Header Ads

Cõi Mù Sương - Bên Kia Núi


Nguyên Nhung

Theo ước tính, người ta cho rằng cứ 7 giây lại có một đứa bé chào đời, và cứ khoảng 15 giây lại có một cư dân mới đi về miền vĩnh cửu. Kẻ đến người đi rộn ràng trăm ngả, nếu có một bí ẩn trong bài toán của các linh hồn, chắc hẳn Thượng Đế sẽ vô cùng bận rộn.

Lang thang mãi nơi nghĩa trang này, đôi khi nàng cũng ao ước mình được đi về nơi ngập tràn ánh sáng, ở đó biết đâu tìm được Thượng Đế, hay là mỗi người chính là một phần của Thượng Đế, cần phải hội đủ năng lượng để hoà nhập vào cái khối trong suốt kia, không còn phải lang thang đi tìm thiên đàng, hay lại tự đẩy mình vào hoả ngục mà chính mỗi người tạo nên trong tâm hồn họ.

Khó hiểu quá, nếu câu chuyện được kể ra đây thì chính nàng cũng đang băn khoăn về cái lẽ con người sinh ra tại sao lại giàu, nghèo, đẹp, xấu, sướng, khổ khác nhau, dù rằng cùng sinh ra trong một gia đình, cùng một mẹ cha tạo thành hình hài, nhưng số phận của mỗi người trong gia đình hầu như hoàn toàn chẳng giống nhau.

Đấy là một câu chuyện dài khi buổi chiều vừa tắt nắng, ánh mặt trời thoi thóp nhuộm lên nền trời những dải mây đủ màu thật đẹp, màu xanh lơ dìu dịu nhạt dần để chuyển sang màu xám. Một đàn chim bay qua rồi mất hút, để lại những chấm đen buồn rầu ở phía xa và lẫn vào rừng cây xanh thẫm. Suy tư là bản tính của nàng, cái gì cũng làm nàng suy nghĩ được cả, đám ma nào vào đây cũng mang theo vô số những vòng hoa tang, những tiếng khóc, những tiếng cầu kinh, để rồi sau đó người đi đưa tản mát ra về, linh hồn cư dân miền vĩnh cửu nào cũng ngơ ngác và thấm thía tận cùng nỗi đơn độc.

Những vòng hoa tang. Hôm đầu tiên thường bao giờ trên nấm mộ mới cũng đầy những vòng hoa xinh đẹp, những lúc ấy nàng tha hồ ngắm nghía vẻ xinh tươi mơn mởn của những bông hoa đủ loại. Nhưng chỉ độ hôm sau khi sương tan, mặt trời tàn nhẫn chiếu những tia nắng gay gắt xuống mặt đất thì hoa đi đằng hoa, người đi đằng người. Nàng cảm thấy buồn cười quá khi điều nàng nghĩ đâu có sai chút nào đâu, cái thân xác nằm dưới lòng huyệt kia cũng đang đi vào sự hủy hoại của nó, tàn phai như những đoá hoa.

Cũng buổi chiều hôm ấy nàng gặp một linh hồn mới, và đây là một hồn phụ nữ hiền lành, chân thật, ít nói hơn chứ không lắm mồm lăng xăng như linh hồn người bạn tri kỷ của nàng, rồi nàng có nhận xét là linh hồn đàn ông thường không khóc kể như đàn bà khi qua cõi bên này, nhưng vẻ suy tư của họ thì còn buồn hơn nhiều dòng nước mắt.

Từ hôm ấy đến nay chỉ có mỗi một linh hồn người đàn ông hám danh là điên khùng chửi bới lung tung, may là cuộc đời không có nhiều hạng người như thế, nhất là khi bước qua cõi mù sương, họ tự nhiên thấu hiểu được nghĩa vô thường để lẹ làng muốn quên đi tất cả.

