Header Ads

Ô Đi Xa!


Người Việt tị nạn đến định cư tại Úc, 1979 - http://www.abc.net.au/local/stories/2010/01/07/2787303.htm


Trong thời gian gần đây, những câu chuyện liên quan đến người Việt tị nạn của thập niên 70s, 80s lại có dịp trở lại trong cộng đồng người Việt, qua việc dân của các nước vùng Trung Mỹ (Central America) đã họp lại thành đoàn caravan để vượt qua Mễ và tiến vào Hoa Kỳ.

Đến nay, cũng đã hơn 3 thập niên tính từ ngày đầu tiên của thảm nạn vượt biên của người Việt tị nạn. Khi đến được bến bờ tự do, dù có bị tổn thương không bao giờ lành lại được sau cuộc vượt biên kinh hoàng, dù vẫn chưa phục hồi sau thời gian mòn mỏi nơi các trại tị nạn, thì bước chân đầu tiên của người tị nạn đặt lên đất nước mới đã là bước chân khởi đầu trong một "hành trình ngàn dặm" xây dựng lại cuộc đời mới của họ.

Không phải là điều tuyệt đối, nhưng tại Hoa Kỳ, mọi người, không phân biệt tị nạn hay dân bản xứ, đều có được cơ hội để tiến tới, vươn lên bằng nỗ lực của từng cá nhân một.

Đặc San Lâm Viên xin mời quý vị trở lại cùng với "những bước chân âm thầm" của những người tị nạn lơ ngơ phải lần mò từng bước trong thời gian đầu mới định cư tại nước Mỹ, qua đoản văn của 3T viết về câu chuyện ngắn của một dân tị nạn "Ô Đi Ghe" sang tới Mỹ định cư đã phải chuyển thành... "Ô Đi Xa!"

3T

Lóng rày, truyền thông báo chí, dòng chánh cũng như dòng tà, chộn rộn quá chừng chừng vì mấy chuyện... "di tản chiến lược" đi theo từng đoàn caravan của dân mấy xứ vùng Trung Mỹ vượt biên giới qua Mễ để đi qua hành hương... bên Mỹ!

Rồi thấy trong phe ta cũng có nhiều mạng muốn làm nhà báo... hại, khơi khơi quăng đại ra mấy lời bình loạn là dân Việt Nam tị nạn từ hồi sau 30/4/75 cũng giống y chang như... di dân lậu!

Mẹc xà lù! Thời buổi này trên Internet có thiếu giống gì tin tức hay ho. Mà hổng biết sao mấy ông, mấy thày này hổng chịu leo lên Google đi kiếm tin tức chính xác để đọc. Ráng đọc cho tới chừng nào hiểu cho đàng hoàng rồi mới nên tính chuyện... lập ngôn! Hồi đó, cũng đâu có trễ nải gì? 

Còn như mà chỉ toàn là ngồi không lo gãi... đầu (?!) rồi phun đại ra mấy chuyện tào lao, thiên địa theo kiểu âm binh thần tướng rờ mu rùa nói toàn chuyện tề thiên đại thánh, thì thiệt là quá tệ!

Ngó mấy chuyện đó làm 3T tui muốn bịnh luôn. Thấy trong lòng bịn rịn kiểu... nắng chia, nữa bãi chiều rồi (!) dữ lắm. Bị vậy nên mới có màn cà xịch cà đụi mò theo mấy con đường xưa lối cũ đi kiếm lại cái bộ nhớ cũ rích xa lắc xa lơ của tui thời còn là dân tị nạn để mở ra coi lại.

Ngồi buồn, lấy ra bộ nhớ xa xưa, mở chuyện cũ ra coi lại, thấy sầu đời quá xá. Để cho bớt bứt rứt, bữa nọ 3T tui có viết bài Vượt Biên 2.0 để cho thấy vượt biên "Ô đi ghe" và "Ô đi bộ" nó khác với "phiên bản" "Ô đi Van" của dân bên xứ Central America ở chỗ nào.

Nhưng mà thôi, bữa nay cho qua phà mấy chuyện "Ô đi Van" đó đi để ôn lại chút chút mấy chuyện của người Việt mình. Mà nói tới đời tị nạn, thì mọi chuyện đâu có chấm dứt sau hồi cầm được tờ giấy của Cao Ủy Tị Nạn xác nhận là dân tị nạn để lên đường đi định cư!

