Header Ads

Tóm Tắt Những Tin Quan Trọng Trong Tuần Qua (10)


Quân Sự                    



Pháo Đài Bay B-52 và phản lực cơ chiến đấu Hoa Kỳ huấn luyện chung với Nhật ở Biển Đông

Thứ Năm ngày 21 tháng 3, Không Quân Hoa Kỳ cho biết hai Pháo Đài Bay B-52H cùng với phản lực cơ chiến đấu và Hải Quân thao dượt chung với Lực Lượng Không Quân Phòng Vệ của Nhật Bản ở khu vực Đông Hải (East China Sea) nơi đang có tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku (Điếu Ngư) giữa Trung Cộng và Nhật Bản.

Hai chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ Andersen Air Force Base, ở đảo Guam và các chiến đấu cơ F-15C thuộc Phi Đoàn 18 có căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản.

Nguồn: https://www.stripes.com/news/pacific/b-52-bombers-train-with-japanese-us-fighter-jets-over-east-china-sea-1.573763



Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ tập trận chiếm đảo trong trường hợp có giao chiến với Trung Cộng

Hôm thứ Năm tuần qua, TQLC Hoa Kỳ thuộc đơn vị Viễn Chinh thứ 31 của Sư Đoàn 3 TQLC  đã thực hiện cuộc tập trận tấn công một hòn đảo ngoài khơi Nhật Bản để mô phỏng trường hợp có chiến tranh với Trung Cộng.

Cuộc tập trận, có sự tham gia của Bộ Binh và Không Quân, là một phần trong nỗ lực của TQLC nhằm cải tiến khái niệm Chiến Dịch Mở Rộng Căn Cứ Viễn Chinh.

"Cuộc tập trận có nhiệm vụ thực hiện sự bố trí nhanh chóng, bảo đảm địa thế, làm đầu cầu, cho các lực lượng tiếp theo để tiếp tục nhiệm vụ."

Tuần trước, tướng Joseph Dunford, Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, nói với Quốc Hội rằng khả năng chiếm giữ và bố trí trước các căn cứ trên đảo, hay trên bộ, rất quan trọng trong cuộc chiến với Trung Cộng.

Cùng chung nhận xét với tướng Dunford, chỉ huy trưởng của lực lượng Bộ Binh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đại tướng Robert Brown, hôm 19 tháng 3, cũng cho biết "Trung Cộng là ưu tư hàng đầu" của Bộ Binh và Bộ Binh phải thay đổi chiến thuật cho phù hợp với tình thế.

Nguồn: https://www.mysanantonio.com/technology/businessinsider/article/US-Marines-are-practicing-seizing-small-islands-13706059.php

https://foreignpolicy.com/2019/03/21/a-rising-china-is-driving-the-us-armys-new-game-plan-in-the-pacific-command-hawaii-beijing-military-pentagon-missiles-inf-treaty/



Quân đội Hoa Kỳ tiến hành việc phát triển hỏa tiễn Hypersonic và đại bác tầm xa 1,000 dặm

Quân đội Hoa Kỳ đang tiến một bước nhanh chóng để phát triển và thử nghiệm các loại vũ khí tấn công tầm xa mới trong trong đầu thập niên 2020. Đồng thời có kế hoạch thử nghiệm loại hỏa tiễn Hypersonic (vận tốc cao hơn 5 lần vận tốc âm thanh) trên mặt đất vào năm 2023 cũng như chế tạo và thử nghiệm một siêu đại bác với tầm tác xạ trên 1,000 dặm. Những vũ khí này sẽ không còn bị giới hạn bởi hiệp ước INF giữa Hoa Kỳ và Nga vì Nga đã nhiều lần vi phạm hiệp ước này, gần đây nhất là Nga đã chế tạo loại hỏa tiễn 9M729 có tầm tác xạ tối đa là 3,400 dặm.

Kể từ năm 2016, Hải Quân Hoa Kỳ đã có ý muốn "Hãy để Bộ Binh bắn chìm tàu địch" vì lý do khoa học chiến tranh ngày nay có phương pháp chống lại hỏa tiễn, nhưng không có phương pháp chống lại đạn của pháo binh.

