. Thế cho nên, là sĩ quan chỉ huy, tôi phải liều mình để làm gương cho binh sĩ. Sau khi dặn dò vài người lính bắn bảo vệ, tôi đứng dậy chạy đến sát bờ suối. Thế nhưng, địch quân đã phục kích sẵn ở bờ bên kia, nên khi thấy tôi tiến đến gần bờ suối thì họ ném ngay sang một quả lựu đạn. Tôi nhận ra và nhảy tránh qua một bên, thế nhưng ngay lúc đó lại nghe một tiếng “bịch", và một quả lựu đạn khác rơi liền ngay bên cạnh. Với hết sức mình, tôi nhảy tránh qua phía bên quả lựu đạn lúc trước, đã nổ. Thế nhưng lại nghe một tiếng “bịch" vang lên bên cạnh. Thưa quý vị, sự việc xảy ra quá nhanh và tôi cũng không còn đủ sức, nên sau tiếng “bịch" thứ ba, tôi nằm ngửa người nhìn lên trời chờ tiếng nổ. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, tôi thoáng nhớ đến tất cả những người thân và bạn bè với niềm tiếc nuối và cam phận. Sau tiếng nổ chát chúa ngay bên cạnh, tôi cảm thấy nóng ran một bên mình, nhưng hoàn toàn không đau đớn. Tôi nhận ra là mình còn sống, đồng thời nghe tiếng la hét vang trời của binh sĩ đang ào lên, tràn qua suối tấn công... 

Khi người lính cứu thương đến, tôi cố gắng chống tay ngồi dậy, và cảm thấy là không thể nhấc tay trái lên được. Bấy giờ cảm giác sợ hãi xen với buồn chán ùa đến bao phủ lấy tôi, và tôi không đủ can đảm nhìn qua bên cánh tay trái vì nghĩ rằng: “Tôi đã mất đi một cánh tay trái!” Ngay lúc đó người lính truyền tin cho tôi biết “Trung đội đầu đã chiếm được mục tiêu…” và đưa ống liên hợp cho tôi để báo cáo với cấp trên. Sau đó anh ta nhắc tôi “Thưa Trung Úy, ông có muốn tôi báo cáo rằng ông đã bị thương?" Không hiểu sức mạnh nào đó đã khiến tôi ngồi bật dậy. “Không! Làm thế thì mọi người sẽ lo lắng, sợ hãi..." Người y tá kéo tôi nằm xuống “Trung Úy nằm yên để tôi chùi vết thương..." Tôi bỗng cảm thấy đau buốt ở bên tay trái khiến tôi phải nắm chặt bàn tay lại, và khi đó tôi chợt biết là cánh tay trái của tôi vẫn còn nguyên, hay ít ra cũng không bị tàn phế...

Vẫn với giọng lạnh lùng, người đàn ông có khuôn mặt rám nắng lên tiếng:

- Quả nhiên tôi đoán đúng, ông là một người can đảm và không sợ hãi…

Lần này thì tôi là người ngắt lời:

- Cám ơn ông đã quá khen. Nhưng tôi biết chắc là lúc đó tôi rất sợ. Thực ra là không sợ chết, nhưng sợ mất một cánh tay... 

Người đàn ông mặt rám nắng vẫn lạnh lùng:

- Tôi nói không sai. Và nỗi sợ của ông chỉ là sự tưởng tượng về cuộc đời của người thương phế binh mà thôi.

Lần này thì người đàn bà lớn tuổi tỏ vẻ không bằng lòng:

- Xem ra thì có lẽ chỉ có ông mới biết rõ sợ hãi là gì…

- Đúng thế, thưa bà. Như tôi đã nói, sự sợ hãi khiến cơ thể con người như bị đóng băng và trí óc tiêu tan không còn suy nghĩ gì được cả…

- Ông đã có cảm giác như thế?

- Đúng vậy…

Với đôi mắt dường như nhìn về một quá khứ xa vời, người đàn ông có khuôn mặt rám nắng từ từ kể:

- Tôi là người thích phiêu lưu, mạo hiểm. Có thể nói là tôi đã đi đủ năm châu, bốn biển. Tôi đã thoát nạn cọp vồ ở khu rừng Ấn Độ, bị hải tặc cướp và vứt xuống biển ở ngoài khơi bờ biển Trung Hoa, bị kẹt giữa lằn đạn của một cuộc chạm súng giữa phe chính phủ và phe nổi loạn ở khu rừng Nam Mỹ, sống sót sau trận bão cát lớn nhất ở sa mạc Trung Đông... Nhưng trong những lần đó, tôi chưa có cảm giác thực sự của sợ hãi, vì tôi lúc nào cũng cố tìm cách thoát nạn. Thế nhưng sự sợ hãi đến với tôi lại là một lần ở tiểu bang Louisiana, miền nam nước Mỹ…

Người đàn bà lớn tuổi bật cười:

- Ông muốn nói đến chuyện ma quỷ hay bùa chú gì hả?

