Header Ads

Thăm Miền Tây Nước Mỹ


Từ 2 năm nay, cứ đúng mùa Tạ Ơn là chúng tôi có mặt tại miền Nam Cali để thăm cháu. Cali mùa này chỉ đủ lạnh để khoác một chiếc măng tô đi lang thang trên phố, ngắm ông đi qua bà đi lại. Nhớ lại mùa Tạ Ơn năm trước, chúng tôi đón lễ Tạ Ơn tại Los Angeles. Tuy gọi là thành phố thiên thần nhưng lại rất nhiều “homeless” sống vạ vật và xin tiền khách du lịch. Họ không ồn ào van xin, chỉ im lặng chìa tay và khi nhận được chút chia sẻ của người qua đường thì vẫn là nụ cười và câu  “Cảm Ơn”.

Ngoài vẻ hào nhoáng của kinh dô thế giới điện ảnh, một buổi tối con tôi lái xe đưa chúng tôi vào khu vực xa phố hơn, trên những con đường vắng của Los Angeles, đây là nơi cư ngụ của những người “vô gia cư”, bao nhiêu là lều bạt được trang bị như người ta cắm trại trên bãi biển san sát với nhau, dựa theo bờ tường những con đường nhỏ. Nơi nào cũng có cảnh khác biệt giữa giàu và nghèo, điều này khiến tôi chạnh nghĩ đến một thời ở Việt Nam, và cho tới bây giờ vẫn còn rất nhiều người nghèo, chui rúc dưới gầm cầu, trong nghĩa địa, hay tìm một chỗ nằm qua đêm bên hiên phố vắng.

Thế rồi đúng vào ngày lễ Tạ Ơn, từ miền Nam Cali chúng tôi làm một cuộc hành trình 3 ngày lên phía Đông Bắc của tiểu bang Cali. Trong khi phía Nam khí hậu chỉ đủ lạnh như Đà Lạt thì sau 5 tiếng đồng hồ lái xe, càng lên cao không khí càng tụt xuống ở nhiệt độ đông đá. Xế trưa hôm đó chúng tôi đã có mặt tại thành phố Mammoth Lakes, mới tháng 11 mà tuyết như một chiếc chăn bông màu trắng phủ khắp nơi, nhìn lên cao giải núi bao quanh cũng óng ánh màu tuyết bạc trắng dưới ánh nắng mặt trời.

Đó là lần đầu tiên tôi được đến xứ tuyết, được lội trong tuyết và đi xem người ta trượt tuyết từ trên đỉnh núi xuống thung lũng rất ngoạn mục. Tuy vậy mà lại không thấy lạnh vì trời không có gió, với vài lớp áo dầy cộp lại thấy có chút gì êm ả và ấm áp trong tâm hồn, khi nghe đâu đó vang lên khúc nhạc dìu dặt mở đầu cho mùa Giáng Sinh sắp tới.

Stratosphere Tower, Las Vegas, Nevada.

Năm nay chúng tôi chọn cuộc hành trình từ Los Angeles đi về hướng Tây, tức nhiên phải nghỉ 2 đêm ở Las Vegas, thành phố lắm TỘI mà có sức quyến rũ những con thiêu thân lao vào ánh đèn của thế giới Casino. Thế nhưng cứ ngày đi đêm nghỉ, không đủ sức để cầm chân khách du lịch  miệt mài với sự mời gọi của những chiếc máy cờ bạc kia đâu, vì sáng hôm sau phải ra đi khi trời còn mờ tối.

Stratosphere Tower
Tối đầu tiên ở Las Vegas, từ tầng cao nhất của tháp Stratosphere tha hồ chiêm ngưỡng phố phường đèn hoa rực rỡ,  tôi lại rùng mình nhớ đến cuộc xả súng vô tội vạ của một tên điên khùng, đã lấy đi gần 60 mạng người và trên 500 người bị thương. Tháp Stratosphere, với chiều cao 1.149 feet, được khánh thành vào năm 1996 và là một công trình xây dựng cao nhất thành phố Las Vegas. Đây cũng là ngọn tháp đón du khách lên ngoạn cảnh 360 độ chung quanh thành phố với vòm kính hình tròn đường kính 160 feet, thuộc loại cao nhất của nước Mỹ. Với 4 thang máy chạy với vận tốc 1800 feet/phút (tương đương 20,5 dặm một giờ) sẽ đưa du khách lên đỉnh tháp rất nhanh chóng và tiện lợi. Sẽ là một thách thức lớn cho những ai muốn leo 1.644 bậc thang từ mặt đất lên đến đỉnh.

