Header Ads

Francisco Pizarro (1471-1541) Nhà Chinh Phục Xứ Peru


Phạm Văn Tuấn

Francisco Pizarro là nhà chinh phục xứ Peru, người đã xâm chiếm đế quốc Inca rất giàu có và đã mang về cho nước Tây Ban Nha một tài sản lớn lao nhất của châu Mỹ, người đã lập nên thành phố Lima vào tháng 1 năm 1535. Lúc đầu, thành phố này được Pizarro đặt tên là “Thành phố của các Vị Vua" (the City of Kings) để vinh danh 3 vị Vua trong Thánh Kinh nhưng sau đó, tên của thành phố được đổi thành Rimac, là tên của giòng sông chẩy qua và về sau, danh từ Rimac bị viết sai thành Lima. Trong nhiều thế kỷ, Lima là thủ đô của Đế Quốc Tây Ban Nha tại Nam Mỹ.

1. Xây mộng chinh phục

Francisco Pizarro sinh tại Trujillo, một thị trấn nhỏ gần Cáceres thuộc tỉnh Estremadura nước Tây Ban Nha. Người ta không rõ ngày sinh của Pizarro nhưng nhiều sử gia tin rằng vào khoảng năm 1471. Cha của Pizarro là ông Gonzalo Pizarro, một viên tướng trong ngành bộ binh Tây Ban Nha còn mẹ có lẽ là một gái điếm, họ không có hôn thú. Theo chuyện kể vào thời đó, sau khi sinh con, người mẹ đã bỏ đứa nhỏ trước cửa nhà thờ và Francisco Pizarro được ông bà nội nuôi dưỡng cùng với các anh chị em khác. Francisco Pizarro đã sống qua thời niên thiếu như các trẻ em nghèo nơi nông trại, không biết đọc và không biết viết, hàng ngày chăn nuôi heo và phụ việc nhà. Trong lớp tuổi 20 và 30, Pizarro phục vụ trong binh đội nhưng đã không được thăng cấp nên sau đó, đã ký giấy xin làm việc trên một con tầu biển qua Tân Thế Giới.

Hernando Cortes
Vào năm 1502, Pizarro tới đảo Hispaniola, nơi mà ngày nay là Haiti và Cộng Hòa Dominican, tham dự vào công cuộc thám hiểm xứ Columbia vào năm 1510, theo Hernando Cortes khi nhà chinh phục này xâm chiếm đế quốc Aztec của Montezuma tại Mễ Tây cơ rồi về sau tổ chức việc định cư tại Darien, phần bờ biển phía đông của eo đất Panama.

Từ xứ Panama, Pizarro đi theo nhà thám hiểm Vasco Nunez de Balboa, vượt qua các rặng núi để cuối cùng vào ngày 29-9-1513, đã nhìn thấy Thái Bình Dương, vùng biển mà thời đó gọi nhầm là Biển Nam (the South Sea). Balboa đã nhận các hải đảo và vùng biển tìm thấy thuộc về chủ quyền của Vua Tây Ban Nha rồi khi trở về Darien, một cuộc xung đột với viên toàn quyền xứ này đã khiến Balboa phải trở về xứ nhưng sau đó, Balboa đã bị buộc tội xúi dục nổi loạn, bị xét xử có tội và bị chặt đầu vào tháng 1-1519.

Linh Mục Hernando de Luque
Do trí xét đoán sáng suốt và lòng trung thành với nước Tây Ban Nha, Francisco Pizarro được thăng cấp, trở nên nhà cai trị xứ Panama từ năm 1519 tới năm 1523. Chính vào lúc này, Pizarro được nghe nói về một xứ sở ở phía nam, nơi có rất nhiều vàng bạc. Pizarro nuôi hy vọng chinh phục xứ sở chưa biết đó và đã thực hiện ước vọng do sự giúp đỡ của hai người bạn: Diego de Almagro, một chiến hữu và Linh Mục Hernando de Luque, một tu sĩ giàu có.

