Tại Sao Dân Đông Nam Á Ghét Trung Cộng?
Với những tai tiếng, kinh nghiệm lịch sử, và khả năng để thực hiện những lời hứa, Trung Cộng đã trở nên một tai hoạ của khu vực Đông Nam Á.
(chuyển ngữ)
Mặc dù có sự suy giảm về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (foreign direct investment - FDI), các công ty của Trung Cộng (TC) đang đầu tư một khối tiền rất lớn vào Đông Nam Á. Điều này không có nghĩa là người Tàu và tiền của họ luôn được hoan nghênh. Bắc Kinh và đại diện của họ phải xem lại vấn đề tình cảm của dân chúng địa phương đối với họ như thế nào để khỏi làm phức tạp thêm mối quan hệ thương mại và đầu tư trong vùng.
Một ví dụ điển hình là mối lo ngại của các nhà điều hành TC về việc kinh doanh tại Indonesia. Cựu thống đốc Jakarta là người gốc Tàu, vừa thất bại trong một cuộc tranh cử đầy tính cách chia rẽ, với những ý kiến chua cay của công chúng đối với người thuộc phe của ông ta.
Ông Zhao Baige, một nhà ngoại giao cao cấp của TC, nói: "Chúng ta cần phải hiểu chính sách và luật pháp của Indonesia liên quan đến lao động, thuế, đặc biệt là đất đai ... nếu không thì sẽ không có việc kinh doanh ở đấy." Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Indonesia trợ giúp cho các công ty TC trong vấn đề quan hệ đến công chúng và ưu đãi thuế.
Làn sóng dân lao động đông đảo từ TC tràn sang Indonesia đã khiến tình trạng xã hội trở nên căng thẳng. Said Iqbal, người đứng đầu Liên hiệp Công đoàn Indonesia, nói: "Người dân lao động địa phương không có nghề chuyên môn không thể kiếm được việc làm vì công việc đã bị người Tàu chiếm tất cả."
Sự gia tăng (chống TC) tương tự cũng đã xảy ra tại Myanmar sau khi có những cáo buộc rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ các phiến quân TC ở phía bắc của quốc gia họ. Ý tưởng chống TC đã tăng lên mạnh mẽ đến nỗi người ta phải đặt câu hỏi rằng Dự án Khu Kinh tế Đặc biệt Kyaukphyu có thể tồn tại được hay chăng.
Vấn đề Biển Đông đang gây căng thẳng
Sự oán ghét người Tàu đã có từ nguồn gốc sâu đậm ở Đông Nam Á, qua kinh nghiệm lịch sử, việc kinh doanh và các va chạm của văn hoá. Ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc hiện đang gia tăng vì việc tranh giành tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông.Bắc Kinh không muốn lui bước trên những vùng rộng lớn của khu vực. Sự nhạy cảm chính trị của các yêu sách của TC cho thấy rằng không thể có được một giải pháp nào, trong tương lai gần, để giải quyết việc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia trong vùng.
Dân chúng của các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã xuống đường để biểu lộ sự phẫn nộ của họ trước những khẳng định hiếu chiến của TC. Có nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Philippines vào mùa hè năm ngoái và Việt Nam vào cuối năm nay.
Lịch sử của TC ở Đông Nam Á đang nuôi dưỡng ý tưởng chống TC
Sự nghi ngờ đối với người Tàu có thể được nhìn thấy trong luật địa phương ở vài quốc gia. Các quy định đối xử riêng biệt chống lại người Indonesia gốc Tàu đã được áp dụng từ thập niên 1950. Người nước ngoài, nhiều người trong số họ đến từ nhóm này (gốc Tàu), đã bị cấm buôn bán lẻ ở ngoại ô. Điều này buộc nhiều người phải di chuyển các cơ sở kinh doanh của họ vào các khu vực trong thành phố.Trong khi đó, dân Tàu ở Campuchia bị đàn áp bởi cả Khmer Đỏ lẫn người Campuchia. Vào cuối thập niên 1960 có 425,000 người Tàu ở Campuchia. Thế nhưng đến năm 1984 chỉ còn lại 61,400 người.
Phương pháp kinh doanh của TC đang làm tăng sự oán giận dân Tàu một cách trầm trọng
Dân chúng ở Đông Nam Á cũng quan tâm đến thái độ xem thường các vấn đề liên quan đến môi trường của TC. Hoạt động khai thác đồng ở Myanmar đã bị đình trệ vài lần bởi những người đối lập địa phương. Họ lo ngại về những tác động môi trường của dự án và mức bồi hoàn thấp đối với những vụ tịch thu đất đai.Daw Sandar, một cư dân của Letpadaung và là một nhà đối kháng, nói: "Đây là một dự án giết người và cướp đất. Các cư dân của chúng tôi đang chống lại dự án này vì nó vi phạm bản báo cáo điều tra được viết bởi Daw Aung San Suu Kyi. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với việc cho dự án hoạt động trở lại".
Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có những kinh nghiệm tương tự. Công ty trồng chuối của người Tàu ở quận Ton Pheung của Lào đang gây sự thù địch bởi những tác dụng của việc sử dụng hoá chất.