Như không thèm để ý đến câu nói có vẻ chế nhạo đó, người đàn ông cao lớn vẫn, với giọng đều đều, tiếp tục kể:

- Cách đây cũng khoảng hơn năm năm về trước, với sự tò mò về các lời đồn đãi về những chuyện lạ lùng, kỳ bí ở vùng rừng rậm, đầm lầy ở miền nam, tôi quyết định vác ba-lô đến tận nơi để xem. Sau khi tìm được một gia đình ở gần vùng đầm lầy đồng ý cho tôi ở trọ và sẽ hướng dẫn đi vào những nơi tôi muốn ghé thăm, tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho một cuộc thăm viếng dài hai tuần lễ. Tôi đến Louisiana vào một buổi chiều mưa dầm. Trên đường từ phi trường đến căn nhà trọ, người tài xế xe taxi luôn mồm phàn vì trời mưa, đường xá xa xôi, tối tăm... và chỉ im lặng sau khi tôi hứa sẽ cho anh ta một khoảng tiền “tip" xứng đáng để bù đắp cho công lao của anh ta - và cũng để cho đôi tai của tôi đỡ phải nghe những lời phàn nàn của anh ta trong quãng đường còn lại. 

Khi tôi gõ cửa căn nhà trọ thì ngoài trời bắt đầu mưa nặng hạt và thỉnh thoảng có những tia chớp từ xa. Qua áng sáng của lằn chớp, tôi thấy khu nhà ở rất thưa thớt, mỗi nhà cách nhau một khoảng khá xa và chung quanh rất nhiều cây cối. Mở cửa đón tôi là một thanh niên rất trẻ, chưa tới hai mươi tuổi. Vừa bước vào trong nhà thì tôi đứng sựng lại, vì đang đứng giữa nhà là một người đàn ông to lớn với hàm râu quai nón rậm rạp và đôi mắt lồi như xắp rơi ra ngoài, trên tay đang cầm một khẩu shotgun - loại súng tầm ngắn, bắn ra chùm đạn bi thường dùng để săn vịt trời hay gà tây - bên cạnh ông ta là một thanh niên khoảng trên hai mươi, trên tay cầm một con dao đi rừng loại dài. Bên góc nhà, hai người đàn bà có vẻ là mẹ con đang quấn mình trong chăn, ngồi sát vào nhau, co ro, sợ hãi. Tôi không hiểu là chuyện gì, thế nhưng chợt nhớ ra là khẩu súng ngắn và con dao phòng thân vẫn còn nằm trong chiếc hộp sắt ở trong va-li. 

Như đoán ra sự e ngại của tôi, người đàn ông tươi cười gác khẩu súng dựa vào tường phân trần “Thật không may cho ông, chúng tôi đang phải đối phó với một chuyện khó khăn vừa bất chợt xảy ra..." Tôi lấy lại được bình tĩnh và hỏi “Chuyện gì, thưa ông" thì ông ta vắn tắt cho biết là hai năm về trước ở khu này có một con quỷ thường xuất hiện ở những đêm mưa bão, chuyên bắt thú vật như chó, mèo và ngay cả đàn bà con gái yếu đuối để ăn thịt. Ông chỉ con chó già đang nằm cạnh lò sưởi và cho biết nó là một trong ba con chó của ông còn sống sót sau khi đánh nhau với con quỷ, đứa con gái ông vẫn còn mang vết sẹo dài sau lưng và người con trai của ông, người đang cầm con dao dài, cũng có một vết sẹo lớn ở bắp đùi vì bị nó cắn. Khi đó ông đã bắn nó bị thương, nên đêm nay nó sẽ trở lại để báo thù. Tôi hỏi sao ông ta biết là đêm nay nó lại đến. Ông ta nói hôm qua bên hàng xóm cho biết con chó của họ bị mất tích, và hồi chiều lúc ra sau vườn ông có ngửi thấy mùi hôi của con quỷ đó, một mùi đặc biệt và rất khó chịu. Đêm nay lại có mưa to thì đúng là dịp nó đến để trả thù. 