Trong tháp có 107 gian hàng, quán rượu, nhà hàng… và hai nhà nguyện ở tầng 103 để tổ chức đám cưới...trên cao... Đặc biệt trên đỉnh tháp là những trò chơi được đặt ngoài không gian mở mà những ai yếu tim không nên thử!

Sớm hôm sau, du khách lục tục vác hành lý xuống “lobby” của khách sạn để chuẩn bị lên đường. Xe rời Las Vegas và bắt đầu đi vào vùng sa mạc, đồi núi trơ trọi đồng khô cỏ cháy chỉ có loại xương rồng là gồng mình chịu được. Hai bên đường hiếm khi gặp làng mạc, nơi tiếp giáp của 3 tiểu bang Nevada, Utah và Arizona, vùng đại vực khô cằn này không thấy sinh hoạt phố xá sầm uất, thỉnh thoảng là một ngôi làng nhỏ lèo tèo ít nhà cửa, có nóc nhà thờ Mormon vươn lên và lá cờ nước Mỹ bay phần phật trong nắng. Tôi chợt nhớ ra bộ phim chiếu lại cuộc hành trình của những người đạo Mormon, cũng nằm trong cuộc lịch sử khởi đầu khai phá miền Tây nước Mỹ, bằng những cỗ xe ngựa như một cái nhà nhỏ có bánh xe bằng gỗ, lăn bánh trên những đồng cỏ gập ghềnh, chống chỏi với khí hậu khắc nghiệt ngày nóng đêm lạnh của sa mạc, đói khát vì không đủ lương thực, và họ đã chết rất nhiều trước khi tìm được miền đất hứa.

Antelope Canyon, Page, Arizona

Địa điểm du lịch chính của chúng tôi lần này là Lower Antelope Canyon. Được hình thành hàng nhiều triệu năm trước, do nước từ vùng cao đổ xuống xâm thực vào lòng đất, tạo thành một khe nứt tách hòn núi ra làm đôi, nhưng rất ít người để ý đến. Vùng đất này có tên là Navajo Land, tiếng thổ dân có nghĩa là "Nơi nước chảy xuyên qua đá" do người gốc da đỏ điều hành nên các hướng dẫn viên du lịch đều là người địa phương gốc da đỏ.

 

Cho mãi đến năm 1997, một số nhiếp ảnh gia đã đến đây và thực hiện những bộ ảnh rất đẹp được phổ biến rộng rãi trên hệ thống truyền thông và nhất là trên internet. Mọi người đều bị lôi cuốn bởi những bức ảnh màu sắc tuyệt vời này và lũ lượt kéo đến thăm ngày càng đông. Vì vậy các đoàn du lịch đều phải lấy hẹn trước và phải mất khoảng ba tiếng đồng hồ xếp hàng mới đến được cửa động.

Từ đó du khách phải leo nhiều bực thang có chỗ dốc đến 30 độ để xuống đến con đường dẫn vào trong. Đây là một hang động mở hay nói đúng hơn là nước đã phá một đường chảy len lỏi, lắt léo xuyên qua một ngọn núi với vách đá thẳng đứng một màu đất nung. Với góc độ nhận ánh sáng mặt trời chiếu vào từ trên cao khác nhau, chúng ta sẽ ghi nhận được những hình ảnh đa sắc màu chuyển đổi từ vàng sang cam rồi đỏ, tím đến xám rất lạ mắt..

Du khách sẽ mất khoảng một tiếng để đi chuyển qua những hành lang hẹp, nhiều chỗ chỉ vừa đặt lọt bàn chân. Sau đó sẽ lại phải leo lên những bậc thang kim loại để trở lên mặt đất. Đây là vùng thung lũng sâu nên rất dễ bị lụt một cách bất thường dầu cho nơi này không mưa hay chỉ có mưa nhỏ mà thôi.

Vào ngày 12 tháng 8 năm 1997, mười hai du khách gồm 7 người Pháp, 1 Anh, 1 Thụy Điển và 2 người Mỹ đã tử nạn tại đây đó nước dâng cao bất ngờ mặc dù hôm đó trời mưa rất nhỏ. Lý do là ngày hôm trước một lượng lớn nước mưa đã đổ xuống vùng cao thượng nguồn cách đó khoảng 7 dặm và đã ập về mà không có dấu hiệu báo trước! Ngoài ra hệ thống thang để leo ra vào động lúc đó chỉ mới làm sơ sài bằng gỗ nên đã bị nước lũ cuốn trôi! Người sống sót duy nhất trong đoàn là Francisco "Puncho" Quinnata, hướng dẫn viên du lịch người da đỏ, vì đã được huấn luyện cách thoát hiểm trên dòng lũ.

