Header Ads

Thời Sự Tuần Qua


Bùi Phạm Thành

Trong 36 kế sách về chiến thuật và chiến lược từ thời cổ đại của Tàu thì kế thứ 5 là "Sấn hoả đả kiếp" có nghĩa là "Lợi dụng lửa cháy mà đánh cướp". Từ ngàn năm trước, ông bà ta cũng đã nói "Thừa nước đục thả câu" để chỉ việc làm tương tự là lợi dụng tình thế để hành động có lợi cho mình.

Đó là bề mặt của câu nói, thoáng qua thì giống nhau, thế nhưng suy nghĩ kỹ lại thì hai câu nói đó phản ảnh sự suy nghĩ, nếp sống và văn hoá của hai dân tộc.

Với Tàu thì "Lợi dụng lửa cháy mà đánh cướp," chứng tỏ sự tham lam đi đôi với gian manh và hung bạo, thể hiện rõ ràng với hai chữ "đả""đánh" "kiếp" "cướp."

Trong khi đó câu "Thừa nước đục thả câu" thì là câu nói dựa theo kinh nghiệm bắt cá (nghề chài lưới - một nghề chính của dân tộc Việt Nam ở ven biển từ thời cổ đại). Câu này được giải thích là lợi dụng tình thế mà làm điều có lợi cho mình, không hề khuyên làm chuyện gian manh hay cướp bóc. 

Nếu có ai cho rằng kế thứ 20 "Hỗn thuỷ mạc ngư - Bắt cá khi nước đục" cũng tương tự như câu nói của ông bà ta thì giải thích như thế nào? Thực tế thì chúng ta cũng chỉ cần phân tích từng chữ và dựa theo lịch sử của Tàu thì sẽ thấy. Chữ "hỗn" có nghĩa là "rối loạn", và trong lịch sử thì Tàu áp dụng phương pháp gây rối loạn trong quốc gia mà chúng có ý muốn cướp phá. Sự gian manh và tham lam lúc nào cũng tiềm ẩn trong câu nói, cho dù đã được nguỵ trang kỹ lưỡng ở bên ngoài.

Người Việt Nam vì đã tiếp xúc với Tàu từ thời lập quốc và trải qua 4 lần bị Tàu đô hộ nên đã thấu hiểu sự gian tham của Tàu. Thế nhưng, đối với tây phương, Tàu là một quốc gia rộng lớn, đông dân, có nền văn minh cổ xưa, đã cung ứng cho tây phương nghệ thuật đồ sứ, tơ lụa, thuốc súng ... Cho dù ngày nay, dưới chế độ toàn trị hà khắc của đảng cộng sản, người dân tây phương vẫn không hiểu được lòng dạ của chúng. Bởi vì Tàu cộng đã vung tiền ra để mua chuộc giới truyền thông đủ mọi thứ hạng để tiếp tay loan truyền những tin tức được sắp đặt và giải thích có lợi cho chúng. Để rồi được gia nhập vào WTO (World Trade Organization) năm 2001, với quyền lợi của quốc gia đang mở mang, cùng với các hãng xưởng kỹ nghệ của tây phương, nhất là Hoa Kỳ, ồ ạt chuyển qua Tàu để kiếm nhân công rẻ, cho dù phải chấp nhận những điều kiện gian manh của chúng. Và như thế, chưa đầy 20 năm sau, cả thế giới bàng hoàng, giật mình kinh sợ khi nhận ra là họ đã "nuôi ong tay áo" hay đúng ra là nuôi con hổ dữ trong nhà, bây giờ nó lại nhe răng muốn ăn thịt người đã nuôi nó!

Ông bà ta đã nói "Trong cái rủi, có cái may". Cơn đại dịch Vũ Hán được Tàu cộng phát tán ra toàn thế giới đã khiến nhiều quốc gia tây phương và Nhật nhìn ra được khía cạnh nguy hiểm của Tàu cộng, có thể được xem là đã trúng phải kế sách thứ 30 "Phản khách vi chủ - Từ chỗ là khách biến thành vai chủ." Ngày xưa, thế giới tự do xem Tàu là khách mới được mời gia nhập vào thị trường quốc tế, nay chúng lại biến thành chủ nhân, chủ nợ của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là cái "rủi" quá lớn, cái "may" là bây giờ thì nhìn ra được, nhưng "chữa trị" như thế nào và bao lâu, thì hiển nhiên là một câu hỏi rất khó trả lời, vì nó bao gồm tất cả mọi khía cạnh từ khoa học, chính trị và kinh tế cho đến quân sự và xã hội.

