Header Ads

Thống Chế Tưởng Giới Thạch



Thống Chế Tưởng Giới Thạch (1887 – 1975)
Vị Anh Hùng trong Trận Chiến Tranh Hoa-Nhật
và Tổng Thống của Trung Hoa Dân Quốc

Thống Chế Tưởng Giới Thạch là vị lãnh đạo quân sự và chính trị, là nhà lãnh tụ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa sau khi ông Tôn Dật Tiên qua đời. Tướng Tưởng Giới Thạch chỉ huy cuộc Bắc Phạt để chống lại các đốc quân, thống nhất nước Trung Hoa và đã chiến thắng vào năm 1928. Ông cũng lãnh đạo cuộc chiến tranh Hoa-Nhật, vào thời gian này, vị thế trong nước của ông yếu đi nhưng uy tín trên chính trường quốc tế lại gia tăng. Trong cuộc Nội Chiến Trung Hoa (1926-49), Tướng Tưởng Giới Thạch đã tìm cách tiêu diệt các người Cộng Sản nhưng gặp thất bại và chính quyền của ông phải rút lui về hòn đảo Đài Loan. Tại nơi này, ông được bầu làm Tổng Thống của Trung Hoa Dân Quốc (the Republic of China) và Chủ Tịch của Quốc Dân Đảng cho đến cuối đời.

1/ Thuở thiếu thời.

Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek = Jiang Jieshi) chào đời vào ngày 31 tháng 10 năm 1887 tại huyện Phụng Hóa (Fenghua), tỉnh Triết Giang (Zhejiang). Cha của ông tên là Tưởng Triệu Công (Chiang Zhaocong) và mẹ là Vương Thái Hữu (Wang Caiyu), thuộc một gia đình thương gia buôn bán muối, thành phần trên trung bình trong xã hội. Khi cậu Giới Thạch mới 3 tuổi, người cha qua đời. Theo một giai thoại, cậu Giới Thạch khi còn trẻ đã biểu lộ tính bạo gan, không hề biết sợ hãi là gì. Cậu thường hay cùng các trẻ trong làng xóm tập trận đánh nhau và trong các lần tụ họp này, cậu Giới Thạch luôn luôn đóng vai thủ lãnh. Khi lớn lên, cậu Giới Thạch cũng đi thi Hương như các thanh niên cùng thời, nhưng không đậu vì vậy cậu quyết tâm theo nghề võ. Do cuộc hôn nhân bởi gia đình xếp đặt trước, cậu Giới Thạch kết hôn với một cô gái cùng làng tên là Mao Phúc Mỹ (Mao Fumei)(1882-1939). Họ có người con trai là Kinh Quốc (Chinh-kuo) và con gái là Tiền Hoa (Chien-hua).

Lớn lên vào một thời kỳ mà nước Trung Hoa rất xáo trộn, bị mắc nợ các nước ngoài, cậu Giới Thạch vì vậy đã quyết định đi theo con đường võ nghiệp. Năm 1906, chàng Giới Thạch theo học trường quân sự Bảo Định, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Paoting Military Academy) rồi qua năm sau, 1907, theo học Chấn Vũ Học Hiệu (Shimbu Gakko) tại Nhật Bản. Trong thời gian sinh sống tại nước Nhật, chàng Giới Thạch đã bị ảnh hưởng của các người Trung Hoa lưu vong, cư trú tại nơi đây và họ đang lo tổ chức một phong trào để lật đổ triều đình Nhà Thanh rồi lập nên một nước Cộng Hòa. Chàng Giới Thạch cũng quen thân một người cùng tỉnh Chiết Giang, tên là Trần Kỳ Mỹ (Chen Qimei) rồi tới năm 1908, ông này đã giới thiệu chàng Tưởng Giới Thạch gia nhập đảng cách mạng. Từ năm 1909 tới năm 1911, Tưởng Giới Thạch phục vụ trong quân đội Hoàng Gia Nhật Bản.

2/ Bước dần lên địa vị cao.

