Header Ads

Thời Sự Cuối Tuần - Thế Giới Dưới Móng Vuốt Của Tàu Cộng


Bùi Phạm Thành

Xin chào quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên và quý thính giả của Radio Lâm Viên.

Thưa quý vị,

Theo chương trình bầu cử 2020 thì hạn chót là ngày 14 tháng 12 năm 2020, tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ phải công bố danh sách chính thức về kết quả bầu cử, trong đó, quan trọng nhất là liên danh nào đắc cử tổng thống. Từ nay đến ngày đó còn chưa đầy một tháng. Sau đó thì lưỡng viện Quốc hội sẽ họp vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 để chứng nhận kết quả, và sau hết là ngày 20 tháng 1 năm 2021 sẽ là ngày làm lễ tuyên thệ nhậm chức của vị tổng thống đắc cử. Hy vọng rằng sau ngày đó thì tình trạng phân hoá của người Việt tị nạn cộng sản sẽ lắng xuống, để trở lại với sinh hoạt bình thường, cho dù con virus Vũ Hán vẫn còn ẩn hiện trong đám mây đen trên đầu.

Nhắc đến virus Vũ Hán, thì trên trang web của viện đại học Johns Hopkins cho biết, tính đến ngày 21 tháng 11 năm 2020 thì
  • Trên thế giới đã có 57,775,599 người bị nhiễm virus. Trong số đó, đã có 1,376,404 người chết.
  • Riêng ở Mỹ thì đã có 11,928,902 người bị nhiễm virus, và 254,560 người chết.
Trở lại với chuyện bầu cử, thì hiện nay hầu hết các tin tức về kết quả bầu cử, cũng như kiện cáo, đều là những tin "ngoài hành lang" hoặc "đoán già đoán non" của giới truyền thông chuyên nghiệp qua những nguồn thông tin của họ, và của giới truyền thông không chuyên nghiệp qua mạng lưới truyền thông xã hội. Nghe để biết cho thỏa tính tò mò là một chuyện, nhưng nghe để rồi dựa vào đó mà cãi nhau, hoặc nặng hơn nữa là để xỉ vả nhau, thì quả là một việc làm vô ích.

Thưa quý vị,

Hàng trăm tin trái ngược nhau về bầu cử được truyền đi hàng ngày, đã che khuất các tin tức quan trọng khác mà chúng ta cũng cần biết tới. Một điều đặc biệt là các tin này đều chú trọng về Á châu, và nhất là về Tàu cộng.

Trong lịch sử, chúng ta đã được biết rất nhiều về "Đế Quốc Trung Hoa", với vua là "con Trời - Thiên tử" và nước Tàu là trung tâm của thế giới, các quốc gia và dân tộc chung quanh đều là Man, Di, Mọi, Rợ. Sự kiện này đã kéo dài hàng mấy ngàn năm. Cho đến cuối đời nhà Thanh, năm 1900, mới bị "Bát quốc liên minh" xâm chiếm, sau đó là cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn, và rồi sau cùng là sự tham nhũng của chính quyền Tưởng Giới Thạch đã đem lại sự thắng lợi cho Mao Trạch Đông vào tháng 10 năm 1949, biến nước Tàu thành quốc gia cộng sản lớn thứ nhì, sau Liên bang Xô Viết. Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào tháng 12 năm 1991, Tàu cộng trở thành quốc gia lãnh đạo của thế giới cộng sản, và ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đang tìm cách để thành lập một "Đế chế Trung Hoa Đỏ".

Kể từ sau Thế chiến thứ Nhì, Tàu cộng đã bành trướng mạnh mẽ, với các thời điểm và hoạt động đáng chú ý như:
  • Năm 1951 sáp nhập Tibet vào nước Tàu, khiến đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong.
  • Năm 1978 dưới sự cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, Tàu cộng đã phát triển kinh tế và quân sự, đồng thời tuyên bố chủ quyền biển đảo ở Thái Bình Dương trong khu vực phía nam và đông của nước Tàu.
  • Năm 2013 công bố "Sáng kiến Vành Đai Con Đường - Belt and Road Initiative" để tạo dựng một chủ nghĩa thực dân mới, dùng bẫy nợ để chiếm đoạt đất đai, tài nguyên của các quốc gia nghèo ở Á châu và nhiều quốc gia trên các lục địa khác.

