Header Ads

Tâm Lý Mèo


Đầu năm nay, sau một chuyến đi vắng kéo dài, trở về nhà căn nhà đã bỏ không hơn một tháng liền, già Tuấn tình cờ phát hiện trong thùng giấy vụn dưới mái hiên sau nhà, có một con mèo mẹ và bốn mèo con mới sinh, còn chưa mở mắt. Mèo mẹ nhị thể, đen trắng, bốn mèo con như bốn cục bông gòn màu xám tro. Trong mấy tuần liền dường như mèo mẹ không ra khỏi thùng giấy. Già Tuấn kiểm tra nhiều lần, sáng sớm, trưa, chiều, tối, nửa khuya, lúc nào cũng thấy nó nằm trong thùng.

Bốn mèo con bụ bẫm dễ thương và rất sạch, như những em bé sơ sinh được tắm rửa thường xuyên và bôi các thứ phấn thơm, mặc dù mấy tuần liền chúng nó không hề ra khỏi thùng giấy, nghĩa là tiêu tiểu tại chỗ! Thời gian đầu mèo mẹ không cho già Tuấn sờ vào con nó, nó khè và vung tay cào nếu già Tuấn muốn chạm vào mèo con. Tuy vậy dần dần nó nhượng bộ, để cho già Tuấn thỉnh thoảng bồng con nó lên. Bốn mèo con lớn khá nhanh, bộ lông màu xám tro của chúng dần dần biến thành màu tam thể, chúng leo ra khỏi thùng và ăn giành đồ ăn của mèo mẹ. Mèo mẹ, mặc dù đói bụng, thường ngồi yên bên cạnh điã đồ ăn, khi bầy con ăn no, lê la chạy chơi chỗ khác, nó mới bắt đầu ăn.

Chẳng bao lâu sau, có lẽ tiếng lành cũng đồn xa trong cộng đồng mèo, có thêm một bà mèo mẹ và hai mèo con đến tá túc. Cả gia đình nhà mèo mới nhập cư này đều là giống nhị thể đen trắng. Từ gần hai tháng nay lại thêm vài con mèo vừa lớn vừa nhỏ nhập bọn, tổng cộng là 13 con dọn vô thường trú trong sân nhà già Tuấn. Vài chú mèo đực, chắc hẳn là những ông bố, thỉnh thoảng cũng ghé vô ăn cơm nhà với vợ con cho phải đạo, nhưng các ông bố này chỉ là khách vãng lai, các ông ăn thường xuyên ở đâu già Tuấn không biết, chủ yếu chỉ ghé qua luẩn quẩn vài tiếng đồng hồ chắc là để thăm chừng vợ con, có khi không ăn, có khi gặp bữa, ăn chút đỉnh rồi đi. Các ông bố này có một đặc điểm chung là đều khá dạn dĩ, mặc dù không cho già Tuấn chạm vào nhưng các ông đều để già Tuấn lại gần, không bỏ chạy như những con mèo đực lạ mặt khác thỉnh thoảng qua lại nơi đây (chắc là để kiếm gái). Ngoài ra các ông bố này cũng tỏ ra có giáo dục, không giành ăn với mèo mẹ và lũ mèo con. Có lẽ vì vậy các chú giữ được đám mèo mẹ, nếu cục cằn hung bạo chúng nó bỏ đi với lũ mèo đực Đài Loan, Hàn quốc, tàu phù… ở xóm mấy cụ già Á châu bên cạnh thì các chú cũng chẳng làm được gì, chỉ thiệt vào thân.