Khi cuộc nổi dậy tại Vũ Xương (Wuchang) xẩy ra vào năm 1911, Tưởng Giới Thạch trở về Trung Hoa để chiến đấu trong hàng ngũ của quân đội cách mạng theo Viên Thế Khải, vào lúc này ông là một sĩ quan Pháo Binh. Ông đã chỉ huy một trung đoàn tại khu vực Thượng Hải, dưới quyền của Trần Kỳ Mỹ, người bạn và cũng là người đỡ đầu. Cuộc nổi dậy kể trên đã thành công, triều đình Nhà Thanh bị lật đổ và ông Tưởng Giới Thạch là một trong các người đầu tiên tham gia Quốc Dân Đảng.

Sau khi ông Viên Thế Khải chiếm quyền của chính phủ Cộng Hòa và khi cuộc cách mạng thứ hai thất bại, giống như các đồng chí cũ, ông Tưởng Giới Thạch đã sống lưu vong, khi thì tại Nhật Bản, khi thì trong vùng đất nhượng địa thuộc khu vực Thượng Hải. Tại nơi này, ông Tưởng Giới Thạch đã liên kết với Lục Hội (the Green Gang) là giới tội phạm mà tên đầu não là Đỗ Nguyệt Thăng (Du Yuesheng) và ông cũng đã thực hiện một số hành động phi pháp trong thời gian này, bởi vì cảnh sát quốc tế của khu vực nhượng địa (the International Concession police) đã có hồ sơ ghi một trát tòa lùng bắt ông vì tội cướp ngân hàng. Vào giai đoạn này, ông Tưởng được cử làm phó cho đốc quân Trần Kỳ Mỹ trong Quốc Dân Đảng.

Ngày 15/2/1912, ông Tưởng Giới Thạch đã bắn chết ở tầm súng gần ông Đào Thành Trương (Tao Chengzhang), lãnh tụ của Hội Trung Hưng (the Restoration Society) khi ông Đào này đang nằm trong một bệnh viện của khu vực nhượng địa thuộc Pháp, hành động này loại bỏ được đối thủ chính của đốc quân Trần Kỳ Mỹ. Tới năm 1915, do đốc quân Trần Kỳ Mỹ bị một điệp viên của Viên Thế Khải ám sát chết, ông Tưởng Giới Thạch lên thay thế, làm lãnh tụ của đảng cách mạng Trung Hoa tại Thượng Hải.

Năm 1918, lãnh tụ Tôn Dật Tiên dời căn cứ chỉ huy về Quảng Châu và ông Tưởng Giới Thạch theo vị lãnh tụ vào năm này. Nhưng ông Tôn Dật Tiên đã không có tiền bạc và vũ khí, nên gặp thất bại tại Quảng Châu và phải bỏ chạy qua Thượng Hải, tới năm 1920, ông trở về Quảng Châu do sự giúp đỡ của một nhóm đốc quân khác. Lãnh Tụ Tôn Dật Tiên vẫn chủ trương thống nhất nước Trung Hoa theo đường lối của Quốc Dân Đảng nhưng viên tướng chỉ huy vùng Quảng Đông là Trần Quýnh Minh (Chen Jiongming) lại muốn Quảng Đông trở thành một tỉnh trong cách tự trị địa phương. Đã có sự rạn nứt giữa hai nhân vật kể trên.

Ngày 16/6/1923, đốc quân Trần Quýnh Minh muốn loại ông Tôn Dật Tiên ra khỏi tỉnh Quảng Đông, nên đã hạ lệnh pháo kích vào căn nhà của vị lãnh tụ. Vị lãnh tụ Trung Hoa này cùng vợ là bà Tống Khánh Linh thoát khỏi các lằn đạn và đã được cứu thoát do các thuyền máy có trang bị súng máy, do ông Tưởng Giới Thạch chỉ huy. Sự kiện này đã khiến cho lãnh tụ Tôn Dật Tiên từ nay tin cẩn ông Tưởng Giới Thạch.

