Header Ads

Tóm Tắt Những Tin Quan Trọng Trong Tuần Qua (9)



Quân Sự                    



Pháo Đài Bay B-52 bay trên không phận Biển Đông lần thứ nhì trong tháng Ba

Thứ Tư ngày 13 tháng 3 năm 2019, hai Pháo Đài Bay B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam đã thực hiện một phi tuần huấn luyện thường lệ ở vùng Biển Đông. Đây là lần bay huấn luyện thứ hai trong tháng Ba, lần đầu là ngày 4 tháng Ba.

Lẽ dĩ nhiên là Trung Cộng đã lên tiếng phản đối vì họ cho rằng hơn 90% khu vực Biển Đông là thuộc về Trung Cộng qua đường vẽ 9 đoạn trên bản đồ, cho dù tòa án quốc tế đã phủ nhận điều này.

Nguồn: https://sputniknews.com/asia/201903141073216436-usa-b52-south-china-sea-patrolling/



Chiến hạm chỉ huy của Hạm Đội thứ 7 ghé Manila sau khi đi qua Biển Đông

Chiến hạm chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua Biển Đông để lập lại lời hứa của Hoa Kỳ "di chuyển trên biển, bay trên không và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp cho phép" trong bối cảnh Trung Cộng phản đối sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong vùng biển đang có sự tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực.

Hạm trưởng Eric Anduze, chỉ huy chiến hạm USS Blue Ridge - chiến hạm chỉ huy của Hạm Đội thứ 7,  nói với các phóng viên khi đang neo tại vịnh Manila hôm thứ Tư, rằng chuyến viếng thăm này là lời khẳng định mới nhất cho một liên minh mạnh mẽ Hoa Kỳ-Philippines.

Hạm trưởng Anduze nói "Chúng ta có một liên hệ lịch sử lâu dài ... chúng tôi đến đây để cho bạn biết rằng sự hợp tác đó mạnh mẽ hơn bao giờ hết."

Khi được hỏi hạm đội của ông có gặp hải quân Trung Cộng trong khu vực không, Anduze nói mà không nói rõ rằng họ có, thêm vào đó, "tất cả các hoạt động của chúng tôi đều an toàn và chuyên nghiệp."

"Chúng tôi di chuyển trên biển, bay trên không và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp cho phép," ông nói.

Phó Đô đốc Hải quân Phil Sawyer, chỉ huy Hạm đội 7 đóng căn cứ ở Nhật Bản, cho biết trong một tuyên bố về chuyến thăm Manila của Blue Ridge là tăng cường lời cam kết của Hoa Kỳ để giữ cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong chuyến thăm Manila hồi đầu tháng này rằng Hoa Kỳ cam kết đảm bảo Biển Đông vẫn rộng mở cho tất cả các loại giao thông đường thủy và rằng Trung Cộng "không tỏ ra có một đe dọa nào" về việc đóng các tuyến đường biển đang tranh chấp.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, Lu Kang, đã phản ứng tại Bắc Kinh khi nói rằng Trung Cộng và các nước xung quanh ở Biển Đông cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực, trích dẫn các nỗ lực đàm phán một "bộ quy tắc ứng xử" nhằm mục đích ngăn chặn tranh chấp leo thang.

"Nếu các quốc gia ngoài khu vực, chẳng hạn như Hoa Kỳ, thực sự muốn thấy sự bình yên và hạnh phúc của người dân trong khu vực, họ không nên khuấy động những rắc rối trong khu vực," Lu Kang nói -- hay chúng ta có thể gọi là "Trung Cộng nói" và hiển nhiên là khác với "Trung Cộng làm." Câu nói của Lu Kang có thể được hiểu là "Hãy để yên cho Trung Cộng biến Biển Đông thành cái hồ sau nhà của họ."

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/us-navy-flagship-visits-manila-after-sailing-in-disputed-sea/2019/03/13/36c483fe-45f2-11e9-94ab-d2dda3c0df52_story.html


Chính Trị                   



EU điều chỉnh lại chính sách của họ đối với Trung cộng, một ’Đối Thủ Có Hệ Thống'

Chỉ hai năm trước, khi ông Donald Trump mới đắc cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu đã tin rằng Trung Cộng có khả năng trở nên một đối tác có thể giúp giữ gìn trật tự thế giới. Nhưng một bản phúc trình về chiến lược mới của Ủy Ban Châu Âu, được công bố hôm thứ Ba, đã chuyển sang việc xem xét lại cách tiếp cận của EU với Trung Cộng, gọi họ là "đối thủ cạnh tranh kinh tế - economic competitor" và "đối thủ có hệ thống - systemic rival." (1)

Bài viết, được đưa ra trước khi có một loạt các cuộc họp cấp cao đã được dự trù giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Cộng, lưu ý rằng việc Bắc Kinh không mở cửa thị trường, mô tả việc đối xử với các công ty châu Âu là không công bằng và cho rằng các hoạt động đầu tư ở nước ngoài của họ đã xem thường luật pháp và nhân quyền. Bài viết cũng đưa ra một số bước mà EU và các quốc gia thành viên có thể thực hiện để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thỏa thuận với Trung Cộng, đồng thời hướng tới "mối quan hệ kinh tế cân bằng và đối ứng (có đi có lại) hơn." Chúng bao gồm việc gây sức ép buộc Bắc Kinh chấm dứt việc đòi hỏi chuyển giao kỹ nghệ và thực hiện các hợp đồng mua sắm của các công ty châu Âu với các công ty Trung Cộng phụ thuộc vào quyền truy cập đối ứng vào thị trường mua sắm của Trung Cộng.

