Header Ads

Lễ Hội Chọi Trâu


Trong số 32 ông Cầu trong lễ hội chọi trâu 2013 tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ngày 27 và 28 tháng 3 vừa qua, ông Cầu mang số 1 là nhà vô địch. Trong ngày đầu của lễ hội, có 7 trận, trận của ông Cầu số 1 và ông Cầu số 2 là một trong những trận hay nhất, kéo dài tới gần 20 phút.

Theo tục lệ đã có từ xưa, những ông Cầu thua trận đều bị đưa ra làm thịt ngay tại chỗ. Bên cạnh sới chọi là sân mổ và hàng dẫy sạp nơi người ta bán thịt các ông Cầu thua trận. Trong dân gian người ta tin thịt trâu chọi mang lại sức khỏe và nhiều may mắn, vì vậy các xạp thịt đều đông nghẹt người mua mặc dù thịt khá đắt (300 nghìn đến hơn 2 triệu đồng một cân, so với thị trường khoảng hơn 200 nghìn một cân thịt trâu thường). Những nguyên nhân khác làm cho thịt trâu chọi đắt là tuổi trẻ của trâu và cách chăm sóc cầu kỳ của nghệ thuật nuôi các ông Cầu: sáng và trưa ăn cỏ tươi, non; tối ăn cám hoa; tắm nước sạch; tuyệt đối không được dùng chất kích thích, kể cả rượu, mà chỉ nhốt riêng biệt, không cho tiếp xúc với đồng loại để các ông Cầu không bị thuần hóa.

Những ông Cầu yếu, hoặc có hành vi bất bình thường đều bị loại trong ngày đầu. Thí dụ ông Cầu số 21 không chịu chọi mà đuổi nhân viên chạy thục mạng quanh sới, phải phóng lên những thanh ngang ở thành sới để tránh bị ông húc. Sang ngày thứ hai chỉ còn lại những ông Cầu cao thủ. Trong đó nổi bật là ông Cầu số 16 với miếng hổ lao, từ xa chúi sừng lao đầu vào đối thủ; và ông Cầu số 19 với miếng khóa sừng rất mạnh, nhiều lần nhấc được hai chân trước đối thủ lên khỏi mặt đất. Trong vòng đầu chọi với ông Cầu số 20, ông Cầu số 19 đã bị miếng móc mắt của đối thủ làm chảy máu mắt, nhưng ông vẫn dũng cảm chiến đấu cho đến khi dành được chiến thắng.

Sau khi qua được ngày đầu, ông Cầu số 1 đã lần luợt thắng được tất cả các cao thủ trong ngày thứ hai của lễ hội. Miếng võ ông hay dùng là miếng lắc sừng và miếng cáng hầu. Lắc sừng là khóa sừng với đối thủ và lắc mạnh để bẻ cổ đối phương, cáng hầu là húc sừng vào yết hầu đối phương.

So bề ngoài, mặc dù nặng hơn một tấn, sừng dài mỗi bên 0m72, vòng ngực 2m16, ông Cầu số 1 không phải là ông Cầu to nặng hơn hẳn so với các đối thủ. Cái làm ông trở nên nhà vô địch là ý chí chiến đấu tuyệt vời làm cho khán giả nhiều lần nồng nhiệt khâm phục bằng những tràng pháo tay vang dội đấu trường.

Trưa ngày 28 tháng 3, ông Cầu số 1 anh dũng chiến thắng trận cuối cùng. Ban tổ chức kết thúc lễ hội và trao phần thưởng cho các chủ trâu. Người ta dẫn ông Cầu số 1 ra một khoảng sân lát xi măng ngay bên cạnh sới chọi. Ông đi từng bước nặng nề, chậm chạp, đôi mắt lờ đờ, không có chút biểu hiện nào của một kiện tướng vừa vượt qua hàng chục đối thủ để trở thành nhà vô địch được hàng ngàn khán giả của lễ hội chọi trâu hâm mộ.

Trên sàn xi măng, đội đồ tể năm người đã chờ sẵn. Một chú đồ tể móc hai sợi giây đồng vào hai lỗ mũi ông Cầu, tạt xô nước lên sàn xi măng dưới chân ông. Rồi người ta đóng cầu dao. Thân hình to lớn 1006 kg, như một chiếc xe lu, của ông Cầu đổ vật xuống nền xi măng. Người ta cẩn thận đóng cầu dao thêm một lần thứ hai. Thêm một lần thứ ba. Ông Cầu giật bắn lên hai lần rồi nằm im bất động. Một chú đồ tể dùng con dao nhỏ, ngắn, lưỡi hình tam giác, rạch một đường khoảng 10cm, chính xác và điêu luyện như một nhà phẫu thuật, cắt đứt động mạch dưới cổ ông Cầu. Dòng máu nóng hực bắn vọt ra. Người ta hứng máu vào một cái thau lớn, máu chảy ồng ộc như nước phun từ vòi.

Các chú thanh niên đồ tể nhanh chóng dựng ngửa ông Cầu lên, cắt rời bốn cẳng chân, mỗi người lóc thịt một cẳng chân. Một người khác cắt đầu, rạch bụng, lột da, moi hết bộ lòng, rửa sạch phân…Tất cả chỉ kéo dài 38 phút kể từ khi giật điện đến khi thịt, lòng, da, xương ông Cầu được tách riêng rẽ chuyển ra xạp thịt ngay bên cạnh sới chọi, nơi du khách chen chúc tranh nhau mua thịt ông Cầu số 1 với giá 2 triệu 100 nghìn một cân.

Người ta nhanh chóng lũ lượt ra về, khán đài hai bên xới chọi trống trơn, chỉ còn lại những bậc xi măng dài ngập đầy giấy rác.

Trần Đình Tuấn
Powered by Blogger.