Dù là dân "Ô đi ghe" hay "Ô đi bộ", thì ngay hồi đặt chưn lên tới xứ sở mới là trở thành dân... "Ô-đi-xa" hết ráo! Và hồi đó chuyện định cư của dân Ô-đi-xa mới thiệt sự là bắt đầu. Chữ Ô-đi-xa này là do tui mới chế đại ra để nói tới chuyện thời... hậu Ô đi ghe, hậu Ô đi bộ, chớ hổng có dám làm màu lấy ra từ Odyssey, đâu nha quý vị!

Nói cho ngay tình, ngoại trừ mấy mạng đẻ bọc điều, đi định cư mà có lận lưng đem theo tiền tỉ đô la Mỹ, hoặc mấy mạng làm biếng có license núp bóng dài hạn sau mấy thứ trợ cấp, là có thể lè phè, còn ngoài ra dân tị nạn loại người phàm Ô-đi-xa mà tới "vùng đất hứa" Hoa Kỳ này, thì trong cỡ 5-6 năm đầu, là tối trời, là đi cày chết bỏ.

Như cái thằng 3T tui, hồi mới qua Mỹ, nói tới tiếng Anh thì "nhuyễn" nhứt là động từ “To Quơ.” Nghề chuyên môn thì có biết gì đâu. Cao thì leo hổng tới, mà thấp thì chun qua hổng lọt. Nói đâu xa, ngay như chuyện đi cắt cỏ kiếm sống, thì hồi đó kiếm đâu ra tiền để mua máy cắt cỏ?  Bị như dzậy, cho nên phải đi làm mấy công chuyện thuộc loại... mì ăn liền!

Công chúa nhỏ xứ cờ hoa

Cái zốp đầu tiên của tui hồi đó là làm nhà hàng. Mấy thằng quỷ mà tui mới quen vì mướn ở chung nhà, qua Mỹ sớm hơn, tụi nó nói là nhà hàng mà có chủ là dân Việt Nam hoặc Chi-Ni-Tô (là chệt đó mà, nói theo kiểu tiếng... Mễ!) thì đừng có làm, vì đám này là tổ sư trả lương rẻ mạt và bắt làm bạo.

Mấy thằng bạn mới này chở tui tới xin làm tại tiệm fast food. Vô làm mấy tiệm đó còn có cơ học thêm tiếng Anh nữa. Nghe có lý, nên tui ừ lẹ. Mới vô làm, cũng bị ể mình dữ lắm. Tiếng Mỹ 10 phần, thì hiểu trật hết 7, 8. Nói thì cà lăm, nghe thì không lọt. Làm trật vuột bị cự nự miết. Phải làm mặt lì, ủi tới tiếp... Chớ biết sao bây giờ? Riết rồi từ từ thì tiếng Anh cũng khá thêm chút chút.

Hồi đó tui làm ca đêm, 10:00 giờ đêm tới 6:00 giờ sáng. Làm ở đó, có một mình tui là dân Á Châu. Còn lại thì Mễ có, Mỹ có, đen có, trắng có. Trong đó có con nhỏ tên Samantha, kêu tắt là Sam. Mới học xong high-school, nó nhỏ xíu cỡ mấy đứa con bà chị của tui. Cũng thuộc loại nhỏ con, nhưng mà con nhỏ này nó siêng lắm. Thấy nó còn nhỏ, trong chỗ làm tụi tui kêu nó là... little princess!

Có bữa, con nhỏ Sam này khiêng thùng nước đá bự tổ chảng. Thấy nó gồng mình, lên gân tay, mà tướng tá thì có chút xíu, ngó cũng tội tội. Tình thiệt, 3T tui hỏi nó: Sam, you need help?

Tưởng là nó mừng vì có người tới phụ làm chuyện nặng, ai dè con nhỏ này nó quay qua tui nói:  Thanks but no thanks, I've got paid to do my job.  [Tui lãnh lương để làm chuyện này.]

Kỳ đó mới qua, chưa quen với kiểu "nói thẳng, nói thiệt” của đám Mỹ, nghe con Sam này nói vậy thấy "dễ xa nhau" thiệt. Nhưng nghĩ chắc nó mới lớn, chuyện đời hổng biết ất giáp gì hết, cho nên tui cũng hổng có nghĩ sâu xa chi thêm cho mệt.

