Header Ads

Người Gảy Đàn ở Thành Thăng Long - Long Thành Cầm Giả



Long Thành cầm giả

Long thành giai nhân
Bất ký danh tự
Ðộc thiện huyền cầm
Cử thành chi nhơn dĩ Cầm danh
Học đắc tiên triều cung trung Cung Phụng khúc
Tự thị thiên thượng nhơn gian đệ nhất thanh
Dư tại thiếu niên tằng nhứt kiến
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
Thử thời tam thất chánh phương niên
Xuân phong yểm ánh đào hoa diện
Ðà nhan hám thái tối nghi nhơn
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
Hoãn như luơng phong độ tùng lâm
Thanh như chích hạc minh tại âm
Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái phích lịch
Ai như Trang Tích bịnh trung vi Việt ngâm
Thính giả mỹ mỹ bất tri quyện
Tận thị Trung Hòa Ðại Nội âm
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri hiểu
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng công hầu
Ngũ lăng niên thiếu bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoán thủ Trường an vô giá bảo
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long Thành bất phục kiên (kiến)
Hà huống thành trung ca vũ diên
Tuyên phủ sứ quân vị dư trùng mãi tiếu
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
Tịch mạt nhứt nhơn phát bán hoa
Nhan xú thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn my bất sức trang
Thùy tri tiện thị đương niên thành trung đệ nhứt điệu
Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ hồ biên tằng kiến chi
Thành quách suy di nhơn sự cải
Kỷ độ tang điền biến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp nhứt đán tận tiêu vong
Ca vũ không lưu nhứt nhơn tại
Thuấn tức bách niên tằng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y
Nam hà quy lai đầu tận bạch
Quái để giai nhơn nhan sắc suy
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri.

Nguyễn Du
(Bắc Hành Tạp Lục - Những ghi chép trong khi đi xứ)
Người Gảy Đàn Ở Thành Thăng Long

Người đâu, tên họ là chi?
Giỏi đàn họ Nguyễn cầm thi tuyệt vời,
Chữ Cầm đem đặt cho người,
Học bài Cung Phụng từ thời vua xưa.
Đất trời không sánh cho vừa,
Thưở xưa ta đã gặp qua một lần.
Bên hồ dạ tiệc thanh tân,
Hai mươi mốt tuổi khoảng chừng thế thôi.
Áo hồng bên mặt hoa cười,
Má hừng chút rượu vẻ người ngây thơ.
Năm cung réo rắt dây tơ,
Tiếng khoan như gió thoảng qua thông ngàn.
Tiếng trong như hạc kêu vang,
Tiếng lạnh như sét đánh tan bia đề.
Tiếng buồn như lạc cơn mê,
Khiến người nghe cũng say mê chẳng ngừng.
Trung Hòa đại nội khúc đàn,
Quan Tây Sơn cũng theo đàn đảo điên.
Cuộc vui không chán thâu đêm,
Ai ai cũng rải thêm tiền thưởng ban.
Bạc tiền như thể đất bùn,
Hào hoa ý khí còn hơn vương hầu.
Ngũ Lăng chẳng thấm vào đâu,
Cung xuân mỹ nữ cũng đâu sánh bằng.
Người vô giá đất Trường An,
Hai mươi năm đã vụt tan bàng hoàng.
Sau Tây Sơn ta vào Nam,
Thăng Long gang tấc không lần viếng thăm.
Huống hồ múa hát bên trong,
Quan Tuyên Phủ cũng lấy lòng cuộc vui.
Ca nhi trẻ tuổi bao người,
Nơi kia cuối chiếu có người hoa râm.
Mặt gầy bé nhỏ tấm thân,
Đôi mày phờ phạc chẳng cần điểm trang.
Danh kỹ xưa, ai nhớ nàng?
Ta đành nuốt lệ theo đàn ngân vang.
Tai nghe mà dạ xốn xang,
Xót sa nhớ lại chuyện nàng năm xưa.
Hai mươi năm cũ bên hồ,
Bây giờ thành quách cơ đồ đổi thay.
Nương dâu hóa biển là đây,
Tây Sơn cơ nghiệp lúc này tiêu tan.
Người xưa còn một mình nàng,
Trăm năm chớp mắt ánh vàng vụt qua.
Thương người nhỏ lệ xót sa,
Từ Nam trở lại, tóc đà bạc phau.
Trách chi sắc chẳng phai màu,
Người xưa giáp mặt khác nào chưa quen!

Bùi Phạm Thành
(10/31/2012)

Tiểu dẫn của tác giả (sưu tầm trên Internet): 

Người gảy đàn đất Long Thành không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học đàn Nguyễn (đàn nguyệt ca do Nguyễn Hàm, người đời Tấn ở Trung Quốc chế ra) trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ người chết, kẻ bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ ôm đàn hát rong. Những bài nàng gãy đều là những khúc cung phụng gãy cho vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời. 

Hồi còn trẻ (1792-1793?), tôi đến kinh đô thăm anh tôi (Nguyễn Nễ), ở trọ gần Giám hồ (hồ Gương). Cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến vài chục người. Nàng nỗi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo nói khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống hết ngay, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán giô, mặt gẫy, không đẹp lắm, nhưng mước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn cũng không cảm thương gì người say rượu. 

Sau đó vài năm, tôi rời nhà về Nam (Thái Bình), mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa Xuân năm nay (1813) tôi lại phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp. 

Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi, không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau, để ghi lại mối cảm hứng.

Powered by Blogger.