Lúc nàng đang ngồi suy tư với cảnh buồn bã của buổi hoàng hôn thì bà bạn của nàng đến. Hình như không có cô gái đi theo mà là một hồn lạ rất yên lặng. Thế giới của linh hồn nhập nhòa trong cái tối và sáng giao hoà nhau nên nàng chưa nhìn rõ lắm, nhưng nghe họ nói chuyện thì nàng biết hôm nay . . .  có khách. Đàn quạ khoang rền rĩ gọi chiều trên hàng phong già, cũng báo hiệu cho biết lại có một linh hồn vừa gia nhập miền vĩnh cửu, nhưng người này may mắn được bạn nàng tiếp dẫn và đưa về đây.

À, thì ra cái bà bạn đáo để của nàng dạo này cũng chịu đi lang thang tìm bạn mới, khách hôm nay là một linh hồn phụ nữ có một vẻ bình lặng, không buồn cũng không vui, không bộc lộ bao nhiêu sự đau khổ mà nàng thường gặp ở các hồn khác nơi nghĩa trang này, mặc dù bà bạn lắm mồm có vẻ tích cực khi dẫn hồn này về đây:

“Nào, tươi tỉnh lên để tôi giới thiệu cho một người bạn của chúng tôi. Ấy chết! Ở đây không có tên thì biết nói năng làm sao bây giờ, những thứ tên tuổi, danh xưng, địa vị, tiền bạc nó cũng chết cả rồi, đồng loạt biến đi như những tên bạn tình nghĩa rất ân cần khi mình còn sống, gắn bó như không thể lìa xa được, thế mà chỉ cần mình CHẾT là nó cũng biến đi ngay. Ơ! Sao chị này “buồn như chấu cắn” thế nhỉ, mà cũng chẳng biết cười biết khóc, cái bà già 80 chết tiếc của còn khóc, thế chị không có gì để tiếc nuối sao?”

Nàng đưa mắt nhìn bà bạn mới, rồi nguýt yêu cái bà bạn lắm điều của mình:

“Chào chị, lại một cư dân mới của miền vĩnh cửu, bà bạn tôi hay nói nhưng vui tính đáo để, ruột để ngoài da chị ạ. Không có chi mà ngại, mình cứ tâm sự tự nhiên thôi.”

Hồn phụ nữ bây giờ mới lên tiếng, giọng đều đều một vẻ chịu đựng, hình như từ cõi bên kia chị ta đã quen như thế, ít nói, im lặng, buồn rầu mà không đau đớn. Đây là một dạng người hiền lành quen chịu đựng với số phận nghiệt ngã, không muốn hở môi than thở. Nhưng thế nào thì bà ta cũng tìm cách để nàng thổ lộ tâm tình:

“Chị thấy thế nào? Đến với chúng tôi buồn hay vui, chị có thích làm bạn với chúng tôi không? Ở đây không ai làm hại ai được chị ạ, cho dù có những linh hồn gào thét gầm gừ, tiếc nuối cuộc đời danh vọng như cái ông ở góc đằng kia, ông ta cũng chẳng làm được gì ai, ngoài cái đau khổ trong linh hồn không dứt ra được, chứ hoàn toàn không còn một khả năng nào để áp đảo người khác. Đấy là điều khác biệt giữa cõi sống và cõi chết, năng lực, quyền hành và sức mạnh của con người ở bên kia không mang qua được bên này. Nếu như chị có nghe những tiếng rên rỉ, gào thét, chửi bới của ông ta, nó giống như những âm thanh của một người hú lên giữa lòng núi sâu, lại nghe vọng lại chính tiếng hú của họ dội vào lòng họ mà thôi, nó y như sự đau khổ mình gieo cho người khác, bằng cách nào đó lại chạy ngược vào lòng mình, nên vì thế mà người ta bảo hoả ngục tại Tâm là vậy”

Sau khi nghe nàng nói, người phụ nữ này mới từ tốn trả lời, giọng nói của bà ta cũng êm đềm như bản chất linh hồn một người hiền hậu:

“Thưa các chị, thật tình tôi cũng hơi bỡ ngỡ khi đến đây, nên vì thế mà chẳng dám nói gì vì sợ làm phiền lòng người khác. Hồi còn ở bên kia, tôi cũng chẳng mấy khi đi đâu, chẳng quen biết ai nhiều, chỉ loanh quanh làm việc nhà và phụng dưỡng cha mẹ. Số tôi vô phước nên duyên phận cũng hẩm hiu, cha mẹ gặp cảnh không may nên gia đình không khá giả, sống rất thanh bạch. Sau đó anh em trong nhà cứ lần lượt lớn lên, đi lấy chồng lấy vợ rồi tách ra những gia đình khác, họ chịu khó làm ăn nên cũng có người khá giả. Tôi chỉ biết ở nhà thui thủi với cha mẹ, nhưng đến khi ông bà cụ tôi qua đời thì từ đấy tôi như chiếc bóng trong đời sống của mọi người, hết ở với em này lại ở với cháu kia, mà chỗ nào mình cũng như người thừa thãi, chỗ nào cũng chỉ để người ta sai khiến. Sống đã như vậy thì chết cũng chẳng có chi mà buồn, nhưng tôi vẫn không sao hiểu được tại sao cùng một cha mẹ sinh ra mà mình lại khổ như vậy, chẳng hay ông Trời ghét gì tôi mà lại cho tôi làm người bạc phận như thế.

Nghe người phụ nữ bình thản kể lể cuộc đời của bà ta, nàng liền nghĩ ngay đến hai chữ Số Phận mà người đời thường hay đề cập đến, nó đã được an bài như thế khi luôn luôn cho rằng dẫu một cọng tóc trên đầu rơi xuống đất, cũng là do sự an bài của Thượng Đế. Vì nghĩ vậy nên nàng dịu dàng nói với người bạn mới:

“Tôi hiểu và cảm thông với nỗi lòng của chị, nhưng đã là sự an bài thì chúng ta phải chấp nhận thôi, chẳng có cách chi mà tránh được. Đó là cái định mệnh nghiệt ngã của mỗi con người, chỉ mong sao vượt qua những lúc buồn bã, sóng gió của đời, mình vẫn là người tử tế để không gánh thêm những nỗi khổ cho tâm hồn là đủ.”

Lời khuyên giải của nàng khiến cho bà bạn trực tính lắm điều kia kêu lên, giọng bất mãn:

“Này cô bạn dịu hiền của tôi, cái món chanh đường của cô không lý giải được điều vô lý ấy đâu, vì hễ nói đến định mệnh thì phải tìm xem nó là cái gì, ai tạo nên và bởi đâu mà có. Không thể tự ru ngủ mình bằng cách âm thầm chịu đựng, không cắt nghĩa được cho thấu đáo hai chữ định mệnh của một đời người thì tôi không chịu đâu. Như vậy định mệnh phải chăng là từ Nghiệp mà thành Quả, mà nếu không bởi từ Ta tạo nên Nghiệp thì ai cho ta cái định mệnh đó, tôi cũng đang nghĩ như chị ta thôi.”

Hồn phụ nữ nghe người đàn bà có vẻ cao giọng giận dữ thì sợ lắm, y như bản tính của chị ta mang theo từ cõi bên kia:

“Thôi tôi xin các chị, tôi chỉ muốn hỏi ông Trời thôi, cớ sao sinh tôi ra, tôi có làm gì ai đâu mà cả đời tôi phải khổ. Vì trí tuệ kém cỏi tôi học hành không bằng ai, chẳng mang được vinh dự cho mẹ cha anh em, nên cả nhà xem tôi như người hèn kém, ngu ngơ, bảo sao thì biết vậy, cho ăn thì ăn, cho mặc thì mặc, tôi có dám đòi hỏi gì đâu. . .”

Lần này thì chị ta nức lên khóc, khóc tức tưởi như muốn trút hết cái buồn gậm nhấm tâm can âm ỉ suốt kiếp làm người của mình vậy, đến nỗi nàng phải vội vàng kêu lên:

“Thôi đừng khóc nữa chị ơi, chúng tôi không cãi nhau đâu, chị đừng sợ. Mình chỉ bàn cãi để tìm hiểu một vấn đề khúc mắc trong cuộc đời thôi mà!”