Sau hồi lâu làm việc chung, mới biết ra là con nhỏ Sam này nó làm công chuyện hết mình. Khi đó, tui mới thấy thấm ý câu nói mấy bữa trước của nó. Dù còn nhỏ xíu, nó đã cho tui một bài học đáng đồng tiền bát gạo tại xứ Mỹ về sự tự trọng và nam nữ bình đẳng.

Đi làm, thì làm đàng hoàng. Hổng có màn ỷ là đàn bà con gái “chưn yếu, tay mềm,” rồi tối ngày lo nhăn răng "cười duyên" và ẹo tới ẹo lui “nhờ” đám đực rựa làm chuyện của mình, trong khi tiền lương lãnh ra thời nhét túi riêng. Chơi dzậy, hổng fair. Tới bây giờ, mấy chục năm sau mà tui vẫn còn nhớ rõ bài học từ con nhỏ 'little princess' Samantha thời còn làm trong tiệm fast food.

Hoàng tử nhí xứ con Rệp

Cũng tại tiệm fast food đó, khúc sau có đứa xin vô làm. Thằng này cũng còn nhi đồng. Là dân Trung Đông, tên nó là Amir. Ngó dân Trung Đông đứa nào cũng giống nhau râu ria lùm sùm, cho nên mấy đứa Việt Nam tụi tui ưa kêu chung là mấy thằng Rệp (Arab).

Xứ của thằng Amir chắc hồi xưa là thuộc địa của Ăng Lê, nên nó nói tiếng Anh nghe rất giống... Ấn Độ! Đi làm cho tiệm fast food mà thằng em này khoái lên đồ cho ngon, chải tóc láng coóng. Mấy đứa trong chỗ làm cho nó một nick name là "young prince."

Thằng hoàng tử nhí xứ Rệp này còn có nghề coi phong thủy, nó ưa "bắt mạch" dữ lắm. Thấy tui ít nói tiếng Mỹ, mà cái bản mặt ngó bộ coi cũng hổng mấy sáng láng, cho nên thằng em này nó khoái tính chuyện leo lên đầu của tui để ngồi trên đó lắm.

Làm tiệm ăn, thì đứa nào cũng né cái màn dọn cầu tiêu. Bởi vậy, anh supervisor, tên là Gregory (Greg), người Mỹ đen, phải lên danh sách rõ ràng, mỗi đứa phải thay phiên chùi cầu tiêu. Ngán nhứt là đêm thứ Sáu vì mấy đứa đi chơi khuya kéo về nườm nượp. Ăn uống đã đời rồi là có màn... xả ra. Bởi dzậy cái cầu tiêu bữa đó tèm lem. Dơ trời sợ!

Có lần tới bữa tối thứ Sáu, tới phiên tui chùi (mop) sàn nhà. Tới giờ đi chùi nhà, ngó lại thấy sàn nhà sạch boong. Dữ hông? Thằng nào làm giùm mình vậy ta? Đứa nào mà tử tế goá dzậy nè? Coi lại bảng phân công, thì thấy tui đúng là đứa chùi nhà. Còn “dọn bãi" là thằng hoàng tử nhí của xứ Rệp.

Đã từng sống bên Việt Nam với đám dzịt cồ, mà hổng lẹ làng thì 3T tui chỉ có nước đi bán muối mất tiêu rồi. Bởi dzậy, ngó sơ qua cái bảng phân công là tui biết liền âm mưu ma giáo của thằng Amir: Hoàng tử Rệp này nó tính “bán cái” cho tui để gánh mấy chuyện dơ đời cho nó.

Tui còn nhớ là hồi đó tui lầm bầm trong bụng: Tổ cha thằng Rệp này! Bữa nay là mày tới số con rệp. Ghẹo trúng anh hai mày là tao, thì tao cho mày chạy sút... giày luôn, giống như hồi mấy thằng Do Thái nó rượt tui bay chạy bắn khói ngoài sa mạc hồi kỳ chiến tranh sáu, bảy ngày gì đó.