Sự bành trướng của Tàu cộng, đồng thời, gây tai hoạ đáng để ý như:
  • Suy thoái môi trường: Ô nhiễm biển với rác thải. Đánh cá quá mức. Xây đập ngăn cản nước, đe doạ môi trường của đồng bằng sông Cửu Long.
  • Xâm chiếm biển đảo ở Biển Đông, ngăn cản tự do hàng hải trong khu vực này.
  • Vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và đàn áp tự do của dân Hong Kong.
  • Bảo trợ cho các quốc gia độc tài hoặc cực đoan như Iran, Venezuela, và Bắc Hàn.

Ngày 25 tháng 8 năm 2020, trên trang báo điện tử The Japan Times có đăng một bài bình luận với tựa đề "Chủ nghĩa bành trướng của Tàu cộng đang bước vào giai đoạn nguy hiểm - China’s expansionism enters dangerous phase". Với hình minh hoạ con rồng đỏ và chiến hạm vũ trang chế ngự Biển Đông, với xung quanh là sự e sợ và lo lắng của các quốc gia Đài Loan, Philippines, Brunei, Mã Lai, Indonesia, và Việt Nam.




Trong Hội nghị Thượng đỉnh của các quốc gia Đông Á (East Asia Summit) lần thứ 15, khai mạc ngày 11 tháng 11 năm 2020, được tổ chức ở Hà Nội, các nguyên thủ của quốc gia trong khối Đông Á đã kêu gọi sự hợp tác để đối phó với đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), đã tuyên bố: 

"Không một quốc gia nào, lớn hay nhỏ, có thể giải quyết sự khủng hoảng này một mình. Các bên liên quan trong khu vực cần tiếp tục hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực." 

Ông nói thêm:

"Về Biển Đông, các tranh chấp lãnh hải cần được giải quyết theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế."

Cũng nên nhắc lại là "Luật pháp quốc tế" là điều mà Tàu cộng không bao giờ tuân theo, nếu bất lợi cho họ. Thí dụ như hồi tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân về vụ kiện con đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Tàu cộng vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân, và Tàu cộng đã ngang nhiên tuyên bố là không chấp nhận phán quyết này. Dĩ nhiên là thế giới chỉ ngồi khoanh tay mà nhìn. Bởi vậy, Tàu cộng được thế, tự do thao túng, dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để xâm lăng, chiếm đoạt bất cứ nơi nào mà chúng muốn, để khôi phục giấc mộng "Hán đế" trong hình thức mới, là một "Đế quốc đỏ", với móng vuốt bao trùm không chỉ ở Á châu, mà khắp trên thế giới. 

oOo

Thưa quý vị,

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị một số tin tức quan trọng và cần biết trong tuần.

WHO Một Lần Nữa Bị Chú Ý Vì Chịu Ảnh Hưởng Của Tàu cộng

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên được gọi là Đại hội đồng Y tế Thế giới để vạch ra các chính sách và ưu tiên mới, nhưng những ý kiến hay bình luận liên quan đến Đài Loan đã bị kiểm duyệt, gây những chú ý mới về Tàu cộng tiếp tục có ảnh hưởng và áp lực mạnh đến WHO.

Cuộc hội nghị thượng đỉnh lần này, được tổ chức trên trang Facebook chính thức của WHO, người kiểm duyệt của WHO đã xuất hiện để kiểm duyệt các bình luận có chứa các từ ngữ liên quan đến Đài Loan hoặc ngụ ý coronavirus có nguồn gốc từ Tàu cộng như những từ ngữ "Taiwan," và "Taiwan can help" đều bị kiểm duyệt. Ngoài ra các từ ngữ như "Winnie the Pooh,” “Wuhan Virus” và “China Virus” cũng đều bị kiểm duyệt bằng cách ngăn chặn hay xoá bỏ. Điều này chứng tỏ rằng WHO thiên vị và muốn làm vừa lòng Tàu cộng. 