Cecille Friis, một nhà địa lý học tại Đại học Humboldt, giải thích: "Có nhiều ưu đãi về kinh tế khi cho người Tàu thuê đất, bởi vì nó đem đến một khoản tiền lớn mà dân Lào không bao giờ có thể có được từ việc làm nông nghiệp của họ."
Bà nói thêm: "Nhưng có rất nhiều hậu quả về việc các chất hoá học được các nhà đầu tư TC sử dụng, phá hủy đất đai và gây ô nhiễm các con kênh dẫn nước đã có từ lâu đời ở địa phương."
Tiền của khách du lịch TC vẫn được hoan nghênh rộng rãi
Những người làm việc trong các ngành du lịch trong khu vực ASEAN muốn làm giảm tình cảm chống TC. Điều này là do số lượng lớn về chi tiêu của khách du lịch TC, là một số lượng cần phải tính đến trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.TC đã đóng góp số lượng khách du lịch lớn thứ hai vào khu vực ASEAN. Ngành này trực tiếp chiếm 5% GDP của khu vực và hỗ trợ hơn 32 triệu việc làm.
Bộ Du lịch Campuchia có kế hoạch năm năm để thu hút hai triệu khách du lịch TC mỗi năm vào năm 2020. Singapore đã phát động một chiến dịch tốn kém 1 triệu đô la (USD) với tên gọi "Khám phá Singapore Từ Trái tim của bạn" để thu hút khách du lịch TC đến thăm viếng. Người TC được chào đón về việc đến thăm, chứ không phải là đến để sinh sống.
Tham nhũng và quan liêu là những vấn đề lớn đối với Bắc Kinh
Sự gia tăng công khai về việc oán ghét người Tàu là một vấn đề nan giải đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa TC và Đông Nam Á đó là tham nhũng và những quy tắc quan liêu (red tape) đang cản trở khả năng của Bắc Kinh trong việc đưa ra các cam kết lớn cho các quốc gia Đông Nam Á.Chỉ có 7% kế hoạch đầu tư của TC trên các dự án ở Indonesia đạt được kết quả từ năm 2005 đến năm 2014. Bắc Kinh cũng đã cung cấp ít nhất 26 tỷ đô la (USD) viện trợ và hỗ trợ hứa hẹn các dự án ở Philippines kể từ khi Duterte lên nắm quyền.
TC đang ngày càng dựa vào cơ chế kinh tế để tăng cường liên kết với Đông Nam Á. Nhưng nó trở nên yếu kém hơn khi các hứa hẹn trong dịch vụ thương mại và đầu tư không đem lại một kết quả nào cả.
Dễ dàng đối phó với tham nhũng hơn là quan liêu
Tham nhũng là vấn đề dễ giải quyết nhất của TC. Vì nó đơn giản, chỉ cần điều chỉnh các phương pháp kinh doanh của các công ty TC là xong. Thế nhưng giải quyết các tranh chấp về biển thì thật khó khăn vô cùng.Hơn 30 quan chức cao cấp của TC đã bị bắt từ những ngày đầu của lệnh chống tham nhũng của Tập Cận Bình (Xi Jinping). Điều này bao gồm các nhân vật lãnh đạo cấp cao như cựu phó chủ tịch Hội Các Nhà Tư Vấn Chính Trị Quốc Gia, Su Rong.
Việc cắt giảm hệ thống hành chánh quan liêu (red tape) không được rõ ràng. Các nhà lãnh đạo phải quyết định những quy tắc nào đáng để giữ cho mức độ chỉnh đốn được cân bằng. Quá nhiều quy tắc thì sẽ giết chết hiệu quả và khả năng cạnh tranh; Thiếu quy tắc thì sẽ làm suy yếu sự phối hợp giữa các cơ quan của chính phủ.
Những phương pháp quan liêu phức tạp cũng hạn chế các cơ hội (đầu tư, thương mại) của nước ngoài đối với lợi ích của TC. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết TC đang "duy trì một chế độ hạn chế đầu tư của nước ngoài so với các đối tác thương mại chính của nó (major trading partners). Bắc Kinh phải bắt đầu bằng cách loại bỏ các luật lệ mơ hồ hoặc không đồng nhất về nguồn lưu thông của tiền tệ ra nước ngoài. Điều này sẽ cải thiện khả năng thực hiện những lời hứa hẹn của họ."
Thủ tướng Li Keqiang đã thừa nhận những nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chánh rắc rối là "quá chậm." Điều này cho thấy sự mong muốn đối với việc cải cách. Tuy nhiên, những thay đổi lớn của TC phải đến từ bên trong. Chỉ như thế, TC mới có thể cải thiện được hình ảnh của họ đối với cái nhìn của những nhà quan sát và dân chúng trong khu vực Đông Nam Á.
Tham khảo:
Why do Southeast Asian citizens dislike China?
http://www.aseantoday.com/2017/07/why-do-southeast-asian-citizens-dislike-china/
Post a Comment