Với những sự kiện trên, chúng ta nên dành ra chút ít thời gian để ý đến thời cuộc, cho dù cá nhân chúng ta không thể làm gì để tạo nên một sự thay đổi lớn lao, nhưng cũng cần phải biết, cần phải góp phần nhỏ bé của mình vào công việc "chữa trị" cơn bệnh nguy hiểm "Tàu cộng" đang tung hoành khắp nơi trên thế giới. 

Chỉ cần hiểu được sự gian tham của Tàu cộng và quyết tâm thay đổi cuộc sống không lệ thuộc vào Tàu cộng, thì cũng là một đóng góp hữu ích cho sự "chữa trị" căn bệnh trầm kha này, "Góp gió thành bão", ông bà ta đã bảo thế.

Nhân đây, chúng ta cùng điểm qua những tin tức đang xảy ra trên thế giới liên quan đến Tàu cộng về nhiều khía cạnh.

oOo


Các Nhà Tranh Đấu Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) Kiện Tàu Cộng Về Tội Diệt Chủng

Các luật sư đại diện cho hai tổ chức hoạt động của người Duy Ngô Nhĩ đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) cáo buộc Tàu cộng về tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người, đó là việc chống lại các nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Đơn khiếu nại là thủ tục tố tụng pháp lý đầu tiên phản kháng Đảng Cộng sản Tàu (Chinese Communist Party - CPP) đối xử tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ, từ năm 1884.

Hôm thứ Hai, tên của hơn 30 nhân viên cao cấp của Tàu cộng - kể cả Tập Cận Bình - chịu trách nhiệm về việc bắt giữ và trục xuất hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ khỏi Campuchia và Tajikistan, là một phần của chiến dịch quốc gia của tàu cộng để tiêu diệt chủng tộc và văn hóa của dân tộc thiểu số.

Mặc dù có rất nhiều bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc này, ICC không thể thực thi quyền tài phán đối với Tàu cộng vì chúng không phải là một thành viên của Quy chế Rome (Rome Statute of the International Criminal Court - Quy chế thành lập toà án quốc tế đã được 123 quốc gia trên thế giới ký kết). Tuy nhiên, luật sư quốc tế Rodney Dixon, người hiện đang đứng đầu vụ khởi kiện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây của JURIST rằng quyền tài phán "không phải là một rào cản" bởi vì Tàu cộng đã vi phạm luật pháp đối với hai quốc gia thành viên của Quy chế Rome, Campuchia và Tajikistan, là quốc gia bên ngoài nước Tàu.

Thiết lập quyền tài phán là bước đầu tiên trong quá trình tố tụng hình sự, thường rất khó khăn và mất nhiều ngày tháng. Nếu Công tố viên trưởng của ICC là bà Fatou Bensouda chấp thuận cuộc điều tra, cùng với những bằng chứng để chứng minh, tòa án có thể truy tố các thành viên của nhà cầm quyền Tàu cộng liên quan đến chiến dịch diệt chủng này.

Trong khi Tàu cộng tự ý bắt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ để giam vào trại "cải tạo", thúc đẩy chương trình giới hạn sinh sản, và bắt các con trẻ tập trung vào các trại giáo huấn để "tẩy não" bằng cách bắt buộc phải nói và viết tiếng Tàu, ăn mặc kiểu Tàu, và không được theo đạo Hồi. Tuy nhiên những sự kiện nói trên gần như không được quốc tế để ý đến. Thế nhưng với hàng triệu đô-la được tung ra để mua chuộc các bồi bút trên khắp thế giới và áp lực các quốc gia nghèo đang mắc nợ hoặc lệ thuộc vào kinh tế của Tàu, cùng với chiến thuật "chó sói ngoại giao - wolf diplomacy", lợi dụng việc biểu tình của dân Mỹ về cái chết của George Floyd để chỉ trích Hoa Kỳ về việc "kỳ thị chủng tộc." Hành động này là trò cười cho chúng ta, thế nhưng có tác dụng không nhỏ trên địa hạt quốc tế qua việc làm của bộ máy tuyên truyền của Tàu cộng gồm có đám "dư luận viên" của đảng 5 xu (5 cent party), các "bồi bút quốc tế" và những con "chó sói ngoại giao."