Dân biểu Michael McCaul, người đứng đầu Uỷ ban Đối ngoại của Hạ Viện trả lời câu hỏi của đài VOA bằng email rằng:

"Tôi rất bất mãn khi WHO đã kiểm duyệt cuộc đối thoại trực tuyến liên quan đến phương pháp ngăn chặn COVID-19 của Đài Loan, chắc chắn là để làm vừa lòng Tàu cộng. Sự tham gia của Đài Loan vào WHO là rất quan trọng đối với tình trạng y tế toàn cầu.”

Canada Lưu Ý Về Việc Tàu Cộng Gây Áp Lực Kinh Tế Với Úc

Trong khi thế giới quay cuồng với chuyện bầu cử của Hoa Kỳ thì Tàu cộng nhân cơ hội để tung ra những kế hoạch nhằm làm suy yếu liên minh của các quốc gia tây phương bằng áp lực kinh tế. Quốc gia đang bị áp lực kinh tế mạnh mẽ nhất của Tàu cộng là Úc, khiến Canada phải để ý.

Đầu tháng này, các hãng nhập cảng của Tàu cộng đột nhiên thông báo ngừng nhập cảng một loạt mặt hàng từ Úc, bao gồm lúa mạch, đường, rượu vang, gỗ, than, tôm hùm, và quặng đồng.

Nguyên nhân của sự giận dữ của Tàu cộng đối với Úc có nhiều yếu tố, bao gồm cả việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của coronavirus và lệnh cấm dùng hệ thống 5G của Huawei do lo ngại về an ninh quốc gia. Nhưng Bắc Kinh đặc biệt tức giận về luật pháp nhằm giải quyết các hoạt động chính trị bí mật, tham nhũng và cưỡng ép của Tàu cộng nhằm gây ảnh hưởng đến các chính trị gia Úc, đã được công bố trong bản báo cáo gần đây có tên là “Đồng tiền thay đổi cuộc đời," của Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI).

Tờ China Daily, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Tàu, đã đe dọa rằng Úc sẽ “chịu thêm đau đớn” vì đã tỏ thái độ chống Tàu cộng bằng cách trừng phạt các công ty của Tàu, điều động chiến hạm đến trước cửa Tàu cộng ở Biển Đông và “thông đồng” với Washington, và kết luận với lời hăm doạ rằng “Úc sẽ phải trả giá rất đắt cho những sai lầm đó.

Tuần qua, Tàu cộng đã đưa ra danh sách 14 điều chính phủ Úc đã làm khiến Tàu cộng "tức giận".

Để đáp lại tất cả những sự kiện nêu trên, thủ tướng Úc, ông Scott Morrison, tuyên bố: "Các giá trị như nền dân chủ và chủ quyền của Úc không phải là đồ vật để trao đổi hay mua bán."

Tất nhiên là Tàu cộng muốn Canada xem tất cả những điều chúng đối xử với Úc như là lời cảnh cáo cùng với việc Bắc Kinh tự ý chấm dứt các hợp đồng nhập cảng nông sản Canada trong hai năm qua. Câu hỏi được đặt ra cho Canada là "Liệu Canada có nên nhượng bộ Tàu cộng, hay Canada và Úc cùng đứng lên để chống lại việc Tàu cộng bắt nạt, và vi phạm các tiêu chuẩn ngoại giao và thương mại quốc tế?"

Hoả Tiễn Tầm Trung Của Tàu Cộng Bắn Trúng Mục Tiêu Di Chuyển Ở Biển Đông

Tuần qua, trang báo điện tử South China Morning Post đăng bài nói về Wang Xiangsui, một sĩ quan của Quân đội Tàu cộng (PLA), đã nghỉ hưu, cho biết rằng một hoả tiễn tầm trung DF-26B (có tầm bắn từ 1,864 đến 2,485 miles) và một hoả tiễn tầm trung khác là DF-21D (có tầm bắn ngắn hơn, từ 800 đến 900 miles) đã bắn trúng mục tiêu là một chiếc tàu đang di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa, trong cuộc tập trận hồi tháng Tám vừa qua. Tuy nhiên Wang không cho biết rõ chi tiết về việc bắn thử này. 