Vào khoảng đầu năm 1924, lãnh tụ Tôn Dật Tiên kiểm soát được miền Quảng Châu nhờ đốc quân Vân Nam và nhờ viện trợ của phe Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế (Conmintern). Sau đó, ông Tôn Dật Tiên đã cải tổ Quốc Dân Đảng và thiết lập một chính quyền cách mạng với mục đích thống nhất nước Trung Hoa dưới quyền điều hành của Quốc Dân Đảng. Cũng vào năm này, lãnh tụ Tôn Dật Tiên đã cử ông Tưởng Giới Thạch qua Moscow, Liên Xô, để nghiên cứu trong 3 tháng hệ thống chính trị và quân sự của Liên Xô. Ông Tưởng Giới Thạch đã để lại tại nơi đây người con trưởng là Tưởng Kinh Quốc (Jiang Chingkuo) và ông Kinh Quốc chỉ trở về Trung Hoa vào năm 1937.

Khi trở về Quảng Châu, Tướng Tưởng Giới Thạch được cử làm Chỉ Huy Trưởng Học Viện Quân Sự Hoàng Phố (the Whampoa Military Academy). Đây là nơi đào tạo các sĩ quan trẻ, về sau trung thành với Tướng Tưởng Giới Thạch rồi qua năm 1925, đạo quân mới do các sĩ quan này đã đánh thắng các đốc quân của tỉnh Quảng Đông. Cũng tại Học Viện Hoàng Phố, Tướng Tưởng Giới Thạch đã gặp và làm việc với ông Chu Ân Lai, khi đó còn trẻ và đảm nhiệm chức vụ Chính Ủy (political commissar) của Học Viện. Tuy nhiên, Tướng Tưởng Giới Thạch từ thời gian này đã chỉ trích gay gắt Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Đảng – Cộng Sản và ông đã nghi ngại các người cộng sản có thể chiếm đoạt Quốc Dân Đảng từ bên trong.

Năm 1925, lãnh tụ Tôn Dật Tiên qua đời, đã để lại một khoảng trống trong Quốc Dân Đảng và đã có một cuộc tranh giành quyền lực giữa Tướng Tưởng Giới Thạch thuộc phe hữu và đốc quân Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei), một đồng chí thân cận của lãnh tụ Tôn Dật Tiên, thuộc về phe tả trong đảng. Mặc dù ông Uông Tinh Vệ đã nắm quyền, thay thế lãnh tụ Tôn Dật Tiên làm Chủ Tịch của Chính Phủ Quốc Gia (the National Government) và dù cho Tướng Tưởng Giới Thạch ở địa vị thấp hơn, nhưng nhờ các vận động chính trị khéo léo của ông Tưởng mà vị tướng này đã thắng thế trong cuộc tranh giành chức vụ kể trên. Trong năm 1925 này, Tướng Tưởng Giới Thạch trở nên vị Tổng Chỉ Huy của các lực lượng cách mạng quốc gia, nên đã phát động vào tháng 7/1926 cuộc Bắc Phạt (the Northern Expedition), đây là một chiến dịch quân sự nhằm mục đích đánh bại các đốc quân hiện đang kiểm soát miền bắc nước Trung Hoa, rồi sau đó thống nhất đất nước này dưới quyền điều khiển của Quốc Dân Đảng.

Bắc phạt (Northern Expedition)
Đạo quân Cách Mạng Quốc Gia Trung Hoa được chia thành ba phần, cánh quân phía đông do Tướng Bạch Sùng Hi (Bai Chongxi) chỉ huy, tiến về phía Thượng Hải, cánh quân phía tây do Uông Tinh Vệ sẽ chiếm Vũ Hán (Wuhan), còn Tướng Tưởng Giới Thạch điều khiển đạo quân chính giữa, để chiếm Nam Kinh trước khi cả ba cánh quân cùng tiến về Thượng Hải.

Vào tháng 1 năm 1927, Uông Tinh Vệ đã đồng minh với các người Cộng Sản Trung Hoa, có cố vấn Liên Xô là Mikhail Borodin, cùng với các nhân vật thiên tả, kể cả Hồ Hán Dân (Hu Hanmin) và Tống Khánh Linh (Song Qingling), đã chiếm được Vũ Hán trong quang cảnh quảng cáo tưng bừng, rồi sau đó, ông Uông Tinh Vệ tuyên cáo rằng Chính Phủ Quốc Gia đã dời về Vũ Hán. Trong khi đó, đạo quân của Tướng Bạch Sùng Hi cũng kiểm soát được Thượng Hải và Tướng Tưởng Giới Thạch chiếm được Nam Kinh vào tháng 3. Vào lúc này, Tướng Tưởng Giới Thạch ra lệnh ngưng chiến dịch và quyết định đoạn tuyệt với các người thiên tả.