Uighur activists file ICC complaint against China for genocide, crimes against humanity

Đảng 5 Xu




Hoa Kỳ Áp Dụng Các Biện Pháp Trừng Phạt Lên Các Nhân Viên Cao Cấp Của Tàu Cộng Về Vấn Đề Đàn Áp Dân Tộc Thiểu Số

Hôm thứ Năm, ngày 9 tháng 7 năm 2020, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba nhân viên cao cấp của Đảng Cộng sản Tàu, gồm cả thành viên của Bộ Chính trị cầm quyền, với lý do vi phạm nhân quyền nhắm vào các nhóm thiểu số và tôn giáo mà Tàu cộng đã giam giữ ở phía ở Tân cương.

Quyết định cấm các thành viên cao cấp này vào Hoa Kỳ là hành động mới nhất trong một loạt các hành động mà chính quyền của tổng thống Trump đã thực hiện đối với Tàu cộng khi quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên xấu đi trong các sự kiện như phát tán đại dịch coronavirus, vi phạm nhân quyền, tạo luật kiềm chế dân Hồng Kông và trục lợi thương mại. Các lệnh trừng phạt, thường mất vài tháng để hoàn thiện, diễn ra một tuần sau cuộc điều tra của Associated Press về việc kiểm soát dân số, cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác - một trong những lý do mà Bộ Ngoại giao viện dẫn cho lệnh trừng phạt.

Trước đó, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố cấm thị thực visa đối với các thành viên của Tàu cộng có trách nhiệm về việc cấm người nước ngoài tiếp xúc với Tây Tạng. Tuy nhiên, việc làm hôm thứ Năm, đụng chạm đến thành viên cao cấp trong giới cầm quyền Tàu cộng, có thể tạo nên một phản ứng gay gắt của Bắc Kinh.

Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo, đã tuyên bố lệnh trừng phạt và kèm theo một thông báo tương tự từ Bộ Tài chính, cho biết các hạn chế thị thực giấy chiếu khán (visa) đang được đặt ra đối với các thành viên khác của Đảng Cộng sản Tàu được cho là chịu trách nhiệm, hoặc đồng lõa với việc giam giữ bất hợp pháp hoặc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và nhiều người khác thuộc các dân tộc thiểu số.

Ba nhân viên cao cấp có tên: 
  • Chen Quanguo, bí thư đảng ủy Khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc nước Tàu và là thành viên của Bộ Chính trị.
  • Zhu Hailun, bí thư đảng ủy chính trị và pháp lý Tân Cương.
  • Wang Mingshan, bí thư đảng ủy cục an ninh công cộng Tân Cương.
Cả ba kẻ được nêu tên bên trên và những người trong gia đình trực tiếp (immediate family members) của họ bị cấm vào Hoa Kỳ. Ông Pompeo cũng cho biết thêm là ngoài ba thành viên cao cấp của Tàu cộng được nêu tên, nhiều nhân vật khác trong chính phủ của Tàu cộng cùng với gia đình của họ cũng bị trừng phạt tương tự. 

Tháng trước, tổng thống Trump đã ký luật, thông qua với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Quốc hội, bắt buộc các nhân viên cao cấp của Tàu cộng, kể cả Chen, phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt vì lý đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Luật cũng yêu cầu các doanh nghiệp và cá nhân Hoa Kỳ bán sản phẩm hoặc hoạt động tại Tân Cương, phải bảo đảm rằng các hoạt động của họ không góp phần vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức. 

Hai năm trước AP đã đăng tải một bài điều tra về các sản phẩm của Tàu bán ở Hoa Kỳ được làm bởi các người Duy Ngô Nhĩ ở Tân cương bị lao động cưỡng bức.

US sanctions Chinese officials over repression of minorities




Rập Khuôn Thời Mao Trạch Đông, Trường Học Ở Tàu Đang Thực Hiện Việc Thanh Lọc Sách Vở

Khi các trường học được mở cửa trở lại ở nội địa Tàu, sau sự bùng phát của dịch Vũ Hán (COVID-19), thì học sinh và thầy giáo sẽ phải tự lao mình vào một chiến dịch toàn quốc để loại bỏ những cuốn sách được cho là sai lầm (politically incorrect), biểu lộ mạnh mẽ chủ trương của Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy tinh thần yêu nước và tinh khiết tư tưởng (patriotism and ideological purity) trong hệ thống giáo dục của Tàu cộng. 