Thời bấy giờ, Linh Mục Luque là người trẻ tuổi hơn Pizarro và Almagro, là thầy giáo dạy học tại Darien và được cộng đồng nơi đây kính nể. Linh Mục Luque là một người rất giàu, có đủ tiền để mua khí giới, đạn dược, thực phẩm và tầu biển. Cả ba người đã họp bàn với nhau cùng cộng tác vào công việc thám hiểm các phần đất phía nam của miền Panama để chiếm lấy tài sản rồi chia ba. Họ đã phân công mỗi người một nhiệm vụ: Linh Mục Luque lo phần tài chính, yểm trợ cho kế hoạch, Almagro phụ trách việc tuyển mộ binh lính và tổ chức đoàn thám hiểm còn Pizarro dẫn dắt đoàn thám hiểm ra đi.

Diego de Almagro
Vào tháng 11-1524, Pizarro đã từ Panama ra khơi với một lực lượng gồm 140 binh lính và thủy thủ trên hai con tầu và Almagro sẽ dẫn lực lượng tăng cường theo sau. Cả ba nhà đầu tư Luque, Almagro và Pizarro đã không ngờ rằng 8 năm về sau, kinh đô của xứ Inca sẽ nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Hai con tầu chở đoàn thám hiểm của Pizarro ra đi từ xứ Panama. Bão tố và các vùng biển nước xoáy đã cản trở bước tiến của họ nhưng rồi cuối cùng, các người lính Tây Ban Nha này cũng lên bờ. Tại xứ Nam Mỹ, các thổ dân đã hoảng sợ, bỏ chạy vô rừng sâu khiến cho đoàn quân thám hiểm không còn thực phẩm: họ phải ăn trái cây rừng và đôi khi, dùng da từ thắt lưng, từ bao gươm để nấu ăn.

Khi tiến vào rừng sâu, binh lính Tây Ban Nha còn bị các thổ dân phục kích, 5 người lính bị tử thương và chính Pizarro cũng bị thương 7 chỗ. Trong khi đó, con tầu tiếp viện của Almagro đi sau nhưng đã không tìm ra đoàn quân đi trước. Rồi các dân địa phương cũng tấn công toán quân của Almagro và trong một trận đánh, Almagro bị một cây lao phóng tới. Kết quả là Almagro bị hư một con mắt. Thế nhưng cả hai nhà chinh phục Tây Ban Nha này đã không ngã lòng. Hai toán quân đã gặp nhau và họ cũng chiếm đọat được một số vàng bạc. Họ còn được tin cho biết rằng ở phía nam, có một vương quốc lớn với tài sản vĩ đại hơn nhiều.

Khi trở lại Panama, hai nhà chinh phục Pizarro và Almagro lại bắt tay vào một công cuộc khám phá mới. Họ đã ký một hợp đồng với linh mục Luque, hứa hẹn sẽ chia ba số vàng bạc kiếm ra. Năm 1526, Pizarro và Almagro lại xuất quân, lần này trên 2 con tầu lớn và 8 con thuyền nhỏ hơn. Họ ra đi xa hơn về phía nam so với lần trước và sau khi lên bờ, binh lính Tây Ban Nha đã bắt được một số thổ dân có nhiều nữ trang. Sau đó, càng đi xuống phía nam, họ càng thấy thổ dân mang nhiều vàng bạc hơn. Các người dân da đỏ này đeo cả ngọc quý quanh cổ, gắn cả các mẩu vàng trên má. Cũng có một số thổ dân có thiện cảm với binh lính Tây Ban Nha.

Sau khi nhìn thấy dân địa phương có nhiều vàng bạc, Almagro nhận ra nhu cầu phải có thêm quân lính nên đã quay về Panama để tuyển mộ, đồng thời cũng mang theo một số thỏi vàng chiếm được để lôi cuốn những người tình nguyện. Nhưng tại Panama, đã có vị toàn quyền mới. Ông này không những không yểm trở cho công cuộc thám hiểm mà còn ra lệnh cho đoàn thám hiểm phải quay về.

