Header Ads

Căng Thẳng Trên Biển Đông Với Các Cuộc Tập Trận Của Hải Quân TC


Việc gia tăng nhanh chóng của các cuộc tập trận và hoạt động quân sự của Trung Cộng (TC) trên Biển Đông trong những tuần gần đây trùng hợp với những chương trình dàn quân trên biển mới từ phía Hoa Kỳ, đã cho thấy việc tranh chấp lãnh hải trong khu vực đã nhảy vọt. Trong cuộc phô trương lớn nhất của lực lượng hải quân trong thời hiện đại, hải quân TC đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận với hỏa lực thật từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 11 tháng 4, năm 2018. Hình ảnh chụp từ vệ tinh đã xác nhận rằng có ít nhất là 40 tàu tham gia cuộc tập trận, bao gồm chiếc Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) duy nhất của TC là Liêu Ninh. Quân đội TC đã liên tục gia tăng các cuộc tập trận chung giữa các quân chủng Hải, Lục và Không Quân, như một phần của nỗ lực hiện đại hóa quân đội, và các cuộc tập trận dường như đang thử nghiệm khả năng điều động và phối hợp tác chiến giữa các hạm đội. Thời gian của cuộc tập trận có thể đã bị ảnh hưởng bởi việc điều động hải quân nước ngoài vào vùng Biển Đông, tuy nhiên TC vẫn xem các hoạt động quân sự của họ là “một kế hoạch thường niên được hoạch định hàng năm cho hải quân”.

Sau các cuộc tập trận, Hải Quân (HQ) TC đã tiến hành một cuộc thẩm định giá trị của HQ-TC dưới sự giám sát của Tập Cận Bình. Đây là lần đánh giá về quân đội lớn nhất của TC kể từ năm 1949, liên quan đến 48 tàu HQ (bao gồm cả HKMH), 76 máy bay và hơn 10,000 binh sĩ. Hơn một nửa số tàu tham gia được kiến tạo và hoạt động sau năm 2012. Sau khi xem qua các cuộc tập trận, họ Tập đã cam kết sẽ đẩy nhanh việc hiện đại hóa và phát triển hải quân của TC. Sau cuộc định giá, HQ-TC cũng đã tổ chức các cuộc tập trận với đạn thật tại Eo Biển Đài Loan vào ngày 18 tháng 4 - lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Gần đây, các đơn vị vũ trang khác của TC cũng đã tiến hành tuần tra trên biển. Vào cuối tháng Ba, lực lượng Không Quân (KQ) của TC đã tổ chức một loạt các cuộc tập trận trên Biển Đông và Eo Biển Miyako, trong khu vực nằm giữa hai hòn đảo của Nhật Bản.

Sự bùng nổ của hoạt động này đã xảy ra trong bối cảnh được ghi nhận trong các bản tường trình về việc gần đây TC đã thiết lập các hệ thống gây nhiễu loạn tín hiệu truyền tin trên quần đảo Trường Sa. Các hệ thống này đã đem đến cho TC khả năng cản trở các hoạt động quân sự của nước ngoài và có thể tăng cường sự kiểm soát của TC trong khu vực. TC cũng tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc. Sau khi lặng lẽ phát triển khả năng của họ trong vài năm qua, TC gần đây đã thừa nhận rằng họ có một "chủ quyền tự nhiên của một quốc gia" để quân sự hóa các đảo.

Các HKMH của Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tuần tra trong vùng Biển Đông theo luật hàng hải quốc tế và HQ Hoa Kỳ đã thể hiện sức mạnh quân sự của mình trong khu vực với những lần điều quân gần đây của họ vào vùng Biển Đông. Vào ngày 10 tháng Tư, HKMH Theodore Roosevelt của HQ-HK đã thực hiện các phi vụ quân sự khi đi qua Biển Đông trên đường đến Manila - Phillipines. Một nhóm các nhân viên cao cấp của Philippines và nhà báo đã được mời viếng thăm tàu. Tướng Rolando Bautista của quân đội Philippines nói rằng quân đội Mỹ có thể "giúp chúng tôi ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào" vào các quyền lợi của Philippines. Trong dịp này cũng có một số chiến hạm của HQ Singapore được mời để hải hành chung với đội hình của HKMH Theodore Roosevelt.

Sự tăng cường hoạt động quân sự được thực hiện ngay sau một hải vụ "tự do hải hành"  của Hoa Kỳ. Vào ngày 23 tháng 3, chiếc USS Mustin, một Khu Trục Hạm (KTH) có trang bị hỏa tiễn vô tuyến điều khiển loại Arleigh Burke, đã di chuyển trong vòng 12 hải lý của đảo Mischief Reef. Vì hòn đảo này thực sự chỉ là đá ngầm đã được TC bồi đắp thành đảo nhân tạo, thế cho nên hoạt động của KTH Mustin không được xem là vi phạm lãnh hải của TC. Đây là hải vụ "tự do hải hành - FONOP" thứ hai của Hoa Kỳ trong năm nay, sau chuyến hải hành gần Scarborough Shoal hồi tháng giêng vừa qua.

