Header Ads

Đã Đến Lúc Bỏ Bom Bắc Hàn

Máy bay B-1B Lancer, F-35B và F-15K của Hoa Kỳ và Nam Hàn vào 18/9/2017, Nam Hàn (Getty Images)

Bắc Hàn và hiểm họa vũ khí hạt nhân đã gây ra những quan tâm rất lớn trong các giới nghiên cứu, hay có trách nhiệm của Hoa Kỳ về cách có nên giải quyết vấn đề này bằng quân sự hay không.

Ngày 8/1/2018, Foreign Policy đã đăng bài It’s Time to Bomb North Korea (1) đề cập đến phương cách giải quyết bằng quân sự. Tác giả bài báo là Edward Luttwak - một phụ tá cao cấp (senior associate) tại the Center for Strategic and International Studies. Ông còn là tác giả của quyển Strategy: The Logic of War and Peace.  Chúng tôi xin mời quý độc giả theo dõi bản dịch Việt ngữ của bài báo.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là điều vẫn nằm trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ

Chẳng thể nào biết được gì về các cuộc đàm phán trong tuần này giữa Bắc và Nam Hàn ngoại trừ kết quả như vẫn thường thấy. Như trong mọi cuộc gặp gỡ trước đây, gần như chắc chắn là Nam Hàn sẽ tưởng thưởng những hành vi sai trái của Bắc Hàn bằng cách trao cho họ các món tiền đáng kể, việc làm này xem như đã vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt quá hạn đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc áp đặt. Trong khi đó, Bắc Hàn sẽ tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ để tiến tới mục tiêu là sẽ bố trí nhiều hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, đã được thử nghiệm với các thiết bị mang chất nổ hạt nhân (nuclear-explosive devices) vào tháng 10/2006, tháng 5/2009, tháng 2/2013, tháng 1/2016, tháng 9/2016 và tháng 9/2017.

Cứ mỗi lần Bắc Hàn thử nghiệm bom đúng ra đã là một cơ hội tuyệt vời cho Hoa Kỳ để rút ra quyết định sau cùng là phải làm gì đối với Bắc Hàn như những gì mà Do Thái đã làm cho Iraq vào năm 1981, và cho Syria vào năm 2007 – nói rõ ra là sử dụng những vũ khí quy ước có khả năng nhắm bắn chính xác nhằm ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân để không lọt vào tay các chế độ không nên có vũ khí trong tay, chứ đừng nói gì đến việc có vũ khí hủy diệt hàng loạt. May mắn thay, Washington vẫn còn đủ thời giờ để tung ra một cuộc tấn công như vậy nhằm hủy diệt kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Điều này nên được cân nhắc một cách nghiêm chỉnh thay vì loại ra khỏi tầm tay.

Dĩ nhiên, cũng có những lý do để không có hành động chống lại Bắc Hàn. Nhưng những lý do được trích dẫn ra nhiều nhất thì lại yếu kém hơn rất nhiều so với những gì đã được nhận biết một cách tổng quát.

Một lý do sai lầm để tránh không tấn công Bắc Hàn là nỗi lo sợ về sự trực tiếp trả đũa.

Một lý do sai lầm để tránh không tấn công Bắc Hàn là nỗi lo sợ về sự trực tiếp trả đũa.

Các giới tình báo của Hoa Kỳ, được phúc trình, đã nhìn nhận Bắc Triều Tiên đã có hỏa tiễn đạn đạo với đầu đạn hạt nhân có thể bay tới Hoa Kỳ. Nhưng đây gần như chắc chắn là một sự thổi phồng, hoặc nói cho đúng hơn đó là dự đoán về một tương lai mà tương lai đó vẫn có thể bị đổi ngược lại được bằng những hành động cấp thời. Thiết bị hạt nhân đầu tiên của Bắc Triều Tiên có thể được thu nhỏ thành đầu đạn cho một hỏa tiễn đạn đạo tầm xa được thử nghiệm vào ngày 3/9/2017, trong khi hỏa tiễn liên lục địa ICBM đầu tiên chỉ mới được thử nghiệm vào ngày 28/11/2017. Nếu Bắc Hàn đã thu xếp được để hoàn tất việc phát triển kỹ thuật trên một quy mô toàn diện và ngay trong đợt sản xuất ban đầu đã cho ra các hỏa tiễn đạn đạo hoạt động được với đầu đạn hạt nhân trong một thời gian ngắn - và với một tổng số ngân sách bé nhỏ của họ - thì khả năng bậc thày của họ về khoa học và kỹ thuật sẽ là điều chưa từng thấy và hoàn toàn kiệt suất. Gộp chung các thứ lại thì thấy là có nhiều phần Bắc Hàn vẫn chưa làm được vìệc kết hợp đầu đạn hạt nhân và hỏa tiễn để thành một vũ khí hoạt động được.