Ngày 12/4, Tướng Tưởng Giới Thạch bất ngờ chuyển quân và tấn công một cách tàn bạo hàng ngàn người bị nghi ngờ là Cộng Sản rồi tuyên bố thành lập Chính Phủ Quốc Gia tại Nam Kinh và chính phủ này được các người đồng minh bảo thủ ủng hộ. Các người Cộng Sản bị thanh trừng khỏi Quốc Dân Đảng và các cố vấn Liên Xô bị trục xuất khỏi Trung Hoa. Hành động này của Tướng Tưởng Giới Thạch đã được các cộng đồng thương mại Thượng Hải ủng hộ, nhất là về phương diện tài chính, nhưng cũng gây nên cuộc Nội Chiến sau này.

Trong số các người theo Tướng Tưởng Giới Thạch còn có các sĩ quan Hoàng Phố trung thành và giới trí thức thuộc tỉnh Hồ Nam (Hunan), đây là những người bất mãn với ông Uông Tinh Vệ vì chính sách cải cách ruộng đất của ông ta. Vào thời gian này, chính phủ của ông Uông Tinh Vệ mặc dù được đa số dân chúng biết tới, nhưng yếu về quân lực và đã bị các đốc quân địa phương chiếm quyền, vì vậy ông Uông Tinh Vệ và chính quyền thiên tả đã phải quy phục chính quyền của Nam Kinh. Cuối cùng vào tháng 6 năm 1928, thủ đô Bắc Kinh ở dưới quyền kiểm soát của Tướng Bạch Sùng Hi rồi vào tháng 12 năm đó, đốc quân Trương Học Lương (Zhang Xueliang) đã tuyên bố trung thành với chính quyền của Tướng Tưởng Giới Thạch.

Tướng Tưởng Giới Thạch vào giai đoạn này đã hành động để chứng tỏ mình là người thừa kế của lãnh tụ Tôn Dật Tiên, bằng cách kết hôn tại Nhật Bản với bà Tống Mỹ Linh (Song Meiling), em gái của bà Tống Khánh Linh, tức bà vợ góa của ông Tôn Dật Tiên và như vậy, đã trở nên người em rể của vị đại lãnh tụ. Trước khi kết hôn, Tướng Tưởng Giới Thạch đã ly dị bà vợ cả, các vợ thứ, và để làm vừa lòng gia đình nhà họ Tống, ông đã hứa sẽ cải sang đạo Thiên Chúa: ông đã được rửa tội vào năm 1929. Khi tới Bắc Kinh, Tướng Tưởng Giới Thạch đã đến viếng thăm quan tài của lãnh tụ Tôn Dật Tiên và ra lệnh di chuyển di hài này về Nam Kinh, chôn cất trong một lăng tẩm rất lớn.

3/ Thời kỳ Giám Hộ của nước Trung Hoa.

Tới cuối năm 1927, Tướng Tưởng Giới Thạch được nhiều người coi như đã kiểm soát được toàn thể nước Trung Hoa nhưng Quốc Dân Đảng của ông còn quá yếu trong các hoạt động chính trị và quá mạnh nên không thể bị lật đổ.

Năm sau, 1928, Tướng Tưởng Giới Thạch được phong "Thống Chế" (Generalissimo) của toàn thể lực lượng quân sự Trung Hoa và cũng là Tổng Thống của Chính Phủ Quốc Gia. Ông đã giữ chức vụ này tới năm 1932, rồi từ năm 1943 tới năm 1948, và theo như các cách gọi tên của Quốc Dân Đảng, đây là thời kỳ nước Trung Hoa ở dưới quyền "giám hộ chính trị" (political tutelage) và sự cai trị độc tài của Quốc Dân Đảng.