Trong số 13 con mèo có quy chế thường trú trong sân nhà già Tuấn, có hai con đặc biệt thân thiện. Đây là hai mèo con, nay đã 8 tháng tuổi, chắc đã vào tuổi teen, một con đực nhị thể trắng đen, phân biệt với những con nhị thể đen trắng khác bằng bốn bàn chân trắng, lúc nào cũng như mang vớ; và một con cái tam thể. Hai cô cậu này cho phép già Tuấn bồng lên, nựng. Cô mèo cái tam thể này có tính xấu mỗi khi già Tuấn bưng đĩa đồ ăn ra sân là nó phóng lên người, đeo bám để giành ăn trước, làm cho già Tuấn phải luôn mặc quần dài và áo tay dài, nếu không sẽ bị móng của nó cào xước da, và những lần bị như vậy thì chỉ biết tự rửa bằng thuốc sát trùng và dấu kín vì nếu bạn bè biết được họ sẽ mắng cho là đồ già dịch, ham mèo bị cào trầy da tróc vẩy là đúng rồi, còn than thở gì nữa đây?

Cũng trong số 13 con mèo thường trú này có một con ốm yếu ho hen, màu đen từ đầu đến chân, bị mẹ nó bỏ rơi, không biết con cái nhà ai. Khác hẳn sáu mèo con mập mạnh và vui vẻ vì có mẹ chăm sóc, mèo Hen này dường như có vấn đề tâm thần. Nó luôn nằm hoặc ngồi một mình, không chơi dỡn với ai, hai con mắt nó tèm nhem. Ngày hai bữa đến giờ ăn, trong khi đám mèo mẹ mèo con xúm xít chạy theo ông già về hưu, quấn vào chân (và con tam thể thì phóng lên nguời), mèo Hen nằm im ở xa xa, chờ một lúc mới rón rén bò lại ăn. Phong cách bàn ăn (table manner) của nó cũng khác đám đông: trong khi các con khác giành nhau chúi đầu vào đĩa, gầm gừ, mèo Hen lẳng lặng chui vào đám đông, nhanh chóng ngậm một miệng đầy thức ăn, rồi lủi ra một chỗ, nhè xuống đất ăn từ từ. Nếu có mèo khác mon men đến gần, nó sẵn sàng áp dụng luật “Stand the Ground” của bang chăn bò Texas (mặc dù đây là đất trồng rau và trái cây California): gừ lên, vung tay xoè móng đập liền, bất kể mèo kia lớn hay nhỏ. Rõ ràng nó tránh đám đông không phải vì nhỏ, yếu, sợ, mà vì tính nó như vậy, có thể là do bệnh cá tính nào đó (personaliy didorder, thí dụ Schizoid Personality Disorder, không thích giao du bạn bè; hoặc hội chứng Asperger Syndrome, không có khả năng và không quan tâm tới việc giao du với ai…)

Ngược với mèo Hen từ hình thức đến nội dung là con mèo Nhí Nhảnh. Con tam thể này là một trong bốn mèo con sinh ra trong thùng giấy. Nếu có ai tổ chức thi hoa hậu mèo duyên dáng hoặc mèo mẫu tuổi teen xóm này thì chắc chắn nó đoạt giải nhất. Mắt nó tròn xoe, tròng mắt màu vàng ánh cà phê sữa lạt, mặt nó một bên vàng một bên đen, chừa lại cái mũi và cái cằm trắng toát, mình nó phủ đều ba màu trắng tinh với những mảng vàng óng và đen tuyền. Cá tính nó cũng dễ thương, vui vẻ đùa dỡn với tất cả anh chị em, bè bạn; thân thiện với các con mèo lớn và với ông già về hưu, nhưng cấm không cho bồng lên. Như đã nói ở trên, trong đám mèo chỉ có hai con cho phép già Tuấn bồng chúng nó lên, những con khác vừa không cho bồng lên vừa không cho lại gần quá một sải tay. Mèo Nhí Nhảnh ở giữa hai đám này, nó giữ quyền chủ động: sẵn sàng lại gần già Tuấn, thậm chí chạy theo, quấn vào chân, nhưng đó là giới hạn, cấm không được bồng lên, sắp đụng vô mình nó  là nó phóng ra xa lập tức.