Một chỉ thị của Bộ Giáo dục vào tháng 10 năm ngoái đã kêu gọi các trường tiểu học và trung học loại bỏ sách khỏi thư viện của họ những tác phẩm "bất hợp pháp - illegal""không thích hợp - inappropriate". Theo hiểu biết của Reuters, sau khi đọc các tin tức trên các trang mạng xã hội và tài liệu của trường học địa phương và phỏng vấn các giáo viên của ít nhất là 30 thành phố và tỉnh thành, thì các giáo viên đã thực hiện việc loại bỏ sách giáo khoa theo chỉ thị của nhà cầm quyền.

Từ phía tây tỉnh Cam Túc (Gansu) đến Thượng Hải (Shanghai), nhà cầm quyền đã công khai công bố tên của hàng trăm ngàn quyển sách đủ mọi thể loại đã bị loại bỏ.

Việc kiểm duyệt của Tàu đã được áp dụng mạnh mẽ bởi chính quyền của họ Tập, thế nhưng những nhà nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua một chính sách loại bỏ sách vở ở tầm mức quốc gia của Tàu cộng nhắm vào thư viện. Sự kiện này được thực hiện một tuần sau khi nhân viên của chính phủ ở Hong Kong đã loại bỏ sách của các nhà hoạt động cổ võ cho chế độ dân chủ ra khỏi thư viện, viện lý do đã vi phạm luật an ninh quốc gia mới được áp dụng.

Bộ giáo dục không trực tiếp đưa ra danh sách, nhưng sách "bất hợp pháp - hay còn gọi là phản động" được định nghĩa là sách "nguy hại đến đến sự thống nhất lãnh thổ, chủ quyền quốc gia hoặc lãnh địa (như khu vực lưỡi bò); kể cả những cuốn sách có thể gây xáo trộn hoặc nguy hại xã hội; cũng như sách vi phạm tiêu chuẩn của Đảng, và nói xấu Đảng hay các anh hùng hoặc lãnh đạo."

Sách "không thích hợp" được định nghĩa là "không phù hợp với giá trị căn bản của chủ nghĩa xã hội, có quan điểm lệch lạc về thế giới, đời sống và giá trị" hoặc là những cuốn sách "phổ biến các học thuyết hay quy tắc về tôn giáo; phổ biến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và phân biệt chủng tộc."

Để thay thế các quyển sách bị loại bỏ, nhà cầm quyền Tàu cộng cho thay vào bằng những sách nằm trong một danh sách dày 422 trang được phổ biến trực tiếp bởi Bộ giáo dục. Sách được đề nghị gồm có các sách"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và kỷ nguyên mới", những bài thơ của Mao Trạch Đông và "Cabin của chú Tom", tiểu thuyết viết từ thế kỷ thứ 19 với chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ.

Việc kiểm duyệt ở Tàu cộng được thực hiện và thay đổi liên tục. Vài quyển sách có tên trong danh sách được "cho phép đọc" là quyển truyện bằng tranh "Winnie the Pooh," một câu chuyện trẻ em về một đứa bé trai và con gấu bông. Trước kia bị cấm vì trên các trang mạng có lưu truyền hình con gấu bông màu vàng "Pooh" có hình dạng và gương mặt giống như Tập Cận Bình.

Tháng 12 vừa qua, hình ảnh của hai người phụ nữ đốt sách trước cửa một thư viện ở Zhenyuan, một quận nhỏ của Cam Túc (Gansu) đã loan truyền trên các trang mạng. Việc đốt sách đã bị chỉ trích trên các trang mạng xã hội của Tàu như Weibo, có lẽ người dân đã rùng mình khi nhớ lại thời "Cách mạng văn hoá" của Mao Trạch Đông đã khiến bao nhiêu văn hoá cổ xưa của Tàu bị thiêu huỷ và rất nhiều người bị giết.

Có thể nói đây là một chương trình "tẩy não toàn quốc" của họ Tập và đảng cộng sản Tàu để đàn áp và kiểm soát dân chúng hầu giữ vững vị thế ở trong nước và che dấu những thất bại trên địa bàn quốc tế. Tuy nhiên, nếu kinh tế xụp đổ thì với hơn một tỉ miệng người gào thét đòi ăn thì chắc là chúng lại càng phải có các chương trình "cướp bóc bên ngoài và giết chóc bên trong", như thế thì đại hoạ Tàu cộng sẽ gieo rắc cho thế giới sẽ không thể chấm dứt, trừ khi chế độ cộng sản hoặc giai cấp lãnh đạo xụp đổ hay thay đổi.

In echo of Mao era, China's schools in book-cleansing drive



USS Nimitz và USS Ronald Reagan

Hoa Kỳ Đưa Hai Hàng Không Mẫu Hạm Vào Cuộc Tập Trận ở Biển Đông

Hai ngày sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ nhận chìm các Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) của Hoa Kỳ ở Biển Đông, Hải Quân Hoa Kỳ đã điều động hai HKMH tối tân, USS Nimitz và USS Ronald Reagan, cùng với các đội chiến hạm tấn công cùng với các phi đội F-18 cũng như B-52 vào tập trận ở Biển Đông để biểu dương sức mạnh. 

Hải quân Hoa Kỳ đã không đưa các HKMH cùng nhau cho các chương trình phô trương sức mạnh như vậy trong khu vực Biển Đông kể từ năm 2014 khi USS George Washington và USS Carl Vinson đi bên cạnh nhau.

Thế nhưng cuộc tập trận năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực, khi Mỹ tiếp tục chỉ trích Tàu cộng về việc phát tán đại dịch Vũ Hán, và sau khi tổng thống Trump đe dọa chúng bằng một cuộc chiến thương mại.

Mỹ đã cáo buộc Tàu cộng lợi dụng đại dịch để thúc đẩy việc bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông và các nơi khác.

Những tàu của Hải Quân Tàu cộng cũng đến trong tầm nhìn của các chiến hạm nhỏ để quan sát. 

"Họ đã nhìn thấy chúng tôi và chúng tôi cũng đã thấy họ," Phó Đô Đốc James Kirk nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Nimitz, người đang thực hiện các cuộc tập trận trên biển với HKMH thuộc Đệ Thất Hạm Đội, USS Ronald Reagan, bắt đầu vào ngày 4 tháng 7.




Hình ảnh về cuộc tập trận, lần đầu tiên được công bố vào thứ Hai, cho thấy một pháo đài bay B-52 đang bay theo đội hình với hai nhóm tấn công trên Biển Đông.

Các pháo đài bay B-52 đã đến từ Louisiana vào ngày 4 tháng 7 và tham gia một cuộc tập trận  hợp trên biển với hai nhóm tấn công trước khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam.

Bộ quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố lý do cuộc tập trận của hai HKMH là "đứng lên để bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia được phi và hải hành cũng như hoạt động ở bất cứ vùng biển nào luật pháp quốc tế cho phép", và mô tả các HKMH 100,000 tấn của họ và mỗi chiếc mang theo 90 phản lực cơ chiến đấu như một "biểu tượng của sự quyết tâm - symbol of resolve".

Cuối tuần qua, Hải quân cho biết USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng với các chiến hạm và phản lực cơ đi kèm của họ đã thực hiện các cuộc tập trận "được sắp đặt để tối đa hóa khả năng phòng không, và mở rộng phạm vi tấn công hàng hải chính xác ở tầm xa từ các phản lực cơ của HKMH trong một khu vực hoạt động phát triển nhanh chóng."

Tổng số thủy thủ đang ở trên các HKMH và chiến hạm trong các nhóm tấn công là khoảng 12,000 người.

Dĩ nhiên, như thường lệ, Tàu cộng đã la hoảng về cuộc tập trận này và cho rằng Hoa Kỳ đã làm tình trạng của Biển Đông thêm căng thẳng và Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền của họ, vì Tàu cộng đã tuyên bố chủ quyền khoảng 90% Biển Đông với đường "lưỡi bò", bất kể những khiếu nại và tranh chấp của các quốc gia nhỏ bé trong vùng.


Sailing into a storm: Two US aircraft carriers conduct drills in the South China Sea just days after Beijing threatened to destroy the strike group as tensions rise in the hotly contested region




Sau Đại Dịch Vũ Hán, Thế Giới Cần Sự Lãnh Đạo Của Hoa Kỳ

Hiện nay các vấn đề quốc tế không phải là một ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, người Mỹ tập trung vào đại dịch COVID-19, hậu quả của nó đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và đối với tình trạng hỗn loạn trong nước. Tuy nhiên, Mỹ bắt buộc phải giải quyết các vấn đề trước mắt và căn bản là việc Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục dẫn đầu thế giới sau đại dịch để đảm bảo sự ổn định của thế giới và luật pháp hay để cho Tàu cộng thắng thế và thành lập một trật tự thế giới do chúng thống trị.