Thập niên từ 1928 tới 1937 là giai đoạn củng cố và hoàn thành một số công việc do chính phủ Quốc Dân Đảng thực hiện. Các nhân nhượng và ưu tiên dành cho các nước ngoài đã được làm cho nhẹ bớt nhờ phương cách ngoại giao. Chính quyền đã canh tân hệ thống pháp luật, ổn định giá cả và các món nợ, cải cách ngân hàng và hệ thống tiền tệ, xây dựng đường xe lửa và các đường lộ, cải tiến phương tiện y tế công cộng, cấm đoán các chất cần sa, nha phiến, làm gia tăng mức sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ. Nền giáo dục cũng tiến triển để làm thống nhất nước Trung Hoa, phong trào "Đời Sống Mới" (the New Life Movement) được ban hành để đề cao các giá trị đạo đức Khổng Học và kỷ luật. Tiếng Quan Thoại (Mandarin) được coi là ngôn ngữ tiêu chuẩn. Các thành quả về giao thông đã khuyến khích tinh thần đoàn kết trong dân chúng.

Tuy nhiên, những thành công kể trên còn vấp phải nhiều xáo trộn. Quốc Dân Đảng chỉ kiểm soát được các vùng thành thị trong khi nông thôn còn chịu ảnh hưởng của các đốc quân địa phương chưa bị đánh bại và của các người Cộng Sản.

Cùng với một số đốc quân đồng minh, Tướng Tưởng Giới Thạch đã phải chiến đấu chống lại các đốc quân Diêm Tích Sơn (Yan Xisan) và Phùng Ngọc Tường (Feng Yuxiang), tới năm 1930 đã chịu thiệt hại gần 250,000 quân lính và ngân quỹ kiệt quệ. Khi đốc quân Hồ Hán Dân (Hu Hanmin) thiết lập một chính phủ đối kháng tại Quảng Châu vào năm 1931, chính quyền của Tướng Tưởng Giới Thạch gần như bị sụp đổ.

Vạn lý trường chinh

Tướng Tưởng Giới Thạch cũng chưa thể tiêu diệt đảng Cộng Sản Trung Hoa. Các người Cộng Sản đã tập họp lại tại tỉnh Giang Tây và thiết lập nên nước Cộng Hòa Xô Viết Trung Hoa (the Chinese Soviet Republic). Lập trường chống Cộng của Tướng Tưởng Giới Thạch đã thu hút được các cố vấn quân sự người Đức và trong chiến dịch tiêu trừ quân Cộng Sản lần thứ 5 vào năm 1934, quân đội của Tướng Tưởng Giới Thạch đã bao vây Hồng Quân và sau đó, một số người Cộng Sản đã vượt thoát được trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, để tới Diên An (Yan' an).

4/ Nhà lãnh đạo nước Trung Hoa trong thời Thế Chiến thứ Hai.

Sau khi quân đội Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu vào năm 1931, Tướng Tưởng Giới Thạch từ chức, không làm Tổng Thống của Chính Phủ Quốc Gia, ông vẫn chủ trương "trước ổn định nội bộ, sau kháng chiến bên ngoài", tức là phải đánh bại quân Cộng Sản trước khi nghênh chiến quân đội Nhật Bản. Nhưng quân đội Nhật Bản đã tiến đánh Thượng Hải và oanh tạc thành phố Nam Kinh vào năm 1932, làm giám đoạn chiến dịch tiêu trừ các người Cộng Sản.

Chủ trương tránh chiến tranh chống Nhật Bản của Tướng Tưởng Giới Thạch đã không được nhiều người Trung Hoa đồng ý. Vào tháng 12/1936, Tướng Tưởng Giới Thạch đã bay tới Tây An (Xi' an) để phối hợp một chiến dịch chính tấn công Hồng Quân hiện đang ẩn trú ở Diên An. Tuy nhiên, một đốc quân đồng minh của Tướng Tưởng Giới Thạch tên là Trương Học Lương (Zhang Xueliang) có quân lực bị dùng trong chiến dịch kể trên và hiện thời phần đất Mãn Châu của ông ta đang bị quân đội Nhật Bản xâm lăng, nên có các kế hoạch khác.