TC đã nhanh chóng lên án các vụ FONOP: Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao TC, Hua Chunying, cáo buộc Hoa Kỳ đã "vi phạm luật pháp TC, liên quan đến luật pháp quốc tế" và "gây nguy hiểm cho các cơ sở và nhân sự trên các đảo của TC."

Trong những tin tức khác ...

Tại Vanuatu - Úc Châu

Ngày 9 tháng Tư, tờ báo Sydney Morning Herald đã đăng tin rằng TC đã đưa ra dự án xây dựng một căn cứ quân sự thường trực tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương của Vanuatu, khoảng 1,200 dặm về phía đông bắc của Úc. Một căn cứ như vậy sẽ cho phép TC bành trướng quyền lực của HQ-TC trên toàn khu vực và có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực chiến lược. Đây sẽ là căn cứ quân sự thứ hai ở nước ngoài của TC: Căn cứ đầu tiên đã được xây dựng tại Djibouti (thuộc Phi Châu)  vào tháng 8 năm 2017.

Chính phủ TC đã đầu tư mạnh vào các dự án phát triển và viện trợ cho nhiều quốc gia đảo (island-nations) ở Thái Bình Dương, bao gồm hơn 200 triệu đô la cho các khoản vay và tài trợ cho Vanuatu. Dự án quan trọng nhất ở quốc gia đó là Hải Cảng Quốc Tế Luganville trên đảo Espiritu Santo, đủ lớn để chứa hai tàu vận tải hoặc một tàu du lịch. Hoa Kỳ gần đây đã tiến hành cuộc kiểm tra hải cảng Luganville để xác định xem có đủ khả năng để các tàu chiến Mỹ ghé vào trong các cuộc tập trận quân sự trong khu vực hay không.

Báo cáo của tờ Sydney Morning Herald đã tạo ra một loạt các phản hồi từ Úc, TC và Vanuatu. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố rằng nước Úc “rất quan tâm” với việc TC thành lập một hải cảng trong vùng, và các nhân viên quân sự Úc tin rằng TC đang theo đuổi một chương trình xây dựng các căn cứ quân sự trên các quốc gia đảo ở Thái Bình Dương.

Vanuatu đã phủ nhận các báo cáo, Bộ Trưởng Ngoại Giao của nước này, Ralph Regenvanu, nói với Công Ty Phát Truyền Tin của Úc, "Chúng tôi không quan tâm đến việc quân sự hóa, chúng tôi không quan tâm đến bất kỳ căn cứ quân sự nào ở trên quốc gia của chúng tôi."

Khi được hỏi về báo cáo rằng TC có ý muốn xây dựng một căn cứ quân sự ở Vanuatu, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TC, ông Geng Shuang đã bác bỏ bản báo cáo, gọi đó là "tin giả," và trích dẫn lời phủ nhận của Bộ trưởng Regenvanu.

Tại Việt Nam

Bị áp lực mạnh mẽ của TC, Việt Nam đã đình chỉ một dự án khoan dầu trong khu vực “Hoàng Đế Đỏ - Red Emperor” ngoài khơi bờ biển phía đông nam, gần cái gọi là “đường chín đoạn” của TC. Trong việc đình chỉ dự án, Việt Nam đã buộc công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol ngừng hoạt động ngay trước khi hãng này chuẩn bị khoan, khiến việc thiệt hại về đầu tư có thể lên đến khoảng 200 triệu đô la. Đây là dự án khai thác năng lượng thứ hai của Việt Nam đã bị đình chỉ trong năm qua do áp lực của TC.

TC và Việt Nam cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao để giải quyết tranh chấp của họ đối với vùng Biển Đông, nơi cả hai đều công bố chủ quyền lãnh hải, bị chồng lấn lên nhau. Vào ngày 1 tháng Tư năm 2018, Ngoại trưởng TC Wang Yi, Ngoại Trưởng Việt Nam và Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh đã gặp nhau tại Hà Nội.  Sau đó, Yi nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã đồng ý rằng việc giải quyết các vấn đề hàng hải là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của quan hệ song phương.” Trước đó, vào tháng 11 năm 2017, hai quốc gia đã tuyên bố rằng họ sẽ cố gắng giải quyết tranh chấp của đôi bên qua phương pháp ngoại giao.

Việt Nam đã cố gắng tăng cường quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ trong những năm gần đây khi TC đã trở nên tích cực hơn trong việc bành trướng ảnh hưởng của họ trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức một một cuộc đón tiếp HKMH Hoa Kỳ, USS Carl Vinson, vào tháng Ba vừa qua tại hải cảng Đà Nẵng.

Tại Nhật Bản

Một trong những cuộc tập trận đáng chú ý nhất trong tháng qua là việc Nhật Bản tái lập Lữ Đoàn Đổ Bộ (tương tự như Thủy Quân Lục Chiến) đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, diễn ra vào ngày 7 tháng 4 tại thành phố Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki. Lữ Đoàn Đổ Bộ Cấp Tốc (The Amphibious Rapid Deployment Brigade) hiện có 2,100 thành viên, và sẽ được trang bị với 17 máy bay trực thăng loại V-22 Osprey và 52 xe tấn công đổ bộ (amphibious assault vehicles); nhiệm vụ của Lữ Đoàn là tái chiếm các đảo đang có sự tranh chấp trong trường hợp có cuộc xâm lược của TC.