Nguồn: https://thediplomat.com/2019/03/us-army-moving-forward-on-hypersonic-missile-and-1000-mile-super-cannon/



Chính phủ ông Trump ủng hộ việc bán F-16 cho Đài Loan

Chính phủ của ông Trump đã chấp thuận ngầm cho việc Đài Loan muốn mua hơn 60 phản lực cơ chiến đấu F-16, theo những người quen thuộc với vấn đề này, một sự đảo ngược chính sách có khả năng kích động Trung Cộng trong khi đang có tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Các cố vấn của Tổng thống Donald Trump, đã khuyến khích Đài Loan gửi lời yêu cầu chính thức để được mua các máy bay phản lực của Lockheed Martin. Bất kỳ yêu cầu nào như vậy cũng sẽ cần phải được chuyển đổi thành một đề nghị chính thức của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao, và sau đó Quốc Hội sẽ có 30 ngày để quyết định có nên chặn bán hay không.

Trước kia Hoa Kỳ, trước sự phản kháng của Trung Cộng, đã không bán các chiến đâu cơ tối tân cho Đài Loan - Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố bán 150 chiếc F-16 cho Đài Loan vào năm 1992. Chính quyền Obama đã từ chối yêu cầu tương tự của Đài Loan đối với máy bay phản lực loại mới, nhưng đồng ý vào năm 2011 để tăng cường cho hạm đội hiện có của Đài Loan. 

Gần đây chính phủ Hoa Kỳ đã không chấp thuận việc Đài Loan muốn mua F-35, loại phản lực cơ chiến đâu tối tân nhất của Hoa Kỳ. 



Chính Trị                   




Trung Cộng tuyên bố 13,000 "quân khủng bố" ở Tân Cương bị bắt giam trong năm 2014

Trong khi Liên Hiệp Quốc vả cả thế giới lên án Trung Cộng về việc đàn áp và giam giữ hơn 1 triệu người Hồi Giáo Uighur ở Tân Cương (Xinjiang) trong các trại tập trung ("trại cải tạo") thì Trung Cộng vừa công bố bản báo cáo rằng trong năm 2014 họ đã bắt giam 13,000 người Uighur thuộc thành phần "khủng bố".

Để hiểu rõ về việc làm của Trung Cộng, chúng ta chỉ cần lập lại câu nói của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu "Đừng nghe những gì cộng sản (Trung Cộng) nói, hãy nhìn những gì cộng sản (Trung Cộng) làm." Chỉ cần hai ba chữ "Trại Cải Tạo" cũng đủ làm rùng mình hàng trăm ngàn người Việt Nam, hầu hết là cựu chiến binh, đã phải trải qua, và một số rất đông, hàng chục ngàn người, đã chết trong các "trại cải tạo" của cộng sản Việt Nam.

Nguồn: https://macaudailytimes.com.mo/beijing-says-13000-xinjiang-terrorists-arrested-since-2014.html



Việt Nam chính thức khiếu nại tàu Trung Cộng đâm chìm tàu của ngư dân Việt

Chiều thứ Năm ngày 21 tháng 3, chính phủ Việt Nam đã chính thức khiếu nại tàu Trung Cộng đâm chìm tàu của ngư dân Việt ở ngoài khơi đảo Đa Lợi thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 6 tháng 3 vừa qua. Tàu tuần dương của Trung Cộng đã dùng súng nước để bắn vào tàu ngư dân Việt, và chiếc tàu đánh cá này bị chìm trong khi bị rượt đuổi. Năm ngư dân của chiếc tàu đánh cá này đã được các tàu đánh cá khác của Việt Nam cứu vớt. Bản tin trước đó cho biết tàu đánh cá này bị tàu tuần dương của Trung Cộng ủi chìm. 

Phía bộ Ngoại Giao của Trung Cộng thì nói rằng báo chí Trung Cộng cho biết rằng chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị chìm khi tàu tuân dương của Trung Cộng đến gần, và thủy thủ Trung Cộng đã cứu các ngư dân Việt. 

"Đừng nghe những gì Trung Cộng nói, hãy nhìn những gì Trung Cộng làm."





Các cựu nhân viên của chính phủ Phi nộp đơn khiếu nại với ICC về hành động của Trung Cộng ở Biển Đông

Hôm thứ Sáu, ngày 22 tháng 3, hai cựu nhân viên cao cấp của chính phủ Phi đã nộp đơn khiếu nại Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình trước Tòa Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court - ICC) để "kiểm tra sự miễn tội" cho họ ở Biển Đông, nơi đang tranh chấp chủ quyền giữa Trung Cộng và nhiều quốc gia trong khu vực.

Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao, Albert del Rosario, và cựu giám sát viên Conchita Carpio Morales, cùng với một nhóm ngư dân Philippines đã đệ đơn khiếu nại họ Tập và các viên chức Trung Cộng khác trước ICC về tội ác chống lại loài người vì đã gây ra thiệt hại về môi trường ở Biển Đông.

