Header Ads

Bên Tách Trà: Thế Giới Nghĩ Gì Về Cuộc Bầu Cử 2020 Của Hoa Kỳ


Bùi Phạm Thành

Chào tái ngộ quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên.

Thưa quý vị,

Qua bao nhiêu sóng gió, tai hoạ, và tranh cãi, hôm nay là ngày chủ Nhật sau cùng trước ngày bầu cử. Có thể hầu hết chúng ta đều đã điền phiếu bầu, hoặc đã tham gia bầu cử sớm. Thế cho nên, câu chuyện về chọn ai làm tổng thống không còn là điều cần bàn luận nữa, để chuyển qua chuyện "hậu bầu cử", và tương lai của nước Mỹ cũng như thế giới trong 4 năm sắp tới. Nhiệm kỳ tổng thống tới sẽ từ ngày 20 tháng 1 năm 2021 đến ngày 20 tháng 1 năm 2025.

Ở đây, cũng xin nhắc một điều là năm 2025 cũng là năm đánh dấu chương trình "Made in China 2025" mà thủ tướng Tàu cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã hoạch định trong "Kế hoạch 5 năm" lần thứ 13 hồi tháng 5 năm 2015. Với mục tiêu không chỉ đơn thuần là "công xưởng của thế giới" để sản xuất hàng hóa giá rẻ tiền, phẩm chất kém, với nhân công rẻ, mà sẽ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về kỹ nghệ, và tóm trọn chuỗi cung ứng từ gia dụng thông thường đến kỹ nghệ tối tân, trên toàn thế giới. Kế hoạch này đã bị ông Trump dùng "chiến tranh thương mại" đè bẹp. Đồng thời đại dịch COVID-19 phát xuất từ Vũ Hán đã khiến thế giới bừng tỉnh và có một cái nhìn rất e ngại, nếu không muốn nói là chán ghét, với bất cứ thứ gì mang nhãn hiệu "Made in China".

Thưa quý vị,

Trong mấy tháng vừa qua, đặc biệt là trong tháng 10, với 3 cuộc tranh luận của ứng cử viên chức vụ tổng thống và phó tổng thống, đã cho chúng ta thấy rõ chủ chương khác biệt của tổng thống cũng như của hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, về chính sách quốc nội cũng như quốc ngoại. Trong bài nói chuyện bên tách trà lần này, chúng ta thử tìm hiểu xem thế giới nghĩ gì và mong đợi gì ở cuộc bầu cử năm 2020 này của Hoa Kỳ.

Mexico

Tổng thống Mễ đã bị ông Trump chèn ép khá nặng nề về vấn đề biên giới và di dân từ Nam Mỹ xuyên qua nước Mễ. Ông ta sẽ dễ thở hơn với Joe Biden, cùng với chính sách mở cửa biên giới và cho nhập cư nước Mỹ dễ dàng hơn. Dân nam Mỹ thì hiển nhiên là đứng về phía Joe Biden và đảng Dân Chủ, vì hiện nay ở California vẫn còn những "thành phố trú ẩn - sanctuary city" của dân nhập cư lậu. Theo thống kê thì California có khoảng 2 triệu người di dân lậu. Mới đây ông thống đốc Gavin Newsome của California đã dùng tiền trợ giúp trong nạn đại dịch Vũ Hán để tặng 500 đô-la cho mỗi người lớn di dân lậu, tổng số tiền đã lên đến 125 triệu đô-la.

Brazil

Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, là người có cùng quan điểm với ông Trump về nhiều phương diện và được ông Trump gọi là quốc gia đồng minh lớn không thuộc khối NATO. Brazil rất cần sự ủng hộ và viện trợ của Hoa Kỳ về kinh tế và kỹ nghệ. Trong khi đó đảng Dân Chủ không bằng lòng với Brazil ở các điểm như thay đổi khí hậu, nhân quyền và quản trị rừng Amazon.

