Header Ads

Viên Thế Khải Và Trung Hoa (Thời Kỳ 1912-1916)

Viên Thế Khải (bên trái) và Tôn Dật Tiên hay Tôn Văn (bên phải) với các lá cờ của Cộng Hòa Trung Hoa thuở ban đầu 

Phạm Văn Tuấn

Vào năm 1913, Viên Thế Khải (Yuan Shikai) đã tách ra khỏi các nhóm Cách Mạng, tự chiếm quyền và trở thành nhà độc tài nhưng ông ta đã không thành công trong việc tự lập làm Hoàng Đế. Viên Thế Khải qua đời vào tháng 6 năm 1916, nên từ năm 1916 tới năm 1928, nước Trung Hoa không có một chính quyền trung ương và giai đoạn này được gọi là thời kỳ của các Đốc Quân (warlords).

Tinh thần quốc gia đã bộc phát vào ngày 4 tháng 5 năm 1919, đã xẩy ra cuộc tấn công nền Khổng Học và đã có một trào lưu tư tưởng mới, biến động này được coi là một cuộc Cách Mạng Văn Hóa, rồi sau đó đảng Cộng Sản Trung Hoa được thành lập và Quốc Dân Đảng tổ chức lại. Hai đảng phái này đã đoàn kết thành một mặt trận, qua năm 1926 đã xẩy ra cuộc Bắc Phạt để thống nhất nước Trung Hoa. Sau đó sự đoàn kết Quốc Cộng đã sụp đổ, các người Cộng Sản phải bỏ trốn trong khi Quốc Dân Đảng chiếm thành phố Bắc Kinh và biến động này được gọi là cuộc Cách Mạng Dân Quốc (the Nationalist Revolution).

Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Lâm Thời tại Bắc Kinh
Sau cuộc Cách Mạng năm 1911, Bác Sĩ Tôn Văn đã nhường chức Tổng Thống Lâm Thời cho Viên Thế Khải để thống nhất Nam Bắc. Theo bản Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Trung Hoa, Tổng Thống có rất nhiều quyền hành nhưng phải chia quyền với Thủ Tướng, Nội Các và Quốc Hội Lâm Thời và Quốc Hội này gồm các đại biểu của các tỉnh.

Viên Thế Khải sinh năm 1859 từ một gia đình có nhiều người làm quan cao cấp trong triều đình. Ông Khải không dự các kỳ thi căn bản như các người trẻ cùng thời mà mua được một chức tước nhỏ vào năm 1880 và đây cũng là một tập tục vào cuối triều đại của Nhà Thanh. Viên Thế Khải đã phục vụ tại nhiều nơi về quân sự và thương mại tại Triều Tiên, nhờ vậy đã hiểu rõ các mục đích bành trướng của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên này.

Sau cuộc Chiến Tranh Trung Nhật 1894-98, Viên Thế Khải được Triều Đình Nhà Thanh giao phó nhiệm vụ huấn luyện quân đội Trung Hoa theo kỹ thuật mới, nhờ thế ông ta đã có được một số quân nhân trung thành dưới quyền. Viên Thế Khải cũng giúp cho Thái Hậu Từ Hi lật đổ Vua Quang Vũ (Guangxu) sau cuộc Cải Cách 100 Ngày và thành công trong việc dẹp Loạn Quyền Phỉ (the Boxer) tại tỉnh Sơn Đông. Vào năm 1901, Viên Thế Khải làm tổng trấn của tỉnh Hà Bắc (Hebei), đã xây dựng đạo quân Bắc Dương (Beiyang). Đây là một lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất của Trung Hoa vào thời kỳ đó, với 5 trong số 7 tư lệnh cùng các sĩ quan cao cấp đều là người trung thành với Viên Thế Khải. Nhờ các công lao thực hiện được vào cuối thời Nhà Thanh, Viên Thế Khải cho rằng chính mình có thể đối phó với các thách đố chính trị của nước Trung Hoa vào giai đoạn khó khăn này.

Đường Thiệu Nghi (Tang Shaoyi)
Thủ Tướng đầu tiên của Trung Hoa dưới thời Viên Thế Khải làm Tổng Thống Lâm Thời, là Đường Thiệu Nghi (Tang Shaoyi), là người cháu của Đường Định Thư (Tang Tingshu), một nhà kinh doanh kiêm chủ nhân của các mỏ than Khai Bình (Kaiping) và ông Đường Định Thư cũng là một người cộng tác thân thiết với Viên Thế Khải. Nhưng Đường Định Thư còn là người có cảm tình với các nhà cách mạng Trung Hoa nên vào tháng 3 năm 1912, ông ta đã tham gia vào Đồng Minh Hội, tức là cơ sở ban đầu của Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Nội Các của Thủ Tướng Đường Thiệu Nghi có 4 đảng viên của Đồng Minh Hội nhưng Viên Thế Khải đã lấn quyền của Thủ Tướng, nhất là trong việc mượn tiền của các nước ngoài. Vì thế Thủ Tướng Đường Thiệu Nghi đã từ chức và các nhân viên khác của Đồng Minh Hội trong Nội Các cũng rút lui.