Tờ South Morning China Post thì cho biết là 2 hoả tiễn DF-26B và DF-21D đã được phóng đi từ các địa điểm ở tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Tàu và ở Chiết Giang. Một báo cáo sau đó của Reuters cho biết, chính phủ Mỹ đã cho rằng Tàu cộng đã bắn tổng cộng 4 hoả tiễn tầm trung từ nội địa ra khu vực Biển Đông.

Nếu đúng, thì đây sẽ là màn phô trương đầu tiên được biết đến của Tàu cộng về khả năng hoả tiễn chống chiến hạm tầm trung, có thể thay đổi đáng kể về chiến thuật của bất kỳ đối thủ nào, kể cả Hoa Kỳ, trong khu vực Biển Đông đang có sự tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia, và các nơi khác trong khu vực Thái Bình Dương.

Mỹ Có Thể Đánh Chìm Tất Cả Hạm Đội Của Tàu Trong Vòng 72 Giờ 

Trong một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng 6, bà Michele Flournoy viết rằng Mỹ cần có một biện pháp răn đe vững chắc để giảm nguy cơ “tính toán sai lầm” của giới lãnh đạo Tàu cộng. Thí dụ như cho Tàu cộng thấy rằng quân đội Hoa Kỳ có khả năng để đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của chúng ở Biển Đông trong vòng 72 giờ, thì các nhà lãnh đạo Tàu cộng có thể sẽ phải suy nghĩ kỹ, trước khi phát động một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược Đài Loan; họ sẽ phải tự hỏi liệu có đáng để toàn bộ hạm đội của họ gặp rủi ro bị đánh chìm hay không?

Bà Michele Flournoy là cựu phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng thời chính phủ Obama, và có triển vọng được chọn là Bộ trưởng Quốc phòng nếu ông Biden đắc cử tổng thống. 

Trong bài báo, bà Flournoy cũng nhấn mạnh nhu cầu đổi mới, đặc biệt là đối với các hệ thống vũ khí không người lái được tăng cường bởi trí tuệ nhân tạo, cũng như phương pháp phòng thủ, cùng với các mạng lưới chỉ huy và liên lạc. Bà cũng đề nghị có thêm nhiều cuộc tập trận chung với các quốc gia đồng minh, đồng thời điều động thêm nhiều đơn vị quân đội đến khu vực Thái Bình Dương để ngăn chặn sự hung hăng của Tàu cộng. 

Tuy đây chỉ là ý kiến của một người cựu phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng cũng cho thấy các nhân vật cao cấp của Mỹ cũng rất quan tâm đến sự bành trướng của Tàu cộng ở khu vực Thái Bình Dương.

Có Thể Có Liên Minh Quân Sự Nga-Tàu Hay Không?

Ngày 15 tháng 11 năm 2020, trên trang báo điện tử CGTN có bài viết về cuộc họp thường niên lần thứ 17 của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai vào ngày 22 tháng 10 vừa qua. Một thành viên của Tàu cộng đã hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng: "Có thể có một liên minh quân sự Nga-Tàu hay không?" Câu trả lời khá bất ngờ của Putin là: "Bạn có thể tưởng tượng ra đủ mọi thứ. Chúng tôi luôn tiến hành từ thực tế là quan hệ của chúng tôi đã đạt đến mức độ tương tác và tin tưởng đến mức chúng tôi không cần thành lập một liên minh, nhưng về mặt lý thuyết, thì điều này rất có thể."

Trên thực tế thì tuy Nga và Tàu không có một thoả ước quân sự nào, nhưng cũng đã từng có các cuộc tập trận chung, như năm 2015 ở Địa Trung Hải, và 2019 ở Vịnh Oman. Cả Nga và Tàu cộng đều có những rắc rối quân sự riêng, thế nhưng Tàu cộng thì bị vây quanh bởi những điểm nóng như tranh giành đảo với Nhật, tranh giành biển đảo với nhiều quốc gia ở Biển Đông, tiềm năng chiến tranh với Đài Loan, và nhất là với Ấn Độ, thì trong năm nay đã có vài đụng độ quân sự ở vùng biên giới của đôi bên.

