Header Ads

Làm Sao Để Bắt Buộc Trung Cộng Tuân Hành Thỏa Thuận Thương Mại Sau Khi Ký Kết

Lâm Viên 
chuyển ngữ

Những tin tức về việc đàm phán thương mại cùng với việc Tổng thống Donald Trump kéo dài thời hạn cuối, ngày 2 tháng 3, đã khiến sự lạc quan đang gia tăng về việc Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ có thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài cả năm qua.

Một trong những trở ngại lớn nhất giữa hai quốc gia là sự thiếu tin tưởng, chìa khóa để thành công cho bất kỳ một cuộc đàm phán nào. Chính phủ của ông Trump đã khẳng định rằng một cơ chế thực thi mạnh mẽ (strong enforcement mechanism) phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào. Nhưng cơ chế này sẽ như thế nào?

Amitrajeet A. Batabyal, giáo sư Kinh Tế Học của viện đại học Rochester Institute of Technology, cho rằng câu trả lời cho câu hỏi hóc búa trên có thể rút ra từ kinh nghiệm của một cơ quan quốc tế mà tổng thống Trump vẫn coi thường: Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (the World Trade Organization - WTO).

Những từ ngữ trống rỗng?

Từ quan điểm của Mỹ, một vấn đề quan trọng là trong quá khứ, Trung Cộng đã đưa ra đủ loại lời hứa, ký kết trên giấy tờ, để giải quyết các mối quan tâm của Hoa Kỳ, nhưng sau đó lại không thực hành. Hoặc, Trung Cộng đã kéo dài thời gian để thực thi lời hứa, cho đến khi thi hành thì, rốt cuộc, cũng chẳng tạo được một chút khác biệt nào.

Giáo sư Batabyal đưa ra một số ví dụ về việc không giữ lời hứa của Trung Cộng như sau.

Khi Trung Cộng gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2001, họ đã được xem là "quốc gia đang phát triển - developing country." Điều này cho phép Trung Cộng đánh thuế cao đối với hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ và Châu Âu, ngay cả khi họ đã được hưởng lợi từ thuế thấp đối với hàng xuất cảng của họ.

Sự hiểu biết tại thời điểm đó là khi nền kinh tế của Trung Cộng phát triển, họ sẽ dần dần áp dụng các nguyên tắc kinh tế dựa trên thị trường (market-based) và cam kết tuân thủ với các nguyên tắc căn bản của thương mại tự do hóa và toàn cầu hóa (liberalized trade and globalization). Thế nhưng những điều này đã không xảy ra.

Một thời gian sau khi Trung Cộng gia nhập WTO, họ đã áp dụng mức thuế từ 21% đến 30% đối với xe hơi nhập cảng. Chỉ trong tháng 12 vừa qua, dưới áp lực của các cuộc đàm phán thương mại hiện tại, cuối cùng Trung Cộng đã đồng ý giảm thuế quan xuống còn 15%. Ngược lại, thuế quan tương ứng của Hoa Kỳ đối với xe nhập cảng của Trung Cộng từ lâu chỉ là 2.5%.

Tổng quát hơn, cũng sau khi trở thành thành viên của WTO, Trung Cộng hứa sẽ mở rộng thị trường cho các công ty ngoại quốc về các ngành ngân hàng, viễn thông và điện tử. Nhưng hành động trong các lĩnh vực này hầu như không có hoặc chỉ nửa vời.

Ngay cả bây giờ, ngành kỹ nghệ viễn thông của Trung Cộng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước và họ đã thành công trong việc ngăn chặn Facebook và Google cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn Hoa Lục.

Mối quan tâm về độ tin tưởng vào Trung Cộng không chỉ giới hạn trong các vấn đề kinh tế và kỹ nghệ. Để thấy điều này, hãy nhớ rằng trong chuyến thăm viếng ở cấp bực quốc gia tới Hoa Kỳ vào năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo trên các rạn san hô đang tranh chấp mà Trung Cộng đang xây dựng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đã có bằng chứng rõ ràng rằng họ Tập đã làm ngược lại với lời hứa đó, bằng cách quân sự hóa các đảo san hô mà họ đã cưỡng chiếm.