Cuba

Trong thời Obama, sự bang giao giữa Mỹ và Cuba có phần thân thiện và hoà hoãn. Nhưng qua thời ông Trump thì không còn nữa và bị nhiều áp lực kinh tế từ Mỹ. Vì vậy Cuba hy vọng vào Biden, nếu đắc cử, sẽ quay trở lại với chính sách thời Obama.

Egypt - Ai Cập


Đối với tổng thống Ai cập, Abdel Fattah El-Sissi, thì sự tái đắc cử của ông Trump là điều quan trọng bậc nhất cho quốc gia Ai cập, bởi vì Obama đã từng cắt đứt viện trợ quân sự cho Ai cập vì vấn đề nhân quyền như những hành động đàn áp phe đối lập có tên là Anh Em Hồi giáo (Muslim Brotherhood).

Israel, Palestine và Iran

Do Thái hiển nhiên là mong muốn nhìn thấy ông Trump tái đắc cử, bởi vì chính phủ ông Trump đã dời toà đại sứ Hoa Kỳ về Jerusalem, điều mà thời Obama đã hứa hẹn nhưng không làm. Đây là việc làm rất tốt cho phía Do Thái, nhưng lại là điều bị phản đối mạnh bởi Palestinian. 

Một thành công lớn của ông Trump ở vùng này là khiến Do Thái và Khối Ả rập Thống nhất (United Arab Emirates) ký một thoả thuận "bình thường hoá quan hệ toàn diện". Một việc chưa từng có ở vùng địa dư này. Tuy nhiên cũng không giúp ích gì cho Palestine. 

Nếu Biden đắc cử và quay trở lại với chính sách của Obama đối với Do Thái, và nhất là quay lại việc thương thảo với Iran về chương trình vũ khí nguyên tử, thì tình hình an ninh của vùng đất xa mạc nóng cháy này, vừa mới được yên ổn, sẽ có thể sẽ bị phá vỡ và không thể hàn gắn trong một thời gian rất dài, nếu không muốn nói là không thể hàn gắn được. Bởi vì Iran lúc nào cũng muốn là quốc gia lãnh đạo ở Trung Đông, và xoá nước Do Thái ra khỏi bản đồ thế giới; đồng thời Iran vẫn căm tức vì việc ông Trump đã giết chết tướng Qassem Soleimani của chúng. Viên tướng này là kẻ chủ mưu trong việc viện trợ và huấn luyện quân khủng bố Hồi giáo cực đoan ở vùng địa dư này.

Anh

Anh lúc nào cũng là một một quốc gia Âu châu có nhiều quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ là sự tái khẳng định chủ trương dân túy trên hết (populist nation-first) được chính phủ bảo thủ của Anh, và các nước Âu châu khác như Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một số quốc gia khác như Ả Rập Xê-út và Philippines áp dụng. Nếu Biden đắc cử thì chính phủ Anh sẽ bị lâm vào thế cô lập với Âu châu vì vấn đề nước Anh rút ra khỏi khối liên hiệp Âu châu, còn gọi là Brexit. Trong khi đó các quốc gia khác ở Âu châu mong rằng nếu Biden đắc cử thì sẽ quay lại với chính sách của những chính phủ Mỹ thời trước, có nghĩa là đổ tiền và nhân lực vào để gánh vác cả Âu châu.