Hiện tại, khả năng quân sự của Tàu cộng chưa có thể sánh được với quân đội của các cường quốc như Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Thế cho nên liên minh quân sự với Nga sẽ làm tăng địa vị của quân đội Tàu trên địa bàn quốc tế.

Nhìn qua mọi dữ kiện hiện nay thì liên minh quân sự Nga-Tàu chỉ có lợi cho Tàu cộng. Đồng thời tình hình hiện tại cho thấy chưa cần tạo liên minh "hai đánh một" giữa ba quốc gia Nga, Tàu và Mỹ. Thế cho nên một liên minh quân sự Nga-Tàu có lẽ không thể có, và lời nói của Putin có thể xem như là sự công nhận mức độ quan hệ cấp cao giữa hai quốc gia mà thôi.

Âu Châu Hướng Về Ấn Độ - Thái Bình Dương

Ngày 17 tháng 11 năm 2020, trang báo điện tử của đài RFA (Radio Free Asia) loan tin Netherlands (Hoà Lan) kêu gọi Liên minh Âu châu hãy lên tiếng mạnh mẽ về việc Tàu cộng vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Đó là một trong những điểm chính trong tài liệu về chính sách mới do Bộ Ngoại giao ban hành, vạch ra chiến lược của Hoà Lan trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được mô tả là “tầm nhìn đặc trưng của Hoà Lan”.

Hoà Lan là quốc gia thứ 3 thuộc Liên minh Âu châu, sau Pháp và Đức, đang hướng sự tập trung mới vào châu Á để ghi nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Tàu cộng và mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa khu vực và châu Âu.

Trong chính sách được ban hành hôm thứ Sáu, Tàu cộng được chú ý đến một cách đặc biệt, với lý do chúng đang tích cực mở rộng kinh tế bằng phương pháp sử dụng cả dân sự và quân sự để đạt được “các mục tiêu chiến lược”. 

Trong một bức thư gửi quốc hội về văn kiện chính sách mới, Ngoại trưởng Hoà Lan Stef Blok đề cập đến các chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Pháp và Đức đề ra và cho biết chính sách mới của Hoà Lan được chuẩn bị với “tầm nhìn của châu Âu vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, đó có lẽ sẽ là một lập trường chung của Liên minh Âu châu về khu vực địa dư này.

Chiến Thuật Phòng Thủ

Trước nguy cơ xung đột vũ trang, các quốc gia đều phải nghĩ đến việc tăng cường vũ khí tấn công cũng như phòng thủ. Thành ngữ Hoa Kỳ có câu "Phương pháp tấn công tốt nhất là có một hệ thống phòng thủ vững chắc." Về phương diện chiến lược thì câu hỏi luôn được đặt ra là "Nếu đối phương tấn công trước, thì quốc gia có đủ khả năng phòng thủ để sau đó phản công hay không?" Xem ra thì phòng thủ quan trọng hơn tấn công, bởi vì nếu không có hệ thống phòng thủ vững chắc thì không thể còn đủ khả năng để tấn công hay phản công đối phương. Nhất là khi bị tấn công bằng các loại hoả tiễn liên lục địa, từ xa mấy ngàn dặm (miles).

Một hệ thống phòng thủ hữu hiệu nhất trên thế giới, nhưng cũng đắt nhất thế giới, là hệ thống phòng thủ chống hoả tiễn tầm xa có tên là Aegis Ballistic Missile Defense System của hãng chế tạo vũ khí quốc phòng, Lockheed Martin, của Hoa Kỳ, được trang bị trên các chiến hạm và trên đất liền. Hiện tại hệ thống trên đất liền đã được đặt ở Mỹ, Nhật, Romania, hệ thống cố định trên bờ đã được xây dựng ở Romania và sẽ được xây dựng ở Nhật và Poland (Ba Lan) trong năm nay, 2020.