Vào tháng 8 năm 1912, Hiến Pháp Mới đã cho phép Viên Thế Khải tổ chức các cuộc bầu cử đầu tiên để bầu ra Thượng Viện và Viện Dân Biểu. Cử tri hợp lệ là các người nam trên 21 tuổi, đã có bằng tiểu học hay đã đóng một số tiên thuế trực thu ấn định và như vậy, số người đi bầu vào thời gian này chiếm từ 4% tới 6 % dân số. Đồng thời vào thời gian này, Đồng Minh Hội cũng tập hợp thêm được 4 đảng phái khác và đổi tên thành Quốc Dân Đảng với Tống Giáo Nhân (Song Jiaoren) làm thủ lãnh.

Tống Giáo Nhân (Song Jiaoren)
Sau các cuộc bầu cử vào tháng 12 và tháng 1 năm 1913, Quốc Dân Đảng đã chiếm được đa số ghế trong cả hai Viện. Tới lúc này, Tống Giáo Nhân bắt đầu chỉ trích Viên Thế Khải về cách vay mượn tiền của các cường quốc phương Tây và việc đối phó với Ngoại Mông khi xứ sở này tuyên bố độc lập rồi nhận sự che chở của nước Nga. Quốc Dân Đảng cũng đòi hỏi rằng quyền hành của Quốc Hội phải được gia tăng, đòi giảm bớt quyền lực của Tổng Thống và phải có sự phân quyền giữa chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương. Tình trạng này không thể chấp nhận được đối với Viên Thế Khải, vì thế vào ngày 20/3/1913, Tống Giáo Nhân bị một điệp viên của Viên Thế Khải ám sát chết tại nhà ga Thượng Hải.

Ngoài các khủng hoảng chính trị đe dọa trầm trọng chính phủ Trung Hoa mới, còn một khó khăn khác là vấn đề tài chính. Dưới chính thể Cộng Hòa mới, hệ thống tài chính cũ của nhà Thanh vẫn còn được áp dụng trong khi chính quyền Trung Hoa không thể thu được thuế, chỉ một phần thuế đất về tới trung ương, đa số bị giữ lại tại địa phương, trong khi đó thuế thu được tại các hải cảng, các miền biển phải dùng để trả nợ ngoại quốc và chính phủ Trung Hoa chỉ thu được thuế muối.

Tất cả lợi tức cộng lại không đủ để yểm trợ cho chính quyền và trả lương cho quân đội của Viên Thế Khải, vì vậy bắt buộc ông Viên Thế Khải phải hỏi vay tập đoàn Tài Phiệt của các nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ một số nợ 25 triệu bảng Anh. Đây là món nợ lớn nhất của nước Trung Hoa từ xưa tới nay, sẽ được dùng để tổ chức lại hệ thống hành chính. Việc vay nợ này đã khiến cho tại khắp nơi trên đất nước Trung Hoa nổi lên các cuộc phản đối, chẳng hạn như chính quyền Quảng Đông đã chỉ trích Viên Thế Khải đã không xin phép Quốc Hội trước khi vay nợ và đã dùng thuế muối để làm tiền thế chân cho món nợ ngoại quốc.

Nhiều người Trung Hoa vào thời kỳ đó cũng tin tưởng rằng Viên Thế Khải muốn dùng món nợ lớn này để đàn áp các kẻ đối lập khi vào tháng 6/1913, Viên Thế Khải chuyển quân chống lại các tướng lãnh cai trị các tỉnh miền trung và miền nam Trung Hoa, bởi vì những tướng này đã ủng hộ Quốc Dân Đảng và lập nên một liên minh chống đối. 

Vào tháng 10 năm 1913, Viên Thế Khải bắt Quốc Hội chính thức bầu mình làm Tổng Thống đồng thời các nghị viên Quốc Dân Đảng bị trục xuất, đảng bị giải tán cùng với các cơ quan đại diện của các tỉnh. Tới giữa năm 1915, chính quyền trung ương của Viên Thế Khải đã kiểm soát được 12 trong số 18 tỉnh của Trung Hoa nhưng Viên Thế Khải không thể phục hồi được quyền lực tại Ngoại Mông, Mãn Châu và Tây Tạng.

