Trong hình chụp bản “Cây Đàn Bỏ Quên”, lưu truyền trên internet, ở cuối bản
nhạc có ghi là do nhà xuất bản An Phú xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn vào
năm 1953. Trên đầu bản in có ghi “Nhạc và Lời: Phạm Duy” và “Soạn tại BARIA
năm 1945”, cùng lời giới thiệu “Đã thâu thanh trong phim Kiếp Hoa do tài tử
Ngọc Toàn trình bày.”
Dựa theo tiểu sử của nhạc sĩ Phạm Duy (1921 - 2013), thì khi sáng tác bài
hát nói trên, ông đã 24 tuổi và đang đi theo gánh hát Đức Huy, để phụ diễn
tân nhạc. Đây cũng là một trong vài nhạc phẩm sáng tác đầu đời của ông.
Gánh hát Đức Huy là một gánh hát cải lương của ông bầu Charlot Miều (tên
thật là Ngô Nhật Huy) lưu diễn khắp ba miền đất nước, nhưng đa số là ở miền
Nam.
Trong thời kỳ lưu diễn này, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi
sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông, và nhạc sĩ Văn
Cao, người đã trở thành bạn thân và đồng sáng tác các bản nhạc như Suối Mơ
và Bến Xuân.
Thập niên 1940 là thời kỳ đầu của nền tân nhạc. Thế cho nên hầu hết các bản
tân nhạc đều mang nặng tính chất và âm điệu của tây phương. Thuy thế cũng có
một số ít bản nhạc có âm điệu ngũ cung cũng như ca dao đặc trưng của Việt
Nam, như chúng ta đã biết qua hai bản “Cô Hàng Nước” của Vũ Minh và “Cô Hàng
Cà Phê” của Canh Thân. Bản “Cây Đàn Bỏ Quên” đã đưa âm ngũ cung vào tân
nhạc, với câu “Tình tang, tính tính, tình tang”, được lập lại trong từng
đoạn của bài hát. Khiến bài hát không những có âm hưởng ngũ cung mà còn mở
đầu cho đường lối sáng tác sau này của Phạm Duy.
Bài “Cây Đàn Bỏ Quên”, có lẽ, là để nói lên câu hỏi của người nhạc sĩ: “Yêu
tôi hay yêu tác phẩm của tôi?” Mà hỏi thì có nghĩa là đã có câu trả lời, và
câu trả lời là tâm lý của đọc giả hay thính giả là “Yêu tác phẩm chứ không
phải là yêu tác giả.” Tương tự như “Người nghe hát yêu (hoặc thích)
tiếng hát chứ không phải là yêu người hát.” Như Mị Nương tương tư Trương Chi
trong truyện cổ tích mà thôi.
Cây đàn tượng trưng cho dụng cụ trình bày điệu nhạc của nhạc sĩ, tiếng hát
là tượng trưng cho phương tiện (trời cho hay bẩm sinh) diễn tả lời ca của
người hát. Thế cho nên, dù người nghe có yêu (thích) hay ghét (không thích)
giọng ca tiếng hát hay người hát hay không, thì câu trả lời, chắc cũng chỉ
là “Cho dù người nghe có đồng điệu (cùng tần số) hoặc trái lại, thì cũng chỉ
là sự hữu duyên, hay vô tình gặp gỡ trong vài phút giữa người hát và người
nghe trong dòng chảy xuôi chiều của cuộc đời này mà thôi.” Nếu được như thế
thì cũng đủ để trân trọng duyên may này.
Trong ý tưởng đó, chúng tôi xin mời quý vị nghe Bùi Phạm Thành hát bài “Cây
Đàn Bỏ Quên” của Phạm Duy với nhạc đệm Karaoke của Kim Quy.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment