Header Ads

Dạng Bị Động Trong Tiếng Việt


Bùi Quý Chiến

Trước hết xin kể mẩu truyện vui.

Theo phong tục Ấn Độ, cha mẹ muốn gả chồng cho con phải có của hồi môn. Trái lại ngày xưa người mình muốn cưới vợ cho con phải chịu sự thách cưới của nhà gái. Nhà giàu đòi vàng bạc; nhà bậc trung đòi heo gà; kém hơn thì đòi xôi, trầu cau. Có khi nhà gái neo đơn nên đòi nhà trai phải cho con ở rể. Ở rể (cũng gọi là gửi rể) là làm mướn không công cho gia đình vợ một thời gian hoăc trọn đời.

Có một anh kia ở rể bị bố vợ khai thác như trâu ngựa. Anh để bụng trả thù. Bữa đó mẹ vợ và vợ vắng nhà, anh đè bố vợ ra thoi vào ngực ông vài đấm cho hả giận. Bố vợ nín nhịn vì nó mạnh hơn ông. Ông cũng không muốn làm ồn ào vì sợ lối xóm biết, mất thể diện. Nhưng sau đó, trước mặt vợ con, ông vẫn làm bộ hống hách với con rể.

Từ đó có câu tục ngữ "vênh váo như bố vợ phải đấm" (phải đấm = bị đấm).

Câu này dùng để mỉa mai những ông lớn quen hách dịch nơi công cộng nhưng ở nhà sợ sư tử Hà Đông một phép.

Trong truyện Kiều, Bạc Bà ép  Kiều lấy Bạc Hạnh, Kiều lựa lời từ chối:

Thiếp như con én lạc đàn,
Phải cung rày đã sợ làn cây cong.

(Phải cung = bị mũi tên bắn từ cái cung)

Như vậy động từ "phải" có khả năng đặt chủ từ vào thế bị động.

Trong KHO SÁCH XƯA (do Huỳnh chiếu Đẳng sưu tập và đưa lên mạng) có Dictionnaire Annamite - Francais của Jean Bonet xuất bản tại Paris năm 1899. Tự điển này định nghĩa "phải" bằng tiếng Pháp: "Phải = signe du passif" (dạng bị động).

Từ điển này còn định nghĩa: "Phải đòn = être battu de verges" (bị đánh bằng roi) và "Phải tù = être condamné à la prison" (bị kết án tù).

Vậy trong dạng bị động của tiếng Việt xưa, động từ "phải" là động tự phụ như "être" của tiếng Pháp.

Sau động từ phụ là động từ chính: phải đấm, phải đòn, phải tù ...

Nhưng có khi không cần động từ chính, động từ phụ trực tiếp với túc từ. Thí dụ:

-  Phải cung rày đã sợ làn cây cong. (Kiều)
-  Làm phúc phải tội. (tục ngữ)
-  Anh ơi phải lính thì đi
   Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi. (ca dao)

Ngày nay động từ "bị" được dùng thay thế động từ "phải". "Bị" nguyên là Hán tự, Đào duy Anh dịch là "chịu, mắc phải".

Tự điển của Jean Bonet định nghĩa "Bị = marque du passif" (dạng bị động).

Tác giả cũng định nghĩa: "bị oan = être victime d'un injustice" và "bị đau = être malade".

Động từ "bị" thay thế động từ "phải" từ bao giờ?

Trong KHO SÁCH XƯA, hồi ký "Chuyến đi Bắc kỳ 1876" của Trương Vĩnh Ký cho ta một thời điểm xưa nhất. Đoạn kể về Hồ Gươm, tác giả lược qua lịch sử như sau:

"Thuở ấy nhà Trần suy di (vi) bị Hồ quí Ly chiếm ngôi; lại bị nhà Minh bên Tầu đánh lấy mất nước..."

Như vậy động từ "bị" đã được người miền Nam dùng từ giữa thế kỷ 19.

Trong cuốn "Đại Nam quấc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản tại Sài gòn năm 1895, động từ "bị" và "phải" cùng là dạng bị động. Có lẽ người Nam dùng dạng "phải" để nói và dạng "bị" để viết. Khi đối thoại, người Nam dùng chữ "bị" với nghĩa "bởi vì".