Trận đại dịch đã đánh thức Hoa Kỳ và thế giới ra khỏi những ý nghĩ "mơ tưởng" về những hành động của Tàu cộng. Chúng đã che dấu những dữ liệu quan trọng về nguồn gốc của COVID-19. Hơn nữa, Tàu cộng đã liên kết với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization - WHO), không giải quyết đúng đắn về đại dịch, bởi vì hành động của Tàu cộng có thể bị chỉ trích hay vạch trần. Tàu cộng đã thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly - WHA) để tìm hiểu nguyên nhân gây ra đại dịch, một việc làm cho có lệ để qua mặt thế giới, bởi vì chính phủ của Tập Cận Bình sẽ không bao giờ hợp tác với một cuộc điều tra như vậy.

Ngoài việc đàn áp dân chúng trong nước, và các hành động đối với Hồng Kông và Đài Loan, Tàu cộng đã mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của chúng qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI), liên quan đến đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.

Hơn nữa, ở Biển Đông, Tàu cộng đã tìm cách khẳng định các quyền pháp lý trên phạm vi địa hình rộng lớn để chiếm giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông, chế giễu các quyết định pháp lý quốc tế khi họ vạch trần các lập luận sai trái của Tàu cộng về chủ quyền của khu vực qua đường vẽ chín đoạn trên bản đồ, còn gọi là "đường lưỡi bò". Ví dụ, một nhân viên cao cấp của Tàu cộng gọi phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) chống lại Tàu cộng trong vụ kiện của Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough là một "mảnh rác - piece of trash.”

Một trường hợp nữa khi Úc hô hào quốc tế mở cuộc điều tra về nguồn gốc của coronavirus thì Tàu cộng lập tức dùng áp lực kinh tế để áp đảo, và một nhân viên cao cấp khác của Tàu cộng lại tuyên bố rằng "Úc giống như một miếng kẹo cao su dính ở đế giày, cần phải gỡ bỏ." Sự xỉ nhục này đã khiến báo chí và dân chúng Úc đồng loạt đứng lên chống đối. Từ đó phong trào "Chống Tàu - Anti-China" lan rộng trên thế giới.

Bởi vậy, thế giới cần Hoa Kỳ, cần một "Học Thuyết Trump 2.0 - Trump Doctrine 2.0", gây dựng một quốc gia hùng mạnh trở lại, đồng thời kêu gọi và khuyến khích sự hợp tác một cách công bằng, đồng đều của đồng minh, như trường hợp của NATO. "Học thuyết Trump 2.0" sẽ thay đổi khẩu hiệu "America First - Nước Mỹ trên hết" thành "America First Plus - Nước Mỹ và đồng minh trên hết." 

Những điều mà Hoa Kỳ và đồng minh cần làm để ngăn chặn sự bành trướng của Tàu cộng:
  • Chống lại việc dùng hệ thống truyền tin 5G của Tàu cộng. Đây là hệ thống "gián điệp điện tử" của nhà cầm quyền Tàu cộng. Nếu được dùng thì Tàu cộng sẽ luôn luôn ở thế thượng phong vì không có một bí mật quốc gia hay quốc phòng nào mà chúng không biết.
  • Chống lại "Sáng kiến Vành Đai và Con Đường - Belt and Road Initiative". Đây là một chiến lược xâm lăng bằng kinh tế của Tàu cộng, dùng "bẫy nợ" để cướp đoạt tài nguyên và vị trí chiến lược cũng như kinh tế của các quốc gia nghèo, hoặc đang gặp khó khăn về kinh tế, trên thế giới.
  • Chống lại sự bành trướng ảnh hưởng và quyền lực của Tàu cộng ở Biển Đông. Tàu cộng đã ngang nhiên thách thức các quốc gia nhỏ bé trong vùng và cả thế giới, khi tuyên bố chủ quyền hơn 90% của Biển Đông bằng đường vẽ 9 đoạn trên bản đồ, còn gọi là "đường lưỡi bò", bất chấp luật pháp quốc tế về lãnh hải đã được Liên Hiệp Quốc ấn định (United Nations Law of the Sea Convention - UNCLOS) và đã được áp dụng từ năm 1994.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ và đồng minh đã phải áp dụng "Chiến tranh lạnh - Cold War" để ngăn chặn Liên Xô, ngày nay Hoa Kỳ và đồng minh cần mở một cuộc "Chiến tranh lạnh 2.0 - Cold War 2.0" để ngăn chặn Tàu cộng bằng phương pháp "smart power - sức mạnh khôn khéo", là kết hợp của cả hai phương thức "hard power - vũ lực" và "soft power - kinh tế" để đối phó hữu hiệu với Tàu cộng.