Rồi đưa mắt nhìn bà bạn to mồm của mình, vờ trách:

“To mồm quá khỉ ạ, thế là thay vì an ủi người ta thì lại làm cho người ta khóc, tội ở bà đấy nhé!”

Bà ta cũng cười bẽn lẽn, vả vào mặt mình:

“Mô Phật! Cũng tại cái 'khẩu nghiệp' này nó hại tôi thôi, chứ tôi chẳng có lòng dạ nào để ăn hiếp nhà chị đâu. Nhưng mà sao đằng ý 'mít ướt' thế nhỉ, hơi tý là khóc, chẳng bù cho tôi hễ đứa nào vô cớ mà gây sự là tôi chửi cho tắt bếp nhà chúng nó. Này, tôi cũng chỉ muốn hỏi ông Trời như đằng ấy là làm sao vô cớ lại sinh ra con người mà kẻ xấu, người đẹp, kẻ giàu, người nghèo, kẻ sướng người khổ. Thế cả đời nhà chị chắc chưa biết tình yêu là gì nhỉ?”

Nói tới đây, bà ta cười lên khùng khục, khiến nàng cũng bật cười không nín được. Đang nói chuyện về kiếp người, lại nhảy sang chuyện tình yêu, khiến người phụ nữ mới đến kêu lên thảng thốt:

“Chị nói làm gì cho tôi thêm xấu hổ. Người ta có nhan sắc, có học thức, có tài giỏi thì mới được người khác yêu, chứ tôi suốt đời như con ma xó trong nhà, có bao giờ giao tiếp với ai mà biết đến hai chữ tình yêu.”

Điều này khiến bà bạn lắm điều kia sặc lên cười:

“Thế chị tưởng tình yêu nó ngon lành lắm đấy hở? Cứ như tôi thì sự ra đi của mình lại là một điều dễ chịu nhất, khi có một thằng chồng và một lũ con chẳng ra gì, như vậy không chỉ mình chị là người bất hạnh đâu. Yêu hả? Yêu là gì nhỉ? Là cái gông đeo cổ, là cái nợ vào thân, là cái còng vào chân, và ... và ...”

Đến đây thì nàng bật cười vì bà ta đang tìm chữ vần điệu để đặt điều cho hai chữ tình yêu. Nàng lên tiếng ngắt ngang để gỡ rối:

“Bấy nhiêu đủ rồi đấy bà bạn quý. Chúng ta đang muốn biết vì sao ông Trời lại sinh ra con người, rồi sau đó lại cho mỗi người một hoàn cảnh sống để được đặt tên là hai chữ định mệnh, như vậy không phải là sự bất công của ông Trời sao, nếu như ai cũng bảo định mệnh là do ông Trời đặt để. Thành ra mỗi tôn giáo lại lý giải một cách khác nhau, nhưng nếu nói là do Trời định sẵn thì một là ông Trời không công bình với tất cả mọi người, hai là chúng ta đã vu oan cho ông Trời như mỗi khi có chuyện gì xảy ra trong trời đất, thiên tai, bịnh tật, người ta đều đổ thừa cho ông Trời ráo trọi. Ôi! Tôi thật không hiểu được điều này, chẳng phải gì mình bà bạn mới của chúng ta đâu.”

Ba người cùng im lặng suy nghĩ. Cuối cùng thì bà bạn lắm điều lên tiếng trước:

“Chúng ta ở đây không đồng tôn giáo nên cách suy nghĩ của mỗi người có khác nhau. Tất cả những thứ tôn giáo đối với tôi giờ này chỉ là những con đường ngày xưa dẫn chúng ta đi, quanh co hay bằng phẳng, nhà thờ hay chùa chiền thuộc về phần vật chất, vì hễ cái gì con người xây dựng được là nó nằm về phần vật chất, cho nên mình có thể phát biểu tư tưởng của mình theo sự cảm nhận, không công kích mà cũng không bị ai áp đặt hết. Tinh thần dân chủ muôn năm.”