Nga


Sau thế chiến thứ nhì thì thế giới chia ba chân vạc: Nga, Tàu cộng, và Hoa Kỳ cùng đồng minh Âu châu. Nga, vì tranh chấp với Hoa Kỳ trong "chiến tranh lạnh" nên đã trở thành yếu kém về kinh tế, trong khi đó Tàu cộng trở thành quốc gia hạng nhì trên thế giới. Tuy nhiên trong tình thế chia ba chân vạc thì Nga là kẻ đứng giữa hưởng lợi, vì cả Tàu cộng và Mỹ đều muốn kéo Nga về phía mình, để được thế "Hai đánh một, chẳng chột cũng què." Ông Trump nhìn thấy chiến thuật này, thế nhưng đảng Dân Chủ vẫn xem Nga là "kẻ thù truyền kiếp" trong khi đó lại xem Tàu cộng chỉ là kẻ cạnh tranh thương mại mà thôi. Thế cho nên đã ủng hộ việc đưa Tàu cộng vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với hy vọng rằng khi Tàu cộng trở nền giàu có thì "Phú quý sinh lễ nghĩa" sẽ hoà nhập với thế giới tự do. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và thế giới đã sai lầm rất lớn, vì không thể hiểu được cái mộng "Hán đế của Trung hoa, lúc nào cũng muốn là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ". Với một Âu châu yếu đuối, Hoa Kỳ phải cân nhắc việc giao hảo với một trong hai quốc gia Nga và Tàu cộng.

Pháp

Trong thời gian đầu của ông Trump thì mối giao hảo giữa Pháp và Mỹ có vẻ mặn nồng và ấm cúng. Thế nhưng khi Mỹ rút chân ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, và gần đây là Tổ chức Y tế Thế giới, vì cùng một lý do là các tổ chức này đã nhân nhượng, hay nói đúng ra là bị Tàu cộng lung lạc, sai khiến, để làm việc có lợi cho chúng. Đồng thời cuộc "chiến tranh thương mại" với tàu cộng cũng đã ảnh hưởng đến một số sản phẩm như rượu vang của Pháp. Và nhất là hiện nay nhóm "cực hữu" của Marine Le Pen, theo chủ trương của ông Trump đang tiến mạnh và đe doạ chiếc ghế tổng thống của ông Macron vào năm 2022. Pháp mong muốn Biden đắc cử vì ông này đã hứa làm ngược lại tất cả những gì ông Trump đã làm, cũng như mở rộng túi tiền để bồi bổ kinh tế Pháp và cả Âu châu.

Đức


Sau Thế Chiến Thứ Nhì và nhất là sau khi bức tường Bá Linh bị xụp đổ, ngày 9 tháng 11 năm 1989, thì nước Đức đã vươn mình nhảy vọt thành một quốc gia hùng mạnh nhất Âu châu về cả kinh tế lẫn khoa học. Đồng thời nước Đức vẫn giữ giao hảo bình thường với cả Nga lẫn Tàu cộng. Thế nhưng đến thời ông Trump thì thái độ của nước Đức đã bị xét lại, nhất là việc đóng góp tài chánh và nhân lực cho khối NATO, cũng như sự giao hảo với Nga và Tàu cộng.

Trong lịch sử thì Đức luôn luôn là quốc gia hùng mạnh, đứng đầu Âu châu. Dân tộc Đức lại là giống dân luôn tự hào về nòi giống. Thế cho nên khi bị áp lực bởi chính phủ của ông Trump thì sự chống đối trở nên mạnh mẽ đưa đến tình trạng căng thẳng chính trị chưa từng thấy giữa Đức và Hoa Kỳ từ sau Thế chiến Thứ nhì.

Như thế, thì lẽ dĩ nhiên, là Đức muốn nhìn thấy Biden đem trở lại tình trạng như các thời tổng thống Mỹ trước, để nước Đức vẫn là một quốc gia giàu mạnh nhất Âu châu, và nhất là tự do giao thiệp với Nga và Tàu cộng bằng bất cứ phương pháp nào, mà các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, không có quyền phê phán. Và nhất là Mỹ phải quay trở lại với đóng góp nhân lực và tài chánh cho NATO để bảo vệ Âu châu như trước.