Mệnh lệnh của vị toàn quyền mới làm cho đoàn thám hiểm do Pizarro cầm đầu bị phân tâm. Đối với binh lính, Pizarro là vị chỉ huy được kính trọng khi xung trận, ông ta luôn luôn tiến trước, nằm ngủ trên mặt đất với binh lính nhưng lại là một người nghiêm hghị, luôn luôn đòi hỏi binh lính phải tuân phục. Các binh lính thường kính trọng Pizarro nhưng cũng sợ hãi ông ta. Khi nghe đọc mệnh lệnh của vị toàn quyền Panama, Pizarro đã giữ yên lặng một lúc và các binh lính chưa phản ứng. Bỗng nhiên, Pizarro rút gươm ra, nhẩy tới một chỗ trống, dùng mũi gươm, vạch một lằn phân chia bắc nam rồi nói với các binh lính: “Anh em binh sĩ, phía nam của lằn ranh là những cực nhọc, đói khát, bão tố, bỏ trốn và sự chết. Phía bên này là sự dễ dàng và lạc thú. Phía bên kia là xứ Peru với tài sản giàu có, bên này là miền Panama nghèo nàn. Các người lính Tây Ban Nha, hãy chọn lựa. Đối với ta, ta chọn miền Nam”.

Sau đó, Pizarro nhẩy qua lằn ranh, nhận sự thách đố với toàn quyền Panama. Đã có một lúc yên lặng, rồi anh lính lái tầu Bartolomé Ruiz đi theo Pizarro, rồi một người lính khác… tất cả 13 người lính đã theo về phe của Pizarro. Nếu Francisco Pizarro nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh của vị toàn quyền Panama thì ngày nay, lịch sử đã không ghi tên ông là một nhà chinh phục thành công nhất, một người đã phá hủy cả một nền văn minh địa phương.

Sau đó, Ruiz đã lái tầu, đưa tất cả binh lính trở về Panama và qua 7 tháng chờ đợi, Pizarro lại ra đi với một đội quân mới. Trong lần xuất quân này, Pizarro đã lên bờ tại thị trấn Tumbes, nằm dưới Xích Đạo. Các thổ dân tại miền này đã kính nể binh lính Tây Ban Nha vì họ có tầu lớn, có các khí giới bóng láng và người Tây Ban Nha da trắng, mang một vẻ thần linh. Các thổ dân đã cho người Tây Ban Nha thực phẩm đựng trên các đĩa bằng vàng và bạc và dẫn đoàn quân xa lạ tới các ngôi đền của họ trang hoàng bằng các quý kim. Phải kiềm chế lòng tham của binh lính, Pizarro đã cảm ơn các dân địa phương, nhận nhiều bình vàng bạc và ra đi, dẫn theo 3 thổ dân. Một trong 3 người này được binh lính Tây Ban Nha gọi là Felipillo, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các lần chinh phục sắp tới.

Khi trở về Panama, Pizarro đã trình cho vị toàn quyền coi các quà tặng địa phương thì vị này vẫn không chấp nhận các cuộc thám hiểm và đã coi những nữ trang do Pizarro mang về là “những đồ chơi rẻ tiền bằng vàng và bạc". Đối với những người cùng chí hướng làm giàu như Pizarro là linh mục Luque và Almagro, tất cả đều cho rằng chỉ còn một cách để thực hiện ước mơ của họ là trở về xứ Tây Ban Nha, trình bày sự việc lên Vua Charles V, lúc này vừa là vua, vừa là Hoàng Đế của Đế Quốc Thần Thánh La Mã (Holy Roman Empire). Cả ba nhà đầu tư này bàn thảo với nhau để tìm ra người đại diện cho nhóm, trở về Tây Ban Nha và thuyết phục nhà vua chấp thuận công cuộc mạo hiểm. Nhưng trong số 3 người, ai thích hợp nhất với công cuộc ra đi? Almagro là người tầm thường, nói năng thô thiển, không thể đứng trước triều đình mà thuyết phục, ngoài ra lại bị mất một con mắt vì trận mạc khi trước. Pizarro tuy là người vạm vỡ nhưng lại không biết đọc và không biết viết, không biết lý luận sao cho có kết quả còn Linh Mục Luque lại quá bận rộn với công tác tôn giáo tại vùng Panama. Cuối cùng vào mùa xuân năm 1528, Francisco Pizarro phải lên đường, trở về xứ Tây Ban Nha để xin phép Vua Charles V.