Quả đúng là Bắc Hàn có thể trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào bằng cách dùng vũ khí quy ước phóng phi đạn vào Seoul, thủ đô của Nam Hàn, và những vùng chung quanh, nơi có gần 20 triệu cư dân sinh sống trong vòng 35 dặm của đường ranh hiệp ước đình chiến. Các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đã đưa ra sự sợ hãi một "biển lửa" để biện minh cho việc không hành động gì cả. Nhưng điều mỏng manh dễ tổn thương đó không thể làm tê liệt chính sách của Hoa Kỳ chỉ vì: Đó là một vết thương rất lớn do tự mình gây ra.

Vào thời còn làm Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Jimmy Carter đã quyết định rút tất cả quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Nam Hàn 40 năm trước (cuối cùng đã để lại một sư đoàn), các cố vấn quân sự được đưa vào để giúp đỡ - gồm cả chính tôi - đã thúc đẩy chính quyền Nam Hàn đem các cơ quan công quyền và viên chức hành chánh dời thật xa ra khỏi biên giới phía bắc và cho các công ty tư nhân một số ưu đãi để khuyến khích họ dời xuống phương nam. Nam Hàn cũng được cho biết là họ bắt buộc phải có những nơi trú ẩn thích hợp cho dân chúng, lấy thí dụ như tại Zurich là nơi mà mọi tòa nhà mới xây đều phải có nơi trú ẩn (dưới sự bắn phá, con số thương vong sẽ tăng lên rất nhìều nếu người dân phải rời bỏ nhà cửa của họ để tìm nơi trú ẩn). Hơn nữa, trong những năm gần đây, Nam Hàn đã có thể chọn nhập cảng các giàn Iron Dome, với một tổn phí vừa phải và được sản xuất bởi Israel và Hoa Kỳ, có khả năng bắn chặn đến 95 phần trăm phi đạn của Bắc Hàn nhắm bắn vào các cấu trúc có người ở.

Nhưng hơn bốn thập niên qua, thực tế ra chính quyền Nam Hàn đã không làm gì đúng theo những đòi hỏi trên. Trong khu vực thủ đô Seoul, con số của các "nơi trú ẩn" được chính thức liệt kê là 3,257.  Tuy nhiên, những nơi đó không gì khác hơn là các mall mua sắm hàng hóa đặt dưới mặt đất, các ga xe điện ngầm, và bãi đậu xe của khách sạn mà không có nguồn cung cấp thực phẩm hay nước uống, dụng cụ cấp cứu y tế hoặc mặt nạ chống hơi độc. Thay vì nhập cảng các giàn Iron Dome để tự phòng thủ, thì người Nam Hàn thích tiêu tiền trong việc phát triển oanh tạc cơ với đích tới là Nhật Bản.

Ngay cả bây giờ, con số thương vong vẫn có thể được đưa xuống thực thấp bởi một chương trình nhắm phục hồi sự sụp đổ (crash resilience). Điều này sẽ cần đến việc phải dọn dẹp và làm những nơi trú ẩn đó thêm cứng cáp bằng những cây chống, giá đỡ, và đà ngang bằng thép nơi các tầng hầm của các tòa nhà ở mọi kích thước; kịp thời tồn trữ các món tối cần thiết trong 3,257 nơi tạm trú chính thức và các cột chỉ dẫn phải để ở nơi dễ nhìn hơn; và, dĩ nhiên, trước đó phải di tản người về phía nam càng nhiều càng tốt (trong số 20 triệu người hoặc khoảng đó đang bị nguy hiểm, thì hầu hết sẽ an toàn hơn nhiều ngay cả ở những nơi chỉ cách xa khoảng 20 dặm lùi xa về phía nam). Về phần mình, Hoa Kỳ, nên cân nhắc việc phản pháo dữ dội cho đến việc phóng ra các cuộc không tập vào Bắc Hàn.