Sau đó là một chương trình bảo thủ: hệ thống tư pháp mới được phát triển, chính quyền cũng cho xây dựng các nhà tù mới. Giáo dục được cải tổ gồm việc sử dụng mẫu tự để làm dễ dàng cách đọc chữ. Cũng có các chương trình cải tiến về gây nuôi gia súc, sản xuất đường ăn và trồng trọt bông gòn. Sản lượng thuốc phiện giảm bớt và giá trị tiền tệ ổn định nhưng phần lớn các cải cách còn bị giới hạn do sự quá cẩn thận của ông Viên Thế Khải. Thành công của Viên Thế Khải là do ông ta đại diện cho việc thống nhất đất nước Trung Hoa để chống lại sự xâm lăng của các nước ngoài.

Từ các năm đầu của thế kỷ 20, nước Trung Hoa vẫn bị nhiều lực lượng ngoại quốc đe dọa. Tháng 4/1914, khi Kato Takaaki trở nên Bộ Trưởng Ngoại Giao của Nhật Bản thì người Nhật liền tìm cách xâm chiếm quyền lợi tại Trung Hoa. Đầu tiên Nhật Bản hợp tác với phe của các quốc gia phương tây, đòi hỏi nước Đức phải nhường lại quyền thuê mướn Vịnh Hiệp Châu (Jiaozhou bay). Kết quả của sự phản đối của Trung Hoa là quân đội Nhật Bản chiếm đóng vùng vịnh này và chiếm hai tỉnh Vệ Tân và Tế Nam, lấy cớ rằng họ kiểm soát con đường xe lửa nhường lại từ người Đức.

Tới tháng 1/1915, viên đại sứ Nhật tại Trung Hoa đã đưa cho Viên Thế Khải bản văn "21 Đòi Hỏi" (The Twenty-one Demands). Các đòi hỏi này chia làm 5 nhóm:
  1. Nhóm đầu tiên bắt Trung Hoa chấp nhận Nhật Bản có quyền thay thế người Đức tại Sơn Đông và đặt tỉnh này dưới ảnh hưởng của Nhật Bản. 
  2. Nhóm đòi hỏi thứ hai liên quan tới việc củng cố vị trí của Nhật Bản tại Mãn Châu và Nội Mông (Inner Mongolia). 
  3. Nhóm thứ ba quy định rằng khu vực sản xuất than và thép tại Hán Dương (Hanyang) trước kia thuộc ảnh hưởng của người Anh, nay dưới quyền quản trị chung của Nhật Bản và Trung Hoa. 
  4. Nhóm đòi hỏi thứ tư bắt Trung Hoa không được phép cho một lực lượng nào thuê hay nhượng một hải cảng hay một vịnh biển nào. 
  5. Và nhóm cuối cùng đòi Trung Hoa dùng các cố vấn tài chính, quân sự và chính trị người Nhật Bản. Trung Hoa sẽ mua võ khí của Nhật Bản và Nhật Bản sẽ thiết lập các cơ xưởng hợp tác sản xuất võ khí trên lãnh thổ Trung Hoa.
Các tem thư bưu điện trong thời Viên Thế Khải
Bốn tháng sau, chi tiết của 21 đòi hỏi này bị tiết lộ cho báo chí và các chính phủ Anh và Hoa Kỳ đã yêu cầu Nhật Bản phải ôn hòa hơn. Dù thế, Trung Hoa đã chịu nhân nhượng 4 nhóm đòi hỏi trên, còn bác bỏ nhóm thứ 5, cho rằng nếu chấp nhận, Trung Hoa sẽ quá lệ thuộc vào Nhật Bản. Trước các đòi hỏi của Nhật Bản tại Trung Hoa, Đại Sứ Anh tại Trung Hoa là Sir John Jordan đã lên án rằng "không thể lý luận với kẻ cướp trang bị đầy đủ võ khí và hành động của Nhật Bản đối với Trung Hoa còn tệ hại hơn trường hợp người Đức đối với nước Bỉ".

Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ là William Jennings cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ không chấp nhận một đòi hỏi nào của Nhật Bản, sự việc này khiến cho Nhật Bản đã phải e dè. Mặt khác, trong việc thương thuyết, phái đoàn Trung Hoa đã tỏ ra khéo léo và cương quyết khi Viên Thế Khải đang cần sự ủng hộ của người Nhật Bản để trở thành Hoàng Đế. Nội dung của các đòi hỏi của người Nhật Bản bị tiết lộ, đã gây nên sự bùng nổ cơn thịnh nộ chống Nhật và phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.