Vấn đề quan trọng ở đây là Hoa Kỳ và đồng minh phải thực hiện các điều đã dẫn ở trên ngay lập tức để khẳng định lại sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới và đảm bảo sự tiếp tục của Hoa Kỳ trong việc dẫn đầu thế giới để "chống độc tài thống trị thế giới và giữ gìn luật pháp - anti-totalitarian world order and the preservation of the rule of law."


The World Needs American Leadership After COVID-19




Hành Động Của Anh Quốc Để Giảm Lệ Thuộc Vào Tàu Cộng

Mối quan hệ giữa Anh quốc và Tàu cộng đã xuống rất thấp kể từ khi dịch Vũ hán (COVID-19) bùng phát. Vương quốc Anh, cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã nghiêm túc đưa ra những chương trình hành động để giảm sự phụ thuộc vào Tàu cộng, đối với việc nhập cảng các mặt hàng thiết yếu, cũng như kỹ nghệ của Tàu cộng. Cơ quan tình báo của Anh, MI5 và MI6, đã khuyến cáo chính phủ của ông Boris Johnson, rằng Vương quốc Anh cần phải cẩn thận suy nghĩ lại việc quan hệ với Tàu cộng trong lãnh vực kinh tế, và cần đặc biệt thận trọng đối với các khoản đầu tư của Tàu cộng vào các lĩnh vực nhạy cảm. 

Chính quyền của ông Boris Johnson hiện nay đang tập trung vào việc chuyển các hãng sản xuất dược phẩm trở về nước Anh và tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào Tàu cộng, không chỉ đối với các nguồn cung cấp y tế, mà còn cho tất cả các mặt hàng thiết yếu khác. Một dự án có tên là "Dự án Bảo vệ" đã được thành lập để tập trung vào việc thi hành các nhiệm vụ trên.

Vào tháng 5 năm 2020, Vương quốc Anh cũng đã đưa ra đề nghị thành lập nhóm các quốc gia dân chủ D10 (G7 + Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc) hợp tác để chế tạo sản phẩm kỹ nghệ thay thế cho các sản phẩm của Tàu cộng - đặc biệt là mạng truyền thông 5G của Huawei.

Cũng cần nói rõ thêm rằng, trước kia Vương quốc Anh cũng đã có ý ủng hộ việc sử dụng kỹ nghệ của Huawei, vào tháng 1 năm 2020, Vương quốc Anh đã đồng ý dùng sản phẩm của Huawei vào mạng 5G của họ - giới hạn thị trường ngoài khu vực cần bảo mật - sau khi đại dịch Vũ Hán bùng phát thì sự hợp tác với Huawei được dự trù là sẽ bị giảm xuống còn 0 (số không) vào năm 2023. Gần đây, ông Boris Johnson tuyên bố rằng Huawei bị liệt vào danh sách của các nhà cung cấp thuộc về "quốc gia thù địch", (sau khi sự căng thẳng giữa hai quốc gia đã lên đến cao độ về quyết định của Tàu cộng áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông).

Dĩ nhiên là Tàu cộng, qua đại sứ của chúng là Liu Xiaoming (một chiến binh chó sói ngoại giao - Wolf Warrior Diplomat), đã lên tiếng phản đối về hành động của Anh đối với Huawei cũng như đề nghị chấp thuận một triệu dân Hong Kong di dân qua Anh quốc. Đồng thời doạ nạt là sẽ có hành động "trả đũa" mạnh mẽ, cũng như đưa ra lời "khuyến cáo" Anh quốc rằng không nên xem Tàu cộng là kẻ thù (enemy).