Mấy lời bà ta nói sau cùng lại làm nàng phì cười vì cái tính trào phúng có duyên đáo để. Nàng bảo:

“Vui ơi là vui, bây giờ thì bà bạn quý của tôi lại nhảy sang chính trị nữa rồi. Bà nhớ nhé! Tinh thần dân chủ muôn năm thì không được nói to để người ta sợ mà khóc đấy. Người ta gọi là gì biết không? 'Cả vú lấp miệng em', làm chính trị là phải nói hay, biện luận khéo, luồn lách giỏi, chúng ta không cần biết đến những thứ ấy. . .”

Hồn phụ nữ nhỏ nhẹ nói:

“Mấy chị nói thế thì em biết thế, không dám cãi lại nửa lời. Hồi ở nhà cũng thế, mỗi khi trong nhà có việc bàn luận, hễ em đưa ý kiến ra là mọi người lại nhao nhao: 'Biết gì mà nói!' Bởi vậy em chẳng bao giờ có ý kiến gì cả. Sau mẹ em thương hại đứa con hèn kém của mình, cụ bảo: 'Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm', hoá ra tiếng nói của người nghèo chỉ là nói cho vui, mà người giàu tranh đấu cho người nghèo thì có khi cũng chỉ là cái nước đi của một ván cờ, chưa có nghĩa vì thương mà làm việc đó.”

Bà bạn đang trầm ngâm suy nghĩ nghe vậy la oái lên:

“Á, à! Chị vừa nói câu gì đó thuộc loại danh ngôn chứ không phải là chả biết gì đâu. Người ta hay nhân danh cái này, nhân danh cái kia để mưu cầu quyền lợi cho bản thân, chứ chưa chắc là cho tập thể đâu đấy nhé. Thế tôi hỏi các chị, điều gì làm cho con người sợ nhất, ai nói đúng thì tôi tôn làm sư phụ?”

Người phụ nữ mới đến lại thỏ thẻ nói:

“Thưa chị, em chẳng hiểu gì về cái câu hỏi hóc búa ấy, nhưng khi cụ em còn sinh tiền, đến ngày cụ nằm một chỗ và biết là sắp đến lúc ra đi, các con quây quần bên giường bệnh, cụ có bảo với các con rằng: 'Các con hãy nhớ lấy điều này: Điều làm ta sợ nhất là làm những điều phi nghiã', nói xong rồi thiêm thiếp và thở hơi cuối cùng.”

Người đàn bà kêu to lên:

“Chao ơi! Một câu nói tuyệt vời mà chị được thừa hưởng từ một người cha tốt, thế nên tôi dám quả quyết với chị rằng, dù còn sống chị chẳng được ăn học tới nơi tới chốn, cũng chỉ vì cái nghiệp của chị phải chịu đầu óc không được lanh lợi, bản chất hiền lành khiến ra con người lù đù chậm chạp mà thua chị kém em trong nhà, nhưng những điều hiểu biết mà chị học được từ song thân để sống một đời tử tế, chị dư sức đi thẳng về cõi sáng rồi, không cần chúng tôi nói dông dài gì đâu. Thế nhưng, mình vẫn cần học hỏi, cần tìm hiểu để không ấm ức vì sao lại như thế này, như thế nọ đấy thôi. Vậy thì con người sinh ra là đã có số mệnh, nói theo bên Phật thì gọi là Nghiệp, hễ có THÂN là có NGHIỆP, hễ hết NGHIỆP là THÂN không còn, đơn giản chỉ có thế!”

Ái chà! Không biết bà bạn tìm tòi ở đâu, hay bao nhiêu những gì thuộc về phần tâm linh bà mò được từ kiếp trước, bỗng giờ này trở lại khiến bà lý giải điều thắc mắc một cách dễ ợt. Nàng cảm phục quá, không dám coi thường cái miệng bô lô ba la của bà ta nữa, nên thắc mắc hỏi:

“Thế không phải tất cả chỉ là ngẫu nhiên ư?”