Ông Rosario và bà Morales đã nộp đơn khiếu nại, được gọi là thông tin liên lạc, vào ngày 15 tháng 3, hai ngày trước khi chính phủ đương thời của Philippines xin xóa bỏ vụ kiện của chính phủ thời trước khỏi ICC có hiệu lực. Họ đã phổ biến bản khiếu nại cho giới truyền thông vào thứ Năm, ngày 21 tháng 3.

Bản khiếu nại viết:

Những hành động của các nhân viên chính phủ và công dân Trung Cộng đã gây ra nạn thiếu thốn lương thực và sinh kế cho cư dân của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, do đó tạo thành "những hành động vô nhân đạo ... cố tình gây đau khổ lớn lao, hoặc tổn thương nghiêm trọng về thể xác, tinh thần và sức khỏe."

Sắp đến ngày bầu cử Thượng Viện Phi, hầu hết các ứng cử viên đều tuyên bố đồng ý với đơn kiện của ông ông Rosario và bà Morales. Trong khi đó tổng thống đương thời của Phi là Duterte vẫn tìm cách bao che cho Trung Cộng với lời tuyên bố hôm thứ Năm rằng việc khiếu nại sẽ không đe dọa mối quan hệ của Philippines với Trung Cộng.

Nguồn: https://www.rappler.com/nation/226417-del-rosario-morales-say-icc-case-vs-china-check-impunity




Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc với Hàn Quốc ở Kaesong

Tin của BBC - Bắc Hàn rút khỏi văn phòng liên lạc Nam-Bắc Triều Tiên, vốn được mở ra trong thời gian mối quan hệ giữa hai bên trở nên ấm áp hơn hồi năm ngoái.

Văn phòng liên lạc được thiết lập nhằm yểm trợ cho các cuộc trao đổi với Nam Hàn.

Seoul nói họ được thông báo vào hôm thứ Sáu, ngày 22 tháng 3, rằng các nhân viên Bắc Hàn sẽ rời đi vào cuối ngày.

Việc rút đi diễn ra sau khi có cuộc họp thượng đỉnh bất thành giữa hai nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Bắc Hàn tại Hà Nội hồi tháng trước.

Văn phòng liên lạc được đặt tại thành phố biên giới Kaesong của Bắc Hàn, cho phép các nhân viên của hai miền Triều Tiên giữ liên lạc thường xuyên, lần đầu tiên kể từ Chiến Tranh Triều Tiên.

Nơi này đáp ứng nhu cầu làm việc tới 20 người của mỗi bên.

Phóng viên BBC tại Seoul, Laura Bicker nói Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in đã hy vọng là mối quan hệ ngoại giao của ông với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã tiến triển đủ tốt để vượt qua được bất kỳ vấn đề nào giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ. Thế nhưng có vẻ như Bình Nhưỡng không nghĩ vậy.

Seoul đã hy vọng sẽ hành động như một bên trung gian giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và ông Kim.

Việc Bình Nhưỡng nay thậm chí còn không sẵn lòng để nhân viên ở cùng trong một văn phòng với người của Nam Hàn, cho thấy rõ là đã có dấu hiệu về những điều không tốt đẹp, phóng viên của BBC nói.

Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh bất thành tại Việt Nam hồi tháng trước giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn, Bình Nhưỡng đã cảnh cáo rằng họ có thể nối lại hoạt động thử hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân vào bất kỳ lúc nào.

Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui hồi đầu tháng này nói rằng Washington đã vứt đi "một cơ hội bằng vàng" tại kỳ họp thượng đỉnh.

Tổng thống Trump khi đó nói rằng ông Kim đã đề nghị gỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt, điều mà Hoa Kỳ không thể đồng ý.

Nhưng bà Choe nói rằng Bắc Hàn chỉ yêu cầu gỡ bỏ năm lệnh trừng phạt kinh tế chính.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-47660409


Kinh Tế                      



Ngành khai thác than đá của Úc gặp khó khăn dưới áp lực kinh tế của Trung Cộng

Dùng đòn kinh tế để gây áp lực với Úc, Trung Cộng đã gia tăng việc giới hạn hoặc cấm nhập cảng than đá của Úc.