Thằng hoàng tử Rệp này chắc hổng biết tới chuyện ông tướng một mắt lừng danh của Do Thái, Moshe Dyan. Hồi còn chiến tranh, có lần Moshe Dyan qua Việt Nam quan sát chiến trường, chắc để tính làm cố vấn hoặc viết sách chi đó. Bay tới bay lui đã đời, tới hồi sắp quay về Do Thái, phóng viên hỏi ổng có nghĩ ra được chiêu số nào để giải quyết chiến tranh Việt Nam hông. Thì Tướng Moshe Dyan này trả lời bằng một câu nghe bù trớt. Ổng nói, hên tận mạng cho Do Thái là có mấy chục triệu người của mấy nước láng giềng là dân Ả Rập, chớ hổng phải là... dân Việt Nam! 

Phải chi thằng hoàng tử Rệp này biết thêm chút xíu chiện lịch sử thì chắc nó cũng biết nể mặt dân Việt Nam và để cho 3T tui được yên ổn, lo làm ăn kiếm sống chút đỉnh.  Ai dè...

... Tới hồi hừng sáng, gần hết ca làm, ông thần supervisor đi kiểm soát chuyện làm vệ sinh. Xớn xác mở banh cửa, bước vô cầu tiêu, sếp Greg bị dội ngược.

Ngó thấy tèm lem mọi thứ bây banh trong đó, thằng Greg nó sủa tiếng... Fáp tưng bừng.

Nó la rần trời:  F*.. it!  Thằng F*... nào làm cầu tiêu mà sao giờ này còn nguyên xi bốc mùi um sùm dzậy nè?

Hồi đó, tui tửng tửng ngó lơ để coi thằng hoàng tử xứ Rệp này nó làm cái gì. 

Nghe Greg hỏi, thằng Amir lẹ lẹ la làng: Thằng 3T đó. Nó chưa làm!

Thằng Greg đổ quạu:  3T! Tại sao mày chưa làm?

Giả ngu, làm bộ hổng biết gì hết, tui trả lời, giọng ngọt sớt nghe giống như... em hiền như ma soeur: Greg, trên bảng phân công của mày, bữa nay tới phiên tao chùi nhà. Amir là thằng dọn cầu tiêu.

Thằng Greg: Dzậy hả? Amir đâu? Vô chùi cầu tiêu đi, mày.

Hoàng tử Rệp tới hồi đó xuống nước, nói giọng ướt nhẹp: Tao chùi sàn nhà cho thằng 3T rồi.

3T tui nói kiểu móc họng:  Amir, mày đọc tiếng Anh được hông?  Bữa goa, tao làm cầu tiêu rồi. Bữa nay tới mày.

Hổng để hoàng tử Rệp kịp phân trần gì thêm, Greg ra lệnh: Amir, vô chùi cầu lẹ đi mày. Hết giờ rồi.

Thằng hoàng tử xứ Rệp này xếp re, lẹ lẹ đeo găng tay, xách cọ đi vô "dọn bãi." Mặt mũi nó xụi lơ, ngó giống như mấy thằng mới té giếng.

Tới hồi Amir trở ra, ngang qua đám tụi tui đang cà nhỏng sắp về, tui phang thêm một cú cho nó nhớ đời: Thank you for your... kindness! Cám ơn mày đã... tử tế! Cha con mấy đứa đứng đó cười rần.

Công nương xứ Mễ

Ở Mỹ thêm mấy năm, tiếng Anh khá thêm chút chút, tui bỏ nhà hàng, chạy qua làm operator bên hãng chế mấy con chip bán dẫn ở Los Angeles, Nam California. Dân làm hãng đó toàn nói tiếng Xì-pa-nít. Đứa thì gốc Mễ, đứa thì El Salvador... Còn nói tiếng Việt thì ở đó chỉ có ba đứa thôi.

Supervisor của tụi tui là một bà nội sồn sồn, tên Joanna, xí xọng số một. Chỗ tui làm có nhiều lò nướng mấy con chip. Lò nóng dữ lắm, tới hơn 1,000 độ F, cho nên chị Joanna này rất khoái bận đồ... mát mẻ. Tui đặt tên cho chị này là "công nương xứ Mễ."

Thuộc loại uống sữa voi, cho nên mấy chỗ có đồi, có núi coi cũng phốp pháp. Có cái gì dính trên mình công nương, thì cái đó đều thuộc loại... king size. Kẹt một cái là công nương này đi tới đâu là mấy thứ tòng teng trên mình đều... sàng sê qua lại giống như con lắc của cái đồng hồ bự tổ chảng ở trước nhà thờ Đức Bà đang tưng tới, tưng lui để đếm giờ. Đẻ ra tại Mỹ, chị hai Joanna này nói tiếng Anh nhuyễn nhừ mà tiếng Spanish cũng hết xẩy.