2. Khám phá ra nền Văn Minh Inca

Mùa xuân năm 1528, Francisco Pizarro đã về tới Toledo, quỳ lạy trước ngai vàng của Vua Charles, nhà cai trị có thế lực mạnh nhất trên thế giới vào thời kỳ đó. Pizarro đã trình bày về các cuộc mạo hiểm tại Nam Mỹ theo một bản đồ vẽ sơ sài, đưa dẫn chứng là gói vàng ngọc, một con đà mã (Llama) của xứ Peru. Pizarro đã mô tả trước triều đình Tây Ban Nha về một kho vàng bạc rất lớn, một vùng đất rộng mênh mông sẽ thuộc về nước Tây Ban Nha cùng với các sắc dân địa phương sau này sẽ được cải theo đạo Thiên Chúa.

Câu chuyện thám hiểm gian nan tại xứ sở rất xa xôi đã khiến cho Vua Charles phải chú ý. Nhà vua đồng ý yểm trợ cuộc thám hiểm trên nguyên tắc nhưng mệnh lệnh chấp thuận chưa được ban hành ngay. Sau vài tháng chờ đợi và trong lúc nhà vua đi xa, Nữ Hoàng Tây Ban Nha đã ký một hợp đồng chính thức, cho phép Pizarro được quyền chinh phục xứ Peru.
Francisco Pizarro được mang danh hiệu toàn quyền của vùng đất định cư mới, chịu trách nhiệm duy trì trật tự và luật pháp tại các thuộc địa mới của Tây Ban Nha và để trả công cho việc phụng sự quốc gia, được lãnh lương 725 ngàn đồng maravedis một năm. Các người hợp tác với Pizarro trong công cuộc thám hiểm cũng được giao cho trách nhiệm và được ban tước hiệu, Almagro được ít nhất với tiền trợ cấp 100 ngàn đồng maravedis và là toàn quyền pháo đài lập tại Tumbes.

Sau đó, Francisco Pizarro vẻ vang trở về làng cũ Trujillo, nơi sinh trưởng của mình. Mọi người dân trong làng đã chào đón Pizarro, họ đã khâm phục những huân chương mà vua Tây Ban Nha ban tặng cho nhà thám hiểm. Pizarro cũng tuyển mộ các thanh niên trong làng vào đoàn quân đi chinh phục xứ Peru sau này và trong số những người tham gia, có 4 người anh em cùng cha khác mẹ, đặc biệt Juan và Gonzalo trở thành những cấp chỉ huy gan dạ, Martin Pizarro là một người phụ tá trung thành, còn người anh thứ tư là Hernando Pizarro vừa là một cố vấn, vừa là người đáng tin cậy nhất. Nhưng Hernando cũng là một con người tham tàn, không những đối với dân bản xứ mà còn với cả các chiến binh Tây Ban Nha. Ngoài ra còn một người họ hàng, 15 tuổi, tên là Pedro Pizarro, lãnh công tác phụ việc vặt và cũng là người sau này ghi lại các biến cố xẩy ra trong công cuộc chinh phục.