Cho tới đầu thế kỷ 20 người miền Bắc vẫn còn dùng dạng "phải".

Trong cuốn "Gương sử Nam" của Hoàng Cao Khải xuất bản tại Hà nội năm 1910, chương mở đầu tác giả viết:

"Xem như thủa trước nước ta phải nước Tầu cai trị đến 1,000 năm, nước Pha Lang Sa cũng phải nước La Mã cai trị tới 400 năm ..."

Phải tới cuốn "Hưng Đạo Vương" của  Lê Văn Phúc và Phan Kế Bính xuất bản tại Hà nội năm 1914 mới có đoạn viết:

"Ngột Lương Hợp Thai vào phá kinh thành thấy 3 người sứ giả bị giam trong ngục, người nào cũng bị trói bằng chạc tre lằn vào trong thịt ..."

Tuy nhiên cũng có đoạn dùng dạng "phải".

Báo Nam Phong các năm 1917, 1918 và "Việt Nam Sử Lược " của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1921 đều dùng cả dạng "bị" và "phải".

Cho tới giữa thế kỷ 20, dạng "bị" mới thuần nhất ở miền Bắc.

Cũng như dạng "phải", động từ phụ "bị" có thể không cần động từ chính theo sau, nó có thể trực tiếp với túc từ: bị bão, bị ung thư, bị tội đại hình ...

Túc từ có thể là một câu dài, thí dụ:

"Viên cảnh sát bị một tên khủng bố trà trộn trong đám biểu tình bắn chết".

Dạng bị động của tiếng Việt như vậy là khác với tiếng Anh và Pháp. Theo ngữ pháp cùa tiếng Anh hoặc Pháp, thí dụ trên phải được diễn tả là: Viên cảnh sát bị bắn chết bởi một tên khủng bố trà trộn trong đám biểu tình. Tiếng Việt ngày nay có khuynh hướng viết theo ngữ pháp này nhưng khi nói vẫn giữ dạng cũ.

Tiếng Việt còn một dạng bị động đặc biệt nữa.

Một bài ca dao mở đầu bằng 2 câu như sau:

Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Con cò lộn cổ xuống ao vì đậu phải cành mềm. Chữ "phải" trong câu này là giới từ (preposition) có tính tiêu cực (negative) nên "lộn cổ" có dạng bị động.

Sau đây là những thí dụ chứng tỏ giới từ "phải" có tính tiêu cực:

"ăn phải bả, ngồi phải cọc, vấp phải đá, mua phải đồ giả, lấy phải chồng nghiện rượu, khai trương phải ngày mưa bão..."

Cho nên gán cho câu tục ngữ "chó ngáp phải ruồi" là cơ hội may mắn thì không đúng. Trước hết, chó không ăn ruồi bao giờ. Thứ đến, như những thí dụ đã dẫn, "phải ruồi" là điều con chó không muốn. Nếu cho là may mắn thì phải nói là "ngáp được ruồi".

Do hai lẽ trên câu tục ngữ này ẩn dụ cho tình huống của người phải nhận một vật hoặc một hoàn cảnh ngoài ý muốn (unwanted).

Cách đây ít năm báo chí hải ngoại bàn tán về một cuốn hồi ký viết bằng tiếng Anh của một người Việt lai Mỹ nhan đè là "UNWANTED". Tác giả thuật lại cuộc đời mình từ khi còn ở Việt Nam tới khi định cư tại Mỹ.

Một nhà văn dịch cuốn này ra tiếng Việt. Nhan đề "Unwanted" được dịch là "Đứa con vô thừa nhận". Không chính xác! Vô thừa nhận là bị bỏ rơi (abandoned). Tác giả không bị bỏ rơi nhưng là đứa con ngoài ý muốn của gia đình. Tác giả còn là thành viên ngoài ý muốn cùa xã hội Việt nam và xã hội Mỹ. Vì là ngoài ý muốn của gia đình và xã hội, tác giả bị đối xử phân biệt. Nhưng tác giả đã vượt qua được hàng rào "unwanted" để trở thành nha sĩ tại Mỹ.

Để được sát nghĩa và đúng với hoàn cảnh của tác giả, nhan đề nên được dịch là "Đứa con ngoài ý muốn".

Bùi Quý Chiến





Powered by Blogger.