Buộc Trung Cộng phải giữ lời cam kết

Với tất cả những điều đã trình bày ở trên, giáo sư Batabyal tin rằng Hoa Kỳ không thể ngây thơ để đồng ý với những lời hứa rỗng tuếch của Trung Cộng trong lần đàm phán thương mại này mà không có xếp đặt trong đó một cơ chế thực thi mạnh mẽ trong bất kỳ một thỏa thuận nào. (1)

Thật vậy, bản thân các nhà đàm phán dường như hiểu rõ điều này, nhưng khó khăn trong việc tìm ra cách bắt buộc Trung Cộng phải thực thi bất kỳ thỏa thuận nào - cả quá khứ và hiện tại - đang khiến cho việc đi đến thỏa thuận trở nên khó khăn hơn. Và đó, là nơi mà WTO và các cơ chế thực thi của họ có thể được dùng một cách có hiệu quả.

Ví dụ, Trung Cộng đã đồng ý với một cơ chế của WTO. (2) Quy tắc thực thi này cho phép một quốc gia tự động đánh thuế đối với một số hàng hóa và dịch vụ của Trung Cộng nếu thị trường nội địa bị tổn thương bởi loại hàng nhập cảng đó. Thật không may, giống như hầu hết các quy tắc của WTO, quy tắc này có một cuộc sống giới hạn và bị lờ đi vào cuối năm 2013. Mặc dù cơ chế này đã không được sử dụng thường xuyên, Tổng Thống Barack Obama đã dùng nó trong năm 2009 để áp đặt thuế quan đối với vỏ bánh xe made-in China, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất của Hoa Kỳ.

Nếu một cơ chế thực thi như vậy được gắn liền với một thỏa thuận thương mại, thì Hoa Kỳ sẽ không phải khiếu nại trước một số cơ quan quốc tế trước khi họ trả đũa Trung Cộng. Thay vào đó, khi phải đối mặt với một hoặc nhiều lời hứa bị vi phạm, Hoa Kỳ sẽ có quyền hợp pháp để đơn phương hành động, buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm.

Như đã trình bày ở trên, vì các cuộc đàm phán hiện tại là giữa hai quốc gia có chủ quyền, mấu chốt là đưa ra một cơ chế thực thi phù hợp với cả Hoa Kỳ và Trung Cộng. Thì sau đó, kết quả của một thỏa thuận thương mại tự nó sẽ được thực thi một cách nghiêm túc.

Vì Hoa Kỳ và Trung Cộng đều là thành viên của WTO, một cơ chế thực thi khác nhưng ít mạnh hơn sẽ có thể dùng để giải quyết tranh chấp hay bất đồng nào của đôi bên có thể phát sinh sau khi đạt được thỏa thuận. Hoa Kỳ đã thành công trong quá khứ khi sử dụng cơ chế WTO này để buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm -- Trường hợp Trung Cộng áp đặt thuế quan lên gà nhập cảng từ Hoa Kỳ. (3)

Một thỏa thuận xứng đáng được ghi trên giấy tờ

Tôn Tử đã từng nói rằng "ngay ở giữa sự hỗn loạn, cũng vẫn có cơ hội - in the midst of chaos, there is also opportunity."

Hoa Kỳ hiện có cơ hội kết thúc một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa với Trung Cộng có kèm theo cơ chế thực thi mạnh mẽ bên trong. Do đó, các nhà đàm phán của Hoa Kỳ nên nắm bắt cơ hội này và bảo đảm rằng thỏa thuận này không chỉ bao gồm bởi những lời hứa rỗng tuếch của Trung Quốc.

Nếu không thì đây sẽ không phải là lần cuối cùng một tổng thống Hoa Kỳ nổi giận về các hoạt động giao dịch không công bằng của Trung Cộng.

Lâm Viên
chuyển ngữ

Tham khảo:

WTO offers Trump a solution to enforcing a trade deal with a China that breaks promises
https://theconversation.com/wto-offers-trump-a-solution-to-enforcing-a-trade-deal-with-a-china-that-breaks-promises-112488

Chú thích:

(1) False Promises: The Yawning Gap Between China’s WTO Commitments and Practices
https://itif.org/publications/2015/09/17/false-promises-yawning-gap-between-china%E2%80%99s-wto-commitments-and-practices

(2) WTO successfully concludes negotiations on China's entry
https://www.wto.org/english/news_e/pres01_e/pr243_e.htm

(2) WTO Sides With U.S. In Poultry Dispute With China
https://www.npr.org/2013/08/05/209097983/wto-sides-with-u-s-in-poultry-dispute-with-china

Powered by Blogger.