Ngay lúc đó, một tia chớp lóe lên, con chó đang nằm bên lò sưởi bỗng đứng bật dậy, ngửa cổ tru lên một tiếng dài. Người đàn ông với tay lấy khẩu súng đang dựa bên tường, chĩa về phía lò sưởi. Người thanh niên trẻ hai tay cầm hai con dao sáng loáng cùng người anh bước đến đứng gần mẹ và chị để bảo vệ. Tiếng người con gái rít lên trong sợ hãi “Nó đến rồi, nó đến rồi..." Con chó lúc này gần như đứng dựng bằng hai chân sau, hướng về phía lò sưởi, gân cổ tru thật lớn. Trong cơn hoảng loạn, tôi quỳ xuống mở vội va-li, lấy khẩu súng tay, lên đạn, mở khóa an toàn... Vừa đứng dậy thì nghe một tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ khẩu súng của ông chủ nhà. Tiếng nổ quá gần, như sát bên màng tai, tôi chỉ thấy ánh lửa lóe sáng từ nòng súng và máu bay tung tóe lên vách lò sưởi... rồi tất cả trở nên yên lặng. Cái im lặng thật lạnh lùng, ghê rợn.

Người đàn ông đột nhiên ngừng kể. Vị thuyền trưởng là người đầu tiên lên tiếng thắc mắc:

- Nhưng mà điều gì làm cho ông sợ?

Một vài giây yên lặng, rồi không hiểu vì lý do gì, người đàn ông quay lưng như muốn đi về hướng mũi tàu, tiếng nói trở nên đứt quãng, buồn nản và xa vắng:

- Tiếng nổ kinh hoàng ngay sát bên tai… khiến tôi tê cứng người... không còn trí óc để suy nghĩ… rồi chìm vào im lặng… đó là điều làm tôi sợ... đó mới chính là sự sợ hãi...

Vị thuyền trưởng nhún vai, hướng về tôi với đôi mắt có vẻ như dò hỏi. Đôi vợ chồng trẻ dường như cũng chờ tôi góp ý kiến vì vừa được biết là tôi đã từng quen thuộc với tiếng súng, tiếng nổ. Trong khi tôi đang cố nghĩ một câu trả lời tế nhị và lịch sự, thì “choang" người đàn bà đứng tuổi làm rơi ly rượu trên tay, há hốc mồm ú ớ không rõ tiếng, và tay chỉ về phía người đàn ông vừa bỏ đi. Ánh trăng và đèn vẫn soi sáng trên boong tàu, theo hướng tay chỉ của người đàn bà đứng tuổi, chúng tôi thấy rõ người đàn ông đó đang đi, hay nói đúng ra là đang lướt đi nhẹ nhàng, chậm chạp trên boong tàu. Ngay trước mắt chúng tôi, vẫn thân hình cao lớn và chiếc áo khoác của người thám hiểm, nhưng thiếu cái đầu, và cái hình người không đầu ấy đang nhẹ nhàng lướt đi dưới ánh trăng, chân không chuyển động, không chạm sàn tàu.  Một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu “ảo thuật", tôi tính hô lên thật to để trấn an mọi người, nhưng mới chỉ phát âm được chữ “Á..." thì trước mắt tôi, ánh trăng đang từ từ xuyên qua thân hình của người đàn ông kỳ lạ đó. Và trong khoảnh khắc, cả thân hình không đầu của ông ta tan biến vào không trung, không để lại một dấu vết hay tiếng động nào cả.

Bây giờ thì tôi cũng há hốc mồm như mọi người, và những người đàn bà thì ôm chặt vào chồng, những âm thanh mang vẻ sợ hãi rít qua kẽ răng, thay cho những tiếng thét hoảng sợ...

Một vài phút nặng nề trôi qua, vị thuyền trưởng vẫn là người lên tiếng sớm nhất:

- Thưa quý vị, có lẽ là chúng ta đều đồng ý là vừa nghe và thấy một chuyện kỳ lạ, khó tin, bởi vậy cũng không nên kể lại cho người khác nghe...

Cả sáu người chúng tôi đều gật đầu đồng ý. Để đánh tan bầu không khí nặng nề vẫn còn bao trùm chung quanh, tôi cố pha trò:

- Có lẽ chúng ta nên vào trong cho ấm, và nhất là không nên uống thêm ly rượu nào nữa…

Trước khi cánh cửa ngăn cách trong và ngoài boong tàu khép lại sau lưng, không hiểu có ai, ngoài tôi ra, nghe dường như có tiếng cười rất nhẹ lẫn trong tiếng sóng biển rì rào.

Duy Thanh

Powered by Blogger.