Có lần 3 đứa Việt Nam tụi tui gặp giờ break time tụ lại nói dóc bằng tiếng Việt. Thì khi đi ngang qua, công nương xứ Mễ Joanna này cười cười, bỏ nhỏ: English Only!  (Nói tiếng Anh mà thôi!)

Nghe nói vậy, tui muốn đổ cọc liền. Mấy đứa Mễ nói tiếng Xì-pa-nít um sùm trong chỗ làm thì hổng sao, tới hồi mấy đứa tui nói tiếng Việt, thì con mụ bà chòi gốc Mễ này lên giọng xổ nho. Dzậy là sao?

Nhưng nhớ tới lời ông bà: Có nhịn, có lành. Sùng trong bụng dữ lắm, nhưng tui cũng ráng làm thinh. Còn hai đứa kia, tụi nó kính lão đắc thọ. Thấy tui nín khe, tụi nó cũng im re luôn.

Kẹt một cái, ở đời mà, mình nhịn một, thì chúng xấn tới đòi hai. Mấy bữa sau, cũng y chang, tụi tui đang ngồi nghỉ, nói tiếng Việt với nhau, cũng hổng có ồn ào gì, nói vừa đủ nghe thôi. Vậy mà đi ngang qua, con mụ này cũng nói trổng: English Only!

Cái này kêu bằng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, đó nha. Thôi kệ, ráng làm đẹp thêm cái nữa coi sao.  3T tui cũng tiếp tục làm thinh thêm lần nữa.

Bữa kế tiếp, đi ngang qua, tới trúng giờ, con mụ Joanna này nó mở đài phát thanh: English Only!

Công nương xứ Mễ này mới nói hết câu, thì 3T tui “lịch sự” hỏi lại:  Hey Joanna, bà làm ơn chỉ cho tụi tui biết chánh sách nào của hãng mình bắt nhân viên nói chuyện bằng tiếng Anh không mà thôi.

Mới nghe nói tới company policy là con mụ công nương xứ Mễ Joanna này hết hồn, tái xanh mày mặt. Ở xứ Mỹ này, làm sếp lớn mà lạng quạng để bị thưa là kỳ thị người cấp dưới khác màu da, mà có chứng cớ đàng hoàng, thì bị lãnh thẹo là cái chuyện chắc ăn như bắp. 

Thất kinh, công nương Joanna này tắt đài, cười cầu tài: I am just kidding! (Tao chỉ nói giỡn thôi.)

3T tui cũng nhăn răng cười theo: Oh, yeah? I am kidding, too. Dzậy hả? Thì tui cũng nói giỡn chơi.

Thiệt tình, vì hổng chịu nổi mấy chuyện kỳ thị cà chớn chống xâm lăng của mấy anh dzịt cồ, nên mới xâm mình leo lên ghe vượt biên, chín phần chết, một phần sống. Mà rồi hên quá là hên, mới tới được xứ Hoa Kỳ. Hổng có muốn gây lộn gây lạo với ai, lo ăn hiền, ở lành để lập lại cuộc đời mới ở Mỹ. Dzậy mà cũng còn bị hù hè chèn ép, thì còn khuya mới có chuyện nhịn!

Dân Ô Đi Ghe đụng con cháu... Ô Mã Nhi!

Mấy năm sau, 3T tui di tản lên khu Silicon Valley, Bắc California. Xin vô làm trong hãng computer. Ở hãng này, con cháu Ô Mã Nhi của nhà Đại Hán đông như bên... Hoa Lục! Hổng rành văn hóa của mấy người Tàu, nhưng in hình như mấy anh chị gốc Tàu coi bộ đều nghĩ là ở trong sở thì Nhứt Sếp, Nhì Tàu, còn đồng nghiệp xứ khác, coi như bỏ, hổng có kí lô nào hết.