Ngoài ra, bài viết còn đề nghị một hệ thống để ngăn chặn các chiến thuật thương mại mạnh mẽ của Trung Cộng như mua lại các công ty kỹ nghệ của châu Âu của các công ty Trung Cộng được nhà nước trợ cấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như kỹ thuật cao. Ashley Feng và Sagatom Saha đã nói sơ qua về vấn đề này trong một cuộc họp ngắn với Tạp Chí Chính Trị Thế Giới, World Politics Review (WPR), vào tháng trước, cho rằng EU nên áp dụng phương pháp sàng lọc của Pháp về đầu tư của Trung Cộng.

Để tìm cách đối đầu với sự quyết tâm kiểm soát kinh tế thế giới của Trung Cộng, EU sẽ cần phối hợp giữa các quốc gia thành viên, nhiều quốc gia có mối quan hệ sâu sắc với Trung Cộng trong những năm gần đây. Ý đang trên bờ vực trở thành một thành viên đầu tiên của Nhóm Bảy Quốc Gia (G-7) tán thành kế hoạch Vành Đai và Con Đường của Trung Cộng, bất chấp những lời chỉ trích từ nhiều nước phương Tây khác rằng các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Cộng là "ngoại giao bẫy nợ - debt-trap diplomacy." Các quốc gia thành viên của EU cũng đang có nhiều bất đồng quan điểm về vấn đề đầu tư vào mạng 5G mới của Huawei.

Khả năng về kế hoạch hành động trên bản phúc trình chiến lược của Brussels có thể sớm được các thành viên quan tâm. Các bộ trưởng ngoại giao của EU dự tính gặp các đối tác Trung Cộng vào tuần tới và Thủ tướng Trung Cộng Li Keqiang sẽ đại diện cho Trung Cộng tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên với EU, sẽ được tổ chức tại Brussels vào ngày 9 tháng 4 năm 2019, đồng thời dự tính thăm viếng một số các nước châu Âu trong những tuần tới.

Ý kiến của Lâm Viên: Ông bà ta có câu "Bụt nhà không thiêng" quả nhiên là đúng. Trong nội địa Hoa Kỳ, đảng Dân Chủ và giới truyền thông dòng chính cũng như một số "ăn theo", hàng ngày tìm đủ mọi cách để làm khó dễ và đả kích ông Trump, thế nhưng Âu châu đã giật mình tỉnh thức và "sao y bản chánh" chính sách của ông Trump đối xử với Trung Cộng. 

Chúng ta vẫn chê trách csVN về vấn đề "Thà mất nước chứ không mất đảng" nhưng lại không thấy rằng ở Hoa Kỳ thì đảng phái và giới truyền thông dòng chính cũng như đám "ăn theo" cũng có quan niệm tương tự "Thà nhìn thấy Hoa Kỳ lụn bại chứ không muốn thấy ông Trump thành công." 

Trong cả hai nhiệm kỳ làm tổng thống Hoa Kỳ, 8 năm trời, ông Obama đã cúi đầu trước các lãnh tụ thế giới và bị Trung Cộng xỉ nhục thì vẫn được đảng Dân Chủ và giới truyền thông dòng chính khen nức nở, thế nhưng ông Trump được cả thế giới, kể cả Trung Cộng, nể sợ thì lại muốn đả phá, làm cho hỏng chuyện. Người Mỹ có câu "Dirty Politics - Chính trị bẩn thỉu" để diễn tả trường hợp như thế này. 

(1) https://ec.europa.eu/commission/sites/beta-political/files/communication-eu-china-a-strategic-outlook.pdf

Nguồn: https://www.worldpoliticsreview.com/trend-lines/27643/the-eu-recalibrates-its-policy-on-china-a-systemic-rival


Kinh Tế                     



Máy bay Boeing 737 Max 8 bị cấm bay sau tai nạn ở Ethiopia

Chỉ mới bốn ngày kể từ vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopia, giết chết 157 người, đã gây ra phản ứng dữ dội ngày càng tăng trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiều thứ Tư, cấm cất cánh tất cả các máy bay Boeing 737 Max 8 và 9, bởi những lo ngại về sự liên quan của hai vụ tai nạn lớn cách nhau chưa đầy sáu tháng của loại máy bay này.