Tuy thế, trước sự không hành động một cách cố ý của Nam Hàn trong nhiều năm qua, thì bất kỳ thiệt hại nào xẩy đến cho Seoul cũng không được phép làm tê liệt Hoa Kỳ trước một hiện trạng nguy hiểm lớn lao đối với quyền lợi quốc gia của mình và của các đồng minh khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bắc Hàn đã từng bán các hỏa tiễn đạn đạo của họ, nổi bật nhất là cho Iran; thành ra việc bán vũ khí hạt nhân cũng không phải là điều không tưởng.

Một lý do khác vẫn thường xuyên được trích dẫn để biện minh cho việc Hoa Kỳ phải tự chế trong việc tấn công - đó là việc này rất khó thành công; lý do này lại càng thiếu tính thuyết phục hơn nữa. Lời tuyên bố là phá hủy các cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn sẽ phải cần đến hàng ngàn phi vụ ném bom. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn - những nơi đã được biết chắc, có lẽ có, hay có thể có (vũ khí hạt nhân) – gộp chung lại thì gần như chắc chắn là tổng số sẽ ít hơn con số ba tá, phần lớn là loại khá nhỏ. Không có một kế hoạch quân sự hợp lý nào lại tính đến việc sẽ phá hủy các cơ sở đó bằng hàng ngàn cuộc không kích.

Bất hạnh thay, đây không phải là lần đầu tiên mà kế hoạch quân sự của Mỹ đã được chứng minh là bất hợp lý. Không quân Hoa Kỳ thường bác bỏ các cuộc không tập chỉ tấn công một lần (one-time strikes), thay vào đó nhấn mạnh vào hoàn toàn "Đè bẹp Không lực Phòng thủ của Kẻ thù (Suppression of Enemy Air Defenses.)" Đây là một ý tưởng kỳ quái, theo đó mỗi radar phòng không, phi đạn đất-đối-không (surface-to-air missile), phi đạo biệt lập (airstrip), và các chiến đấu cơ trong quốc gia thù địch đều phải bị bỏ bom tiêu diệt nhằm bảo vệ các phi công Hoa Kỳ để không bị bất kỳ nguy hiểm nào, thay vì chỉ ném bom các mục tiêu thực sự quan trọng. Với một Bắc Hàn có những hệ thống radar, hỏa tiễn và máy bay đã quá lỗi thời, với thiết bị điện tử cổ xưa của họ từ lâu đã có những biện pháp đối phó, thì những đòi hỏi của Không lực Hoa Kỳ như trên sẽ chỉ là một cái cớ để biện minh cho việc không hành động. Đúng, một cuộc không kích với nhiều hạn chế hơn sẽ có thể để sót một hoặc hai xe cút kít, nhưng Bắc Hàn không có giàn phóng đầu đạn hạt nhân lưu động để có thể bị bỏ sót – ít ra cũng là chưa có.

Có lẽ lý do đúng đắn duy nhất để phải lưỡng lự trước khi ra lệnh tấn công vào Bắc Hàn là Trung Hoa.

Có lẽ lý do đúng đắn duy nhất để phải lưỡng lự trước khi ra lệnh tấn công vào Bắc Hàn là Trung Hoa.

Nhưng đó không phải vì Bắc Kinh sẽ can thiệp chống lại Hoa Kỳ. Quan điểm cho rằng Trung Hoa là người bảo vệ mọi thứ cho Bắc Hàn là một điều đã quá lỗi thời. Đúng, người Trung Hoa không muốn nhìn thấy Bắc Hàn biến mất với quân đội Hoa Kỳ trực chỉ hướng bắc, tiến lên tới sông Yalu và biên giới Trung Hoa. Tuy nhiên, việc Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ các biện pháp tối đa trừng phạt kinh tế, bao gồm luôn việc xem như phong tỏa việc nhập cảng dầu - một hành động tuyên chiến theo cung cách xưa cũ – đã đưa Trung Hoa lên đến mức phải thay đổi vị trí đứng trước việc vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Bất cứ ai vẫn tin rằng Trung Hoa sẽ thay mặt Bắc Hàn để hành động trong trường hợp Hoa Kỳ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn thì họ đều đã không chú ý (đến những thay đổi nơi Trung Hoa).