Bà bạn lại lắc đầu:

“Không có gì là ngẫu nhiên hết, tôi đọc cho mấy bạn nghe vài câu thơ này là thấy ngay được điều đó:

Ta gặp nhau chẳng phải chuyện tình cờ
Ắt phải có chút duyên từ kiếp trước
Bao nhánh sông cùng tuôn ra cửa biển
Bao con thuyền phải vượt sóng lao đao
Đời trôi đi như một giấc mộng dài
Sông cứ chảy về biển xa khắc khoải.
(Thơ Nguyên Nhung)

Như vậy giản dị thì đời mỗi người như một con thuyền trôi trên dòng sông, gặp gỡ những con thuyền khác, trên những bến bãi ven dòng sông. Chẳng thể tự nhiên mà nhà chị này hiền lành phúc đức thế lại sinh vào một gia đình cha mẹ là những người hiền lương, nhưng số nghèo nên con cái phải lận đận, có trí tuệ mà không được học hành. Còn những người con khác nhờ lanh lợi nên bôn ba mà ăn nên làm ra, rồi xem thường người chị vô phước hẩm hiu của mình, thì chẳng là định mệnh đã sắp xếp như vậy do từ cái kiếp trước mà thành.”

Bây giờ mới thấy nụ cười gượng gạo nở trên đôi môi người phụ nữ:

“Theo như sự giải thích của bà chị đây, em mới cảm thấy thân tâm bớt khắc khoải đôi phần. Nhiều khi trong cuộc đời em cứ ngồi trách móc số phận một mình, cay đắng trong lòng một mình, nhất là khi cha mẹ qua đời, anh em hắt hủi bạc đãi. Tuy rằng không phải tất cả đều đối đãi với mình như vậy, cũng có người tử tế thì họ lại nghèo, nhưng số mình bạc phận nên vẫn ám ảnh nỗi mình là cái nợ của người khác, chỉ muốn chết đi cho xong...”

Nói xong chị ta lại thổn thức, khiến nàng phải lên tiếng an ủi:

“Đừng buồn nữa chị ơi! Cho dù sinh ra cùng một mái nhà, cùng một cha mẹ nhưng vì số phận hẩm hiu mà chị được gần gũi cha mẹ, tròn bổn phận làm con là đã trả được chữ HIẾU lớn nhất trong đời mình rồi, trong khi ấy những người con khác vì hạnh phúc, may mắn hơn, nhưng họ vẫn không làm tròn được điều tốt đẹp đó trong đời họ là phụng dưỡng cha mẹ. Như vậy, đến cõi này chính chị mới là người mang được cái Tốt đi nhiều hơn người khác. Giá trị của tinh thần ở đây lại được đánh giá bằng những điều đó, không buồn không vui trước cái chết chính là chị đã tìm được an lạc rồi, chẳng phải mấy ai ra đi mà lòng được bình an như chị. Đây như bà bạn tôi, cả một đời khổ vì chồng con, khi ra đi bà ấy vẫn cảm thấy đeo trong lòng một khối buồn nặng như đá, cũng như tôi đây dù ra đi trong cảnh gia đình êm ấm, chồng con thương yêu, nhưng nhắm mắt rồi tôi vẫn không thể nào nguôi ngoai nuối tiếc cõi đời nhiều hệ lụy.”