Cũng là mèo không mẹ, bị bỏ rơi, nhưng con Xám Nhạt không có một triệu chứng tâm thần nhỏ nào. Giống như những mèo con hoang bị bỏ rơi khác, khi mới bò về mảnh sân này, nó gầy ốm xác xơ, và rụt rè nhút nhát, lấp ló ở cuối sân, chờ dưới lùm cây vả, đợi đám mèo kia ăn xong mới mon men đến nhặt những viên thức ăn rơi vãi còn sót lại. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần nó đã hoàn toàn nhập bọn, ăn, ngủ, lại còn chủ động chơi dỡn chung với các bạn, và mập mạnh hẳn lên.

Có thể nói loài vật cũng có cá tính và tâm lý như loài người: đám mèo trong sân nhà già Tuấn mỗi con một tính, có con dữ, có con hiền, có con hay quạu, và đặc biệt có một con tự ái rất cao. Con này đen thui, từ đầu đến chân không có một màu lông nào khác; nó rất xấu ăn, hay đánh những con khác để giành ăn một mình. Một lần thấy nó tham lam hung dữ quá, thứ này tương lai lớn lên có làm tới lãnh tụ cũng chỉ biết tham nhũng thối nát ăn cho cố thôi không ích lợi gì cho đồng bào mèo của nó; già Tuấn bực mình gừ lên và đập cái ly bằng móp đang có sẵn trong tay (dùng để múc thức ăn ra khỏi bao bì) lên đầu nó. Có vậy thôi, có đau đớn gì đâu mà nó giận không thèm ăn mấy ngày liền! Đến bữa, nó ngồi xa xa, mặc cho đám đông nhào vô ăn. Vài ngày sau nó mới ăn trở lại và tất nhiên tính nào tật nấy, không phải dễ thay đổi (người cũng y như vậy, đúng không thưa quý vị độc giả?)

Dù mỗi con một cá tính, chúng đều giống nhau ở điểm quyến luyến người nuôi. Suốt ngày chúng quanh quẩn ở sân sau, ngủ, chơi đùa, ngày hai cữ kéo đến ngồi một bầy sát cửa bước ra sân chờ được cho ăn; ăn xong thì cả đám không ai bảo ai, tự động ngồi liếm tay, lau mặt rất sạch sẽ; rồi lại ngủ, hoặc chạy chơi khắp sân vườn, kiếm ra cái gì của ông chủ phá được thì cào, cắn, phá nát ra; cái gì không phá được thì tè vào, đi vệ sinh vào. Mỗi khi già Tuấn đi khỏi nhà chúng lần lượt rủ nhau ra sân trước nằm, ngồi dưới dàn cây bông giấy chờ đến khi già Tuấn về mới lũ lượt chạy theo vào sân sau. Dễ thương như vậy ai nỡ đuổi đi? Chính vì vậy, mặc dù bạn bè của già Tuấn ai đến chơi cũng hỏi tại sao cho nó ăn làm chi nó kéo đến đầy nhà cho coi. Các bạn xem TV thỉnh thoảng thấy chiếu những ông bà cụ nuôi hàng trăm con mèo hoang, đến nỗi bị chúng nó chiếm luôn nhà nên lo sợ cho già Tuấn. Đây là những người có vấn đề tâm thần (animal hoarder, thuộc nhóm bệnh Hành vi Ám ảnh Obsessive Compulsive Disorder, thí dụ sợ vi trùng, rửa tay hàng mấy chục lần một ngày…) Tuy nhiên vì già Tuấn chủ động giữ nguyên lượng thức ăn cố định nên bà con mèo hoang không kéo đến thêm. Ấy là tình trạng hiện nay, mai mốt đây mấy cô cậu mèo tuổi teen này lớn thêm chút nữa, bắt đầu biết mèo mỡ, có bầu có bì thì chưa biết sẽ ra sao.

Trần Đình Tuấn
(San Jose, CA, 8/2012)


Powered by Blogger.