Tháng 1 năm 1530, ba con tầu do Francisco Pizarro chỉ huy đã ra khơi từ Tây Ban Nha. Khi tới Panama và trong buổi họp, Almagro đã bất bình vì được phần trợ cấp nhỏ nhất. Cuối cùng Pizarro phải ký kết một hợp đồng, chấp nhận chia ba đồng đều tài sản sẽ chiếm được. Sau gần một năm chuẩn bị, Pizarro lại dẫn đoàn thám hiểm ra khơi, lần này cũng gồm 3 con tầu, chuyển hướng về phía nam và sau hơn hai tuần lễ lênh đênh, đoàn quân này lên bờ tại tỉnh Coaque.

Hernando De Soto
Đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha đã được các thổ dân vui vẻ đón tiếp nhưng các binh lính này vẫn cướp bóc mọi tài sản và đốt phá làng mạc. Một phần năm vàng bạc và ngọc quý được dành riêng, gửi về cho Vua Tây Ban Nha, một số khác gửi về hai xứ Panama và Nicaragua gần đó, để lôi cuốn những kẻ tình nguyện đầu quân. Vào thời gian này, Pizarro có thêm một lực lượng tăng cường gồm 30 binh lính, do Sebastian de Belalcázar chỉ huy và khi mùa mưa bắt đầu thì có hai thuyền khác cập bến với 100 binh lính, do Hernando De Soto điều khiển. De Soto vừa là một tay đánh gươm giỏi, cưỡi ngựa giỏi, lại là người cùng tỉnh Estremadura với Pizarro.

Trong khi chờ đợi mùa mưa chấm dứt, Francisco Pizarro nghe một thổ dân kể lại rằng sau khi vua Inca thứ 11 qua đời, đã có một cuộc tranh giành ngôi báu giữa Huascar và một người anh em khác mẹ, tên là Atahualpa, một tướng lãnh có tài. Hàng ngàn người đã chết vì cuộc nội chiến này. Không lâu trước khi Pizarro tới miền đất Peru, đạo quân của Atahualpa đã chiếm được kinh đô Cuzco của xứ Peru, bắt giữ vua Huascar và giết chết tất cả vợ con, họ hàng, treo xác họ tại trung tâm kinh đô đồng thời nhiều người theo phe nhóm của Huascar cũng bị hành hạ tới chết.

Nghe được tin này, Pizarro vội vã đưa binh lính tiến về phía nam. Khi tới thị trấn Tumbes thì quân lính Tây Ban Nha được biết rằng các tài sản như vàng bạc đã bị thất tán vì cuộc nội chiến. Pizarro bèn họp các binh lính dưới quyền, cho họ chọn lựa, hoặc trở về Panama, hoặc tiến sâu vào xứ Inca. 9 người lính đã trở về, còn lại 168 người tình nguyện đi theo Pizarro. Lúc bấy giờ lực lượng của Atahualpa đang đóng tại tỉnh Cajamarca. Pizarro bèn tìm cách tiến đánh quân Inca. Có hai con đường dẫn tới địa điểm kể trên nhưng Pizarro đã chọn con đường ngắn nhất, leo qua ngọn núi Andes. Đường đi rất gian nan, người và ngựa phải men theo các triền núi có tuyết phủ, bên cạnh là các vực sâu. Khi đã lên tới đỉnh núi rồi, đoàn binh lính Tây Ban Nha nhìn thấy ở phía dưới là thung lũng Cajamarca với giòng sông và các cánh đồng có trồng trọt. Phía bên kia thung lũng có hàng ngàn túp lều của đạo quân do Atahualpa điều khiển.

Đoàn binh lính Tay Ban Nha khi tiến về phía Cajamarca lúc đầu được một người lính Inca tiền trạm cho các quà tặng, rồi người lính thứ hai yêu cầu đội quân Tây Ban Nha không được tiến thêm nữa. Trước hàng ngàn quân thổ dân, Pizarro và binh lính Tây Ban Nha không còn cách nào khác, họ dàn thế trận, đó là ngày 15-11-1532. Cuộc dàn xếp đã ấn định Vua Inca Atahualpa sẽ gặp đại diện của đoàn quân Tây Ban Nha tại một doanh trại cách thành phố 3 dậm. Trong cuộc họp mặt này, Pizarro đã thấy Atahualpa có vẻ chú ý đến các con ngựa chiến của người Tây Ban Nha. Vào lúc này, Pizarro nhận thức rằng cần phải bắt giam Vua Atahualpa giống như Cortes đã làm đối với Montezuma, nhà lãnh đạo xứ Mexico.