Vào ngày 12/12/1932, Trương Học Lương cùng một số tướng tá đã bắt cóc Tướng Tưởng Giới Thạch trong hai tuần lễ. Hành động này được gọi là "Biến Cố Tây An". Các người kể trên đã bắt ép Tướng Tưởng Giới Thạch phải cộng tác với các người Cộng Sản để mở ra một mặt trận liên hiệp thứ hai chống lại quân xâm lược Nhật Bản. Như vậy Tướng Tưởng Giới Thạch đã mất đi một cơ hội để tận diệt các người Cộng Sản Trung Hoa. Về sau, ông đã từ chối công khai chấp nhận một mặt trận liên hiệp.

Vào tháng 7 năm 1937, cuộc chiến tranh toàn diện với Nhật Bản bùng nổ. Vào tháng 8 năm này, Tướng Tưởng Giới Thạch đã gửi 500,000 quân tinh nhuệ nhất, được trang bị vũ khí tốt nhất, để bảo vệ thành phố Thượng Hải. Nhưng sau đó, tổn thất của Trung Hoa là 250,000 binh lính và các sĩ quan đào tạo từ trường quân sự Hoàng Phố. Quân đội Trung Hoa đã thua trận nhưng quân đội Nhật Bản đã không thể chiến thắng Trung Hoa trong ba tháng, sự việc này đã chứng tỏ cho các cường quốc Phương Tây thấy rằng người Trung Hoa không chịu đầu hàng trước hỏa lực của quân xâm lăng Nhật Bản. Tướng Tưởng Giới Thạch đã hành động mạnh để sau này nhận được các viện trợ quân sự từ các nước Phương Tây.

Tới tháng 12 năm 1937, thủ đô Nam Kinh bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng và Tướng Tưởng Giới Thạch di chuyển chính phủ vào Trùng Khánh (Chong Qing). Tại nơi này, các người Trung Hoa quốc gia đã không có các tài nguyên kinh tế và kỹ nghệ nên quân đội Trung Hoa không thể phản công quân đội Nhật Bản, họ chỉ cố gắng duy trì các vùng đất không bị đánh chiếm, khiến cho các đường tiếp tế của quân đội Nhật Bản bị trải mỏng, làm cho đạo quân xâm lăng này sa lầy trong nội địa Trung Hoa quá rộng lớn, khiến cho quân Nhật Bản phải tìm kiếm cách khác, là xâm chiếm miền Đông Nam Á và các hòn đảo Thái Bình Dương.

Sau khi quân lực Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và mở rộng cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Trung Hoa đã trở nên một trong các lực lượng Đồng Minh. Trong thời gian này và ngay cả sau Thế Chiến Thứ Hai, bà Tống Mỹ Linh, là vợ của Thống Chế Tưởng Giới Thạch và cũng là người đã từng du học Hoa Kỳ, đã vận động để có được các yểm trợ của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ coi Tướng Tưởng Giới Thạch là một đồng minh quan trọng, có thể thu ngắn thời kỳ chiến tranh trong khi vị sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ tại Trung Hoa là Tướng Joseph Stilwell cho rằng chiến thuật của Tướng Tưởng Giới Thạch vào giai đoạn này là cố gắng tích lũy các vũ khí đạn dược, để dành cho cuộc nội chiến chống Cộng Sản, hơn là tấn công quân Nhật Bản. Dù sao, các tiếp tế cho quân Trung Hoa vẫn được thực hiện.

Tưởng Giới Thạch, Franklin D. Roosevelt, và Winston Churchill tại hội nghị Cairo 1943
Trong cuộc Hội Nghị Thượng Đỉnh Cairo vào tháng 11/1943, Thống Chế Tưởng Giới Thạch được công nhận là một trong bốn vị lãnh đạo cỡ lớn của phe Đồng Minh (the "Big Four" Allied Leaders), cùng với Tổng Thống Roosevelt của Hoa Kỳ, Thủ Tướng Churchill của nước Anh và Thống Chế Stalin của Liên Xô. Vào dịp hội nghị này, bà Tống Mỹ Linh vừa là người thông dịch, vừa là một cố vấn cho Tướng Tưởng Giới Thạch.

5/ Mất Nước Trung Hoa.

Khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945, chính quyền Trùng Khánh của Tướng Tưởng Giới Thạch đã không được trang bị đầy đủ vũ khí để chiếm lại quyền kiểm soát miền đất phía đông Trung Hoa. Với sự giúp đỡ của người Mỹ, chính quyền này chỉ thu hồi được vài thành phố ven biển, thu nhận đầu hàng của một số quân đội Nhật Bản trong khi miền bắc nước Trung Hoa đã ở trong vòng kiểm soát của lực lượng Cộng Sản, đây là các đạo quân có kỷ luật hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Hoa Kỳ đã khuyên Tướng Tưởng Giới Thạch nên bàn chuyện hòa giải với lãnh tụ Cộng Sản Mao Trạch Đông tại Trùng Khánh, nhưng cả hai phe phái này đã bất tín nhiệm lẫn nhau và cũng không tin tưởng vào sự trung lập của Hoa Kỳ, vì thế họ sớm chuyển sang công cuộc nội chiến toàn diện.

Trong thời gian từ 1946 tới 1948, trong khi quân đội của Tướng Tưởng Giới Thạch chiến đấu chống lại quân đội Giải Phóng Nhân Dân của Mao Trạch Đông, thì Hoa Kỳ đã ngưng viện trợ dành cho Tướng Tưởng Giới Thạch. Mặc dù trên phương diện quốc tế, Tướng Tưởng Giới Thạch được coi là một trong các nhà lãnh đạo có tầm vóc thế giới, nhưng chính quyền của ông lại bị suy đồi vì nạn lạm phát và nạn tham nhũng. Các chiến sĩ quốc gia Trung Hoa đã bị yếu dần vì thiếu tài nguyên, thiếu tinh thần chiến đấu và thiếu sự ủng hộ của dân chúng, trong khi đó các người Cộng Sản được dân chúng địa phương ủng hộ, được sự yểm trợ của Stalin, họ đã theo đuổi cuộc chiến tranh du kích và bành trướng thế lực qua các vùng nông thôn, nhờ vậy họ đã dần dần thắng thế.

Sau khi các lực lượng Quốc Dân Đảng chịu nhiều tổn thất lớn, vào ngày 21/1/1949, Tướng Tưởng Giới Thạch đã từ chức Tổng Thống và Phó Tổng Thống Lý Tôn Nhân (Li Zongren) lên chức Quyền Tổng Thống. Về sau, sự liên hệ giữa ông Lý Tôn Nhân với Tướng Tưởng Giới Thạch suy giảm và ông này đã phải qua Hoa Kỳ sống lưu vong, với lý do sức khỏe.

Vào sáng sớm ngày 10/12/1949, quân đội Cộng Sản vây Thành Đô, đây là thành phố cuối cùng của Quốc Dân Đảng trên lục địa Trung Hoa. Tướng Tưởng Giới Thạch cùng người con trai là Tưởng Kinh Quốc đã phải lên máy bay di tản qua hòn đảo Đài Loan.

6/ Làm Tổng Thống và qua đời tại Đài Loan.

Tướng Tưởng Giới Thạch di chuyển chính phủ về Đài Bắc (Taipei) trên hòn đảo Đài Loan và tiếp tục giữ chức Tổng Thống từ 1/3/1950. Ông đã được Quốc Hội của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan tái bầu làm Tổng Thống vào ngày 20/5/1954, rồi vào các năm 1960, 1966 và 1972. Vào thời gian này, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch tuyên bố vẫn duy trì chủ quyền trên khắp nước Trung Hoa. Bởi vì cuộc Chiến Tranh Lạnh, các nước Phương Tây đã công nhận vị trí này và Trung Hoa Dân Quốc đã đại diện cho nước Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc và tại các tổ chức quốc tế khác tới thập niên 1970.

Tại Đài Loan, mặc dù Hiến Pháp chủ trương dân chủ nhưng chính quyền của Tướng Tưởng Giới Thạch vẫn là độc đảng, vừa độc tài, vừa đàn áp các người đối lập và những người không phải là dân gốc Đài Loan. Với mục tiêu chiếm lại Lục Địa Trung Hoa, chính quyền này đã giữ độc quyền, cấm đoán các đảng phái đối lập, các người bất đồng chính kiến bị cầm tù vì bị cho là ủng hộ chế độ Cộng Sản hay nền tự trị của Đài Loan.