Bà bạn cũng gật gù rồi bảo với hai người bạn:

“Chẳng qua là duyên nợ, bất kể bằng hữu anh em, vợ chồng, cha mẹ, con cái, theo tôi nghĩ nếu lý giải theo duyên nghiệp thì dễ hiểu hơn những triết thuyết khác. Trường hợp cá nhân tôi thì mắc nợ chồng, mắc nợ con, mắc nợ tất cả mọi người nên sống hết lòng với họ mà chẳng ai thương yêu mình, đối lại chỉ nhận được sự bạc đãi vô ơn, nên vì thế khi sống con người bị đẩy vào ngõ cụt mà trở nên hung dữ, nhưng lòng tôi không hề độc ác. Còn phần chị này thì khác tôi, chị cam chịu thụ động để sống cho qua một kiếp người, có khi cũng mắc nợ cha mẹ hơn anh em trong nhà nên phải suốt đời lỡ thì lỡ vận, không chồng con để ở nhà phụng dưỡng cha mẹ và phục dịch anh chị em. Ấy là nợ, trả xong là đi, không con cái nên không để lại nợ đời để mà thương mà tiếc, mà băn khoăn như cô bạn đây. Vậy thì đừng buồn nữa, trả xong món nợ đời nặng nề ấy là thoát khổ rồi, cứ thanh thản đón chờ con đường trước mặt, chẳng lẽ hồi còn sống mình không đắp ổ gà trên đường đời của mình, lẽ đâu bây giờ linh hồn phải vấp té vì tiền oan nghiệp chướng.”

Câu chuyện đến đây hầu như đã có một đáp số tương đối hợp lý nhất, khi cả ba cùng thấu hiểu được rằng, con người dẫu trời sinh ra rất tầm thường, nhưng không làm điều bất nghĩa thì cây vẫn sinh quả ngọt, đấy mới là giá trị mà linh hồn mang theo. Đến đây, như chợt nhớ ra cô bé thất tình tự tử hôm nay sao không có mặt, nàng vội hỏi bạn:

“Đêm nay bỏ bạn cũ đâu rồi, 'có lê quên lựu có trăng quên đèn' rồi sao?”

Bà bạn rũ ra cười:

“Ôi dào! Hôm nay ở đằng ấy có một nhà văn chuyên viết chuyện ma vừa gia nhập miền vĩnh cửu, cho nên có một đám đang nghe ông ta bốc phét kể chuyện thế giới của linh hồn. Ma lại kể chuyện ma, hoá ra nhũng thứ ma của ông ta trong tác phẩm chỉ là ma cỏ, chuyên hiện hình doạ kẻ yếu bóng vía, khi thì xoã tóc như yêu nữ đa tình, khi thì hiện hình cái đầu lâu treo lủng lẳng trên cây. Những thứ ma ấy là do loài người tưởng tượng điên khùng về chúng ta, chứ thử xem người với ma nói chuyện xem ai cao cấp hơn ai thì khắc biết. Rồi tôi sẽ tìm hiểu cho biết tại sao có những bí ẩn trong các thứ chuyện ma cỏ ở cõi dương gian, nhưng hẹn lại hôm nào nhé!”

Cả ba cùng cười, sương đêm đã phủ trắng trên cánh đồng hoa khiến toàn cảnh như chìm trong cái tĩnh mịch của cõi mù sương, họ im lặng suy nghĩ chứ không đối đáp với nhau câu nào nữa, vì hình như tự mỗi người đã tìm được cho họ một câu trả lời, về quãng đời họ đã đi qua ở cõi nhân gian, chẳng qua chỉ là cái vòng quay không ngừng nghỉ trên từng thân phận của chúng sinh. Họ không chia tay nhau vì ở đây chỗ nào cũng thế thôi, nhưng họ nghĩ rằng được gặp nhau như tri âm tri kỷ, chẳng phải từ mối duyên lành hay sao!

Thôi dẫu gặp nhau ở cõi nào, cũng đem tấm lòng tử tế mà đối đãi với nhau thì lo gì mà không tìm được tri âm tri kỷ. Trong cái yên tĩnh của đêm trường, nàng khe khẽ ngâm mấy câu thơ mà nàng thích và đọc được từ cõi bên kia:

“Thôi vậy! Đi, Về nơi cõi khác
Vòng quay sinh tử vẫn vô tư
Mốt mai có gặp nhau lần nữa
Thì vẫn ân tình như thuở xưa . . .”

Nguyên Nhung
Happy Halloween

Powered by Blogger.