Ngày nay hệ thống thang lên xuống động đã được thay thế bằng kim loại và được gắn cố định vào vách đá. Hai thang lưới thoát hiểm cùng hệ thống theo dõi, thông báo thời tiết với còi báo động đã được trang bị tại hai đầu vào và ra.

Để bảo đảm an toàn, du khách cũng được chia ra thành mỗi toán nhỏ 15 người do một thướng dẫn viên địa phương hướng dẫn trong suốt chặng đường di chuyển. Rồi từ sâu hun hút và ngõ ngách của núi, chúng tôi cũng thở phào khi bước ra khỏi hang và nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Xe lại tiếp tục cuộc hành trình dở dang, đi không lâu đã tới một địa điểm khác đó là

Colorado Horseshoe Bend

Nằm phía dưới của đập Glen Canyon, cách thành phố Page của Coconino county, tiểu bang Arizona khoảng 4 dặm về hướng Tây-Nam. Đây là chỗ dòng chảy của sông Colorado gặp một núi đá lớn chắn ngang nên nó đã phải di chuyển vòng quanh trái núi này gần như một vòng tròn, tạo thành hình móng ngựa trước khi suôi về hạ nguồn.


Để ngắm được cảnh kỳ vĩ này du khách phải lội bộ một đoạn đường băng ngang sa mạc, cát lún dưới chân dài 1.5 mile tức khoảng 2.5 km hai lần đi và về đến chỗ đậu xe cạnh xa lộ 89. Vì vậy không ít người tuy đã đến đây nhưng đành ngồi lại trên xe hoặc bỏ cuộc nửa đường!

Khi lên đến nơi với độ cao 4,200 feet trên mực nước biển, nhìn xuống vực sâu 1,000 feet (khoảng trên 300m) nơi con sông uốn lượn phía dưới, vách đá lởm chởm thẳng đứng, du khách cảm thấy chóng mặt và không khỏi rờn rợn khi nhớ lại lời căn dặn của hướng dẫn viên du lịch là phải hết sức cẩn thận vì nơi đây hàng năm đều có đúng 4 người mất mạng vì xẩy chân rơi xuống vực sâu! Và cho đến hôm nay, vào cuối tháng 11 năm 2017 đã có 3 người thiệt mạng rồi, còn một người nữa không biết sẽ là ai?!!! Cầu mong cho mọi người an toàn, trở về đầy đủ!!!

Trời đã về chiều, xe lại quay trở lại Las Vegas để nghỉ đêm. Sau một ngày lặn lội với sa mạc, ai nấy mệt nhoài và chỉ lặng yên khi xe chở khách ngang qua những con đường Las Vegas về đêm. Người ta vẫn đông như chảy hội, đèn nhấp nháy trên các bảng hiệu và các sòng bài, ôi thôi thật là hấp dẫn và quyến rũ làm sao! Xe chạy thẳng về khách sạn cho khách nghỉ ngơi, để sáng hôm sau đi thăm nhà máy sản xuất kẹo chololate và vườn xương rồng đủ loại.

Ethel M Chocolates Factory và Vườn Xương Rồng


Trước khi ời Las Vegas để quay trở về Los Angeles, chúng tôi được đưa đến thăm nhà máy sản xuất kẹo chocolate của hãng Ethel M. Đây là một điểm du lịch nằm ở ngoại ô Las Vegas. Tường của nhà máy ngăn cách với phòng trưng bày và bán các sản phẩm được làm bằng kính để du khách có thể xem cách vận hành các máy móc dùng để sản xuất các loại chocolate.


Đặc biệt, trước cửa hãng là một công viên khá lớn trồng toàn các loại cây của sa mạc Nevada và còn nổi tiếng vì trang hoàng đèn rất đẹp vào ban đêm trong mùa giáng sinh. Bà cháu tôi chạy chơi vòng vòng quanh những con đường lên xuống trong vườn cây, tiếc là không phải ban đêm nên không thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của đèn hoa nhấp nháy, và sau đó lại lên xe mất đến 5 tiếng nữa mới trở lại Norwalk, một thành phố nhỏ trong biết bao nhiêu thành phố khác của vùng Los Angeles.

Trong vài ngày còn lại ở Nam Cali, chúng tôi có dịp đi thăm những thành phố núi đồi của Los Angeles. Thật bất ngờ khi khám phá ra một ngôi chùa của người Đài Loan, có thể đánh giá là một ngôi chùa mang tính cách của người Trung Hoa, lớn nhất ở vùng này. Ngôi chùa nằm trên đỉnh một ngọn đồi, phía Bắc của khu Puente Hills thuộc thành phố Hacienda Heights cuả quận hạt Los Angeles, tiểu bang California, xây dựng xong từ năm 1988.