Vua Atahualpa
Ngày hôm đó, Vua Atahualpa được mời dự một bữa tiệc do Pizarro tổ chức tại Cajamarca. Tối  hôm 16-11, Vua Atahualpa đã để 6 ngàn binh lính võ trang nhẹ bên ngoài rồi cùng với 300 lính mặc áo đỏ và các gia đình quý tộc Inca mặc áo xanh, tiến vào doanh trại của Pizarro. Riêng nhà vua ngồi trên kiệu bằng vàng, quanh cổ đeo chuỗi hạt bằng ngọc quý. Khi đoàn người Inca vào giữa doanh trại thì chỉ thấy tu sĩ Vicente de Valverde mang một cây thánh gía tiến tới, bên cạnh là anh thổ dân đã biết tiếng Tây Ban Nha, tên là Felipillo. Tu sĩ Valverde nói về đạo Thiên Chúa và sự việc Hoàng Đế Charles V đã chỉ định Pizarro chinh phục xứ Inca và truyền bá đạo giáo mới. Các người dân bản xứ chỉ cón một điều kiện là đầu hàng.

Vua Atahualpa đã trả lời rằng các người nước ngoài không có quyền bắt dân chúng của nhà vua phải tin theo một tôn giáo khác, đồng thời phản đối người Tây Ban Nha đã cướp bóc vàng bạc của dân chúng và nhà vua đã ném cuốn Thánh Kinh xuống đất. Đây là lúc Pizarro chờ đợi. Viên tướng Tây Ban Nha này liền phất một chiếc khăn trắng và các cỗ súng thần công của lực lượng Tây Ban Nha bắt đầu nhả đạn vào đám dân quân Inca, đồng thời binh lính Tây Ban Nha cũng cưỡi ngựa, tràn vào tàn sát. Vua Atahualpa bị Pizarro bắt. Có hơn 2 ngàn người chết. Hàng trăm phụ nữ bị cầm tù. Các binh lính Inca chờ đợi bên ngoài doanh trại Tây Ban Nha đều tẩu tán vào rừng sâu gần đó. Sau 8 năm theo đuổi mộng ước chinh phục, Francisco Pizarro đã đạt được thời vinh quang.

Sau khi dọn dẹp các tử thi và thu lượm các của cải cướp được, các binh lính Tây Ban Nha đã ngạc nhiên vì chiếm được một số lượng rất lớn vàng bạc và ngọc quý. Do hy vọng Vua Atahualpa sẽ giúp sức vào việc tìm thêm các quý kim, Pizarro đã để nhà vua này sống tại nơi đầy đủ tiện nghi, nhờ vậy nhà vua đã trở nên thân thiết với Hernando De Soto và Hernando Pizarro, là người anh của Francisco Pizarro. Qua câu chuyện, Francisco Pizarro được biết rằng điều mà Vua Atahualpa lo sợ nhất là người anh em Huascar hiện bị giam cầm, có thể quay về cai trị xứ sở Inca. Để tránh điều này, vua Atahualpa cần phải được phóng thích. Do biết Pizarro thèm muốn vàng bạc, vua Atahualpa đã đề nghị đổi tự do của nhà vua bằng một căn phòng chứa đầy vàng, dài 24 feet (7.2 mét), rộng 18 feet (5.4 mét) và cao bằng tầm tay đưa lên của nhà vua. Và còn một căn phòng thứ hai lấp đầy bạc gấp hai lần.

Lúc đầu quá ngạc nhiên, Francisco Pizarro đã cho thảo một tờ cam kết, hứa sẽ trả tự do cho nhà vua sau khi vàng bạc được giao nộp. Từ ngày đó, vàng bạc mỗi ngày đều được chuyển tới và Pizarro cũng cho quân lính dò xét xem ngưới Inca có phục binh bên ngoài không.