Ý

Người Ý, nói chung, luôn theo dõi các cuộc bầu cử Hoa Kỳ với rất nhiều kinh ngạc, nhưng năm nay, nói riêng, giới truyền thông Ý đã ngạc nhiên trước lập trường của ông Trump về COVID-19 cùng với những lời buộc tội và chống đối mạnh mẽ với Tàu cộng, trong khi đó hầu hết dân Ý không biết lập trường của Biden là gì. Tuy rằng một số dân Ý hài lòng về việc Biden là người theo đạo Thiên chúa như tổng thống Kennedy, thế nhưng họ lại bất mãn về việc Biden ủng hộ phá thai, một điều mà toà thánh La Mã tuyệt đối cấm kỵ. 

Nam Hàn

Có thể nói rằng chính phủ Nam Hàn lo lắng về cuộc bầu cử của Mỹ hơn bất cứ một quốc gia nào khác. Bởi vì tình trạng chính trị và quân sự căng thẳng ở bán đảo này. Trong gần bốn năm qua, chính phủ của ông Trump đã kềm giữ được sự hung hăng của Bắc Hàn, tuy rằng kết quả cuối cùng không được như ý muốn của cả hai phía Bắc và Nam Hàn cũng như Hoa Kỳ. Thế nhưng tình trạng an ninh không đến nỗi phải quá lo lắng. Chính phủ Nam Hàn luôn lo ngại về chính sách của đảng Dân Chủ, là dùng phương pháp ngoại giao cố hữu để giải quyết tranh chấp. Phương pháp này đã được chứng minh là không có kết quả với các quốc gia cộng sản, đặc biệt là Bắc Hàn và Tàu cộng. Sự thắng cử của Biden sẽ đưa tình trạng an ninh của Nam Hàn trở lại với thời kỳ nguy hiểm và nhất là cắt đứt tất cả mối dây liên lạc đã thành lập được giữa hai miền Nam Bắc trong mấy năm vừa qua, và có lẽ sẽ rất khó khăn, hoặc không thể nối kết lại được.

Nhật Bản

Trong lịch sử và trên thực tế thì Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất có thể chống trả lại sự xâm lăng của tàu cộng. Nhật Bản, từ sau Thế chiến Thứ nhì, luôn luôn là một đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong khu vực này. Với ông Trump thì mối quan hệ đã được thể hiện rõ ràng, thế nhưng ông Biden và đảng Dân Chủ, trong suốt thời gian tranh cử, không hề đưa ra quan điểm rõ ràng về châu Á, khiến rất nhiều nhà bình luận của Nhật Bản phải lên tiếng lo ngại. 

Hong Kong và Đài Loan

Có lẽ dân chúng của hai vùng đất này mới là những người hồi hộp và lo sợ về cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ hơn cả người Mỹ. Bởi vì như chúng tôi đã trình bày ở trên, Biden và đảng Dân Chủ không đưa ra một chính sách hay đường lối rõ rệt nào về châu Á. Trong khi đó hai vùng đất này thì phong trào đòi tự do, nhân quyền của Hong Kong đã bị chính phủ Tàu cộng đè bẹp bằng những đạo luật an ninh mới. Đài Loan thì lúc nào cũng bị hăm doạ tấn công để sát nhập vào Tàu cộng. Nhất là mới đây chính phủ Đài Loan đã mua một số vũ khí lớn và tối tân của Hoa Kỳ, hiển nhiên là Tàu cộng đã lên tiếng chỉ trích và doạ nạt. Sự tái đắc cử của ông Trump là một hy vọng cho sự tồn tại của hai vùng đất này, nhất là của dân chúng Đài Loan, họ đang như người nhiễm virus Vũ Hán đang cần máy trợ thở của ông Trump.