Hệ thống phòng thủ Aegis gồm có
  • Một hệ thống trang bị trên các chiến hạm tuần duyên và tuần dương để ngăn chặn hoả tiễn tầm xa, hoặc liên lục địa, của địch.
  • Một hệ thống trên đất liền trang bị các giàn phóng hoả tiễn lưu động sẵn sàng ngăn chặn hoả tiễn địch, trong trường hợp các chiến hạm không ngăn chặn được.
  • Một hệ thống cố định ở trên bờ có nhiệm vụ và khả năng của cả hai hệ thống trên biển và đất liền nói trên.

Thưa quý vị,

Trong đời sống cá nhân cũng như quốc gia thì luôn có những bất đồng, những tranh chấp về đủ mọi khía cạnh như tôn giáo, chính trị, kinh tế ... Tranh chấp hay bất đồng nào cũng có thể giải quyết bằng phương pháp ngoại giao hay thương thảo để tìm điểm tương đồng, đưa đến giải pháp cả đôi bên có thể chấp thuận. Ngoại trừ tranh chấp được gây ra bởi lòng tham, vì lòng tham không có đáy, không có điểm tương đồng, và như thế rất dễ đưa đến chiến tranh. Và chiến tranh là giải pháp độc hại nhất mà con người phải áp dụng để giải quyết mâu thuẫn, vì thắng hay thua trong chiến tranh, cả hai bên đều bị thiệt hại, mất mát, đổ vỡ và chết chóc.

Thế cho nên binh pháp của mọi thời đại đều cho rằng chiến thắng không dùng vũ khí thì mới được xem là chiến thắng toàn diện. Và nếu không dùng vũ khí thì phương pháp tốt nhất là dùng sức mạnh kinh tế, đánh vào chỗ yếu nhất của địch thủ là nền kinh tế của chúng. Sự sụp đổ kinh tế là sự thất bại chắc chắn. Lịch sử cận đại đã chứng minh về sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là do sự lụn bại về kinh tế trong "chiến tranh lạnh" với Hoa Kỳ và đồng minh. Đông Đức phải buông súng để sáp nhập vào Tây Đức cũng vì kinh tế lụn bại. 

Theo kinh nghiệm của lịch sử cận đại thì một "chiến tranh lạnh thứ nhì" giữa Tàu cộng và Mỹ cùng đồng minh là kế sách an toàn nhất. Cuộc chiến tranh lạnh này có thể kéo dài 5 hay 10 năm, hoặc lâu hơn nữa, nhưng sẽ bảo đảm được phần thắng cho thế giới tự do. Tàu cộng có thể không sụp đổ như Liên Xô, nhưng giấc mộng "Đế Chế Đỏ" sẽ tiêu tan.

Chúng ta chỉ hy vọng rằng Hoa Kỳ dù có thay đổi chính phủ thì cũng vẫn giữ áp lực kinh tế lên Tàu cộng để ngăn chặn móng vuốt xâm lăng của chúng. Qua cơn đại dịch, Liên minh Âu châu đã nhìn thấy mối nguy hại của Tàu cộng nên đã hướng chính sách của họ về phía Ấn Độ - Thái Bình Dương để tiếp tay với Mỹ, dẫn đầu là Pháp, Đức, và mới đây là Hoà Lan, và rồi các quốc gia khác trong Liên minh Âu châu sẽ nối tiếp để thế giới được quay trở lại với cuộc sống an bình, phồn thịnh của hơn hai mươi năm về trước.

Xin cám ơn sự theo dõi của quý vị.

Bùi Phạm Thành

Mời quý vị nghe bài đọc này trên YouTube:


Tham khảo:

China’s expansionism enters dangerous phase

China Is an Expansionist Threat to the Free World

East Asia Summit leaders call for greater cooperation to tackle pandemic, economic crisis

WHO Again Under Scrutiny for China Influence


Morrison defiant after China’s criticism

Netherlands Unveils Asia Strategy, Urges EU to Speak Out on South China Sea


A harder US line? Potential Pentagon chief floated idea to sink China fleet in 72 hours

Is a military alliance between China and Russia possible?

Aegis Ballistic Missile Defense

Aegis - The Shield of the Fleet



No comments

Powered by Blogger.