Vào tháng 8/1915 tại Bắc Kinh đã xuất hiện Hội Kế Hoạch Hòa Bình (The Society to Plan for Peace) có mục đích lập Viên Thế Khải làm Hoàng Đế của một quốc gia quân chủ lập hiến, với lý do cho rằng một nền quân chủ thích hợp hơn với người Trung Hoa vào giai đoạn này và đây không phải là việc duy trì nền quân chủ kiểu cũ, mà là chế độ kiểu mới với các thay đổi như việc hủy bỏ cách sụp lậy và việc bãi bỏ dùng các hoạn quan... Các người chống đối đã tố cáo Viên Thế Khải phản bội nền Cộng Hòa đã được thiết lập trước kia. Thế nhưng, sau khi có một nhóm người tự nhận là Đại Hội Đồng các Dân Biểu, đã đồng thanh bầu Viên Thế Khải làm Hoàng Đế vào tháng 11. Ngày 1 tháng 1 năm 1916, ông Viên Thế Khải đã chính thức chấp nhận chức vụ này.

Hoàng Đế Viên Thế Khải
Sự việc lên ngai vàng của Viên Thế Khải càng làm gia tăng các phản kháng. Nhân vật hàng đầu của nhóm trí thức chống đối là ông Lương Khải Siêu (Liang Qichao) dù cho trước kia vị học giả này đã từng là người đứng đầu cổ động nền quân chủ lập hiến và đã từng ở trong nội các của Viên Thế Khải.

Lương Khải Siêu (Liang Qichao, 1873-1929) gốc người Quảng Đông, đã đậu Cử Nhân năm 1889 rồi năm sau, theo học Khang Hữu Vi (Kang Youwei). Trong phong trào cải cách 1895-98, hai học giả Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã cứu xét lại nền Khổng Học, đã viết rất nhiều bài báo để cổ động phong trào đổi mới khiến cho nước Trung Hoa trở nên phú cường. Sau khi chương trình cải cách thất bại vào năm 1898, ông Lương Khải Siêu phải bỏ trốn qua Nhật Bản. Ông trở lại Trung Hoa vào năm 1912 sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi. Trong bản tuyên bố vào tháng 8 năm 1915, ông Lương Khải Siêu đã xác nhận rằng nền Quân Chủ đã bị hủy diệt bởi cuộc Cách Mạng và không bao giờ nên phục hồi chế độ cũ đó. Viên Thế Khải còn bị chống đối do hủy bỏ các hội đồng tỉnh và địa phương, do việc lơ là nền giáo dục đại chúng.

Đồng thời với các phản đối bằng lời nói, đã có cuộc nổi dậy quân sự tại Vân Nam do Thái Ngạc (Cai E), một người học trò cũ của Lương Khải Siêu và cũng là người đã từng thụ huấn quân sự tại Nhật Bản và trở nên Tổng Trấn Vân Nam sau cuộc Cách Mạng 1911, và cũng là lãnh tụ của nhóm quân nhân chống Viên Thế Khải. Vào ngày 23/12/1915, Thái Ngạc gửi một tối hậu thư cho Viên Thế Khải, đòi hủy bỏ chế độ quân chủ. Hai ngày sau, khi không nhận được thư trả lời, tỉnh Vân Nam tuyên bố độc lập rồi Thái Ngạc chỉ huy một đạo quân gồm 3,000 lính, được gọi là Đạo Quân Bảo Vệ Quốc Gia (The National Protection Army), xâm chiếm tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Lực lượng quân sự nhỏ nhoi này đã chiến thắng nhờ sự giúp đỡ của các hội kín, nhờ sự phối hợp khéo léo cách chỉ huy, đồng thời các người trung thành với ông Viên Thế Khải đã không còn ủng hộ ông ta nữa, kể cả Phùng Quốc Chương (Feng Guozhang) là viên tướng chỉ huy đạo quân Bắc Dương (Beiyang) tại Nam Kinh. Trước tình thế này, người Nhật Bản cũng đổi chiều sang phe chống đối.

Đoàn Kỳ Thụy (Duan Qirui)
Qua tháng 3/1916, Viên Thế Khải từ bỏ ý định làm vua và vào tháng 4, Đoàn Kỳ Thụy (Duan Qirui) là người đã từng ủng hộ Viên Thế Khải nhiều năm, trở nên Thủ Tướng.

Công cuộc chuẩn bị cho Viên Thế Khải rút lui đang được xúc tiến thì vào ngày 6/ 6/1916, ông Viên Thế Khải qua đời và đây cũng là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị kể trên.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia; The Gate of Heavenly Peace by Jonathan D. Spence, the Viking Press, N.Y. 1999.
Powered by Blogger.