Áp lực kinh tế của Trung Cộng không chỉ giới hạn trong ngành than đá. Hàng hóa của Úc xuất cảng qua Trung Cộng chiếm 3,7% Tổng Sản Lượng của Úc - mặc dù một nửa trong số đó đến từ việc xuất cảng loại than được sử dụng cho ngành sản xuất thép.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2019/mar/22/chinese-ports-restricting-australian-coal-on-the-rise-as-export-bonanza-in-danger



Anh và Trung Cộng mở trung tâm nghiên cứu về năng lượng gió ở ngoài khơi

Hôm thứ Ba ngày 21 tháng 3, Anh và Trung Cộng đã chính thức khai trương một trung tâm nghiên cứu năng lượng gió ngoài khơi mới trị giá 2 triệu bảng Anh (khoảng 2.6 triệu đô-la) tại thành phố Yantai City của Trung Cộng, nhằm tăng cường hợp tác giữa hai thị trường năng lượng tái tạo ngoài khơi lớn nhất thế giới. Đây là sự hợp tác giữa các công ty TUS Wind Technology Co Ltd and TUS Mingshi Science của Trung Cộng và Innovation Co Ltd,  của Anh với trụ sở chính tại Yantai.

Nguồn: https://www.businessgreen.com/bg/news/3072889/uk-and-china-cut-ribbon-on-joint-offshore-wind-research-centre



Chuyện ngắn, chuyện dài về "Chiến Tranh Mậu Dịch Mỹ-Trung"

Có những tin đồn đoán bất lợi về cuộc thương thảo một thỏa ước mậu dịch Mỹ-Trung, cho biết rằng phái đoàn của Trung Cộng không có vẻ hợp tác với phái đoàn của Hoa Kỳ về một vài điểm "nhạy cảm", tuy nhiên điều này dường như không có tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ.

Những điểm bất đồng vẫn chưa được giải quyết như "ăn cắp tài sản trí tuệ", thao túng tiền tệ, và hành động quân sự của Trung Cộng ở châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông. Những khác biệt này có liên quan với nhau bởi vì chúng chứng tỏ tham vọng chính trị và quyền lực, cũng như xung đột ý thức hệ. Đây không phải là một thỏa thuận thương mại và hợp tác song phương có thể tồn tại trong tương lai giữa hai quốc gia; nhưng bất kể thỏa thuận nào được thực hiện, nó cũng không có khả năng chấm dứt căng thẳng địa lý chính trị.

Tuy nhiên, nhiều bình luận gia cho rằng một thỏa thuận mậu dịch, không hoàn hảo, vẫn có thể đạt được. Nhưng bởi vì những bất đồng vẫn còn, nên việc hợp tác kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn hơn bình thường.

Nguồn: https://www.ig.com/au/news-and-trade-ideas/indices-news/trader-s-thoughts---the-long-and-short-of-it-190319

Xã Hội                        



Việt Nam "hạnh phúc kém Philippines, nhưng ngang Trung Cộng"

Năm 2013, khi World Happiness Report (Báo Cáo Về Hạnh Phúc Của Thế Giới) mới bắt đầu xếp hạng các quốc gia trên thế giới, Việt Nam được xếp hạng 63 trên 156 quốc gia. Năm nay, 2019, Việt Nam tụt xuống hạng 94 trên 156 quốc gia.

Trong vùng Đông Nam Á, Singapore được xếp cao nhất, ở vị trí 34, tiếp theo là Thái Lan 52, Philippines 69, Malaysia 80, Indonesia 92, Việt Nam 94, Lào 105, Campuchia 109, Myanmar 131.

Trung Cộng, được xếp vào vùng Đông Á, đứng ở hạng 93.

Chỉ 24 giờ sau khi BBC đăng tin này thì họ đã nhận được trên 220 lời bình luận của đọc giả.

Hảo Phúc viết: "Tôi nghĩ hơn Lào và Cămpot là được rồi không phải so sánh nhiều!".

Dương Chí Tín: "Nó cướp đất dân ầm ầm thế kia có hạnh phúc nổi không?"

Dự Nguyễn: "Việt Nam sướng nhất, này nhé: Đi xe trong thành phố thoải mái bóp còi 24/24h, xả rác thoải mái, vượt đèn đỏ mà không bị phạt, chiếm dụng lòng, lề đường, cung cấp thực phẩm bẩn tràn lan, được nói rất to nơi công cộng, quán bia rượu nhiều..."

Kimjormi Pham: "Ủa, tưởng VN hạng nhất mà? Trên lá đơn, sổ hộ khẩu, trên mọi tờ giấy học sinh, và tấm áp phích băng rôn đều thấy chữ "Hạnh Phúc"...

Tuyet Van Huynh: "Nhìn lên không bằng ai nhìn xuống cũng không ai tệ như mình..."

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47654880
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47616228


Lâm Viên

Powered by Blogger.