Đi làm ở Mỹ gặp đủ thứ người, cái thằng 3T tui hổng có care là dân Tàu, Việt, Mỹ, Mễ, Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ hay trắng hoặc đen gì ráo trọi. Đứa nào chơi được, thì chơi. Còn không chơi được, thì né, coi như hổng quen. Lỡ có mạng nào đụng trúng mình, thì ráng bỏ qua. Mà nó “lỡ" đụng goài, thì 3T phải ráng lịch sự "ủi" lại đáp lễ. Nhưng đã hổng ủi thì thôi, mà ủi là phải ủi cho tới bến. Có ăn, có thua.

Sếp trực tiếp của tui hồi đó là một cô người Đài Loan, tên là Anna. Nhóm kế bên thì có một chị người Việt Nam, tên Mai, còn lại bao nhiêu đều là dân Đài Loan hoặc Tàu lục địa.

Có làm chung với hậu duệ của nhà Đại Hán mới biết, tới hồi mà mấy thày, mấy bà này mở cái speaker ra nói tiếng Tàu, thì hết biết. Xí xa, xí xô rùm trời nghe rùm còn hơn chửi lộn và coi như không cần biết tới thiên hạ chung quanh là cái con khỉ gì hết.

Có lần tui đang nói chuyện với sếp Anna, thì có anh chàng Đài Loan, tên Steve, ở nhóm kế bên, mặt mày ngó cũng điển trai, đeo mắt kiếng coi mướt rượt, bước tới. Muốn nói chuyện với Anna, là tên này nhảy đại vô nói với Anna 100% bằng tiếng Tàu. Nói một hồi, rồi Steve bỏ đi, không cần biết là nó mới cắt ngang cuộc nói chuyện của người khác. Lịch sự như dzậy, mới là ngon cơm chớ!

3T tui nổi gai dữ lắm. Mấy đứa con cháu nhà Đại Hán mà “lỡ" đụng tui kiểu đó goài, thì thế nào cũng có bữa ôm cái đầu lục tàu xá, méo miệng ca bài: Nếu một mai tui sẽ qua đời, hoa phủ mình bầm... 

Nhưng đi làm mà gặp cái gì cũng “đụng,” thì coi bộ hổng thọ, có bữa toi mạng chết sớm. Sợ bị như dzậy, cho nên phải ráng nhẫn nhịn. Nói có mặt trời, 3T tui cũng nhập tâm học chữ “nhẫn” dữ lắm!

Nhưng qua tới chữ “nhịn” thì chỉ học nhịn tới 3 lần thôi. Người Việt mình ưa nói: Quá tam ba bận. Mà người Mỹ cũng có câu nói nghe cũng rất đặng: Three-strikes, you're out. Thành ra "nhịn" thiên hạ tới 3 lần là chơi quá điệu rồi.

Bởi đó, tới kỳ thứ 3, anh chàng đẹp trai Steve này cũng ăn quen, bổn cũ soạn lại. Cũng tươm tướp bương tới, xi xa xi xô, mà không bao giờ cần biết tới màn mở miệng nói câu xin phép: Excuse me...

Cô Anna chưa kịp trả lời, thì 3T tui đứng ngay đó phang liền: Hey Steve, mày có thấy là tao đang nói chuyện với Anna không mà tại sao mày ngang xương nhảy vô như dzậy?

Từ hồi nào tới giờ 3T tui giả ngu, coi như hổng biết mốc xì gì về mấy vụ đi ngang về tắt này, cho nên chắc thằng Steve này nó tưởng tui bị retarded hoặc bị lạnh cẳng vì sợ màn "biển người" của mấy anh Tàu trong sở nó đè tui nhẹp ruột. Tới hồi tui nổi máu điên rinh nguyên cái tủ đứng bự chàm goàm, đem kê ngay bản họng của nó, thì thằng này mới tá hỏa tam tinh, ú ớ lắp bắp xin lỗi: I am sorry...

Ở đời mà, quý vị, đã làm ơn cho ai thì phải ráng làm ơn cho trót.  Bởi vậy, 3T tui tỉnh bơ coi như không có chuyện gì big deal, tặng thêm cho nó một cú cùi chỏ sang ngang: Dzậy hả?  Make sure là từ rày về sau, mày đừng có làm dzậy nữa nha, Steve!

Cô sếp Anna của tui hồi đó sượng trân, giống như đang... "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư!" Còn ông nội Steve này thì cuốn gói dọt mất biến.