Nhưng sự thay đổi của Trung Hoa đã làm nổi bật lên một lý do hoàn toàn khác để khiến Hoa Kỳ không đánh bom: Trong khi Bắc Hàn sở hữu những vũ khí hạt nhân tất nhiên là điều rất nguy hiểm, điều đó còn nói lên được sự độc lập của Bắc Hàn trước những ảnh hưởng của Trung Hoa. Trong một bối cảnh sau cuộc tấn công, chế độ Bình Nhưỡng có thể tan rã, với việc quốc gia này sẽ trở thành một phường (ward) của Trung Hoa. Điều đó có thể làm cho Trung Hoa có một ảnh hưởng ưu thế mạnh mẽ đối với Nam Hàn, cộng với sự ưa thích Trung Hoa của một số người Nam Hàn, kể luôn cả Tổng thống Moon Jae-in, đối nghịch lại với sự bảo trợ của Mỹ, như theo các tường trình (2). Một Bán đảo Triều Tiên với ưu thế thuộc về Trung Hoa sẽ làm cho Nhật Bản trở nên kém an ninh hơn và Hoa Kỳ sẽ không còn là một quyền lực mạnh ở Thái Bình Dương.

Trên lý thuyết, một Bắc Hàn thời hậu-tấn-công rơi vào hỗn loạn có thể được cứu thoát bằng sự thống nhất chính trị của bán đảo, cộng với việc Hoa Kỳ giải tỏa các mối quan ngại của Trung Hoa bằng cách nhanh chóng đem quân của họ dời xa về phía nam, thay vì tiến ra bắc. Tuy nhiên, trên thực tế, đây sẽ là một kế hoạch khó thực hiện được, vì lẽ dễ hiểu là chính quyền và dân chúng Nam Hàn  thường không muốn san sẻ sự thịnh vượng của họ với những người miền bắc nghèo nàn khốn khó, như những người Tây Đức đã từng làm với đồng bào Đông Đức của họ.

Đến lúc này, có vẻ như rõ ràng là các giới chức có thẩm quyền về quân sự của Hoa Kỳ đã loại bỏ sự chọn lựa một cuộc tấn công tiên khởi (pre-emptive military option). Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn có thể cứu vãn thế giới ra khỏi những mối nguy hiểm to lớn của một Bắc Hàn với các hỏa tiễn tầm xa có đầu đạt hạt nhân nếu như Hoa Kỳ ra tay trong những tháng ngày còn lại trước khi những hỏa tiễn đó hoạt động được.

Đúng thực là Ấn Độ, Do Thái, và Pakistan tất cả đều có những vũ khí này, mà cho đến nay không gây ra hậu quả thảm khốc nào. Nhưng mỗi quốc gia đó đã chứng minh được mức độ đáng tin cậy của họ qua những cách mà Bắc Hàn đã không làm. Thí dụ như toà đại sứ của họ không bán ma túy hoặc lưu chuyển bạc giả. Hơn thế nữa, những quốc gia đó đã trải qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, và ngay cả trong lúc đánh nhau trong chiến tranh, họ không hề đề cập đến vũ khí hạt nhân, chứ đừng nói gì đến chuyện đe dọa đem chúng ra dùng như Kim Jong Un đã làm. Bắc Hàn thì khác, và chính sách của Hoa Kỳ nên thừa nhận thực tại đó trước khi đã quá muộn.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ
Ngày 15 tháng 01, 2018

Chú thích:
(1)  Bài viết nguyên bản: foreignpolicy.com/2018/01/08/its-time-to-bomb-north-korea/
(2)  Bài viết về Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và quan hệ với Trung Hoa: www.scmp.com/week-asia/opinion/article/2095783/why-rising-moon-bodes-well-china-korea-relations
Powered by Blogger.