Chùa Hsi Lai có nghĩa là đi về Hướng Tây, là một chi nhánh của Fo Guang Shan, một tổ chức Phật Giáo của Đài Loan. Tôi nhận ra nét quen thuộc của chùa Chung Mye ở Houston gần nhà, ở những hình tượng các chú tiểu xinh xinh đứng ngồi rất hồn nhiên trong vườn cây kiểng xung quanh chùa. Điểm đặc biệt thu hút du khách là bông giấy đủ màu rất đẹp, mọc thành từng bụi lớn ven rào, đã làm ngây ngất tâm hồn khách nhàn du đi vãn cảnh chùa, trước khi vào xem khu chánh điện.

Mùa Thu Cali...

Muà thu Cali, thật tình thì không rực rỡ muôn màu như mùa thu New Hampshire, hay như những mùa thu ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Thời gian còn lại ở Cali không nhiều, chúng tôi lang thang đi thăm thêm những thành phố nhỏ nằm nối tiếp nhau thuộc quận hạt Los Angeles, mỗi một thành phố hay “county” chúng tôi ghé qua đều có công viên, trong đó công viên La Mirada của thành phố La Mirada được đánh giá là có nhiều hình ảnh đa dạng nhất, vì công viên này tọa lạc trên một vùng đồi thoai thoải cạnh xa lộ Adelfa.

Đây là một khu đất rộng 76 mẫu do quận hạt Los Angeles mua để làm công viên, mục đích cho dân địa phương có chỗ thư giãn và vui chơi, nhưng cũng là điểm hấp dẫn du khách phương xa khi tới thăm Cali.


Trong công viên, vì là ngày thường nên cũng thưa thớt người vào thăm, nhưng chính sự yên lặng ấy khiến cho công viên mang lại cho khách phương xa cảm thấy đất trời của riêng ta, giữa trời cao đất rộng. Đặc biệt là đàn vịt khác nhau bơi lội trên mặt hồ, có thể được mua về và nuôi dưỡng nên khá quen với người đến thăm có mang theo thức ăn cho vịt. Có thể đất lành chim đậu, ít lâu sau lại có bao nhiêu giống chim lội nước bay về đây hợp đoàn cùng sống trong công viên an bình này. Chúng sống chung hòa bình, có vẻ không thích chiến tranh, sự bình yên ấy lan toả đến tâm hồn những ai yêu thích sự êm ả, tĩnh lặng.

Lác đác ven hồ có vài người đang thả câu chờ cá đớp mồi, thỉnh thoảng chiếc cần câu lay động tạo thành những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Cũng khó tìm ở đâu có cảnh bầy vịt sau khi no, lặn hụp kiếm ăn, bơi theo những mảng lá vàng, lá khô nổi lềnh bềnh trên mặt hồ, rồi kéo nhau lên đồi cỏ để ngủ giấc ban trưa, dưới những bóng cây cao. Những cái đầu xinh xinh dấu trong cánh để làm một giấc ngủ ngắn trong ngày, khiến tôi nghĩ đến sự nghỉ ngơi rất cần thiết cho con người. Đó chính là làm sao có được cách sống “an nhiên tự tại” với những gì giản dị, có lẽ quý hơn là tất bật, bon chen giữa dòng đời nơi “phồn hoa đô hội”.

Thế rồi chúng tôi cũng bay về Houston, giữ lại trong tim bao hình ảnh đặc biệt của tiểu bang Cali. Những nơi chúng tôi đi qua, đang bị thần Hỏa thổi ngọn lửa hung tàn thiêu rụi nhà cửa, rừng núi. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, dù nơi chúng tôi ở mùa thu rất ngắn, đã bước vào mùa Đông với cơn mưa tuyết đầu muà rất tuyệt, nhưng mùa thu Cali vẫn nằm trong tâm tưởng, qua bài thơ:

Mùa Thu Cali…

Mùa thu Cali
Không buồn nhưng lạ
Lá vàng, lá khô
Rơi trên mặt hồ
Trời hiu hiu gió
Xào xạc lá khô
Âm vang thu trước
Còn tới bây giờ
Trời thu xanh lơ
Nắng thu dìu dịu
Đi trên đồi cỏ
Thấy lòng bình yên
Mùa thu công viên
Chừng như lắng đọng
Có bầy vịt trời
Ngủ yên giấc trưa
Mùa thu êm ả
Đất trời thênh thang
Ta đi trong nắng
Nghe mùa thu sang …

Cùng viết: Nguyễn Văn Đông và Nguyên Nhung
mùa Thu 2017

Powered by Blogger.