Nhân lúc này, binh lính Tây Ban Nha đã đi cuớp phá tận kinh đô của xứ Inca là Cuzco. Và cũng có tin tới tai vua Atahualpa rằng vua cũ Huascar hiện đang bị cầm tù tại Cuzco đã hứa sẽ đền đáp một số lượng vàng lớn hơn nữa nếu được phục hồi ngai vàng. Đây là tin tức mà vua Atahualpa lo sợ nhất. Vài ngày sau, có tin vua Huacar đã bị làm chết ngạt theo lệnh của vua Atahualpa. Tuy nhiên, sinh mạng của vua Atahualpa vẫn còn bị đe dọa.

Rồi một sự việc khác xẩy ra, đó là Almagro, người đầu tư với Pizarro, đã tới thị trấn Cajamarca, dẫn theo một lực lượng 150 binh sĩ và 84 con ngựa. Almagro lúc này đòi chia một phần ba số của cải cướp được đồng thời Almagro và người anh của Pizarro là Hernando vẫn bất hòa như trước kia.

Tháng 8 năm 1533, Francisco Pizarro chia tài sản cho Almagro, phái De Soto đi dò xét sự tăng cường lực lượng của dân Inca và giao cho Hernando mang vàng bạc về xứ Tây Ban Nha để nạp cho nhà vua, như vậy Pizarro đã phân cách được hai kẻ bất hòa. Cũng vào lúc này, linh mục Luque đã qua đời và Franciscso Pizarro được hoàn toàn rảnh tay để đối phó với tình thế.

Vì lo sợ nếu thả vua Atahualpa ra, lực lượng Tây Ban Nha sẽ quá nhỏ so với đạo quân địa phương Inca, nên Pizarro đã cùng với Almagro lập ra một nhóm xét xử vua Atahualpa theo một lời buộc tội giả. Khi vua Atahualpa sắp sửa bị thiêu sống thì tu sĩ Valverde đề nghị nhà vua cải sang đạo Thiên Chúa để cách xử tử chuyển sang hình thức thắt cổ, tránh bớt được nỗi đau đớn. Vua Atahualpa đồng ý và được đặt tên là Juan de Atahualpa và nhà vua này đã bình thản đi vào cõi chết. Hai ngày sau khi De Soto trở về thì không còn vua Atahualpa nữa. De Soto đã nổi giận trước sự việc nhưng đã quá trễ và vương quốc Inca đã bị xóa tên trong lịch sử. Như vậy chỉ 9 tháng sau khi đổ quân xuống cánh đồng Cajamarca, Francisco Pizarro với đội quân ít hơn 500 người, đã siết cổ một vị vua, làm sụp đổ một vương quốc, đặt 12 triệu thổ dân dưới quyền sinh sát của các nhà chinh phục Tây Ban Nha.

Sau khi vua Atahualpa bị giết, người dân Inca vẫn tiếp tục chống lại người Tây Ban Nha và Francisco Pizarro đành phải yểm trợ cho người em của vua Huascar, tên là Manco, phong làm vua tại kinh đô Cuzco. Francisco Pizarro cũng không cấm đoán nổi các binh lính dưới quyền cướp phá các đền đài, lấy vàng bạc của người sống lẫn người chết. Sau khi rời Cuzco, hai nhà chinh phục Tây Ban Nha là Pizarro và Almagro đã đi về hai hướng khác nhau. Almagro dẫn quân qua miền Chile, hy vọng tìm kiếm thêm vàng ngọc còn Pizarro tiến tới một nơi khác và thành lập nên thị trấn mới mà ngày nay là thành phố Lima.