Nhưng có “cọ sát” thì thế nào cũng có màn “sanh chuyện.” Có chơi, thì cũng phải có chịu. Một bữa nọ đang ngồi làm, thì chị Mai bên nhóm kế bên hấp tấp chạy qua. Bả quýnh quáng nói hổng ra hơi: Ông làm cái gì mà bên tui họp, tụi nó nói là ông làm tầm bậy hết ráo. Rồi bây giờ đồ của ông làm ra hổng có work được với phía bên tụi tui. Thằng boss của tui nó sẽ qua nói chiện với ông đó.

Nghe vậy, tui hỏi thêm để biết ngọn ngành ất giáp là chuyện gì. Rồi tui nói: Thank you, chị Mai. Bây giờ bà về đi. Một hồi nữa bà qua đây lại, coi tui tính chuyện phải quấy với mấy thằng ma này.

Chừng nửa tiếng sau, cha con tụi nó kéo qua chỗ tui ngồi, cũng đâu 5-6 mạng gì đó. Có chị Mai luôn, nhưng bả giả nai làm như hổng biết gì hết. Tui hỏi tụi nó qua kiếm tui có chuyện chi vậy? Thì thằng boss tên Albert nói là lính của nó báo cho biết là tui hổng hiểu công chuyện được giao cho làm, cho nên thay vì phải làm phần bên phải, thì tui lại đi làm phần bên trái. Bây giờ đem ráp chung lại, thì trật lấc hết trọi.

Hổng biết sao hồi đó 3T tui tỉnh còn hơn ruồi, tui hỏi ngược lại thằng Albert: Cả ba tháng trời nay, tuần nào tao cũng phải nộp báo cáo công chuyện làm trong tuần cho mấy sếp lớn tụi bay. Chắc chắn là tụi mày phải đọc mấy phúc trình đó. Nếu tao làm trật, tụi mày phải thấy liền. Tại sao ba tháng nay, hổng thấy có mạng nào nói gì, rồi tới giờ này tụi bay rần rần kéo qua đây đổ cho tao là hổng biết làm?  Cái thằng hổng biết làm và làm tầm bậy là lính của mày, chớ không phải là tao. OK?

Tui phạng trúng phóc vô mấy chỗ ba trời của tụi nó nên cả đám tắt tiếng hết. Thằng Albert đứng đó thụt lưỡi, hồi sau nó mới quay qua xí xa xí xô gì đó với lính của nó. Rồi cả đám rút lui có trật tự hết.

Hồi kéo qua chỗ tui ngồi, tụi nó làm mặt ngầu, giống như Tô Định hồi xưa đem quân qua tính ăn gỏi Lạng Sơn. Xui cho mấy thằng em này, bị một cú hồi mã thương trúng ngay chỗ nhược làm cả đám cụp tai nín khe. Hồi đó lẹ lẹ lo cuốn tượng, giống như ôm đầu máu của Liễu Thăng khăn gói bỏ chạy bán mạng ra khỏi Ải Chi Lăng. Ghét mấy cái bản mặt Đại Hán xấc xược ưa chơi gác thiên hạ.

*** 

Nói gì thì nói, người Việt tị nạn mình coi vậy chớ hiền khô à. Gương mẫu 100% thì hổng có. Lâu lâu cũng có mấy chuyện lọt chọt như hồi cả chục năm trước có vụ gian lận medicare gì đó. Bị còng tay bỏ vô hộp cũng bộn. Rồi cũng có mấy màn ăn trộm, ăn cướp vô mấy nhà ưa giấu tiền mặt dưới nệm. Nhưng so với mấy sắc dân khác, thì người Việt mình cũng hiền hòa, dễ thương dữ lắm.

Mà người mình thì ưa nhạy cảm. Ai cũng khoái nghe mấy chuyện thành công, vẻ vang dân Việt của dân mình. Nhưng rất dễ nổi quạu mỗi khi nghe nói tới chuyện không hay xảy ra làm cộng đồng VN bị mang tiếng xấu. Mà mấy chuyện tầm bậy, tầm bạ này thì ở Mỹ này có sắc dân nào mà hổng có?

Nói chung thì phe ta cũng ít có làm mấy chuyện động trời. Chắc cũng tại nhờ người mình nằm lòng câu châm ngôn thời đại bên xứ Mỹ này: Kính Đen. Nhường Trắng. Nể Mễ. Sợ... Đồng Hương!

3T

Powered by Blogger.