Boeing đã đưa ra một bản tuyên bố cho biết họ sẽ đề nghị tạm dừng tất cả các máy bay 737 Max trên toàn thế giới. Năm mươi quốc gia đã cấm cất cánh hoặc cấm các máy bay 737 bay qua không phận của họ.

Trên thị trường chứng khoán, trị giá cổ phần của Boeing đã bị giảm 25 tỉ đô-la.

Danh sách 50 quốc gia cấm Boeing 737 cất cánh

Nguồn: https://www.cnn.com/world/live-news/boeing-737-max-8-ethiopia-airlines-crash/index.html




Có thể đạt được thỏa thuận mậu dịch Mỹ-Trung hay không?

Hôm thứ Năm vừa qua, tổng thống Donald Trump cho biết có thể sẽ biết, trong ba hoặc bốn tuần tới, về một thỏa thuận thương mại có thể xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng hay không.

Tổng thống Trump nói "Chúng tôi có tin tức về Trung Cộng. Có lẽ bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ biết trong vòng ba đến bốn tuần tới." Ông đưa ra nhận xét rằng Trung Cộng đã chứng tỏ rằng họ "đã có trách nhiệm và rất hợp lý - very responsible and very reasonable." Như vậy có nghĩa là cuộc họp thượng đỉnh Trump-Xi ở Ma-a-Lago sẽ không xảy ra ở cuối tháng Ba như dự tính. Kéo dài thời gian của cuộc đàm phán có thể là một dấu hiệu Hoa Kỳ sẽ không chấp thuận một thỏa thuận yếu kém như nhiều người đã lo ngại, và trong khi đó, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp dường như đã quen với thuế quan hiện hành và thanh trừng đàm phán thương mại nên cũng không bị ảnh hưởng gì cả.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại vào năm ngoái, đánh nhau và trả đũa bằng thuế quan. Đã có những dấu hiệu tiến triển để chấm dứt tranh chấp thương mại, nhưng vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ và vài yếu tố khác về thị trường Trung Cộng vẫn còn nhiều khác biệt giữa Bắc Kinh và Washington.

"Nếu điều đó thực hiện được, thì sẽ là điều mà mọi người sẽ nhắc đến trong một thời gian dài," ông Trump nói.

Tháng trước, chính quyền Trump đã hoãn áp dụng một đợt thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Cộng. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo cho biết hồi đầu tháng này, Hoa Kỳ và Trung Cộng đã ở "một tụ điểm" để có thể có một thỏa thuận thương mại.

Hôm thứ Tư, ông Trump cho biết ông "không vội vàng - no rush" để hoàn thành một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Nguồn: https://www.cnbc.com/2019/03/14/trump-us-probably-3-or-4-weeks-away-from-knowing-about-any-china-deal.html


Xã Hội                       



Người già nhất thế giới

Một người đàn bà Nhật Bản, 116 tuổi, thích đánh cờ, đã được vinh danh bởi Guinness World Records vào thứ Bảy là người già nhất thế giới hiện đang còn sống.

Cơ quan thẩm quyền trên thế giới về hồ sơ đã chính thức công nhận bà Kane Tanaka trong một buổi lễ tại viện dưỡng lão nơi bà đang sống ở Fukuoka, phía tây nam Nhật Bản. Gia đình bà và thị trưởng thành phố đã có mặt để chúc mừng.

Bà Tanaka sinh ngày 2 tháng 1 năm 1903, là người thứ bảy trong số tám anh em. Bà kết hôn với Hideo Tanaka năm 1922, họ có bốn người con và một người con nuôi.

Bà có thói quen thức đến 6 giờ sáng và rất thích môn toán học.

Người sống lâu nhất trước đó cũng là một phụ nữ Nhật Bản khác, Chiyo Miyako, đã chết vào tháng 7 ở tuổi 117. Người già nhất trước Miyako cũng là người Nhật.

Người Nhật đứng đầu danh sách có nhiều người già với tuổi thọ cao nhất trên thế giới. Mặc dù ngày nay dân Nhật đã thay đổi thói quen ăn uống nên nạn béo phì đang gia tăng, nhưng vẫn còn tương đối hiếm, đối với một quốc gia có truyền thống ẩm thực tập trung vào cá, gạo, rau và các thực phẩm khác ít chất béo.

Nhưng bà Tanaka vẫn còn một con đường khá dài, so với số tuổi của bà, để vượt qua trước khi bà được xem là người có tuổi thọ cao nhất từ trước đến nay, bởi vì một phụ nữ Pháp, Jeanne Louise Calment, đã sống tới 122 tuổi, theo Guinness World Records.

Guinness cho biết họ đang kiểm chứng lại người đàn ông được vinh danh là lớn tuổi nhất thế giới, Masazo Nonaka, sống trên hòn đảo cực bắc Hokkaido của Nhật Bản, qua đời vào tháng 1 vừa qua, thọ 113 tuổi.

Nguồn: https://abcnews.go.com/International/wireStory/japanese-woman-honored-guinness-oldest-person-116-61572808

Lâm Viên



Powered by Blogger.