Việc tái lập lữ đoàn xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với TC trên quần đảo Senkaku, nơi TC ngày càng trở nên táo bạo trong việc tuần tra qua vùng biển được kiểm soát bởi Nhật Bản. Việc thiếu vắng các đơn vị có khả năng đổ bộ thật nhanh trong Lực Lượng Tự Vệ của Nhật Bản đã gây trở ngại cho các nỗ lực cứu cấp sau trận động đất Tohoku năm 2011.

Nhật Bản đã dần dần xây dựng sức mạnh quân sự của họ trong 10 năm qua, mặc dù Hiến Pháp Hòa Bình, được đưa ra để ngăn ngừa việc bành trướng của Nhật Bản giống như trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Thủ tướng Shinzo Abe đã đề nghị thay đổi Hiến Pháp để cho phép thực thi việc tự vệ một cách hữu hiệu hơn. Chính phủ TC đã phản đối mạnh mẽ những đề nghị thay đổi này.

Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ đã làm việc chặt chẽ với Lực Lượng Tự Vệ Nhật Bản trong việc giúp phát triển chiến thuật và đào tạo của họ và cũng tham gia vào những cuộc tập trận quân sự quy mô vào ngày 9 tháng 4, đánh dấu sự tái lập của Lữ Đoàn Đổ Bộ. Thực tập chung với lực lượng Nhật Bản trong những cuộc tập trận gồm có một tàu tấn công đổ bộ của Hoa Kỳ, USS Wasp, có chở theo những chiếc phản lực cơ chiến đấu tối tân nhất F-35B Lighting II Strike Fighter của HQ-HK, cùng với phi đội phản lực tấn công.

Nhật Bản không đơn độc trong việc xây dựng một lực lượng đổ bộ. Cả Ấn Độ và Úc đã phát triển các đơn vị TQLC trong những năm gần đây bằng cách huấn luyện quân đội và mua tàu đổ bộ. HQ-TC cũng đang cố gắng để phát triển khả năng đổ bộ: Gần đây họ đã tiết lộ một chiếc tàu đổ bộ “Type 071” trọng tải 29,000 tấn, dài 210 mét, sau thông báo vào năm 2017 rằng họ dự định tăng số lượng TQLC từ 20,000 lên đến 100,000.

Phân Tích và Bình Luận trên báo chí thế giới trong tuần qua

Trong tờ Sydney Morning Herald, Peter Hartcher cảnh báo rằng việc TC xây dựng một căn cứ quân sự tại Vanuatu sẽ đặt Úc vào vòng "kiểm tra" của TC, do thiếu hàng rào cản tự nhiên (chướng ngại vật thiên nhiên) giữa các đảo và bờ biển Úc.

Viết tại Viện Brookings, Lynn Kuok lập luận rằng TC nên xem xét ví dụ của Liên Xô khi họ phát triển khả năng hải quân và cách tiếp cận của họ đối với luật quốc tế về biển. Khi hải quân của TC phát triển, tự do hàng hải quốc tế sẽ trở nên quan trọng hơn đối với các hoạt động của TC. Quốc gia (TC) sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các quyền tự do trên biển mà họ đã thách thức ở Biển Đông.

Trên tờ The Diplomat, Ankit Panda cho rằng hành động quyết tâm hơn của Washington có thể ngăn cản việc Việt Nam từ bỏ các dự án năng lượng ở Biển Đông. Mặc dù đã tạo được chú ý qua sự gia tăng sự hiện diện của quân đội của họ đối với khu vực, chẳng hạn như qua chương trình "tự do hàng hải", tuy nhiên, Hoa Kỳ và những quốc gia khác đã không lên tiếng ủng hộ việc Việt Nam kêu than về việc TC đã đe dọa đất nước của họ.

Trong bài viết của tờ South China Morning Post, Frank Tang và Sarah Zheng phỏng vấn về kế hoạch Hải Nam vừa được công bố gần đây của TC, tạo ra khu thương mại tự do trên đảo Hải Nam. Tang và Zheng kết luận rằng kế hoạch này nhằm mục đích cân bằng ảnh hưởng với Hoa Kỳ, bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế của TC với các nước khác trong khu vực.

Và trên tờ War on the Rocks, Lyle Morris phân tích quyết định của chính phủ TC chuyển quyền kiểm soát nghành Cảnh Sát Duyên Hải từ dân sự qua quân sự. Những thay đổi này là quan trọng, bởi vì họ sẽ cho phép tập trung nhiệm vụ vào việc thực thi pháp luật và chiến đấu, gia tăng phối hợp giữa Cảnh Sát Duyên Hải và Hải Quân.

Lâm Viên
(chuyển ngữ)

Water Wars: Tensions Build as the South China Sea Hosts Military Exercises
https://www.lawfareblog.com/water-wars-tensions-build-south-china-sea-hosts-military-exercises


Powered by Blogger.