Vào thời kỳ này, người dân Inca đã hiểu rõ rằng binh lính Tây Ban Nha cũng chỉ là những người thường, cũng bị thương và bị giết bởi mũi tên và giáo mác. Trong khi quân lính Tây Ban Nha còn đóng tại Cuzco, vua mới Manco đã tổ chức lại quân đội và dẫn đầu đạo quân Inca tấn công vào doanh trại của Pizarro. Hàng trăm người thuộc cả hai phía đã bị giết.

Vào mùa xuân năm 1537, sau chiến dịch thất bại tại Chile, Almagro quay trở về xứ Peru, dùng binh lực đánh chiếm kinh thành Cuzco, bắt Hernando Pizarro làm tù binh. Để xin cho người anh được tự do, Francisco Pizarro đồng ý để Almagro kiểm soát thành phố Cuzco rồi về sau, Vua Charles V của Tây Ban Nha sẽ quyết định vùng cai trị của hai nhà chinh phục. Khi Hernando được trả tự do rồi, Francisco Pizarro lại ra lệnh cho Almagro phải đầu hàng.

Ngày 26-4-1538, hai đội quân Tây Ban Nha dàn trận ngoài cánh đồng. Súng nổ, quân lính Tây Ban Nha đã dùng gươm súng chém giết lẫn nhau. Cuối cùng Hernando Pizarro đã chiến thắng sau khi 150 binh lính Tây Ban Nha bị thiệt mạng. Almagro bị bắt làm tù binh rồi sau một phiên xử, đã bị chặt đầu. Rồi không đợi lệnh của Vua Charles, Francisco Pizarro tuyên bố chiếm đoạt tất cả các phần đất thuộc về Almagro trước kia. Còn về Hernando Pizarro, Ít lâu sau khi trở về Tây Ban Nha, đã bị Vua Charles ra lệnh bắt cầm tù trong 20 năm và bị giam trong một pháo đài hoàng gia.

Chiến binh của Manco Inca
Tại xứ Inca, người lãnh đạo dân địa phương là Manco vẫn tiếp tục cho quân quấy phá binh lính Tây Ban Nha. Do giận dữ, Francisco Pizarro đã cầm tù người vợ của Manco rồi cho lột hết quần áo và bắn tên vào thân thể cho đến chết. Trước sự tàn ác của binh lính Tây Ban Nha, người dân Inca quyết tâm không đầu hàng, đồng thời các người lính cũ của Almagro cũng bị bỏ đói. Họ dự mưu giết Francisco Pizarro.

Vào ngày 26-6-1541, toán quân này tràn qua cổng thị trấn Lima trong khi Pizarro đang cùng với hơn 20 bạn hữu ăn uống. Nghe thấy biến động, các người bạn của Pizarro đã bỏ chạy thoát thân. Người em nhỏ Martin của Pizarro dùng gươm chống cự trong khi Francisco Pizarro đang mặc áo giáp. Martin sau đó đã bị giết. Nhà chinh phục xứ Peru là Pizarro vào thời gian này đã cao tuổi nhưng vẫn cố dùng sức, hạ sát được hai tên lính phản loạn nhưng rồi cũng bị một tên khác đâm chết.

Francisco Pizarro là nhà chinh phục người Tây Ban Nha, một con người can đảm, chỉ biết theo đuổi tham vọng là chiếm đoạt tài sản, quyền lực và danh vọng. Với một đạo quân nhỏ lúc ban đầu, Francisco Pizarro đã cướp phá cả một vương quốc và để đạt được mục đích, Pizarro đã nói dối người cộng tác là Almagro, lường gạt và giết vua Inca là Atahualpa và biến xứ Peru thành một vùng đất nô lệ.

Sự thành công của Francisco Pizarro và người Tây Ban Nha tại Peru là một trong các sự kiện lịch sử quan trọng, tạo ảnh hưởng sâu rộng tới miền đất mà ngày nay được gọi là Nam Mỹ.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia. The Heritage of World Civilizations by Albert M. Craig and others, 5th Ed., Prentice Hall, N. J. 2000.

https://en.wikipedia.org/wiki/Francisco_Pizarro

Powered by Blogger.