Sau khi thất bại và phải bỏ chạy qua hòn đảo Đài Loan, Tướng Tưởng Giới Thạch đã thanh trừng các đảng viên bị tố cáo là tham nhũng và một số nhân vật như Khổng Tường Hi (Kong Xiangxi = H.H. Kung) và Tống Tử Văn (Song Ziwen = T.V. Song) phải chạy qua Hoa Kỳ sống lưu vong.

Mặc dù là một thể chế độc tài, chính quyền Quốc Dân Đảng đã khuyến khích phát triển kinh tế, đặc biệt phần xuất cảng. Trong thập niên 1950, các viện trợ của Hoa Kỳ và công cuộc cải cách ruộng đất đã là nền móng cho các thành công của hòn đảo Đài Loan và Trung Hoa Dân Quốc trở nên một trong các con Rồng của châu Á.

Sau 26 năm chạy qua Đài Loan, Tướng Tưởng Giới Thạch đã qua đời vào ngày 5/4/1975 vì bị liệt thận (renal failure). Ông để lại di chúc kêu gọi các người kế thừa phải thực hiện giấc mộng của ông, đó là "chiếm lại Lục Địa và phục hồi nền văn hóa quốc gia".

Tang lễ của Thống Chế Tưởng Giới Thạch được cử hành trong một tháng, trong thời gian này, các lễ kỷ niệm và các tiệc liên loan đều bị ngưng lại và người dân Đài Loan được yêu cầu đeo băng tay đen.

Tướng Tưởng Giới Thạch có công rất lớn trong công cuộc thống nhất nước Trung Hoa vào thời kỳ chia rẽ của các đốc quân và trong công tác lãnh đạo nước này trong thời gian Thế chiến Thứ Hai. Các thành quả của ông cũng gồm các phát triển kinh tế, ổn định chính trị và cải cách ruộng đất tại Đài Loan, biến đổi hòn đảo tầm thường này vào năm 1949 thành một quốc gia nhỏ rất thịnh vượng.

Khi ông Tưởng Kinh Quốc qua đời vào năm 1988, bà vợ góa của ông Tưởng Kinh Quốc tên là Tưởng Phương Lương (Chiang Fangliang) vào năm 2004 đã yêu cầu di cốt của cả hai cha con Thống Chế Tưởng Giới Thạch được chôn cất tại một ngọn núi trong tỉnh Từ Hậu (Cihu), Đài Bắc.

Khi Tướng Tưởng Giới Thạch qua đời, chức vụ Tổng Thống do ông Phó Tổng Thống đảm nhiệm còn lãnh tụ Quốc Dân Đảng là ông Tưởng Kinh Quốc. Thực ra, chức vụ Tổng Thống vào lúc này chỉ có tính cách tượng trưng và thực quyền thuộc về Thủ Tướng Tưởng Kinh Quốc và ông Tưởng Kinh Quốc đã trở nên Tổng Thống 3 năm sau.

Trong thập niên 1980, các cải cách dân chủ tại Đài Loan đã khiến cho các hình ảnh của Tướng Tưởng Giới Thạch không còn được treo trong các tòa nhà lớn công cộng và không còn được in trên mặt các tờ giấy bạc. Vào năm 2007, Đại Sảnh Tưởng Niệm Thống Chế Tưởng Giới Thạch đã bị đổi tên thành Đại Sảnh Dân Chủ.

Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia, People’s China – A Brief History by Craig Dietrich, 2nd Edition, Oxford Univ. Press, 1994.,China – A Political History, 1917-1980 by Richard C. Thornton, Westview Press/ Boulder Colorado, 1982. The Gate of Heavenly Peace by Jonathan D. Spence, The Viking Press, N.Y. 1981, China – A New History by John King Fairbank, Harvard Univ. Press, London, 1992.

Đọc thêm:
Chiang Kai-shek
https://en.wikipedia.org/wiki/Chiang_Kai-shek

Powered by Blogger.