Với việc Mỹ, Úc, Anh, Canada và Ấn Độ đang tạo áp lực mạnh mẽ lên Bắc Kinh, Tàu cộng chắc chắn đang đứng trên một vị thế bất lợi. Giọng điệu của báo chí như tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận tuyên truyền của "nhà nước Tàu cộng", cho thấy rằng Tàu cộng đang theo dõi cẩn thận các biện pháp và chính sách đang được các quốc gia ở châu Âu và châu Á áp dụng để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Tàu cộng sau hậu quả của virus Vũ Hán. Bắc Kinh cũng đang bị bất ổn bởi sự kháng cự đối với việc gây dựng "bá quyền" và các hành động gây hấn của chúng không chỉ bởi Mỹ, mà cả nước Anh.

Điều hiển nhiên là Anh đang tìm cách khôi phục tầm quan trọng của họ trong khung cảnh địa lý chính trị bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và thúc đẩy việc thành lập nhóm D10. Lập trường mạnh mẽ của Anh đáp trả việc Tàu cộng sau khi áp dụng Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông là sự lập lại quan điểm của Anh sau hậu quả của COVID-19, rằng Anh quốc không nhượng bộ Tàu cộng mặc dù hai quốc gia đã và đang có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ.

Reducing Dependence on China




Thỏa Thuận Thương Mại Giữa Hoa Kỳ Và Tàu Cộng Có Thể Bị Chết

Hôm thứ Sáu, ngày 10 tháng 7 năm 2020, tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng ông không quan tâm đến thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Tàu cộng, bởi vì mối quan hệ giữa hai quốc gia đã bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Vũ Hán, COVID-19. Ông Trump tuyên bố "Họ (Tàu cộng) có thể ngăn cản được coronavirus, đáng lý ra họ phải ngăn chặn sự phát tán của virus, thế nhưng họ đã không làm."

Điều chúng ta phải để ý là Tàu cộng sẽ không giữ lời cam kết mua hàng của Mỹ như đã chấp thuận ở giai đoạn một. Không một nhà phân tích nào nghi ngờ về việc này, bởi vì Tàu cộng luôn luôn hứa hẹn để đạt thoả thuận, nhưng không bao giờ giữ lời. Một thí dụ điển hình là những lời hứa của chúng khi ký kết thoả ước để được gia nhập vào WTO (World Trade Organization - Tổ chức Thương mại Thế giới) từ năm 2001 đến nay vẫn chưa được thi hành.  

Những sự kiện gần đây như luật an ninh mới áp dụng lên Hong Kong, hăm doạ Đài Loan, xâm chiếm Biển Đông, va chạm biên giới với Ấn Độ, đàn áp người thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương, vi phạm nhân quyền ... đã làm gia tăng sự căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia, gây khó khăn cho việc thực thi thoả thuận của gia đoạn một và gây bế tắc cho giai đoạn hai.

Tưởng cũng nên nhắc lại là cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng bắt đầu từ tháng 1 năm 2018, với các cuộc đàm phán thương mại sau đó đã sụp đổ vào tháng 5 năm 2019. Đưa đến việc áp đặt thuế cao trên các sản phẩm nhập cảng từ đôi bên vào lúc đầu, nhưng các nhà đàm phán đã hồi sinh các cuộc đàm phán vào mùa thu. 

Sau nhiều tháng đàm phán kéo dài gây tổn hại đến tâm lý thị trường chứng khoán, thỏa thuận giai đoạn một, được mong đợi, đã được đôi bên ký kết vào tháng 1 năm 2020. Trọng tâm của thỏa thuận là lời cam kết của Tàu cộng sẽ mua 200 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ như đậu nành và thịt heo. Nhưng ngay ban đầu, các nhà phân tích đã đặt câu hỏi rằng liệu những lời cam kết đó có thực tế hay không, trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa đôi bên. Tiếp đến là sự sụp đổ kinh tế bởi sự bùng phát của đại dịch Vũ Hán, khiến lời cam kết của Tàu cộng càng trở nên viễn vông, khó thực hiện. Về phía Mỹ, ông Trump cho biết hồi tháng trước rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một "vẫn còn nguyên vẹn". Tuy nhiên theo những lời bình luận gần đây của cố vấn thương mại, ông Peter Navarro, cho thấy rằng thỏa thuận này đã "chết".

The Trade Deal May Be Dead, Trump Says China Relationship ‘Severely Damaged’


Bùi Phạm Thành



Powered by Blogger.