Tàu cộng

Kể từ khi Tàu cộng đưa ra kế hoạch "Vành Đai Con Đường" năm 2013, thì chúng công khai giăng "bẫy nợ" để xâm lăng thế giới một cách ngang nhiên và hợp pháp. Đồng thời xem thường luật pháp quốc tế để xâm lăng và quân sự hoá Biển Đông. Thực ra thì kế hoạch xâm lăng đã được khởi sự từ ngày Tàu cộng được gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Với những đặc quyền kinh tế, Tàu cộng buộc các công ty tây phương phải trao cho chúng kỹ thuật để đổi lấy nhân công rẻ. Cộng chung với đường lối ăn cắp kỹ thuật bằng các gián điệp kinh tế và kẻ cắp trên mạng lưới Internet, chưa đầy 20 năm sau, Tàu cộng đã trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Từ những tăng trưởng vượt bực về kinh tế, Tàu cộng cũng phát triển mạnh mẽ về quân đội, với hy vọng rằng 2035 sẽ ngang hàng với Hoa Kỳ, hoặc đứng đầu toàn thế giới, với kỹ thuật vũ khí ăn cắp, hầu hết là của Hoa Kỳ.

Chỉ cho đến thời kỳ của ông Trump thì Tàu cộng mới bị chận đứng bằng "chiến tranh kinh tế" và lùng bắt những hackers (tin tặc) cũng như gián điệp kinh tế và kỹ nghệ của Tàu cộng. Sau việc cấm dùng sản phẩm điện tử và hệ thống 5G của Huawei, đến việc cấm Tik Tok, Wechat, và lùng bắt gián điệp mạng ... đến việc đóng cửa sứ quán của Tàu cộng ở Houston là những hành động chống Tàu cộng mạnh nhất của Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến Thứ nhì.

Trong khi đó thì Biden tuyên bố là sẽ áp dụng phương pháp cổ điển là ngoại giao và cấm vận để gây áp lực với Tàu cộng. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần là phương này không hề có một tác dụng gì với các quốc gia cộng sản, nói chi đến quốc gia hàng đầu của cộng sản là Tàu cộng, trong hoàn cảnh Tàu cộng đang mạnh về cả hai phương diện kinh tế và quân sự. 

Thưa quý vị,

Thế giới đã giật mình tỉnh thức sau sự bùng phát của đại dịch Vũ Hán, trong khi đó Biden và đảng Dân Chủ vẫn luẩn quẩn trong cái vòng "áp lực ngoại giao" với Tàu cộng, nếu đắc cử, thì tương lai của nước Mỹ và của cả thế giới tự do sẽ đi vào một đường hầm đen tối trong một thời gian rất lâu, và cũng chưa chắc gì sẽ nhìn thấy tia sáng nào ở cuối đường hầm mịt mù, sâu thẳm đó.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 này là một cuộc định đoạt sự hơn thua giữa cộng sản và tự do, giữa độc tài đế quốc và dân chủ nhân quyền, giữa thực tế và hứa hẹn hão huyền. Tuy rằng việc bỏ phiếu chọn ai thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào người đi bầu. Điều quan trọng là chúng ta nên tham gia bầu cử. Kết quả ra sao thì còn tuỳ ở vận mệnh của quốc gia, của nhân loại. Chỉ mong rằng trong cuộc đời của chúng ta, những người đã từng trải qua rất nhiều thảm cảnh để sống sót trên mảnh đất tự do nhất trên thế giới này, sẽ không một lần nữa nhìn thấy cảnh cộng sản lại thắng tự do. Hy vọng việc này sẽ không thể xảy ra trên đất nước Hoa Kỳ này, vì chúng ta sẽ không còn nơi nào để chạy trốn được nữa.

Bùi Phạm Thành




Tham khảo:

Made in China 2025

The world is watching the US election. What are they thinking?

Modernization of the People's Liberation Army

US Presidential Elections 2020: The Future of Hong Kong

2 comments :

  1. Kính chào quý vị, xin phép quý vị cho tôi đăng lại bài này trên trang nhà của tôi ở: https://nuocnha.blogspot.com

    ReplyDelete
  2. Chúng tôi đồng ý.
    Chúc quý vị an lành.

    ReplyDelete

Powered by Blogger.